Thứ Hai, 16/08/2021 11:24

Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý trong thời cách mạng 4.0 theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Bác Hồ dạy Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Muốn vậy, phải có văn hóa... (NGUYỄN XUÂN ĐỨC)

NGUYỄN XUÂN ĐỨC

 

Đảng ta là đảng cầm quyền, tất cả mọi việc Đảng nghĩ, Đảng làm đều nhằm mục đích mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Bác Hồ dạy Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Muốn vậy, phải có văn hóa. Đại hội XIII đã xác định sứ mệnh ấy là “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo quản lý”, tức xây dựng văn hóa trong chính trị của một Đảng lãnh đạo.

Hiện nay, theo cách hiểu phổ biến của thế giới thì “quản lý” là sự kết hợp tri thức với lao động (từ góc độ chính trị - xã hội); là sự chỉ huy, điều hành (từ góc độ hành động). “Lãnh đạo” là một quá trình tác động đến con người để họ tự nguyện và hành động một cách nhiệt tình nhất nhằm đạt các mục tiêu mà tổ chức đã đặt ra. Người lãnh đạo là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp lý, trước lợi ích chung về kết quả hoạt động của tổ chức mình. Ngay nội dung các khái niệm đã cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của lãnh đạo, quản lý (LĐ, QL). Bốn cái cột chống của ngôi nhà LĐ, QL thời 4.0 là chức năng hoạch định (đặc biệt là hoạch định chiến lược, tức tầm nhìn phát triển); chức năng tổ chức; chức năng chỉ huy và phối hợp thực hiện; chức năng kiểm tra đánh giá. Trong ngôi nhà điều hành này thì việc ra quyết định đúng đắn, phù hợp, có sự đồng thuận cao là thước đo tài năng người lãnh đạo. Điều này tục ngữ Việt sâu sắc khái quát vào mấy chữ: “Một người lo bằng cả kho người làm” nói cô đọng nhất về vai trò, nhiệm vụ người LĐ, QL “lo” không chỉ bằng cái đầu mà còn phải bằng cả trái tim, không chỉ là quản lý nhân sự cơ học đơn thuần mà còn quản lý cả tư tưởng, suy nghĩ của “người làm”, không chỉ lãnh đạo, điều hành công việc hiện tại mà còn nghĩ tới tương lai của tổ chức...

Tuy khái niệm khác nhau nhưng văn hoá lãnh đạovăn hóa quản lý có điểm chung là tạo ra một hệ thống những ý nghĩa, giá trị, niềm tin mang tính chuẩn mực của phong cách người đứng đầu có ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Ngày nay thế giới rất quan tâm tới phương pháp lãnh đạo vì nó thể hiện rõ nhất văn hóa chính trị. Tháng 10/1947 với một tầm trí tuệ kiệt xuất, một sự hiểu biết đời sống sâu sát, tinh tế, cụ thể Bác Hồ viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, đặc biệt là Chương V Cách lãnh đạo, mà hôm nay soi những lý thuyết mới, hiện đại nhất vào đó ta thấy Bác như là người tiên phong đặt vấn đề.

Bác Hồ gọi LĐ, QL là việc “lãnh đạo và kiểm soát” tức “phải lãnh đạo quần chúng và học hỏi quần chúng”. Muốn vậy thì “không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu”. Vì “ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình... Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân”(1).

Gần đây (2005), nhà quản trị học nổi tiếng thế giới người Nhật Bản dựa trên thuyết “giới hạn của nhận thức” (bounded rationality) đưa ra khái niệm “kiến tạo tri thức” (knowledege creation). Đại ý nhà lãnh đạo phải biết tập hợp tri thức kinh nghiệm từ đồng sự, từ “đám đông” với tri thức nổi (explicit knowledge) và tri thức ẩn (tacit knowledge), lấy đó làm nền tảng để ra các quyết định phù hợp. Những điểm này, Bác Hồ đã nói cụ thể trong Cách lãnh đạo. Người còn nhắc nhở cán bộ: “Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả”(2) và ai mà “tự cho là mình biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”(3). Tư tưởng Hồ Chí Minh đi trước thời đại là biểu hiện cụ thể ở những điều ấy!

Thời toàn cầu hóa hôm nay hay nói “thấu hiểu” để “thấu cảm” mà “đồng cảm” chia sẻ để hợp tác, hữu nghị thì Bác Hồ đã dạy cán bộ lãnh đạo dân phải “hiểu thấu” để học hỏi dân, vì họ “rất khôn khéo” biết “giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ...”(4). Không đặt mục đích đề cao Bác Hồ nhưng dẫn ra để thấy một yêu cầu hàng đầu của văn hóa LĐ, QL là biết gần dân, thân dân, học hỏi dân để phục vụ dân tốt hơn! Đây cũng là một tiêu chuẩn/phẩm chất số một của người cán bộ.

Nhiệm vụ của xây dựng văn hóa trong chính trị là làm cho văn hóa thấm sâu vào chính trị. Xã hội ta là xã hội dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ, xét đến cùng mục đích tối thượng của văn hóa chính trị là làm sao phát huy một cách cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ trở thành một giá trị văn hóa sẽ vừa là động lực, vừa là mục tiêu, đồng thời cũng là nguồn lực nội sinh vô cùng to lớn của cách mạng. Thế nên về bản chất, văn hóa LĐ, QL phải mang tính khoa học, cách mạngnhân văn.Với một đảng cầm quyền thì điều này thể hiện ở mục đích vì dân, ở khả năng tập hợp lực lượng, ở tầm trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất để đưa ra cương lĩnh, đường lối đúng đắn, những chủ trương phù hợp và tổ chức thực hiện thắng lợi. Biểu hiện cụ thể ở một cán bộ là việc dùng quyền lực một cách có văn hoá để làm tốt nhiệm vụ vì lợi ích của dân, của Đảng.

Cần phải làm gì để nâng cao văn hóa trong LĐ, QL góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, ngang tầm, đủ sức gánh vác việc dân việc nước và góp phần làm trong sạch bộ máy chính trị?

Cái ý nghĩa phổ quát nhất của văn hóa LĐ, QL là kiến tạo niềm tingiữ vững niềm tin. Niềm tin là điểm tựa của mỗi chính thể, là cầu nối lãnh đạo trung ương và quần chúng cơ sở. Như mạch máu của cơ thể xã hội, niềm tin mạnh mẽ, khỏe mạnh thì xã hội khỏe mạnh. Cha ông ta ngày xưa thắng giặc là nhờ tạo được niềm tin của dân “tướng sĩ một lòng phụ tử”, được dân ủng hộ. Chúng ta vừa làm nên kỳ tích thắng “giặc covid 19” được thế giới nể phục là nhờ Đảng lo cho dân hết lòng nên được dân ủng hộ hết sức. Thời 4.0 là thời của vi điện tử, của số hóa,... sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền/đơn vị kinh tế ngày càng lớn thì việc ra một quyết định chiến lược có ý nghĩa sống còn với nhiều người, với hiện tại, với cả tương lai nên “chỉ số niềm tin” của người lãnh đạo càng phải lớn. Văn hóa LĐ, QL thể hiện bản lĩnh, phong cách, kỹ năng LĐ, QL của người cán bộ. Trong mọi hoàn cảnh người LĐ, QL phải giữ được niềm tin, phải tạo ra uy tín lớn với quần chúng. Như người thuyền trưởng có tầm nhìn, có tri thức kinh nghiệm đoán được giông bão, luồng lạch, được sự tham mưu đúng đắn của cộng sự, có sự tín nhiệm của thủy thủ mà vững vàng điều khiển, chỉ huy tàu cập bến an toàn. Khoa học quản lý hiện đại coi vấn đề uy tínra quyết định mang tính chi phối tới các yếu tố của cấu trúc nhân cách người LĐ, QL. Xin có mấy giải pháp về vấn đề này.

Một là, thời 4.0 xuất hiện sự khủng hoảng thừa của vật chất và sự đổ vỡ các giá trị truyền thống nên con người có xu hướng tìm về các giá trị nhân tính bền vững. Người LĐ, QL trước hết phải có “cái tâm” yêu người, thương người, vì người. Đây là yếu tố nền móng để họ có những ứng xử văn hóa phù hợp. Cán bộ là gốc của mọi công việc thì cái gốc của người cán bộ là phẩm chất yêu nước, yêu dân, hy sinh vì dân. Thế giới khâm phục Bác Hồ trong thời điểm ngặt nghèo nhất (vừa sau tháng 9/1945) đã có quyết định kịp thời, sáng suốt, mang giá trị văn hóa vì con người cao nhất là ra Chỉ thị “diệt” ba thứ giặc: giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm!

Chọn, bồi dưỡng cán bộ phải lấy công việc vì dân, vì tập thể làm thước đo, làm mục đích. Những bài học đau xót vừa qua về một vài cán bộ cấp cao có tài nhưng tư lợi cá nhân nên gây ra hậu quả lớn cho thấy yếu tố “cái tâm” càng ở thời toàn cầu hóa càng quan trọng.

Hai là, người LĐ, QL phải có tri thức sâu rộng. Sống ở thời “liên văn hóa” nên người LĐ, QL phải có tri thức “liên văn hóa”, theo chiều dọc là “liên” tri thức truyền thống xưa – hiện đại nay, theo chiều ngang là dân tộc – nhân loại, bản địa – quốc tế...Không có tri thức sâu về chuyên ngành, không đủ tri thức rộng về giao tiếp văn hóa, người LĐ, QL sẽ không làm việc được với thế giới, không thể “hiểu thấu” đối tác để liên kết.

Ba là tạo cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, nhất và việc sử dụng nhân tài. Chính sách đưa người đi du học của Nhà nước là đúng đắn. Ra nước ngoài học tập như là rèn những cái chìa khóa để mở ra các cánh cửa liên thông với thế giới. Nhưng lại đang có hiện tượng “chảy máu”, lãng phí chất xám. Một số người du học không về nước làm việc (do không có “môi trường”!?). Lại có trường hợp đi học về nhưng không được làm đúng nghề, đúng việc!?

Bốn là, Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, điển hình cho nhân cách người LĐ, QL. Phải coi việc Học tập và làm theo tấm gương đạo, đức, tác phong Hồ Chí Minh một cách thiết thực, cụ thể nhất. “Một tấm gương sống còn hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mỗi cán bộ LĐ, QL là một “tấm gương sống” thì những cái tốt đẹp sẽ “nảy nở như hoa mùa xuân” và những cái xấu sẽ tự “dần mà mất đi”!

Năm là, khắc phục cho được tâm lý tiểu nông trong LĐ, QL. Biểu hiện ở một vài địa phương mới đây là chuyện “cất nhắc vượt cấp” con cái người đứng đầu!? Tinh vi hơn là nạn “tham nhũng chính sách” cũng có gốc gác từ sự “ưu ái”, “nể nang”,...Nó không nhằm vào quyền lợi vật chất mà nằm trong tư duy, trong “tình cảm” những người có chức năng soạn thảo các cơ chế, chính sách. Họ sẽ “mềm mại hóa” văn bản để sao cho đối tượng (ngành/quê mình,...) được hưởng lợi!!!

N.X.Đ

-------

(1), (4). Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập, 2011. Nxb CTQG, tập 5, tr 325, tr 335.

(2), (3). Sđd, tập 5, tr 631; tập 6, tr 356.