Dòng chảy  Văn nghệ

Các vấn đề toàn cầu và những cách nhìn nhận địa phương

Thứ Sáu, 31/05/2019 15:44

Nhân dịp ra mắt Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế, thuộc Đại học Thái Bình Dương, sáng ngày 31/5/2019, tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (49 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra buổi thuyết trình của tiến sĩ Lisa Stenmark đến từ San Jose State University với chủ đề “Các vấn đề toàn cầu và những cách nhìn nhận địa phương - người Việt suy nghĩ cùng Arendt”; người phiên dịch là thạc sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.  

Diễn giả và dịch giả tại sự kiện

Hannah Arendt (1906 - 1975) là một triết gia người Mĩ gốc Đức, một trong những học giả có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong bộ môn khoa học chính trị trong thế kỉ XX. Bà sinh ra trong một gia đình Do Thái Đức, bị buộc phải rời khỏi Đức vào năm 1933 và sống tại Pháp trong tám năm tiếp theo. Năm 1941 bà di cư đến Mĩ và tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học của nước này cho đến khi qua đời năm 1975. Triết học của Hannah Arendt rất phong phú, đa dạng. Tên bà đã được lấy để đặt cho một giải thưởng mang tầm quốc tế về lĩnh vực tư tưởng chính trị.

Triết gia Hannah Arendt năm 1944 tại Mĩ (nguồn ảnh: Internet)  

Tại buổi thuyết trình, tiến sĩ Lisa Stenmark đã cung cấp cho cử toạ những vấn đề cốt lõi trong tư tưởng triết học của Hannah Arendt, xoay quanh chủ đề mà bà quan tâm: “Các vấn đề toàn cầu và những cách nhìn nhận địa phương”.

Theo đó, các công nghệ truyền thông và giao thông đã đưa thế giới xích lại gần nhau hơn đến mức mà, như Hannah Arendt từng viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các dân tộc trên trái đất đều chia sẻ hiện tại chung”. Hiện-tại-chung này có thể dẫn đến một tương lai chung, khi chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề không thể giải quyết bởi một cộng đồng, hoặc thậm chí một quốc gia, mà phải được giải quyết bởi toàn thể nhân loại. Thật không may, khi chúng ta cùng chia sẻ một hiện tại và, có thể, một tương lai, nhưng không chia sẻ quá khứ, đồng nghĩa với việc không có lịch sử chung hoặc khuôn khổ chung để hiểu và phản hồi với những vấn đề này. Một trong những giải pháp cho vấn đề trên là tạo ra một “nền văn hóa toàn cầu”, cùng với nền kinh tế toàn cầu và quản trị toàn cầu. Nhưng điều này sẽ không giúp chúng ta giải quyết các vấn đề của-mình, bởi vì một nền “văn hóa toàn cầu” sẽ tước đi của chúng ta viễn tượng có tính đa bội cần thiết để giải quyết một cách sáng tạo các cuộc khủng hoảng hiện tại.

Một ý tưởng thay thế cho ý tưởng về văn hóa toàn cầu này nằm trong các tác phẩm của Hannah Arendt. Bà cho rằng thế giới hiện đại đang mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm và thách thức mà lối suy nghĩ truyền thống không thể mô tả và vì thế không thể hướng dẫn chúng ta quyết định cách ứng phó với vấn đề.

Theo Arendt, giải pháp cho vấn đề này là phải đón nhận một quan điểm đứng bên ngoài bất kì truyền thống đặc thù nào (a position outside of any particular tradition). Kinh nghiệm về việc đứng bên ngoài bất kì nền văn hóa hay truyền thống đặc thù nào thì thường không có định hướng, nhưng đó cũng là một giải pháp có thể mở ra cho chúng ta những cái nhìn thấu suốt có tính sáng tạo, cho phép chúng ta cùng lúc nhìn thế giới từ nhiều góc độ khác nhau - một kĩ thuật mà Hannah Arendt đã khám phá thông qua “khái niệm kể chuyện” (the concept of storytelling). Do đó, Arendt cung cấp một cách để đối mặt với những thách thức của toàn cầu hóa và khả thể của một hình thái công dân toàn cầu, không đòi hỏi một nền văn hóa toàn cầu, mà hợp tác chặt chẽ trong và giữa các nền văn hóa đặc thù.

Học giả Việt Nam và người Việt Nam có thể đóng góp cho sự hiểu biết chung về toàn cầu hóa và phương cách có thể đối phó với những thách thức của nó bằng việc đưa ra một viễn tượng đặc thù, dựa trên lịch sử và truyền thống độc đáo của Việt Nam. Một khía cạnh quan trọng của lịch sử độc đáo đó là người Việt Nam có truyền thống tư duy lâu đời trong và giữa các nền văn hóa. Đây là một giải pháp thay thế cho các phương pháp tiếp cận của trí thức phương Tây và là một phương pháp tương thích với phương pháp Arendt.

Buổi thuyết trình của tiến sĩ Lisa Stenmark đến từ San Jose State University với chủ đề “Các vấn đề toàn cầu và những cách nhìn nhận địa phương - người Việt suy nghĩ cùng Arendt” là sự kiện mở đầu cho các sinh hoạt học thuật của Viện Hợp tác nghiên cứu quốc tế - Đại học Thái Bình Dương.

THIỀU QUANG

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)