Thứ Bảy, 10/08/2019 15:54

Văn học trẻ, nhìn lại và đi tiếp

. Nhưng văn học trẻ đã thực sự phát triển và chiếm được ưu thế trong thời gian qua? Câu hỏi này dường như vẫn chưa được các cây bút trẻ trả lời với đầy đủ sự tự tin, bản lĩnh, sáng tạo và tài năng...

 Sáng 10/8, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội và Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm mang tên Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây. Chương trình có sự hiện diện của nhà thơ Trần Quang Qúy và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội; nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng Ban văn trẻ Hội Nhà văn Hà Nội; cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và các tác giả trẻ đến tham dự.

Các nhà thơ, nhà văn điều hành buổi tọa đàm

Thời nào cũng vậy, sự hiện diện của văn học trẻ luôn góp phần làm nên “làn gió mới” cho văn chương. Văn học trẻ ngày nay cũng đã và đang có nhiều cơ hội, nhiều sân chơi để các tác giả trẻ tạo tên tuổi và khẳng định mình. Hà Nội luôn là trung tâm của các tinh hoa, văn học Hà Nội cũng là trung tâm của những người yêu văn chương, trong đó có những người trẻ. Nhưng văn học trẻ đã thực sự phát triển và chiếm được ưu thế trong thời gian qua? Câu hỏi này dường như vẫn chưa được các cây bút trẻ trả lời với đầy đủ sự tự tin, bản lĩnh, sáng tạo và tài năng...

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhìn văn học trẻ hôm nay với sự tin tưởng và bao dung: Với văn trẻ, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh, nghĩa là không vội lạc quan để rồi thất vọng và cũng không vội bi quan để rồi quay lưng với họ. Phải thừa nhận là Văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác, phải thừa nhận là văn trẻ có ý thức làm mới văn chương khi đa số quyết liệt tìm cách viết mới, phải thừa nhận là trong hai thập kỉ đầu của thế kỉ XXI, nếu có hiện tượng nào trên văn đàn Việt Nam thì nó thuộc không ít về Văn trẻ.

Nhưng cũng phải thừa nhận là chưa có lĩnh vực nào mà sự sàng lọc và đào thải lại khắt khe đến như thế trong nghệ thuật ngôn từ. Văn trẻ, theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, đang ở trong tình trạng mặc dù được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng... So với các thế hệ trước thì văn trẻ Thủ đô hiện tại còn thiếu và yếu, nếu nói một cách nghiêm túc, khách quan và công tâm nhất. Nhưng vì lẽ đó mà chính chúng ta chứ không ai khác phải thay đổi, như nhà văn Nam Cao đã viết trong tiểu thuyết Sống mòn (1944) “Sống tức là thay đổi”.

Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh cho rằng: Các tác giả trẻ cấp tiến có ý thức rất rõ ràng về chất nghệ thuật trong mỗi sáng tác của mình. Họ không hài lòng với việc phản ánh cuộc sống đơn thuần mà đề cao những thể nghiệm nghệ thuật mới mẻ, chấp nhận đi con đường hẹp, lặng lẽ âm thầm đi, âm thầm đọc, âm thầm chiêm nghiệm để âm thầm viết, ngõ hầu cho ra những tác phẩm có giá trị, có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Sự phân hóa rõ rệt trong văn chương giữa cái đại chúng và cái hàn lâm xuất hiện ở cả trong giới viết lẫn người đọc. Văn học trẻ cũng phải đối diện và có những lựa chọn của mình để định hình cách viết, cách đọc và con đường văn chương của riêng mình. Qua thời gian, những tác giả - tác phẩm xứng đáng sẽ còn lại và được nhắc nhớ. Đó là một sự đào thải khắc nghiệt. Trong 10 năm qua, văn học Thủ đô có thể còn đang nhắc những cái tên như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Vình Tiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Đinh Phương...

Có nhiều cây bút trẻ có thể đã xuất sắc với những tác phẩm tiêu biểu, tuy nhiên họ chưa thực sự hết mình hoặc không chọn đi đường dài với văn chương. Đó cũng là điều đáng tiếc và làm cho văn chương trẻ phần nào trở nên buồn tẻ hơn.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn thẳng thắn đề cập đến những “sai lầm” của văn học trẻ: Một số nhà thơ trẻ loay hoay lập danh, lập ngôn, bài thơ chưa chín về cảm xúc lẫn ngôn ngữ thơ; biến thơ mình thành một thứ độc thoại nội tâm với những câu chữ cầu kỳ, bí hiểm, không có những tiếng nói chia sẻ với cộng đồng nên khó tìm được sự cộng hưởng, ít có khả năng lan tỏa; ít giao lưu, học hỏi, không đọc và không đối thoại với nghề; mạng xã hội làm cho các tác giả công bố tác phẩm một cách dễ dãi và dễ ảo tưởng bởi số đông...

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bày tỏ: Anh hi vọng các nhà thơ trẻ vượt thoát khỏi chính mình và vươn đến nghệ thuật bằng cách mang đến sự kinh ngạc cho người đọc.

Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, nhà thơ Trần Quang Qúy một lần nữa nhấn mạnh, khẳng định tầm quan trọng của văn học trẻ trong đời sống. Nhà thơ cho rằng, người viết trẻ cần phải dấn thân hơn nữa, “vượt qua vũng lầy của sự kể lể để bay lên cao và thấy được sự bao quát”.

SƠN NGUYÊN