Thứ Năm, 06/12/2018 09:46

Văn nghệ Quân đội số 906 + 907 (đầu tháng + cuối tháng 12/2018)

Hãy cùng nghe những câu chuyện, những lát cắt mỏng và sắc về cuộc đời ba vị tướng của Quân đội qua các thời kì, những câu chuyện thường khuất lấp sau những ánh hào quang và chiến thắng. 

Cuộc đời mỗi người có cái gọi là “số phận”, gọi là “may rủi” không? Và mỗi lựa chọn của chúng ta có làm nên cái gọi là “số phận” ấy hay không? Hãy cùng nghe những câu chuyện, những lát cắt mỏng và sắc về cuộc đời ba vị tướng của Quân đội qua các thời kì, những câu chuyện thường khuất lấp sau những ánh hào quang và chiến thắng. Cuộc đời họ đã hòa mình vào dòng chảy lớn, khoác lên mình bộ quân phục để rồi mọi riêng tư đều trở nên nhỏ bé, đều lùi lại phía sau. Nhà văn Phùng Văn Khai đã có cuộc “đối thoại mềm” với ba vị tướng già: Trung tướng Phạm Hồng Cư, Trung tướng Khuất Duy Tiến, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng. Những chia sẻ của ba vị tướng sẽ góp phần lí giải về sức mạnh của đội quân chiến thắng với những tình tiết xúc động và dung dị, để thấy mỗi cuộc đời nhỏ đã cống hiến, đã hi sinh những riêng tư thế nào cho cách mạng, cho một trang sử mới của dân tộc kể từ khi là anh lính binh nhì đến khi khoác lên vai quân hàm cấp tướng, mái đầu bạc trắng còn những câu chuyện thì vẫn xanh non. Đó cũng là bài mở đầu cho VNQĐ số đặc biệt kỉ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam lần này.

Người lính không thể thiếu tiếng cười. Một người viết, cũng là một người lính, lại là một ông đồ Nghệ thì tiếng cười ấy hẳn sẽ không chỉ hóm hỉnh mà còn hài hước mà sâu sắc. Có lẽ mỗi người đọc sẽ cảm thấy điều này khi đọc bút kí “Ngày đầu làm lính” với những hồi tưởng của nhà thơ Vương Trọng. Bạn đọc sẽ được gặp lại một lớp những người lính trí thức đầu quân cho Quân đội trong kháng chiến chống Mĩ với những “bướng bỉnh” đáng yêu. Từ buổi đầu “kiêu khoảnh” như thế họ đã dần làm quen và hòa nhập với môi trường quân đội, thấu hiểu truyền thống của Quân đội thế nào để trưởng thành và gắn bó.

Như thông lệ, góp mặt trong số tạp chí kỉ niệm ngày truyền thống của những người lính không thể thiếu các gương mặt gạo cội của Nhà số 4. Nhà văn Khuất Quang Thụy trở lại với bạn đọc nhà binh bằng truyện ngắn “Bạn đò dọc” trong mục “Truyện ngắn hay tác giả tự chọn”. Phàm đã là con người, ai chả có những phút giây cô đơn, yếu lòng, kể cả khi con người ấy đã khoác lên mình tấm áo chiến sĩ. Cơ duyên nào đã dẫn họ đến với nhau, tạo nên những mối tình đồng đội đặc biệt như tình bạn giữa Đại tá Lê Chi và ông Hai Tấn, để trong tim họ vẫn đồng hành, dù đã mỗi người mỗi ngả, mỗi kẻ mỗi phương trời. Tác giả chỉ lấp lửng “Nhân vật trong câu chuyện của chúng ta đã lựa chọn và dĩ nhiên đã chấp nhận trả giá cho sự lựa chọn ấy. Họ có lựa chọn đúng hay không xin bạn đọc hãy cùng phán xét”. Vậy thì mỗi người đọc hãy cùng dành mươi phút trầm ngâm cùng nhà văn Khuất Quang Thụy trong một câu chuyện dài cả về dung lượng, thời gian, không gian của một tình bạn đặc biệt và bền chặt được ông viết từ năm 1984 này.

Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới tiếp tục điểm danh các tác giả Lê Hoài Lương, Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Thị Mai Phương, Trần Thị Tú Ngọc với những sắc màu ngôn ngữ từ vùng cao đá nhọn tai mèo đến miền duyên hải nắng gió gắt gao; từ một cánh hoa đào lịch sử như một vết son trên má thiếu nữ chốn kinh thành Thăng Long xưa đến những xót xa cho một phận nữ nhi nổi nênh của thời hiện đại.

Văn học nước ngoài sẽ giới thiệu với bạn đọc một gương mặt nhà văn Nam Mĩ Colombia nhưng “vùng sáng tác” lại có cảm hứng nhiều từ châu Á, tác giả Andre’s Felipe Solano, sinh năm 1977.

Những biến cố lớn sẽ gây nên sự chấn động, nhưng những rung động nhỏ sẽ làm nên thơ. Một người làm thơ đã cảm nhận về thơ của một người như thế sau khi đọc tập “Những điều xa vắng” - tập thơ được giới thiệu trên VNQĐ số đặc biệt. Tuy nhiên, nhận định ấy có lẽ chỉ đúng (hoặc cũng không hẳn đúng) với thơ của Nguyễn Văn Khôi, còn lại sẽ cần những giải mã khác của bạn đọc qua mỗi tác giả, mỗi bài thơ không chỉ trong số này.

Văn học chiến tranh của ta có tác phẩm xứng tầm hay không? Từ sau “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh chúng ta có gì hay không? Hãy cùng trò chuyện với nhà văn Lê Minh Khuê và chia sẻ góc nhìn thẳng thắn và giản dị của bà để tin vào hằng số thời gian dành cho các tác phẩm đích thực, và cùng trăn trở với câu hỏi, rồi cuối cùng chúng ta sẽ còn lại gì để đối thoại với mai sau.

Những gì là văn chương đích thực trước sau gì cũng được vinh danh? Có thể nói như thế về văn chương không chỉ ở Việt Nam và về giải Nobel văn chương phạm vi toàn cầu? Mỗi tác giả được trao giải sẽ chỉ như một “sơ kết” hay chính là một “tổng kết”, một dấu chấm hết với nhà văn khi tên của họ được xướng lên? Tiếp tục loạt bài về các tác giả đoạt giải Nobel văn chương ở phần Bình luận văn nghệ lần này chúng ta sẽ cùng nhìn vào một trường hợp cụ thể, Nadine Gordimer - giải Nobel văn học năm 1991. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Văn

P.V

“Vị tướng già đầu bạc kể mãi chuyện Nguyên Phong”

Nguyễn Luân

Bóng người dưới trăng

Vương Trọng

Ngày đầu làm lính

Khuất Quang Thụy

Bạn đò dọc

Hoàng Đình Bường

Tiếng đào huyệt trong đêm

Lê Hoài Lương

Vợ chồng già ngồi câu bên hồ nước

Nguyễn Xuân Thủy

Nhà văn Lê Minh Khuê: Thời gian sẽ quyết định ai vào đội tuyển

Nguyễn Thị Mai Phương

Tha hương

Trần Thị Tú Ngọc

Hoa đào năm ấy

Nguyễn Duy Liễm

Tản mạn chuyện cá, đi câu trên vịnh Bái Tử Long 

 

Thơ

Nam Hà

Từ trong im lặng; Đợi em

Đoàn Thị Tảo

Tật nguyền; Tình trẻ; Vành nôi chao nghiêng

Phan Trung Thành

Viết dưới cây bồ đề ở Sơn Mỹ; Mấy ga

Nguyễn Thị Mai

Khóc chữ; Chuyện của các anh

Đỗ Huy Chí

Chiều Đồng Lộc; Du ca sông Hồng

Phạm Trọng Thanh

Không đề; Tặng chú chuồn chuồn ngủ đậu; Ghi ở Thái Nguyên

Đông Triều

Trên đại dương mênh mông; Mùa mưa năm sau

Trần Thu Hà

Mùa sinh nở; Kí ức dòng sông

Nguyễn Vĩnh Tiến

Cây liễu; Lời một ngọn gió trầm cảm ở Toulouse; Tháng Bảy

Vũ Từ Trang

Sông Gâm; Đường trên cao; Khúc ngoặt

Đức Sơn

Mùa đông về nhen bếp lửa; Đoản khúc đồi

Nguyễn Thị Kim Nhung

Những điều xa vắng (Đọc Lửa từ quá khứ của Nguyễn Văn Khôi)

Trần Hùng

Ngày về; Mùa cây không hoa; Gọi xanh

Đỗ Quyên

Bếp nghèo; Về làng

Mẫu đơn

Đêm bí đỏ; Về một ngôi nhà

Đinh Công Thủy

Cơn mơ chỉ đủ dài bằng cây cầu; Khúc vu vơ số 2

Trần Văn Liêm

Bến quê xưa; Chiều thị trấn

Trần Thiên Thị

Đặt lại tên; Cứ hỏi đám lục bình em sẽ rõ về anh

Hạnh Vân

Tạm biệt rừng; Chiều Đắk Lua

VNQĐ giới thiệu thơ Tuấn Anh

Bên ô cửa; Khói bay vòng quanh; Ngồi câu cá ở Đình Vũ 

 

Văn học nước ngoài

Andrés Felipe Solano

Hồng hạc trắng (Thái Hà dịch theo bản dịch tiếng Anh của Nick Caistor)

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Thị Phương Thúy

Vài phác họa về hình ảnh người chiến sĩ trong văn xuôi tranh đấu Nam Bộ 1945 - 1950

Phan Trọng Hoàng Linh

Đối thoại với những ý thức khác

Phong Lê

Nhà thơ Lê Đạt và Trường ca Bác

Hoàng Minh Đức

Nhạc sĩ Nguyên Nhung với con đường sáng tạo âm nhạc

Nguyễn Quân

Sỹ Ngọc - đỉnh cao hội họa theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa

Nguyễn Văn Thọ

Nhân vật Vườn Maria và số phận của họ

Nguyễn Chí Hoan

Giải Nobel không phải “một vòng hoa trên mộ của tôi” 

 

Mĩ thuật, ảnh

Bìa 1: Chiến sĩ Tiểu đoàn 3 - Trường Quân sự Quân khu 2 Ảnh: Vũ Thành Duy

Tranh, ảnh, minh họa: Trương Đình Dung, Lê Trí Dũng, Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Đăng Phú, Phạm Hà Hải, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn, PV, Internet.