Thứ Tư, 07/08/2019 14:46

Văn chương chất vấn đời thường

Các tác phẩm của anh đã đối diện tận cùng với bản chất của con người bằng thứ ngôn ngữ ma mị và quái kiệt.

 Nhắc đến thành tựu truyện ngắn đương đại Việt Nam không thể không nhắc đến Trần Vũ và những tác phẩm đặc sắc của anh. Gai sắc trong truyện Trần Vũ là tên buổi tọa đàm văn học diễn ra vào tối 6/8 tại Hà Nội do Trung tâm Văn hóa Pháp phối hợp với Công ty Văn hóa Nhã Nam thực hiện.

Văn chương Trần Vũ khước từ những lưng chừng, bảng lảng, mơ hồ, luôn đẩy sức căng giãn đến những góc cạnh cực đoan nhất và tìm thấy con người hoặc ở nơi sâu thẳm, hoặc chốn man rợ khốn cùng. Phép tính của một nho sĩ là tập truyện ngắn đầu tiên của Trần Vũ được in ở Việt Nam vào đầu năm 2019. Cuốn sách tập hợp 9 truyện ngắn tiêu biểu đã làm nên tên tuổi của Trần Vũ.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm

Theo tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn, đây là tập truyện ngắn hay của văn học Việt Nam đương đại. Trần Vũ là nhà văn hải ngoại đã nỗ lực viết văn bằng tiếng Việt. Các tác phẩm của anh đã đối diện tận cùng với bản chất của con người bằng thứ ngôn ngữ ma mị và quái kiệt. Phải nhắc đến bạo lực và bạo dâm trong sáng tác của Trần Vũ, anh có cái nhìn liền mạch và sắc nét trong vấn đề này và soi chiếu với nhiều chiều, nhiều góc cạnh. Trần Vũ suy tưởng và chất vấn sự bạo lực và bạo dâm để tìm ra/nhìn ra căn tính con người.

Đặc trưng của văn chương Trần Vũ là những con chữ hoặc đau đớn đến tan nát, hoặc táo bạo đến sắc rợn, hoặc lạnh lùng đến ghê người; các thủ pháp lạ hóa, chuyển đổi hiện thực, huyền ảo được tận dụng tối đa để khai phá mối quan hệ giữa lịch sự, hiện thực, bạo lực và tình dục.

Lịch sử có vị trí quan trọng trong sáng tác của Trần Vũ. Anh không để cho lịch sử say ngủ, mà luôn đặt nó song hành với hiện tại, cật vấn nó, phản biện nó để đem đến những góc nhìn khác biệt gợi nhiều suy ngẫm: chúng ta đã đối xử với lịch sử như thế nào? Lịch sử có phải đã biến mất khỏi đời sống hôm nay? Chúng ta đang thừa hưởng những gì từ quá khứ? Và trong lịch sử cũng như hiện tại, nhà văn khám phá yếu tố bạo lực như một cách lí giải về đời sống, một thứ bạo lực nguyên sơ từ trong bản chất con người, điều khiển và chi phối suy nghĩ và hành xử của con người.

Nói về nghệ thuật truyện ngắn Trần Vũ, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu chia sẻ: Trần Vũ rất cao tay trong việc lựa chọn ngôi kể. Từ ngôi kể nhà văn cho thấy trách nhiệm của tự sự, hé gợi những khám phá nào, chất vấn nào. Việc Trần Vũ lựa chọn tiếng Việt để viết văn là một lựa chọn đầy can đảm vì ở hải ngoại tiếng Việt bị hai lần ngoại biên. Nhưng chỉ với tiếng Việt thì Trần Vũ mới chạm được vào những chấn thương của lịch sử và chấn thương của thân thể. Văn chương Trần Vũ là dòng văn học chấn thương.

Ngôn ngữ trong tác phẩm Trần Vũ rất khó nắm bắt, bởi khi đặc quánh lại, khi lỏng lẻo, mơ hồ. Tác phẩm của anh dày đặc tính đồng hiện, thủ pháp phân thân và không khí u ám, ngột ngạt. Anh cho thấy văn chương đang chất vấn lại đời thường với những chuẩn mực và quy phạm. Cách viết của Trần Vũ là cách viết tra tấn từ vựng. Qua tác phẩm của mình, nhà văn bắt chúng ta phải nhìn sâu vào lịch sử và căn tính con người chứ không phải là sự soi chiếu trong xã hội để tìm ra những bài học. Trần Vũ luôn chiến thắng tính khả đoán của độc giả bằng cách làm mờ đi những mối quan hệ. Với một kỹ thuật viết truyện ngắn bậc thầy anh luôn tạo ra sự trùng điệp cho những hình ảnh bởi vậy mà các tác phẩm luôn có bề dày và độ quy chiếu lớn.

Trần Vũ sinh năm 1962 tại Sài Gòn, trong một gia đình miền Bắc di cư, nguyên quán ở Sơn Tây - Phú Thọ. Năm 1979 anh định cư ở Pháp, đến năm 2013 định cư ở Hoa Kỳ. Trần Vũ bắt đầu viết văn năm 1988 và nổi tiếng như một hiện tượng trên văn đàn hải ngoại bởi tài năng viết lách. Đến nay, gia tài của Trần Vũ có khoảng 50 truyện ngắn, một số tiểu luận, tùy bút, ký, khảo cứu.

PHƯƠNG LAM