Người chỉ huy tài năng, bình dị, nghĩa tình

Thứ Bảy, 29/10/2022 00:45

. NGUYỄN HỘI
 

Người dân biên giới huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An thường gọi ông là bác Út Dân một cách thân tình, trìu mến. Những người trong dòng họ bên ngoại vẫn gọi ông là dượng Ba Dân. Bởi vì, như vậy là gọi theo thứ tự bên vợ ông, dì Ba Hà. Còn với những người lính Biên phòng chúng tôi, bác chính là Nguyễn Minh Dân, nguyên Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, nguyên Trung đoàn trưởng Công an vũ trang (Nay là Bộ đội Biên phòng) nổi tiếng tài năng trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Tác giả bài viết và nhân vật

Tham gia cách mạng từ khi còn niên thiếu

Ông sinh năm 1940, tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, một vùng đất địa linh, nhân kiệt và có truyền thống đấu tranh cách mạng từ rất sớm. Ngay từ những năm 1927, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đã phát triển đến Đức Hoà. Tháng 8/1929, chi bộ An Nam Cộng sản đảng đầu tiên (một trong ba tổ chức hợp thành Đảng Cộng sản Việt Nam) được đồng chí Võ Văn Tần thành lập tại đây và hoạt động rất tích cực. Đỉnh cao trong phong trào cách mạng là cuộc biểu tình của khoảng 5000 người tại ngã tư Đức Hoà, ngày 4/6/1930 do đồng chí Châu Văn Liêm - Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Huyện ủy Đức Hoà lãnh đạo, đã gây tiếng vang rất lớn thời bấy giờ, đây cũng là một “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng miền Nam.

Ông Nguyễn Văn Chì, cha ông là người đã tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương từ những ngày đầu trứng nước. Mới hơn mười tuổi, ông Nguyễn Minh Dân đã theo cha đi tham gia các cuộc biểu tình, mít tinh ở Sò Đo, Hậu Nghĩa. Và khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, một chính quyền cách mạng nửa bí mật được thành lập, tồn tại song song với chính quyền Việt Nam cộng hoà. Cha ông được giao nhiệm vụ làm trưởng ban kinh tài xã Tân Mỹ, huyện Đức Hoà. Khi ấy, cậu thiếu niên bé nhỏ Nguyễn Minh Dân được giao nhiệm vụ canh gác mỗi khi cha làm việc hay hội họp cùng các đồng chí tại nhà riêng.

Từ những bài giảng về lịch sử đấu tranh cách mạng của thày giáo trường làng và những lần tham gia bảo vệ các cuộc hội họp, các buổi mít tinh ở Đức Hoà, cậu bé Nguyễn Minh Dân đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm phá bỏ những nội dung của Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng càn quét các tổ chức cách mạng của ta. Cậu học trò lớp bảy Nguyễn Minh Dân đã bỏ lại giấc mơ trở thành thày giáo để tham gia lực lượng du kích xã.

Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1956 đến 1960, ông hoạt động tích cực với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Với phương châm cách mạng ở miền Nam thời bấy giờ “ban ngày là nó ban đêm là mình”, ông tham gia cùng lực lượng du kích xã Tân Mỹ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về con đường cách mạng thống nhất nước nhà, hỗ trợ cho chính quyền đấu tranh chính trị và quấy rối trị an chính quyền Mỹ Diệm, “Diệt ác phá kìm”. Có nhiều lúc anh du kích Nguyễn Minh Dân còn làm nhiệm vụ giao liên, tải thương, tiếp đạn cho bộ đội địa phương chống càn. Dù bất cứ nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành một cách xuất sắc.

Ông Nguyễn Minh Dân (thứ hai từ trái sang) cùng các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa

Ba mươi năm trận mạc

Năm 1960, khi phong trào Đồng khởi lan rộng khắp miền Nam. Trong bầu không khí sôi sục đấu tranh cách mạng, nghe lời cha, ông xung phong tham gia bộ đội địa phương quân huyện Đức Hoà. Khi này quân số của cả đơn vị mới vỏn vẹn chỉ có 31 người, phần đông là những thanh niên ưu tú ở địa phương, trưởng thành từ du kích xã. Trong những ngày đầu nhập ngũ, ông tích cực tham gia huấn luyện, cùng đơn vị chiến đấu hăng hái, dũng cảm. Cuối năm 1962, trong một trận đánh giáp lá cà, ông trực tiếp tiêu diệt nhiều tên địch và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ngụy”.

Tháng 3 năm 1963, lực lượng địa phương quân huyện Đức Hoà phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia tác chiến “công đồn đả viện”, đánh vào trung tâm huấn luyện của Mỹ ở Hiệp Hoà, Đức Hoà. Trong trận đánh này, bộ đội chủ lực tấn công chính diện vào trại lính địch, tiêu diệt hàng chục tên Mỹ, nguỵ. Riêng đơn vị địa phương quân huyện Đức Hoà đảm nhiệm bộ phận đánh địch rút chạy. Chính ông Nguyễn Minh Dân đã cùng đồng đội bắt sống 4 tên lính Mỹ và nhiều tên ngụy khác. Kết thúc trận đánh toàn thắng, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tổ công tác áp giải 4 tên lính Mỹ về Khu 8 (tức Quân khu 8), hiện đang đứng chân tại khu vực Ba Thu, huyện Chăn Tria, tỉnh Svay riêng, Campuchia, giáp vùng vành đai trắng Đức Huệ.

Phụ trách bảo vệ an ninh của khu ủy Khu 8 lúc bấy giờ là ông Năm Trà nhận thấy Nguyễn Minh Dân là một người lính gan dạ, trầm tĩnh và cẩn trọng nên đã quyết định giữ ông lại công tác ở đơn vị an ninh vũ trang bảo vệ Khu 8. Trong suốt hơn mười năm làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, ông Nguyễn Minh Dân đã cùng đồng đội đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật cho các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy khu ủy Khu 8 thường xuyên di chuyển hoạt động trên một địa bàn rộng lớn, bao gồm các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong (Đồng Tháp ngày nay), Bến Tre, Tiền Giang, An Giang và nhiều khi hoạt động cả sang đất nước chùa tháp Campuchia.

Ngày 15/5/1975, ông Nguyễn Minh Dân khi ấy là Trung uý, Đại đội bậc phó phụ trách C115, Công an Vũ trang Khu 8 về tiếp quản thị xã Mỹ Tho. 5 tháng sau, khi tình hình trị an của thị xã Mỹ Tho tạm ổn, ông được cấp trên điều động về Sài Gòn đảm nhiệm cương vị Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam. Đây là thời kỳ mà các cơ quan đảng, chính quyền của ta đang từng bước tiếp quản, thiết lập lại bộ máy hành chính từ tay chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Nhiều thành phần phản động, bọn tàn quân chế độ cũ lén lút chống phá ta. Chúng dùng súng ná, nạng thun, súng bắn đạn các loại, kể cả súng phóng lựu M79 tấn công vào các mục tiêu trọng yếu, các cơ quan đảng, chính quyền nhằm trả thù và phá hoại cách mạng. Đại đội Công an vũ trang do ông Nguyễn Minh Dân phụ trách được giao nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan quan trọng trong toàn bộ khu vực Quận 1, trung tâm Thành phố Sài Gòn. Nhiều lần anh em trong Đại đội đi tuần ban đêm bị bọn chúng bắn đạn cao su bị thương nhưng vẫn quyết tâm bảo vệ an toàn các mục tiêu đảm nhiệm.

Ngay sau khi ta giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ngày 3/5/1975, bọn Pol Pot - Iêng Xari đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc. Sau đó chúng liên tục sử dụng lực lượng vũ trang tấn công vào các đơn vị của ta, di dời cột mốc biên giới, quấy nhiễu nhân dân. Tình hình mỗi lúc càng thêm căng thẳng, từ đêm 30/4/1977, bọn chúng ồ ạt tiến công vào 13 đồn Biên phòng, 14 trong tổng số 16 xã dọc biên giới tỉnh An Giang (từ Vĩnh Gia tới Vĩnh Xương) chính thức công khai phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 18/4/1978 đến ngày 30/4/1978, quân Khmer Đỏ gây ra vụ thảm sát Ba Chúc, đã giết chết 3.157 dân thường vô tội, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Ngay sau sự kiện này, Đại đội 2 do ông Nguyễn Minh Dân phụ trách được cấp trên điều động tham gia thành lập Trung đoàn 4, Công an vũ trang hoạt động trên vùng Bảy Núi, An Giang, trực tiếp phụ trách địa bàn Ba Chúc. Ngay sau khi tiếp cận địa bàn, đơn vị ông Nguyễn Minh Dân đã đánh lui nhiều đợt tiến quân của bọn Khmer Đỏ. Một số đơn vị của chúng nằm dọc phía bên kia kênh Vĩnh Tế bị đơn vị của ông tập kích, bắn tỉa tổn thất nặng nề buộc phải rút chạy sâu vào trong nội địa Campuchia.

Cuối tháng 12/1978, ông Nguyễn Minh Dân được điều động giữ chức vụ Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 416 Công an vũ trang hành quân sang chiến trường Campuchia. Không lâu sau đó ông được bổ nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng khi liên tiếp chỉ huy đơn vị giành thắng lợi trong nhiều trận đánh lớn. Giữa năm 1981, trong một lần cùng trinh sát đơn vị đi nghiên cứu thực địa, ông cùng đồng đội đụng phải ổ phục kích của địch. Bằng khả năng chiến đấu mưu trí, linh hoạt, kinh nghiệm chiến trường dày dạn, ông đã chỉ huy tổ công tác tiêu diệt gọn ổ phục kích của địch. Tuy nhiên, cũng trong trận đánh này ông bị thương và trở thành thương binh.

Sau khi đảm bảo yếu tố bí mật, trinh sát thực địa kỹ lưỡng, lên sa bàn trận đánh khoa học, tỉ mỉ và chỉ huy trận đánh táo bạo, mặc dù bị thương, ông Nguyễn Minh Dân vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Bai Lin, thuộc tỉnh Battambang. Từ đó, tên tuổi Nguyễn Minh Dân nổi tiếng khắp chiến trường, là nỗi khiếp sợ của quân Khmer Đỏ. Tháng 9/1983, ông được cử ra Hà Nội học trường Trung cao Biên phòng.

Sau 6 tháng hoàn thành khoá học, ông trở về Trung đoàn 689 giữ vị trí Trung đoàn trưởng.

Đầu năm 1985, ông Nguyễn Minh Dân được điều sang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 688 Biên phòng thay thế cho đồng chí nguyên Trung đoàn trưởng bị thương phải phải đưa về tuyến sau điều trị.

Giữa năm 1985, đơn vị do ông Nguyễn Minh Dân phụ trách thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ hồ Ăm Pil. Đây là căn cứ đã diễn ra trận đánh ác liệt của Trung đoàn 174 với địch ngày 13/3/1980. Lần này, ta có nhiệm vụ tiêu diệt hoàn toàn quân Pol Pot để giao lại cho chính quyền cách mạng Campuchia. Trên vùng biên giới tiếp giáp giữa Campuchia và Thái Lan, một bên là đồng bằng phì nhiêu màu mỡ do lượng phù sa của hồ nước ngọt rộng lớn bồi đắp, một bên là núi rừng hiểm trở. Lực lượng của ta chia thành nhiều mũi, hướng tiến công vào căn cứ địch. Chưa đầy 3 ngày chiến đấu ta đã xoá sổ hoàn toàn căn cứ địch. Khoảng ba mươi tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, số còn lại chạy thục mạng sang biên giới Thái Lan ẩn náu.

Cũng sau trận đánh lịch sử này, năm 1986, ông Nguyễn Minh Dân bàn giao lại nhiệm vụ Trung đoàn trưởng 688 cho ông Tăng Huệ (người sau này đã phát triển lên vị trí Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (2005 - 2008) về nước công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, được thăng quân hàm Trung tá, giữ chức Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng cho đến giữa năm 1988. Sau đó ông tiếp tục được điều động giữ chức Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An. Cho đến đầu năm 1991, vì lý do sức khỏe, ông Nguyễn Minh Dân nghỉ hưu theo chế độ quy định, khép lại hành trình 30 năm chiến đấu trên khắp các chiến trường.

Ông Nguyễn Minh Dân cùng gia đình

Cuộc sống đời thường bình dị, nghĩa tình

Ông Nguyễn Minh Dân có một mối tình đẹp như chuyện cổ tích với bà Trương Thị Hà, người con gái vùng biên giới Vĩnh Hưng nổi tiếng xinh đẹp một thời. Hồi đó bà Hà làm nhiệm vụ giao liên giữa các đơn vị bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và giữa các đơn vị trong nước với các đơn vị đóng quân trên đất Campuchia. Ông bà gặp nhau trong một lần ông Dân đi công tác sang Campuchia, khi ấy ông còn đang là chiến sĩ bảo vệ khu ủy Khu 8. Vì nhiệm vụ gấp nên hai người chỉ kịp trao đổi kí tín ám hiệu, bà Hà dẫn đoàn công tác của ông vượt qua biên giới xong rồi, chưa kịp biết tên nhau. Lần thứ hai cũng trong một chuyến công tác ông bà gặp lại nhau. Lần này đoàn công tác của ông Nguyễn Minh Dân có thời gian dừng lại ăn cơm ở trạm giao liên. Thấy áo của ông bị rách, bà Hà đã ngỏ ý được vá lại dùm. Hành động tưởng chừng đơn giản của bà đã gieo trong lòng ông một sự xúc động mãnh liệt. Bởi vì hơn mười năm xa gia đình đi chiến đấu, ông chưa lần nào được đón nhận một tình cảm yêu thương, trìu mến như vậy. Thế rồi sau vài lần gặp gỡ, hai người thương nhau từ lúc nào không biết.

Một ngày tạm yên tiếng súng năm 1973, trên căn cứ Bến Phố (nay là khu vực đóng quân của Đồn Biên phòng Bến Phố, tỉnh Long An), dưới sự chứng kiến của chỉ huy hai đơn vị, ông bà nên duyên vợ chồng. Nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, cưới nhau xong ông lại phải theo đơn vị hành quân về miền Tây Nam Bộ. Sau đó là chuỗi ngày xa cách khi ông đi biền biệt khắp các chiến trường. Kể từ khi ông sang chiến trường Campuchia, ông bà không có thời gian gặp lại nhau. Để rồi khi ông hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về thì cả ông và bà đã đầu hai thứ tóc.

Trở về bên người bạn đời đã dành hết tuổi thanh xuân trong nhớ mong thương nhớ, ông bà dành hết tâm huyết vào việc phát triển kinh kế gia đình. Để rồi không lâu sau đó họ đã có một cơ ngơi khang trang, bề thế với hàng chục héc ta ruộng lúa tươi tốt. Năm 2005, ông tiếp tục được địa phương tín nhiệm mời tham gia Ban chấp hành Đảng bộ xã và được bầu giữ chức vụ Bí thư đảng uỷ. Sau khi hết nhiệm kỳ, ông tiếp tục tham gia hội khuyến học ở địa phương. Qua tiếng nói uy tín và lòng nhiệt thành của ông mà Hội khuyến học xã Hưng Điền A đã vận động được hàng trăm triệu đồng, hàng vạn cuốn tập sách cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Với con cháu trong gia đình, dòng họ, ông luôn là một người cha, người ông, người bác đầy tình yêu thương, gần gũi nhưng cũng hết sức nghiêm nghị, luôn chỉ bảo cho con cháu những lời hay, việc làm thiết thực. Còn với những dân trong vùng, ông Nguyễn Minh Dân luôn được mọi người kính trọng và quý mến bởi đức tính khoan hoà, bình dị, nghĩa tình của ông. Ai gặp khó khăn, nếu biết ông đều tìm cách giúp đỡ, khi thì vài chục ký gạo, khi thì cái xe đạp cho con em đi học. Với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông báo cáo các cấp chính quyền, kêu gọi các nhà hảo tâm vận động xây nhà tình thương, ủng hộ kinh phí chữa bệnh, ma chay. Còn riêng với anh em Biên phòng chúng tôi, ông vừa như một người chỉ huy, vừa như một người cha luôn ân cần nhắc nhở từng lời ăn, tiếng nói. Nghe lời ông dạy, được ở bên ông, chúng tôi càng thấy thấm thía hơn về vinh dự và trách nhiệm của người lính Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và trong công cuộc xây dựng, phát triển vùng biên giới hôm nay.

N.H

VNQD
Thống kê