Chủ Nhật, 08/05/2022 06:08

Vững vàng đảo tiền tiêu biển Tây Nam

Nằm ở vị trí sát đường hàng hải quốc tế, Thổ Châu từ lâu đã trở thành ngư trường đánh bắt hải sản lớn của ngư dân các tỉnh từ miền Trung trở vào. Thổ Châu cũng giữ vai trò quan trọng về quốc phòng. (Hồng Bỉnh Hiếu)

Là xã tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam, đều dễ nhận thấy ở Thổ Châu (thành phố Phú Quốc, Kiên Giang) là các công trình bảo đảm quốc phòng, an ninh cùng các mặt công tác của lực lượng vũ trang (LLVT) đứng chân trên địa bàn đã tạo được cơ sở vững chắc để kinh tế - xã hội vươn lên, người dân yên tâm bám đảo và chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xã Thổ Châu bao gồm toàn bộ quần đảo Thổ Chu với 8 hòn đảo (Thổ Châu, Hòn Từ, Hòn Cau, Hòn Cao Cát, Hòn Xanh, Hòn Nhạn, Hòn Khô, Hòn Đá Bàn), tổng diện tích tự nhiên hơn 1.398ha, cách đất liền (Rạch Giá, Kiên Giang) 220km và cách Phú Quốc 110km.

Chiều bình yên trên đảo Thổ Châu.

Nơi hiếm hoi giữ được độ che phủ của rừng đạt gần 100%

Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong thành phần đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 9 và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vượt sóng ra thăm Thổ Châu có nhiều vị nguyên là lãnh đạo các tỉnh, thành phố và tướng lĩnh đã nghỉ hưu, từng trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt chuyến thăm, Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9 cứ tấm tắc khen: Thổ Châu giữ được và phát triển rừng tốt như thế này thật đáng quý!

Thiếu tướng Lê Xã Hội kể, sau khi bộ đội ta giải phóng Thổ Châu từ tay Khmer Đỏ (tháng 5-1975), ông đã đặt chân lên đảo. Lúc này rừng vẫn còn nhiều nhưng có dấu hiệu xơ xác do bị chặt phá. Người dân trên đảo đã bị Khmer Đỏ bắt đi và thủ tiêu gần hết, đảo trở nên quạnh hiu, hoang vắng. Bộ đội tìm mãi mới thấy được mạch nước ngọt, đúng nơi Quân khu 9 xây dựng hồ chứa nước hiện nay. Hồ có diện tích 23.800m2, dung tích 250.000m3, đưa vào sử dụng cuối năm 2019, bảo đảm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân trên đảo. “Nếu không giữ được rừng, Thổ Châu làm gì còn nguồn nước ngọt phong phú như bây giờ”, ông nói.

Quả thật ở Thổ Châu, trừ khu vực ấp Bãi Ngự (toàn xã chỉ có duy nhất 1 ấp với 8 tổ tự quản) là nơi tập trung dân cư và những công trình hạ tầng trọng yếu, còn lại đều được rừng xanh bao phủ. Rừng nguyên sinh, khép tán từ chân đảo lên đến nơi có độ cao nhất, 164 mét so với mực nước biển. Ngồi xe đặc chủng của các đơn vị quân đội, tôi đến được tất cả các nơi trên đảo Thổ Châu, ngay cả những điểm trọng yếu mà người ngoài “dân sự” không được phép tiếp cận. Cảm giác của tôi là quay mặt đi đâu cũng thấy rừng, rừng chen chân vào khu vực doanh trại bộ đội, rừng bao phủ những đường ngang lối dọc, cây cối tự nhiên xanh. Không có tài liệu ghi nhận rừng ở Thổ Châu hình thành từ khi nào, chỉ biết ở nhiều vị trí không được phép tiết lộ, tôi được “mắt thấy, tay sờ” rất nhiều cây gỗ hóa thạch tuyệt đẹp nằm lộ thiên trên mặt đất. Theo các tài liệu, gỗ hóa thạch cũng là một loại khoáng sản, phải mất hàng triệu năm cây rừng chìm trong nham thạch hoặc trong lòng đất mới hình thành.

Bãi Ngự - nơi tập trung dân cư và những công trình hạ tầng trọng yếu của xã Thổ Châu.

Thêm một điểm đáng chú ý ở Thổ Châu nữa là việc xây dựng các công trình kĩ thuật, kể cả các công trình phòng thủ, cây rừng luôn được ưu tiên không bị ảnh hưởng. Cây rừng phải được mở rộng, phát triển thêm chứ không hề vì lý do nào đó mà bị chặt hạ. Lại nhớ trên Hòn Từ những tháng giữa năm vào mùa cây trái, chủ yếu nho rừng và đào lộn hột (điều). Cả một cánh rừng điều cổ thụ trái chín vàng ươm, lủng lẳng, gọi mời từng đàn khỉ hoang và chim chóc đến rộn ràng thưởng thức. Có những gốc điều rộng hơn vòng tay ôm của người lớn, nhiều gốc rỗng ruột theo thời gian nhưng cành lá vẫn xanh tươi. Cánh rừng điều này, theo các nhân chứng kể lại, đã tồn tại vài chục năm trước năm 1975, không rõ do ai đó trồng và khai thác, được bộ đội giữ nguyên hiện trạng đến giờ.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (chín Nghiệp), người có hơn 20 năm gắn bó với Thổ Châu, chia sẻ: “Trước đây, người dân vẫn giữ thói quen vào rừng đốn cây làm chất đốt, dựng nhà, nhưng bây giờ thì tuyệt đối không. Ai cũng có ý thức bảo vệ rừng, rừng xanh trên đảo là niềm tự hào của người dân, họ đều hiểu được đó là nơi bộ đội đứng chân canh giữ và rừng cũng là lá phổi duy trì, điều hòa cuộc sống của đảo”.

Theo Đại tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 (Bộ Tham mưu, Quân khu 9), thực hiện chủ trương bảo vệ và phát triển rừng của Bộ tư lệnh Quân khu 9, từ năm 2016, Trung đoàn 152 phối hợp với UBND xã Thổ Châu tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên đảo chung tay bảo vệ rừng từ việc làm thiết thực là không sử dụng củi làm chất đốt. Người dân đồng thuận, ủng hộ, tài nguyên rừng được bảo vệ và ngày càng phát triển. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ của rừng trên xã đảo Thổ Châu đạt gần 100%.

Giữa biển trời lồng lộng, Thổ Châu hiện lên xanh mát màu cây rừng là ấn tượng khó quên đối với những ai lần đầu ra đảo. Đặt chân lên đảo, tiếp xúc với quân và dân rồi mới hiểu, rừng trên đảo xanh tươi, phát triển cũng là kết quả của mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân và dân.

Đất lành chim đậu

Nằm ở vị trí sát đường hàng hải quốc tế, trong đó có tuyến vận tải biển Băng Cốc (Thái Lan) - Kom Pong Som (Campuchia) - Hồng Kông (Trung Quốc) - TP Hồ Chí Minh, Thổ Châu từ lâu đã trở thành ngư trường đánh bắt hải sản lớn của ngư dân các tỉnh từ miền Trung trở vào. Thổ Châu giữ vai trò như trạm trung chuyển đối với các phương tiện đánh bắt xa bờ, là điểm hoạt động nhộn nhịp của những dịch vụ hậu cần nghề cá; đây cũng là nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền khi trên biển xuất hiện yếu tố bất thường của thời tiết.

Dân trên đảo có xuất xứ từ nhiều vùng, miền khác nhau, nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang cho đến các tỉnh thuộc miền Trung và bắc miền Trung. Họ chọn định cư trên đảo ban đầu vì nghe lời khuyên của người thân, bạn bè. Sau này, nhiều quân nhân xác định phục vụ lâu dài trên đảo cũng mang cả gia đình theo để tiện bề bảo bọc, chăm sóc.

Trẻ em trên đảo Thổ Châu hôm nay.

Năm 1992, lần đầu tiên tỉnh Kiên Giang vận động 6 hộ dân với 30 nhân khẩu ra Thổ Châu sinh sống. Năm sau, 1993, xã đảo được tái lập, nhiều người dân tiếp tục được vận động ra đảo lập nghiệp. Cuộc sống ban đầu đầy khó khăn, vất vả, nhờ có sự bảo bọc, giúp đỡ tận tình của bộ đội và các cấp chính quyền, khó khăn rồi cũng vượt qua. Đất lành chim đậu, hiện nay toàn xã có hơn 630 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu. Đi dọc tuyến phố chính trên đảo dài chưa tới 2km, nhìn ai tôi cũng nhận được nụ cười thay cho câu chào. Ở đây mọi người đều biết mặt, biết tên nhau cả. Xem cách ăn mặt, họ nhận ra ngay người lạ từ đất liền mới ra hoặc bạn tàu trên các phương tiện đánh bắt xa bờ ghé đảo. Ngẫu nhiên bắt chuyện với người đàn ông đang phơi cá khô, anh tự giới thiệu mình tên Nguyễn Thành Chiến, quê thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. “Trên đảo đâu thiếu thứ gì so với đất liền, giá cả các loại nhu yếu phẩm chỉ cao hơn trong đất liền vài phần trăm. Cuộc sống không có cảnh chụp giật, bon chen, mọi người đều thương yêu, tôn trọng nhau. Tôi mới ra đảo làm thuê 2 năm, mỗi tháng trừ các khoản chi phí cũng dành dụm được 5 triệu đồng gửi về nuôi con ăn học”, ông Chiến trải lòng.

Chiều hôm trước ngồi tán gẫu với các cán bộ của Trung đoàn 152, thấy tôi say mê ngắm từng đàn chim sáo dạn dĩ, chạy tìm thức ăn trong sân cỏ, một người nói: “Giống chim này vốn không có trên đảo, hai mươi năm trước tôi ra nhận nhiệm vụ chưa hề thấy nó”. Nơi đóng quân của Trung đoàn 152 trước đây là doanh trại của một đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân. Câu chuyện trở nên thú vị hơn khi tôi được biết ngay cửa sổ tầng trên cùng của tòa nhà sở chỉ huy trung đoàn (không phải tòa nhà sở chỉ huy mới xây sau này) có một tổ chim sáo. Từ đôi chim bố mẹ đầu tiên do một cán bộ Hải quân đưa ra, đến nay không biết bao nhiêu là thế hệ chim nối tiếp nhau ra đời. Ngay góc cửa sổ đó, lúc nào cũng có một đôi chim xây tổ bởi vì không gian dành cho chim luôn được tôn trọng tuyệt đối. Câu chuyện khởi nguồn của đàn chim sáo được mở rộng đến các loài sinh vật “lưu dân” khác nữa. Trong những khe đá và trong những con suối, ao, hồ ở Thổ Châu, giờ đây có thể tìm thấy đủ loại đặc sản của đất liền như tép rong, tôm càng xanh, cá lóc, cá rô, cua đồng theo chân người di cư ra đảo sinh sống.

Theo báo cáo của UBND xã Thổ Châu, những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn đã có bước phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm. Xã chỉ còn 4 hộ cận nghèo và 11 hộ nghèo. Giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư; người dân được sử dụng điện 24/24 giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, phát triển sản xuất. “Thời khó khăn trên đảo tôi đã trải qua, giờ đây cuộc sống, sinh hoạt của người dân đều được chính quyền các cấp chăm lo chu đáo, ai cũng có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế”, ông chín Nghiệp chia sẻ, trong lúc đưa tôi đến tham quan một cơ sở sơ chế hải sản.

Bám biển đánh bắt hải sản và bảo vệ quê hương, nhiều thế hệ người dân đảo Thổ Châu đã tiếp nối.

Gần 20 người, phần lớn là phụ nữ, đang bóc tách nang mực. Họ vừa làm vừa nói cười vui nhộn, không khó để nhận ra giọng nói của người miền Tây và người miền Trung hoà lẫn vào nhau trong các mẩu chuyện. Những cơ sở sơ chế như thế này vừa tạo việc làm tại chỗ cho người địa phương, vừa thuận tiện cho các khâu bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ hải sản. Bà Nguyễn Thị Lệ (quê gốc tỉnh Phú Yên) ngừng tay tiếp chuyện: “Hơn 5 năm trước ở quê nhà cực quá, tôi được người thân khuyên ra đảo tìm kế sinh nhai. Lúc đó đâu có nghĩ sẽ “cắm dùi” lại mãi. Giờ thì tôi và người thân đều an cư ở đây. Chúng tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Đất hiền, người cũng hiền, khi gặp cảnh trái gió trở trời đều được các đơn vị LLVT tận tình giúp đỡ”.

“Vậy đó, ai mà không an tâm gắn bó với đảo?”, câu hỏi như bật ra tự đáy lòng của bà Lệ khi chốt lại cuộc trò chuyện chớp nhoáng gợi mở cho tôi thêm nhiều suy nghĩ, mặc dù sau nhiều chuyến công tác Thổ Châu, tôi đã tìm thấy giải đáp rồi.

Chỗ dựa vững chắc của chính quyền và nhân dân

Hoàng hôn ở Thổ Châu mặt trời xuống rất chậm, hơn 18 giờ mà những tia nắng lưu luyến vẫn chưa chịu tắt. Nắng quét qua mặt biển xanh trong, lấp loáng. Nắng xuyên qua những dảy tàu neo đậu bồng bềnh làm ánh lên những đường viền sắc xanh sắc đỏ của thân tàu. Trên những chiếc tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân nằm võng hút thuốc hoặc tụm lại chuyện gẫu, tận hưởng chút ít thời gian nghỉ ngơi thảnh thơi và nhịp sống yên ả sau những ngày lao động mệt nhọc. Dường như quá quen thuộc với cảnh hoàng hôn, ít ai để ý nơi xa tít đường trời nước gặp nhau, mặt trời như quả bóng khổng lồ chuyển sắc từ hồng sang cam rồi nhỏ dần, chầm chậm lặn xuống mặt biển mênh mông đen sẫm.

Những năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm khu vực bến cảng Thổ Châu tập trung hàng trăm phương tiện đánh bắt xa bờ. Sau một chuyến ra khơi, thay vì chạy thẳng vào đất liền lên cá bán cho thương lái, các tàu đánh bắt xa bờ chỉ cần chốt kèo với cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá rồi ghé Thổ Châu. Tại đây, các đội tàu dịch vụ biển từ đất liền lúc nào cũng túc trực, thu mua hải sản và cung ứng vật tư, nhu yếu phẩm cho nghề biển. Nhộn nhịp như thế nên đêm xuống bến cảng càng thêm sinh động, đèn trên tàu bật sáng lung linh, dập dìu như khu chợ nổi. Thủy thủ trên tàu muốn lên đảo uống cà phê hoặc tìm chút men cay, bấm điện thoại, trong nháy mắt đã có xuồng máy đuôi tôm vi vu ra đón. Không phải ngẫu nhiên mà trên đảo Thổ Châu có cả đội xuồng máy đuôi tôm, dân địa phương gọi vui đây là taxi trên biển, đưa và đón khách nhiệt tình, không hề có chuyện chặt chém về giá cả.

Xuồng máy dập dìu nơi bãi biển.

Ai đó nói với tôi, những khi trời trong và biển lặng, đứng tại cầu cảng Thổ Châu nhìn về hướng đất liền có thể nhìn thấy thấp thoáng đảo Hòn Chuối (cái hòn cũng ngộ, về địa giới hành chính lại là… khóm 1 của thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Hòn Chuối cách đất liền 17 hải lí (1 hải lí = 1.852km), diện tích vỏn vẹn 1,4km2 và cao khoảng 150 mét so với mặt nước biển, trên đảo chỉ có 39 hộ dân sinh sống. Tôi không rõ khoảng cách đường chim bay từ Thổ Châu tới Hòn Chuối bao nhiêu, nhưng tôi có nhiều cuộc hải trình vượt hơn 100 hải lí từ Thổ Châu đi Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), rồi từ Hòn Khoai đến Hòn Chuối mất thêm gần 50 hải lí nữa.

Nói loanh quanh như vậy vì tôi chợt nhận ra giữa Thổ Châu và Hòn Chuối có những đặc điểm thời tiết khá tương đồng. Người dân ở Thổ Châu - chủ yếu là tàu thuyền, lồng bè nuôi cá - hàng năm, theo tình hình thời tiết, phải chuyển bãi theo mùa. Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc (dân gian gọi là gió chướng) và gió Tây Nam nên từ tháng 9 đến tháng 4 (âm lịch) tập trung ở Bãi Ngự; từ tháng 5 đến tháng 8 (âm lịch) thì chuyển về Bãi Dong. Còn ở Hòn Chuối, cũng với mốc thời gian đó, người dân từ gành Nam chuyển qua gành Chướng (gành Đông). Nhưng không như Thổ Châu, vì tránh gió và sóng biển, người dân Hòn Chuối buộc phải di cư liên tục nên mỗi hộ đều sở hữu đến…2 căn nhà, vậy mà hầu hết lại thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo.

Đối với những người gắn bó lâu dài và những người lớn lên với Thổ Châu, trước đây chuyện chuyển gành chuyển bãi luôn là nỗi sợ hãi mơ hồ. Nhà cửa chắp vá, tạm bợ, gió đến thì xách mình không mà đi; gió qua lại quay về dựng chỗ ở trong hoang tàn, đổ nát vì gió dập sóng vùi. Đó là nỗi sợ hãi về một cuộc sống bất định. Lúc bấy giờ 3 tháng mới có một chuyến tàu quân sự đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm ra đảo. Đã có nhiều người nản lòng mà rời đi nhưng phần lớn đều quyết tâm, bền chí bám trụ trong sự chung sức, chung lòng, đồng hành của bộ đội để dần dần gây dựng nên Thổ Châu nhộn nhịp như hôm nay.

Cách nay chưa lâu, người Thổ Châu còn canh cánh nỗi sợ hãi nữa là bệnh tật. Dĩ nhiên bệnh tật ai mà không ngán nhưng ở đảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn, chất lượng khám và điều trị bệnh chưa cao nên có nhiều trường hợp bệnh nhân không được chữa trị hiệu quả. Đã có trường hợp bệnh nhân nguy cấp đúng vào lúc biển động, phương tiện đi lại không đảm bảo nên không chuyển lên tuyến trên được. Có những cái chết đau xót và day dứt lắm - Đại tá Dương Đức Mười nói - Để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cho quân và dân trên đảo, Bệnh xá Quân dân y Thổ Châu của đơn vị đã được trang bị một số thiết bị y tế hiện đại giúp chẩn đoán và điều trị những trường hợp cấp cứu khó, như nhồi máu cơ tim, đột qụy não. Cùng với đó, bệnh xá còn được Bệnh viện Quân y 120 và Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9) tăng cường kíp phẫu thuật (1 bác sĩ và 2 y sĩ) bảo đảm cho các trường hợp cấp cứu ngoại khoa, phẫu thuật. Đặc biệt, từ khi hệ thống hỗ trợ y tế từ xa (Tele-medicine) kết nối bệnh xá với Bệnh viện Quân y 121 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (tháng 10-2015) được xây dựng, nhiều ca cấp cứu phức tạp được xử lí thành công.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152 (Bộ Tham mưu Quân khu 9) giúp ngư dân đưa phương tiện đến nơi tránh trú an toàn trong cơn bão số 1, đầu năm 2019.

Thượng úy Quách Minh Phương, Chính trị viên Bệnh xá Quân dân y Thổ Châu dẫn chứng: Điển hình như trường hợp bệnh nhân Phạm Hồng Duyệt bị co thắt động mạch vành. Nếu không xử trí kịp thời có thể gây thiếu máu cơ tim, gây tắc hoàn toàn động mạch vành, làm rối loạn nhịp phức tạp hoặc co thắt kéo dài gây nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong. Thông qua hệ thống Tele-medicine, bệnh nhân được chẩn đoán và có phác đồ phù hợp nên đã xuất viện sau 4 ngày điều trị. Trường hợp khác là ngư dân Trần Tấn Phong bị chấn thương bụng kín, tràn máu ổ bụng do vỡ lách trong lúc lao động trên biển cũng được phẫu thuật kịp thời. Bệnh xá xử trí thành công trường hợp viêm màng não mô cầu (bệnh nhân là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 152), đây là căn bệnh tối khẩn cấp lây truyền qua đường hô hấp và có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn tật chỉ trong 24 giờ, bệnh tiến triển nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm. Theo chỉ đạo chuyên môn qua Tele-medicine, chúng tôi tiến hành đặt nội khí quản thở máy cấp cứu và xin máy bay từ đất liền ra chuyển bệnh nhân về tuyến sau, nhờ đó quân nhân này không gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết: Xã Thổ Châu đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân đạt 30 triệu đồng/năm; các ngành nghề dịch vụ, thương mại, đánh bắt và nuôi trồng hải sản trên đảo không ngừng phát triển. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các đơn vị LLVT đứng chân trên địa bàn, trong đó nổi bật là vai trò của Trung đoàn 152. Ông Dừng dẫn chứng: Ngay từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần đầu tiên (tháng 1/2020) tại Việt Nam, Ban chỉ huy trung đoàn đã chủ động phối hợp với ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và cấp ủy, chính quyền xã đảo huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh. Tại cầu cảng dẫn lên đảo, tất cả phương tiện từ huyện đảo Phú Quốc hoặc từ đất liền cập bến đều được lực lượng quân y phun thuốc khử khuẩn và thực hiện kiểm tra sức khỏe đối với người vào, ra đảo. Các khu vực công cộng của xã, như: Trường học, công viên, chợ, điểm sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng… đều được phun thuốc khử khuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Trung đoàn còn phối hợp chặt chẽ với UBND xã và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo nắm chắc danh sách hành khách đến đảo để tiện theo dõi, quản lý khi có những triệu chứng bất thường; tuyên truyền, phổ biến cho người dân trên đảo và ngư dân về dịch bệnh và cách phòng, tránh, đồng thời xây dựng khu vực cách ly và kế hoạch hỗ trợ UBND xã đảo Thổ Châu khi có tình huống. Với sự hỗ trợ tích cực của Trung đoàn 152, Thổ Châu giữ được trạng thái an toàn trước các đợt bùng phát dịch Covid-19.

Lần nào ra Thổ Châu tôi cũng đều xin phép tranh thủ lên chốt phòng không của Trung đoàn 152 để ghi lại khoảnh khắc hoàng hôn và ngắm toàn cảnh Bãi Ngự xanh biếc, yên bình trong vịnh biển. Đứng nơi đây mới cảm nhận rõ Thổ Châu đang chuyển mình, thay đổi. Các công trình bảo đảm quốc phòng - an ninh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội do Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 9, UBND tỉnh Kiên Giang đầu tư vẫn đang tiếp tục được triển khai xây dựng, tạo thêm thế vững cho xã đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Bài và ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU