Chủ Nhật, 29/05/2022 07:08

Đại tá Đinh Quốc Hùng - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vinh dự, tự hào, người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác

Nhiều nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội đã từng sáng tác về Bác Hồ, về Lăng Bác với những trang viết thắm đượm tình cảm của người nghệ sĩ, chiến sĩ.

Nhiều nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội đã từng sáng tác về Bác Hồ, về Lăng Bác với những trang viết thắm đượm tình cảm của người nghệ sĩ, chiến sĩ. Cuốn kí sự văn học Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đài hoa vĩnh cửu được giới thiệu đến đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước mỗi khi về thăm Lăng Bác chính là của nhà văn Hồ Phương, nguyên là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hay như bài hát Vầng trăng Ba Đình của nhạc sĩ Thuận Yến cũng là phổ thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, người của Nhà số 4. Bài hát có nhắc đến hình ảnh người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác: Là người con trung hiếu/Được gác với đêm rằm/Mời vầng trăng yêu dấu/ Bước lên thềm vào lăng. Vâng! Những chiến sĩ bên Lăng Bác, gần 50 năm qua, họ vẫn ngày đêm sớm tối giữ yên giấc ngủ của Người. Sáng tháng 5 này, chúng tôi đã tìm đến bên Lăng, nghe đồng chí Chính ủy Đinh Quốc Hùng nói về những tình cảm và việc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chiều dài lịch sử hơn 50 năm qua từ khi Người qua đời và gần 50 năm làm nhiệm vụ bên Lăng Bác. Những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cứ chảy tràn tưởng như không dứt trong buổi sáng đầu hè, giữa mùi hương của các loài cây, loài hoa khắp mọi miền Tổ quốc được nhân dân gửi về vun trồng tại khuôn viên Ba Đình lịch sử.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy, được biết ý định giữ gìn lâu dài thi hài của Bác và việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Trung ương Đảng và Chính phủ bí mật chuẩn bị từ rất sớm, ngay từ khi Người còn sống?

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Vâng! Trước hết là kế hoạch giữ gìn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người qua đời. Điểu này trong các tài liệu còn ghi rất rõ. Khi sức khỏe của Bác có những diễn biến xấu, tháng 5 năm 1967, sau dịp kỉ niệm lần thứ 77 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã họp bất thường, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì, để bàn việc bảo vệ sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị giữ gìn lâu dài thi hài của Chủ tịch sau khi Người qua đời. Tất nhiên là họp bí mật không cho Bác biết. Hội nghị đưa ra một số yêu cầu, trong đó yêu cầu về bí mật được đặt lên hàng đầu: Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không nhân dân sẽ hoang mang lo lắng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ phê bình Bộ Chính trị, không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này; Phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài, nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn. Đó là những việc được chuẩn bị từ sớm, nếu không khi đại sự xảy đến mới bàn tính thì không kịp. Hội nghị đã thống nhất giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân uỷ Trung ương và phân công đồng chí Nguyễn Lương Bằng, thay mặt Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ Chính trị cũng đã cử đồng chí Lê Thanh Nghị sang Liên Xô đề nghị bạn giúp đỡ từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tất cả lòng kính trọng và tôn vinh vai trò to lớn, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng, Chính phủ Liên Xô đã đồng ý ủng hộ và giúp đỡ việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như xây dựng Lăng của Người.

PV: Vâng! Có thể thấy, ngay từ ban đầu nhiệm vụ đặc biệt này đã được Bộ Chính trị tin tưởng giao cho Quân ủy Trung ương, và những người lính đã là những người đầu tiên đón nhận vinh dự và trách nhiệm thiêng liêng này...

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ chuẩn bị giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu dài sau khi Người qua đời, trung tuần tháng 8 năm 1969, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh” gồm 5 đồng chí: Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Trưởng ban; Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng - Phó ban; Đại tá Trần Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninhQuân đội - Ủy viên Thường trực cùng các Ủy viên là Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Đại tá Vũ Văn Cẩn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị lực lượng, gồm những cán bộ, chiến sĩ Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Trung đoàn 144 Bộ Tổng Tham mưu và một số lái xe giỏi ở Quân y Viện 108, Tổng cục Hậu cần đêm đêm luyện tập, xử trí các tình huống trong quá trình bảo vệ, di chuyển thi hài Bác khi Người qua đời và phục vụ cho Lễ Quốc tang dự kiến.

Nhờ có sự chủ động chuẩn bị từ rất sớm đó mà khi Bác qua đời, mọi công việc đã được tiến hành tuần tự theo kế hoạch. Và những người lính, với lòng kính yêu vô hạn và trách nhiệm cao nhất đã bên Bác suốt 6 năm thực hiện một nhiệm vụ bí mật đặc biệt trong điều kiện đất nước còn chiến tranh ở những vị trí khác nhau, vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để đến ngày toàn thắng, khi Lăng xây dựng xong đưa Bác trở về Thủ đô với nhân dân cả nước trong ngôi nhà vĩnh cửu của Người.

PV: Rất nhiều tài liệu đã nói về những giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng xúc động, cho thấy một tình thương bao la, một nỗi niềm đau đáu của Bác hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt. Với những cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc hẳn những hình ảnh, câu chuyện về Bác những giờ phút cuối cùng vẫn còn lưu những dấu ấn sâu đậm…

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Không chỉ chúng tôi mà nhân dân cả nước, các vị khách quốc tế khi đến tham quan Cụm di tích Phủ Chủ tịch, viếng Lăng Bác, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh đều nghẹn ngào khi được nghe kể, được xem những hình ảnh về những giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim tư liệu “Những giây phút cuối đời của Bác” đã được xây dựng phục vụ khách tham quan và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh với những tình tiết, câu chuyện vô cùng xúc động. Ngày 28 tháng 8 năm 1969, nhịp tim của Bác bắt đầu có dấu hiệu loạn nhịp. Buổi chiều, Bác như thiếp đi. Sau khi các bác sĩ tiêm thuốc, Bác tỉnh lại. Đôi mắt từ từ mở ra, rồi khẽ mỉm cười khi nhìn thấy đông đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Nụ cười đã hầu như héo đi trên gương mặt xanh xao của Bác. Ngày 29 tháng 8, bệnh của Bác không hề thuyên giảm. Ngày 30 tháng 8, bệnh của Bác càng nặng thêm, liên tục đau ngực, rồi Bác hôn mê. Tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị và anh em phục vụ đều bàng hoàng. Sau khi các bác sĩ cấp cứu hồi lâu, Bác mới từ từ mở mắt, vẻ rất mệt mỏi. Nhìn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác khẽ hỏi: “Chú chuẩn bị tổ chức Quốc khánh năm nay ra sao rồi?”, và nhắc: “Nhớ bắn pháo hoa cho dân vui”. Thủ tướng vô cùng xúc động, báo cáo với Bác mọi việc đã chuẩn bị chu đáo. Nhưng trong những giờ phút lo âu như thế làm sao tổ chức bắn pháo hoa được. Bác lại hỏi: “Lũ sông Hồng đã rút chưa? Cần phải lo cứu dân nếu đê vỡ”. Thủ tướng không dám giấu Bác, báo cáo là lũ vẫn chưa rút hết. Rồi Thủ tướng mạnh dạn thưa với Bác: “Chính phủ muốn mời Bác lên khu an toàn để Bác được tĩnh dưỡng và đề phòng lũ lụt”. Bác lắng nghe rồi lắc đầu thong thả nói chậm: “Không! Bác không muốn đi đâu cả. Bác không thể bỏ dân. Dân ở đâu, Bác ở đó, dù lụt lội hơn nữa, dù Mĩ có ném bom Hà Nội trở lại…”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ còn biết ứa nước mắt nhìn Bác. Ngày 31 tháng 8, Bác muốn ăn cháo, các đồng chí phục vụ nấu một bát cháo ngon, Bác ăn hết, mọi người rất mừng. Đặc biệt, cũng ngày 31 tháng 8, nghe tin một đơn vị tên lửa thuộc Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi một máy bay Mĩ không người lái, Bác còn gửi tặng một lẵng hoa như thông lệ từ trước. Đó cũng là lẵng hoa cuối cùng mà quân và dân ta được nhận từ Người.

Ngày mùng 1 tháng 9, sức khỏe Bác có vẻ như khá hơn. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, Bác còn hỏi về tình hình tổ chức Lễ Quốc khánh và tỏ ý muốn ra dự một lúc để được gặp đồng bào. Nhưng cuối buổi chiều, Bác lại rất mệt, nhiều lúc gần như thiếp đi và lần đầu tiên mọi người thấy Bác rên. Những tiếng rên như đứt từng khúc ruột. Tất cả mọi người có mặt bàng hoàng, lo lắng. Sau khi các bác sĩ cho uống thuốc, tiếng rên của Bác thưa dần, rồi Bác tỉnh lại. Nhìn ra hai cây dừa ngoài cửa mà đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác năm nào, Bác nói muốn uống nước dừa. Bác sĩ Nhữ Thế Bảo vội lễ phép thưa rằng nước dừa không tốt cho bệnh tình của Bác, nên dùng nước khác. Bác lắc nhẹ: “Không sao đâu, Bác muốn được uống một chút nước dừa miền Nam thôi mà…”. Rồi Bác nói nhỏ: “Bác quê ở Nam Đàn, nhưng mẹ mất ở Huế, cha mất ở Cao Lãnh. Chưa một lần Bác được trở lại hai nơi đó…”. Mọi người lặng đi. Cả cuộc đời Bác dành trọn cho dân, cho nước, nay về già nhưng vẫn không hề nguôi ngoai hình ảnh của những người ruột thịt thân yêu nhất, và luôn đau đáu hướng về đồng bào miền Nam, nơi Người luôn mong muốn cháy bỏng được một lần vào thăm mà chưa thực hiện được.

Sáng ngày mồng 2 tháng 9, bầu trời u ám, buồn bã như thấu lòng người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đều tới thăm Bác đông đủ. Trong ngôi nhà 67, Bác nằm trên chiếc giường nhỏ đơn sơ, thiếp đi. Các y bác sỹ trực sẵn sàng, im lặng, nhưng chồng chất nỗi lo. Đột nhiên Bác đưa tay ôm lấy ngực và chằn mình nghiêng sang một bên. Các bác sĩ vội nhào tới xoa bóp. Máy điện tim mở gấp. Bác đã bắt đầu cơn đau dữ dội. Những tín hiệu chỉ còn thoi thóp. Rồi bất ngờ các tín hiệu vụt tắt. Đồng hồ chỉ 9 giờ 47 phút. Đó là giờ phút đánh dấu sự mất mát vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam, non sông Việt Nam, trong đó có những đồng bào chiến sĩ miền Nam đang trên tuyến đầu chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bác của chúng ta không còn nữa!

Đó quả thực là câu chuyện có sức lay động lớn với hàng triệu con tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó có những người lính thực hiện nhiệm vụ bên Lăng Bác.

PV: Vâng! Không thể kể hết những tình cảm nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế dành cho Bác lúc sinh thời và cả khi Người đã đi xa. Việc xây dựng Lăng Bác cũng xuất phát từ tâm nguyện của đông đảo đồng bào chiến sĩ cả nước trong những năm tháng ấy...

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: “...Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người...”. Bộ Chính trị cũng đề ra các yêu cầu cần đạt được của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết; Có kế hoạch giữ gìn an toàn đề phòng chiến tranh và địch phá hoại; Phải thể hiện được tính hiện đại mà vẫn giữ màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị; Phải bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục; Phải bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình. Ta cũng tiến hành kí Hiệp định chính thức đề nghị Liên Xô giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người tại địa điểm là Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được lan truyền rất nhanh đến mọi tầng lớp nhân dân qua các phương tiện thông tin và được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ. Ngày 3 tháng 11 năm 1971, Chính phủ quyết định thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ khi ấy là Trưởng ban; đồng chí Bùi Quang Tạo, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc là Phó Trưởng ban; đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng là Uỷ viên. Ban Chỉ huy công trường xây dựng Lăng do Kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, Thứ trưởng Bộ Kiến trúc là Chỉ huy trưởng; Thượng tá Trần Bá Đặng, Phó Tư lệnh Công binh là Phó Chỉ huy thứ nhất; đồng chí Nguyễn Nhi là Phó Chỉ huy kiêm Bí thư Đảng uỷ; đồng chí Nguyễn Văn Bé là Phó Chỉ huy phụ trách kĩ thuật, Trung tá Lương Soạn là Phó chỉ huy phụ trách vật tư. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, tháng 12 năm 1971, Ban Phụ trách xây dựng Lăng giao cho Bộ Quốc phòng nhiệm vụ là chủ quản công trình sau khi xây dựng xong, đồng thời chịu trách nhiệm lắp ráp toàn bộ hệ thống thiết bị bên trong. Một lần nữa, Quân đội lại được tin tưởng giao trọng trách thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.

Ngày 2 tháng 9 năm 1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình. Sau 2 năm khẩn trương liên tục, với khí thế thi đua chia lửa với miền Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên các lực lượng xây dựng Lăng đã không quản ngày đêm hoàn thành tốt các hạng mục công việc. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, công việc xây dựng Lăng cũng bước vào giai đoạn cuối cùng để đón Bác từ khu K9, Ba Vì về Lăng trong dịp Quốc khánh đặc biệt mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thu về một mối.

Đúng 16 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1975, Đoàn xe chở thi hài Bác do đồng chí Trần Kinh Chi chỉ huy được lệnh xuất phát từ khu K9. 20 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1975, đoàn xe đưa thi hài Bác về tới Quảng trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chờ sẵn đón Bác vào Lăng. Giờ phút ấy thật trang nghiêm, xúc động. Ngày 18 tháng 7 sau này được lấy làm Ngày truyền thống của Đoàn 195 làm công tác bảo vệ, thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Còn ngày truyền thống của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại là ngày 29 tháng 8...

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Vâng! Đó là ngày diễn ra lễ khánh thành Lăng. Sáng ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Tại buổi Lễ khánh thành Lăng, đồng chí Trường Chinh khi đó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã phát biểu: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người đã vạch ra..., xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Trong lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai chiến sĩ Nông Văn Thành và Nguyễn Văn Ri đã vinh dự đứng gác tiêu binh danh dự trước cửa Lăng; bốn chiến sĩ Nguyễn Phúc Trị, Hà Văn Tặng, Bùi Thanh Vững và Nguyễn Trọng Nghĩa vinh dự được làm nhiệm vụ tiêu binh túc trực bên linh cữu của Người trong phiên gác đầu tiên. Đó là những chiến sĩ đầu tiên thực hiện nhiệm vụ canh giữ giấc ngủ của Người tại Lăng Bác. Công việc đó đã được duy trì liên tục 24/24, ngày nối ngày, giờ nối giờ cho đến hôm nay, sau 47 năm đất nước thống nhất, cũng là 47 năm Lăng Bác đi vào hoạt động, đó là chưa kể 6 năm từ khi Bác đi xa, thi hài được gìn giữ và bảo vệ ở những vị trí khác nhau, lúc gần, lúc xa Hà Nội luôn có các chiến sĩ ở bên. 53 năm qua, hơn 400 nghìn giờ đồng hồ những người lính đã thay nhau túc trực bên Bác với lòng tôn kính và nghiêm cẩn.

Ngày 29 tháng 8 năm 1975 - ngày Lễ khánh thành Lăng, cũng là ngày tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên đã trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Được biết Viện 69, đơn vị đảm bảo về các điều kiện y tế đặc biệt trong công tác gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm qua đã có những bước tiến quan trọng để từng bước tiến tới chủ động trong việc bảo quản gìn giữ lâu dài thi hài của Người?

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Từng bước vươn lên làm chủ công nghệ và chủ động trong việc tiếp cận, làm việc trực tiếp với các đối tác để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các bác sĩ, các nhà khoa học Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là giai đoạn sau khi Liên Xô không còn, sự hỗ trợ từ phía bạn bị gián đoạn. Một số công việc quan trọng trước đây do chuyên gia Liên Xô đảm nhiệm, và bạn luôn coi đây là bí mật quốc gia khiến ta dù muốn tiếp cận cũng không được phép. Sau khi chuyên gia Liên Xô rút về nước, theo đề nghị của ta, bạn đã bàn giao lại một số vật tư còn lại cho Viện 69 tiếp quản sử dụng cũng như nghiên cứu phát triển, vươn lên làm chủ trước nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1992, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 và lãnh đạo Ban Quản lí Lăng đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng cho phép Ban Quản lí Lăng đặt vấn đề quan hệ trực tiếp với Trung tâm Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (sau là Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva) để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban Quản lí Lăng đã tổ chức một đoàn cán bộ gồm 4 đồng chí do Thượng tá Nguyễn Quang Tấn, Tư lệnh kiêm Trưởng ban Ban Quản lí Lăng làm Trưởng đoàn sang Matxcơva để xây dựng mối quan hệ hợp tác trực tiếp với Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga. Lễ kí kết bản thỏa thuận hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lí Lăng và Trung tâm Cấu trúc sinh học Liên bang Nga được tiến hành, mở đầu cho một thời kì mới - Thời kì vượt qua biết bao khó khăn thử thách, tiếp tục phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, từng bước tiến tới làm chủ khoa học công nghệ phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Do phát huy tốt tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ và học tập bạn nên đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại Viện 69 ngày càng trưởng thành. Tháng 4 năm 1995, chuyên gia y tế Nga rút hết về nước, từ đó công tác y tế do Viện 69 hoàn toàn đảm nhiệm. Thể hiện trách nhiệm chính trị cao, cán bộ, nhân viên y tế, kĩ thuật của Viện 69 đã chủ động sáng tạo, miệt mài học tập để có thể từng bước tiếp quản công việc.

Năm 2019, đơn vị đã tổ chức các hoạt động kỉ niệm 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 50 năm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp dự, chỉ đạo, công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao. Quá trình 50 năm bảo quản, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước kiểm tra đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện được sự thay đổi nào so với các số liệu trong biên bản kiểm tra thi hài của các lần năm 1970 và năm 2009. Điều đáng quý nhất là Bác của chúng ta vẫn giữ nguyên diện mạo và đường nét lúc sinh thời.

Năm nay chúng tôi đang tiến hành các hoạt động tổng kết 30 năm hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lí Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm Cấu trúc sinh học Liên bang Nga. Dự kiến cuối tháng 5 sẽ tổ chức tổng kết tại Nga và đến tháng 8 sẽ tổ chức tổng kết tại Việt Nam.

PV: Công tác đón tiếp và tuyên truyền về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã được làm rất tốt những năm qua. Được biết hiện nay Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tiếp tục có những hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ khách viếng Bác và tham quan khu di tích?

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Công tác đón tiếp, tuyên truyền tại khu di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình luôn được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên cải tiến, đổi mới cho phù hợp. Xác định đón tiếp, phục vụ mọi người đến viếng Bác là đón khách quý của Bác, vì vậy chúng tôi giáo dục cán bộ chiến sĩ tận tình, chu đáo, tạo mọi thuận lợi, tránh phiền hà cho khách viếng thăm. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụm di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình gồm các công trình, di tích lịch sử: Lăng Bác, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Hàng ngày, trong điều kiện bình thường, trên khu vực Quảng trường Ba Đình, thường xuyên có hàng nghìn người đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia các hoạt động văn hoá, chính trị. Đây là lực lượng quần chúng đông đảo, tự giác đến để được nghe tuyên truyền, học tập về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Người. Vì vậy, bên cạnh việc phục vụ cần có sự quan tâm, giáo dục tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho nhân dân và khách quốc tế. Lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp tại Lăng Bác và Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất để tích cực cải tiến nội dung, hình thức giáo dục, tuyên truyền, nhất là hình thức trực quan sinh động, tạo ấn tượng hấp dẫn, phong phú cho nhân dân và khách quốc tế đến Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Kết hợp với tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ cuối năm 1977, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã triển khai các hình thức sinh hoạt chính trị, văn hoá tại Lăng Bác, như: Lễ báo công, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, lễ xuất quân, xem phim tư liệu, biểu diễn nghệ thuật phong phú và đạt hiệu quả cao. Những hoạt động đó vẫn được duy trì cho đến nay.

Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền cũng luôn được đầu tư cải tiến, đổi mới về nội dung và hình thức, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác và các sinh hoạt chính trị, văn hóa ở khu vực Lăng. Nhất là từ khi Bộ Chính trị triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì việc này càng được chú trọng. Đơn vị đã bổ sung hoàn thiện quy chế tổ chức lễ viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kĩ thuật phục vụ công tác đón tiếp ngày càng tốt hơn như: Tôn tạo cảnh quan, môi trường; nâng cấp khu tập kết; thay thế hệ thống mái che đường viếng, triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh Lăng; hệ thống kiốt điện tử, wifi miễn phí. Trang tin điện tử của Ban Quản lí Lăng cũng được xây dựng và hoạt động. Bên cạnh đó là tổ chức định kì các chương trình nghệ thuật tại khu vực Lăng; tiếp nhận và trả máy ảnh, camera, điện thoại di động, máy tính; tổ chức cấp nước uống và bánh mì miễn phí cho khách vào viếng Bác trong dịp các ngày lễ 30/4, 19/5, 2/9 hàng năm. Tổ chức xem phim, nghe giới thiệu và tặng Huy hiệu Bác Hồ, các ấn phẩm văn hóa về Bác cho các đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, các cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong học tập, công tác để lại được ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân và khách quốc tế.

PV: Nhiều năm nay, mỗi buổi sáng, tại Quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều diễn ra Lễ chào cờ như một nghi thức thiêng liêng và tự hào, tự tôn dân tộc. Nghi lễ này được thực hiện từ khi nào?

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên thực hiện trang trọng nghi lễ quốc gia và nghi lễ Quân đội tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ và tham gia các nghi lễ đột xuất. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh đã chủ động nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình cảm trân trọng và sự gắn kết đặc biệt về hình ảnh Tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ ngày 19 tháng 5 năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị đã thực hiện trang nghiêm nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo được ấn tượng tốt đẹp với nhân dân và khách quốc tế. Nghi thức đó đã trở thành một nét đẹp văn hóa và được duy trì liên tục cho đến nay.

Hình ảnh nghiêm trang của Đội Nghi lễ danh dự đều đặn hàng ngày 6 giờ với mùa hè, 6 giờ 30 phút với mùa đông và 21 giờ buổi tối hùng dũng tiến qua lễ đài trước Lăng, nhất là mỗi khi tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng vang vọng trên Quảng trường Ba Đình cùng lá cờ Tổ quốc tung bay trong lễ thượng cờ và hạ cờ tạo cho mỗi người dân Việt Nam một tình cảm bồi hồi và tôn thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Từ năm 2014, đơn vị cũng đã báo cáo Bộ Tổng Tham mưu về nâng cao chất lượng nghi lễ đón tiếp tại Lăng Bác và đã phối hợp với Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện trang trọng nghi lễ đón các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, nguyên thủ quốc gia, quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả để xây dựng một phong cách trang nghiêm và trọng thể theo nghi thức thống nhất.

PV: Có thể nói hình ảnh các chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác đã trở thành một hình ảnh đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, một biểu tượng đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Biểu tượng đẹp đó đã được vun đắp bởi các thế hệ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Gần một nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng chưa ngày nào, giờ nào vắng bóng các chiến sĩ dù nghiêm cẩn bên Lăng hay làm những công việc lặng thầm khác đều tận tụy với tình cảm và trách nhiệm cao nhất. Bộ Tư lệnh đã làm gì để các giá trị tốt đẹp được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thưa đồng chí?

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Thực hiện nhiệm vụ bên Lăng Bác vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm thiêng liêng đối với Bác. 47 năm qua lớp lớp cán bộ, chiến sĩ tiêu binh danh dự tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm tuyển chọn chặt chẽ, kĩ lưỡng, toàn diện cả về quân dung, hình thể, lí lịch chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa; được tổ chức huấn luyện, rèn luyện công phu, nghiêm ngặt về điều lệnh, nghi lễ, sức chịu đựng dẻo dai theo quy trình khoa học, hợp lí. Sự hội tụ của các yếu tố đó đã hình thành nên hình ảnh những chiến sĩ tiêu binh trong đội hình danh dự với một yêu cầu tiêu chuẩn “đúng, đều, mạnh, đẹp, trang nghiêm”.

Trải qua 47 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây đắp nên truyền thống: “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”. Có thể khái quát những nét truyền thống của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt gần 50 năm qua với những nét tiêu biểu là: Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đoàn kết gắn bó, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nêu cao ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường, không ngừng vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Tính từ ngày mở cửa Lăng đón khách vào viếng Bác, ngày 29 tháng 8 năm 1975 đến nay, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn xấp xỉ 60 triệu lượt người, trong đó có già 10 triệu lượt khách quốc tế vào Lăng viếng Bác, đáp ứng được các yêu cầu của nhiệm vụ chính trị đề ra. Những kết quả, thành tựu đạt được trong 47 năm qua có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa chính trị sâu sắc, thực sự đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tấm lòng của bạn bè quốc tế dành cho Bác. Mỗi người đến với Bác mang theo một câu chuyện riêng trong câu chuyện chung của đất nước, của dân tộc. Sau khi ra về họ sẽ mang theo những câu chuyện dài về cuộc đời một con người.

Mỗi người dân đến viếng Bác là một người khách của Bác, mỗi cán bộ chiến sĩ bảo vệ Lăng nguyện là một hướng dẫn viên, tuyên truyền viên để tiếp khách của Bác thật tốt. Làm được như thế đã là học tập làm theo tấm gương của Bác. Chúng ta có hình tượng Bộ đội Cụ Hồ với những phẩm chất cao quý thì những chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Lăng Bác phải là những chiến sĩ tiêu biểu nhất về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Làm được thế cũng là thành công trong công tác giáo dục bộ đội, và hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc biệt, cũng là vinh dự tự hào của người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác.

PV: Đồng chí Chính ủy có nhắn nhủ gì với mỗi người dân, mỗi chiến sĩ cả nước khi đến viếng Bác và tham quan khu di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình?

Chính ủy Đinh Quốc Hùng: Hiện nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với mỗi cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là bước đầu thực hiện đề án đổi mới nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền các giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lại càng phải làm tốt nhiệm vụ của mình hơn nữa, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Bác là nhiệm vụ của toàn quân, toàn dân, là tình cảm và cũng là nét đẹp văn hóa đặc biệt. Làm sao để giới thiệu đến những vị khách viếng thăm về Bác của chúng ta, một tâm hồn bao la, một tư tưởng vĩ đại nhưng cũng rất bình dị, gần gũi là điều chúng tôi luôn trăn trở.

Trước đây, khi còn công tác ở Ban Thanh niên Quân đội, tôi cũng đã nói nhiều lần rằng, trong cuộc đời có những nơi mà khi đến đó về mỗi chúng ta thấy sẽ phải sống khác, sẽ phải thay đổi trong mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, việc làm của mình. Tôi xin nhắc lại suy nghĩ ấy. Đó là, khi ta ra với các chiến sĩ giữ gìn biển đảo, ra với Trường Sa, sẽ thấy được sự khắc nghiệt của môi trường thực hiện nhiệm vụ cũng như sự can trường của những người lính giữ đảo; khi ta đến các nhà tù tại Phú Quốc, Côn Đảo sẽ thấy sự tàn bạo dã man của kẻ thù và tinh thần, khí phách của các chiến sĩ cộng sản; khi ta đến Nghĩa trang Trường Sơn sẽ thấy sự hi sinh mất mát của dân tộc qua máu xương của những người lính ngã xuống. Và khi ta đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem phim tư liệu “Những giây phút cuối đời của Bác” sẽ thấy một cuộc đời tận hiến và những giá trị cao cả Người để lại. Đến đây để thấy việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là một việc hết sức tự nhiên đối với mỗi người.

PV: Xin cám ơn những chia sẻ của đồng chí Chính ủy!

VNQĐ