Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 941 (cuối tháng 5/2020)

Thứ Sáu, 15/05/2020 09:20

“Người mà năng lượng cảm hứng lao động sáng tạo giàu có như Nguyễn Quang Thiều kể cũng không nhiều. Mỗi lần nhìn ông, nghe ông, đặc biệt là đọc ông, tôi như được kích hoạt tiếp truyền cái nguồn năng lượng cảm hứng ấy. Tư duy, suy tư, đắm si và/để lao động sáng tạo là cách ông hiện diện giữa cuộc đời, cũng là cách ông tạ ơn cuộc đời. Với ông, đời sống là một kho báu chứa đựng tất cả vẻ đẹp, bí ẩn và phép màu, chỉ đợi nhà văn bước đến mở ra. Ông ước mình một ngày có 48 tiếng để đọc, viết, vẽ…, với tham vọng có thể chạm được vào vẻ đẹp tối thượng của đời sống này”.

Đó là lời dẫn vào bài trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều do nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa thực hiện. Bài trò chuyện với tiêu đề Hãy lao vào đại dương cảm xúc và những ý tưởng đang tung sóng tâm hồn sẽ mở đầu tạp chí VNQĐ số 941.

Phần Văn xuôi có các truyện ngắn Mưa ở bến Nguyệt Hàn của Nguyễn Phú, Nước mắm của Đỗ Qúy Dân, Bồ đoàn đỏ của An Thư; ghi chép Lính biển và tôi của Phan Mai Hương; kí ức lính Mưa trên cánh đồng À Na Cút của Trần Phương.

Mưa ở bến Nguyệt Hàn mở ra một hướng nhìn khác, một cách tiếp cận khác về tích Lưu Bình - Dương Lễ xưa. Tráng, nhân vật trung tâm của truyện là người đã đem lòng yêu Châu Long từ thuở thiếu thời, tình yêu ấy cũng được nàng đáp lại nhưng sự sắp đặt của gia đình nàng đã mở ra những bi kịch. Một người tôn thờ tình yêu, chết vì tình yêu; một người vì trách nhiệm, vì đức hạnh mà hi sinh những khao khát tươi trẻ… Truyện là cái “nhìn lại” về quá khứ, gợi nhiều suy ngẫm.

Nước mắm là câu chuyện ám ảnh về thân phận con người. Ai cũng có quá khứ, quá khứ luôn là điều mà con người khó có thể rũ bỏ, cho dù đó là quá khứ đau đớn, tủi nhục, bẽ bàng… Mỗi người sẽ chọn đối diện với quá khứ theo cách khác nhau. Nhân vật Mắm trong truyện đã chọn đứng lên từ quá khứ đau buồn, lấy đó làm nguồn sống, làm sức mạnh. Nhưng điều đó không dễ dàng khi những người thân yêu nhất của cô lại muốn lánh xa, chôn vùi quá khứ ấy. Có những vết thương không bao giờ lành. Có những mùi hương không bao giờ phai. Có những nỗi ám ảnh không bao giờ xóa được…

Bồ đoàn đỏ hấp dẫn bạn đọc bởi sự liêu trai, huyền hoặc. Tình yêu thời hiện tại của Lam và Thành được đặt vào không gian u tịch, xưa cũ của dòng tộc, gia đình Thành. Những giấc mơ của người con gái mới về nhà chồng, sự bí ẩn khó hiểu của những thành viên trong gia đình Thành, những mâu thuẫn của cặp vợ chồng trẻ…, tất cả là gợi dẫn để câu chuyện xa xưa hé lộ. Những thân phận, những kiếp người tưởng đã bị lãng quên trong thăm thẳm bóng tối của thời gian, lịch sử lại hiện về. Lam đã tìm câu trả lời cho những cố chấp/ cố hữu của Thành? Đó là câu trả lời cho những tăm tối của con người hay còn điều gì nữa…

Phần Thơ có sự góp mặt của các nhà thơ quen thuộc: Trịnh Công Lộc, Trần Quang Qúy, Lê Thành Nghị, Bùi Kim Anh, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Thị Thùy Linh, Đinh Ngọc Diệp, Nguyễn Trường Thọ, Kiều Maily, Đào Quốc Minh... Những không gian văn hóa, lịch sử sẽ được mở ra trong thơ từ mọi góc nhìn, mọi chiều kích. Những vẻ đẹp, những ẩn khuất của đời sống ở các khía cạnh của tình yêu, gia đình, xã hội với những vui, buồn, quá vãng, giấc mơ, xao động… cũng là nguồn chất liệu bất tận cho thơ. Qua thi phẩm của mình, người viết đã cho thấy khát vọng được chạm sâu vào những miền-thăm-thẳm của mọi đề tài nhằm sáng tạo nên một đời sống khác.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Người uống giấc mơ của Nguyễn Thị Kim Nhung, giới thiệu về thi tập Phơi riêng tư của Nguyệt Phạm cùng chùm thơ ấn tượng của chị.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Môn gôn và ngài quý tộc của nhà văn Nhật Bản Takashi Atoda, người được biết đến là tác giả của hơn 40 tập truyện ngắn, được trao giải thưởng văn học Naobi Prize và Mystery Writer’s Association of Japan. Takashi Atoda từng là Chủ tịch Hội Văn bút Nhật Bản (PEN) từ 2007 - 2011. Môn gôn và ngài quý tộc do Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ bản tiếng Anh.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Phan Thị Thu Hiền, Trần Đình Sử, Hiền Đỗ, Nguyễn Văn Hùng, Trần Danh Cự, Thu Sang.

Việt Nam là một dân tộc yêu văn học và có di sản văn học giàu có, nhiều ý nghĩa. Một số nhà nghiên cứu đã có những suy nghĩ bước đầu về hướng khai thác nguồn tài nguyên này cho du lịch, tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống. Bài viết Du lịch văn học với việc bảo tồn, phát huy di sản Nguyễn Du sẽ đưa ra những gợi dẫn về vấn đề này.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ được tiếp cận với những bài nghiên cứu, bình luận sâu sắc, thú vị. Thân phận và diện mạo Đỗ Đức Hiểu cho ta hiểu thêm về một nhà nghiên cứu văn học với những lao động thầm lặng; Sách ấn bản đặc biệt - thú chơi văn hóa là cách nhìn của một nhà báo trẻ đam mê sách bàn về thú chơi sách; Bản khảo trạng nội tâm nhằm xác lập nhân vị đàn bà là một cách đọc nhiều chiêm nghiệm về cuốn sách Đắng ngọt đàn bà của nhà văn Nguyễn Thị Lê Na; "Hoa chiềng gai" với những người trong cuộc là bài viết sống động về những nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Lê Hải Triều; Đỗ Khải và những bức tranh sen là một nghiên cứu, khám phá về hội họa của họa sĩ Đỗ Khải.

Tạp chí VNQĐ số 941 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 20/5/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Hoàng Đăng Khoa

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hãy lao vào đại dương

cảm xúc và những ý tưởng đang tung sóng tâm hồn

Nguyễn Phú

Mưa ở bến Nguyệt Hàn

Phan Mai Hương

Lính biển và tôi

Trần Phương

Mưa trên đồng À Na Cút

Đỗ Quý Dân

Nước mắm

An Thư

Bồ đoàn đỏ

 

Thơ

Trịnh Công Lộc

Hải Phòng đón mặt trời từ biển

Nguyễn Trường Thọ

Nhói cùng cao xanh; Áo tơi

Lê Thành Nghị

Nhớ một lần về quê; Buồm và gió; Đêm Vĩnh Yên

Đinh Thị Như Thúy

Phố của những con đường ven biển;

Ngày mùa mưa có nắng ấm ban mai; Một ánh sáng

Đinh Ngọc Diệp

Lạch Bạng, đêm…; Chốn cũ

Nguyễn Thị Thùy Linh

Quét chùa buổi sớm; Phép thiêng

Nguyễn Thị Kim Nhung

Người uống giấc mơ (đọc Phơi riêng tư của Nguyệt Phạm)

Trần Quang Quý

Mỗi ngày; Giai điệu loa kèn; Bên kia giấc mơ

Bùi Kim Anh

Đám mây; Từ nơi không rõ trở về;

Hôm nay kể bằng giọng nghe thật lạ

Đào Quốc Minh

Bầu trời và hạt cát; Hương giang

Kiều MaiLy

Ninh Chữ mùa gió nổi; Em không muốn xa anh

 

Văn học nước ngoài

Takashi Atoda (Nhật Bản)

Môn gôn và ngài quý tộc (Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ bản tiếng Anh)

 

Bình luận văn nghệ

Phan Thị Thu Hiền

Du lịch văn học với việc bảo tồn, phát huy di sản Nguyễn Du

Trần Đình Sử

Thân phận và diện mạo Đỗ Đức Hiểu

Hiền Đỗ

Sách ấn bản đặc biệt - thú chơi văn hóa

Nguyễn Văn Hùng

Bản khảo trạng nội tâm nhằm xác lập nhân vị đàn bà

Trần Danh Cự

Hoa chiềng gai với những người trong cuộc

Thu Sang

Đỗ Khải và những bức tranh sen

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Cô gái với đàn guitar  - Tranh: Lê Anh

Minh họa: Nguyễn Vân Chung, Hải Kiên, Nguyễn Đăng Phú, Lê Huy Quang, Đặng Tiến,

Vũ Đình Tuấn, PV.

VNQD
Thống kê