Thứ Hai, 13/05/2019 14:09

Từ tòa thành đá nhìn ra

Truyện ngắn nằm trong cuốn sách cùng tên The View from Castle Rock xuất bản năm 2006 của tác giả Canada - Alice Munro, người nhận giải thưởng Nobel văn học 2013.

. Truyện ngắn của Alice Munro

Tòa thành đá Edinburgh - nguyên mẫu trong truyện ngắn của Alice Munro.

Trong chuyến đi Edinburgh cùng cha năm chín mười tuổi, Andrew nhớ mình đã trèo qua những bậc đá gồ ghề trơn trượt của tòa thành. Cha cậu ở ngay phía trước, phía sau lưng là các chú cùng đi – thật không ngờ cha tìm được nhiều bạn bè đến vậy, toàn những người hay đứng ở ô ngăn có tấm ván gắn hình chai bia trên đường cao tốc và rồi cuối cùng họ cũng bò ra được khỏi vách đá cao vợi, cách mặt đất một con dốc thẳng đứng. Mưa vừa tạnh, mặt trời lấp lánh trên nước bàng bạc đằng xa, và ở tận cùng ngoài khơi là một dải đất màu xanh nhàn nhạt xam xám, nhẹ mờ như sương, quện vào chân trời trong vắt.

“Nước Mĩ kìa,” cha của Andrew hồ hởi nói. Một chú đáp lời rằng làm gì có chuyện cái đất đó lại gần như vậy.

“Ta đang ở trên cao nên có ảo giác thế thôi,” một người khác chen lời.

“Đó là nơi ai ai cũng của nả đầy nhà, kể cả ăn mày cũng còn dong xe ngựa xin cơm khắp phố,” cha Andrew nói tiếp, không màng đến họ. “Con trai, con sẽ ở đó,” – ông quay sang Andrew – “Chúa phù hộ con, sẽ có ngày con được nhìn vùng đất ấy tận mắt, và cả ta nữa, nếu ta còn sống đến lúc ấy.”

Andrew cảm giác những lời cha nói hình như không đúng, nhưng cậu không rành địa lý cho lắm để mà nhận ra chỗ họ vừa thấy chỉ là mỏm Fife(1) . Cậu bé cũng không biết là các chú đi cùng đang chế giễu cha hay cha đang muốn lừa các chú một vố. Hoặc là ngay từ đầu đã chả có cú lừa nào cả.

Nhiều năm sau, tại cảng Leith, ngày mùng bốn tháng sáu năm 1818, Andrew và cha – giờ tôi phải gọi là ông lão James để phân biệt, vì thế hệ nào trong nhà cũng đều có người tên James – cùng với cô vợ Agnes đang mang bầu, em trai Walter, chị gái Mary và con trai James chưa đầy hai tuổi của anh sửa soạn lên tàu cho chuyến đi biển đầu tiên trong đời họ.

Ông lão James khoe cái lần đầu tiên này với anh thuyền viên đang điểm danh hành khách.

“Lần đầu tiên trong đời tôi chú ạ, đến tận cái tuổi này. Bọn tôi là dân Ettrick. Cái vùng ở sâu tít trong đất liền.”

Anh thuyền viên đáp lại từ gì không rõ nhưng họ vẫn hiểu ý. Đi vào trong. Anh ta đã đánh dấu hết mấy cái tên. Họ phải đi vào trong theo hàng, không thì sẽ bị ủn vào. Nhóc James được Mary bế cứ nhấp nhổm trên hông bác.

“Thế này là sao?” Ông lão James hỏi, đánh mắt về phía đám đông trên boong tàu. “Nhà ta ngủ ở đâu đây? Mấy thằng kia ở đâu ra? Nhìn cái mặt bọn nó kìa – da đen à?”

“Khéo còn là dân da đen vùng cao ấy,” Walter nói. Câu đùa này cậu chỉ nói thật thầm để cha khỏi nghe. Gì chứ ông già căm ghét dân vùng cao ra mặt.

“Người đông như kiến,” ông lão James nói tiếp. “Tàu chìm thì bỏ mẹ.”

“Còn lâu,” Walter đáp, giờ thì giọng to rõ ràng. “Tàu chìm có mấy khi vì đông người quá. Cái anh ban nãy chả đếm số người rồi.”

Dù mới chỉ lên tàu chốc lát, cậu choai mười bảy tuổi này đã học được cách cãi bướng để đối nghịch với ông già. Ông lão James mệt mỏi bàng hoàng, lại vướng áo khoác ngoài nặng trịch nên chẳng kịp đánh nó một cái.

Chi tiết về cuộc sống trên tàu đã được giải thích cho cả nhà nghe. Thực tế, chính ông lão đã tự mình giải thích. Ông lão là người biết rõ nhất về chỗ ăn, chỗ ở, về những loại người ta sẽ gặp ở trên tàu. Tất cả đều là dân Scotland, toàn người tử tế. Tuyệt không có dân vùng cao hay người Ireland.

Thế mà giờ ông lão lại lớn tiếng chê bai rằng chỗ này chẳng khác gì một đám ong ruồi lo vo trên xác con sư tử thối.

“Quỷ dữ, một đàn quỷ dữ. Trời ơi, sao tôi lại bỏ quê mà đi làm gì.”

“Mình còn chưa đi mà ba,” Andrew đáp. “Vẫn còn đang ở cảng Leith. Bây giờ tốt nhất là mình xuống dưới tìm chỗ cho cả nhà đã.”

Ông lão lại càm ràm. Chỗ nằm chỉ là mấy tấm ván hẹp, mặt ván trải lông ngựa vừa cứng vừa gai.

“Có còn hơn không,” Andrew nói.

“Ôi trời ơi, sao tôi lại cứ cố kiết mang cả nhà đi, để giờ phải ở cái nơi như nhà xác trôi sông thế này.”

Ai đấy bảo ông già im đi được không? Agnes nghĩ. Cứ đà này ông sẽ nói mãi nói hoài, cô không chịu được. Cô đang trải qua nhiều đau khổ mà ông lão có lẽ chẳng bao giờ hiểu được.

“Tóm lại là giờ ta ở đây hay đi chỗ khác?” cô nói.

Vài người đã mắc khăn choàng hoặc vải trùm đầu lên vách làm chỗ riêng tư cho gia đình họ. Thấy vậy, cô cũng cởi áo ngoài của mình để treo lên.

Cái thai trong bụng cô quẫy đạp như đang nhào lộn. Mặt cô đỏ bừng, hai chân tê nhức cứ giật từng cơn, phần cơ giữa háng thì đã sớm sưng phù, nhất là hai môi thịt nơi đứa nhỏ sẽ chui ra, một mớ bầy hầy những đau những đớn.

Mẹ cô chắc chắn biết phải làm sao cho bớt khó chịu. Bà biết phải lấy những loại lá gì nghiền với nhau thành thuốc đắp dịu cơn đau. Nghĩ đến mẹ, nỗi tức tưởi vì tình cảnh gian khó hiện giờ trào lên trong cô, khiến cô muốn đạp ai đấy một nhát cho hả dạ.

Tại sao Andrew không nói thẳng với cha luôn đi, rằng cái ý tưởng này ngay từ đầu là của ai, là ai cứ năm lần bảy lượt thúc ép rồi vay mượn rồi cầu xin, để giờ cả nhà phải chen chúc ở cái chốn này? Nhưng Andrew sẽ không chịu nói đâu, Walter thì chỉ biết đùa giỡn, còn Mary thì chẳng bao giờ dám hé nửa lời khi có mặt cha.

Agnes sinh ra từ một gia đình đông con làm dệt ở Hawick, hiện tại hầu hết các thành viên trong gia đình cô đều làm công nhân trong nhà máy nhưng bao đời trước, họ vẫn lao động tại gia. Sống trong hoàn cảnh như vậy, họ phải học cách giương oai và hạ bệ lẫn nhau, tranh cãi, ganh đua để sinh tồn nơi đất chật người đông. Cô vẫn chưa hết ngạc nhiên trước những cử chỉ cứng nhắc, thái độ tránh né, im lặng hoặc cam chịu của mọi người trong gia đình chồng. Hồi mới quen cô đã nghĩ gia đình này thật kì lạ và giờ vẫn vậy. Họ cũng nghèo khó như gia đình cô, nhưng ai trong nhà cô cũng có cái tôi rất lớn. Và họ chẳng có thứ gì bảo hộ cho ý thức cá nhân ấy.

Mary mang nhóc James quay lại boong tàu. Thằng bé sợ hãi khi ở khoang dưới tối tăm. Thằng bé không khóc cũng không nháo nhưng cô biết nó sợ vì hai đầu gối bé xíu của nó cứ quắp vào thân cô.

Buồm trên tàu được cuộn lại gọn ghẽ. “Nhìn kìa, nhìn lên kia kìa”, Mary nói, chỉ vào một anh thủy thủ đang bận bịu với đám dây nhợ trên cao. Thằng bé bên hông đáp lại một tiếng “píp” như chim hót. “Thủy thủ-píp, thủy thủ-píp”, cô nói tiếp. Cô và thằng bé nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ nửa nọ nửa kia – một nửa là cô dạy, một nửa nó tự chế. Cô tin thằng bé là một trong những đứa trẻ thông minh nhất trên đời. Là con cả trong gia đình, cũng là con gái duy nhất, cô đã tự mình chăm sóc các em trai. Cô luôn tự hào về chúng, nhưng quả thực cô chưa bao giờ gặp một đứa trẻ nào như thế này. Ngoài cô ra, không ai biết thằng bé có bao nhiêu thông minh sáng dạ. Đàn ông trong nhà không hứng thú với trẻ con, còn mẹ nó Agnes thì không đủ kiên nhẫn.

“Nói tử tế xem nào”, Agnes nạt thằng bé, và nếu nó không nói thì cốc đầu một cái. “Mày là thứ gì hả?”, cô nạt thêm, “Là con người hay là con quỷ?”

Mary sợ cái tính nóng của Agnes, nhưng ngẫm lại, cô không trách em dâu. Cô nghĩ những người đàn bà như Agnes phải làm người vợ, người mẹ có con mọn, sống một cuộc đời thật kinh khủng. Việc những gì đàn ông làm với họ, đến cả người đàn ông tốt như Andrew cũng chẳng khá hơn, rồi bọn trẻ con, khi sinh chúng ra cũng chẳng dễ dàng. Cô sẽ không bao giờ quên cái cảnh mẹ mình nằm vật trên giường, mê man vì sốt, hoảng loạn và quằn quại đến chết chỉ ba ngày sau khi Walter chào đời. Bà la hét điên cuồng khi thấy cái nồi đen treo trên đống lửa, nghĩ sảng có đầy quỷ dữ bên trong.

Mary. Các em trai hay gọi cô là Mary tội nghiệp, cao chưa đầy năm thước (2) , có gương mặt nhỏ gầy nhăn nhúm, cằm chìa, cùng làn da chi chít mụn mà phải rất lâu mới mờ sẹo. Khi nói chuyện, khóe miệng cô co giật với dãi dớt và hàm răng khấp khểnh, thốt ra mớ âm thanh lộn xộn khiến người ta không thể không nghĩ cô bị hâm dở. Cô chẳng dám nhìn vào mắt ai kể cả người thân trong gia đình. Chỉ khi bế thằng bé bên hông, cô mới có khả năng nói được vài câu mạch lạc mà chủ yếu với thằng bé.

Mary bỗng nghe thấy tiếng bò kêu. Cô nhìn lên, thấy con bò nâu bị dây thừng trói chặt, treo lơ lửng trên không và đang gầm rống lăn lộn. Đám đông xung quanh rào rào vỗ tay huýt sáo. Một đứa trẻ kêu lên, muốn biết con bò có bị thả xuống biển không. Một người đàn ông nói với đứa trẻ rằng không, con bò sẽ đi cùng họ trên tàu.

“Sau người ta sẽ vắt sữa nó ạ?”

“Ờ. Để đấy. Người ta vắt sữa nó”, người đàn ông gắt gỏng. Rồi giọng một người đàn ông khác nói leo huyên náo.

“Người ta sẽ vắt đến khi nào lấy búa phang cho nó một nhát, rồi mày sẽ được ăn pudding máu cho bữa tối con ạ.”

Tiếp theo là đám gà mái, nhồi nhét trong mấy cái chuồng người ta quăng lên boong, con nào con nấy ngoạc mồm kêu quang quác, đập cánh rồi mổ nhau chí chóe làm lông vũ bay tán loạn. Sau đó là một con lợn bị trói chổng kềnh như con bò ban nãy, ré lên một tiếng chói tai như người điên trong cơn khốn nạn và giãy giụa không ngừng, làm dậy lên những tiếng hú hét vừa phấn khích vừa phẫn nộ bên dưới.

James cũng đang cười. Nó nhìn thấy cứt và hét lên cái từ nó tự nghĩ ra, “chứp”.

Mary trộm nghĩ, biết đâu có một ngày thằng bé nhớ ra chuyện này. Tôi thấy một con bò và một con lợn bay trên trời. Rồi nó sẽ tự hỏi liệu có phải là mơ. Có lẽ thằng bé sẽ không bao giờ nhìn thấy một con tàu nào thế này nữa trong suốt cuộc đời còn lại của nó. Cô không biết họ sẽ đi đâu khi đến bờ bên kia, nhưng cô áng chừng đó sẽ là một nơi nằm sâu trong đất liền, giữa những ngọn đồi, giống như Ettrick.

Dù đi đến chỗ nào, cô cũng không nghĩ mình sẽ trụ được lâu. Mùa đông hay mùa hè cô đều ho suốt, và mỗi lần ho ngực cô lại đau. Mắt cô lên chắp liên tục, lại còn co thắt dạ dày. Cô ít khi có hành kinh, nhưng cứ bị là chảy máu ròng cả tháng. Dẫu sao, cô vẫn hi vọng mình sẽ không chết khi nhóc James còn đang cần cô, ít nhất là phải một thời gian nữa. Cô biết sẽ đến lúc thằng bé bỏ mặc cô giống như các em trai cô ngày xưa, khi nó lớn lên và cảm thấy xấu hổ với mối liên hệ với bà bác hâm dở. Và cô dặn lòng mình, nhưng như mọi người đang yêu khác, cô không thể nào tin sẽ có ngày điều ấy xảy ra.

Trong chuyến đi đến Peebles, Walter đã mua một cuốn sổ tay, nhưng mấy bữa nay cậu có quá nhiều việc phải lo và quá ít không gian yên tĩnh trên boong để mở sổ ra viết. Cuối cùng, sau khi thăm thú loanh quanh, cậu đã tìm được một chỗ tốt ở gần cabin tầng trên.

***

Chúng tôi lên tàu vào ngày 4 tháng 6 và chờ suốt mấy ngày 5, 6, 7 và 8 cho tàu lòng vòng qua các ngõ ngách ở cảng Leith để kiếm chỗ nào ra khơi được, tận mùng 9 mới đi. Chúng tôi đã rẽ qua mỏm Fifeshire an toàn, không có gì đáng nói xảy ra cho đến hôm nay ngày 13 vào buổi sáng khi chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng hò reo lúc đi qua Nhà John o’ Groat’s (3) . Chúng tôi có thể thấy nó rất rõ từ trên tàu, rồi tàu băng qua eo Pentland rất thuận lợi, được cả hướng gió và hải lưu và không hề nguy hiểm như người ta nói. Có một đứa trẻ đã chết, tên là Ormiston. Cái xác đã bị ném xuống biển khâu liệm trong mảnh vải bố và cột một cục than lớn dưới chân.

***

Cậu dừng bút, nghĩ về cái bọc vải bố chìm xuống tầng nước sâu. Liệu cục than kia có làm được việc của nó, kéo cho cái bọc rơi thẳng xuống đáy biển không? Hay là dòng hải lưu chảy xiết sẽ làm cái bọc bảy nổi ba chìm, dập dềnh đến tận Greenland, hoặc trôi về phương Nam tới vùng nhiệt đới um tùm cỏ dại, biển Sargasso chẳng hạn? Cũng có thể một đàn cá hung dữ đã mò đến, cắn xé lớp vải rồi đánh chén thân người bên trong trước khi cái bọc kịp chìm qua tầng nước mặt đầy ánh sáng.

Cậu tưởng tượng trong đầu – một đứa trẻ bị ăn thịt. Không bị nuốt trọn như Jonah, mà là bị xé nhỏ rồi nhai nát, như cái cách cậu cắn một miếng ngon từ tảng thịt cừu. Nhưng vẫn còn linh hồn nữa. Linh hồn rời khỏi cơ thể vào khoảnh khắc người ta chết. Nhưng nó rời đi từ bộ phận nào của cơ thể? Câu trả lời tốt nhất có thể là nó thoát ra theo hơi thở cuối cùng, sau những tháng ngày ẩn náu đâu đó trong ngực, quanh vị trí của phổi và tim. Walter cũng từng nghe người ta kể chuyện cười về một ông già ở Ettrick bẩn thỉu đến mức khi chết, linh hồn lão thoát ra từ lỗ hậu môn, nghe đâu là sau một tiếng rắm nổ to đùng.

Thông tin kiểu này, ta thường nghĩ là được nghe từ mấy người truyền đạo, tất nhiên không có những thứ tào lao như là lỗ hậu môn, nhưng ít nhiều cũng sẽ lí giải về vị trí và đường ra thích hợp cho linh hồn. Tuy nhiên, thực tế họ né tránh vấn đề đó. Ngoài ra thì họ không giải thích được hoặc ít nhất là cậu chưa thấy ai giải thích được về cách linh hồn tồn tại bên ngoài cơ thể cho đến Ngày phán xét, và làm thế nào mà vào ngày đó, mỗi linh hồn sẽ tìm kiếm, nhận ra và đoàn tụ với cơ thể gốc của mình, trong khi đến lúc đấy cái thân nào cũng chỉ còn là một nắm xương khô. Thậm chí là cát bụi. Hẳn đã có người nghiên cứu đủ sâu để biết làm sao tất cả những điều trên thực hiện được. Nhưng cũng có những người – cậu mới biết gần đây – đã nghiên cứu, đã đọc và suy ngẫm lâu lắm để rồi kết luận rằng thế gian này vốn chẳng có linh hồn. Tuyệt không ai nghe hay nhắc đến họ, và quả thực, mới nghĩ đến họ thôi đã là cả một sự giày vò. Làm thế nào họ có thể sống chung với nỗi sợ hãi ấy – không, phải là ý thức về một quả báo chắc chắn – rằng họ sẽ bị đày trong địa ngục mãi mãi?

Ngày thứ ba ở trên tàu, ông lão James đứng dậy và bắt đầu đi dạo xung quanh. Ông lão sẽ dừng lại làm quen với bất kì ai có vẻ sẵn sàng tiếp chuyện. Ông lão giới thiệu tên và nói rằng ông đến từ thung lũng, rừng già Ettrick - nơi các cựu vương của Scotland từng đi săn.

“Trên chiến trường Flodden”, ông lão kể, “sau trận Flodden, người ta bảo rằng anh có thể lượt xem từng chồng xác lính và nhận ra ngay ai đến từ Ettrick, bởi họ chính là những người đàn ông cao lớn nhất, rắn rỏi và hùng mạnh nhất trên đời này. Tôi có năm người con trai, đứa nào cũng mạnh mẽ tử tế, nhưng chỉ có hai đứa là theo tôi. Một thằng đang ở Nova Scotia. Lần cuối cùng tôi nghe về nó, thấy bảo nó đang làm ở cái chỗ gọi là Kinh tế, nhưng sau đấy thì bặt tin luôn nên giờ tôi cũng chả rõ nó sống chết thế nào. Thằng cả thì bỏ lên vùng cao kiếm việc, thằng áp út cũng học đòi đi theo, tôi chẳng thèm nhìn mặt chúng nó nữa. Năm thằng nhóc con, nhờ Chúa lòng lành mà lớn lên trai tráng đường hoàng, nhưng Đức Chúa cũng đâu muốn tôi phải giữ chúng nó trong nhà bằng được. Đời người đàn ông tủi buồn ăm ắp. Tôi cũng có cô con gái, là đứa lớn nhất, nhưng nó nhỏ thó chẳng bằng người. Tại mẹ nó hồi mang bầu bị con cừu đực nó rượt vòng quanh.”

***

Chiều ngày 14, có cơn gió dữ từ miền Bắc và con tàu bắt đầu rung lắc như thể toàn bộ ván tàu sẽ bị giật bay hết. Các thùng đựng dịch nôn người ốm đầy tràn cả ra, nhớp nhúa trên sàn. Tất cả mọi người được lệnh phải ở yên phía dưới nhưng nhiều người cứ cố bám lan can trên boong, chẳng nề hà bị cuốn trôi. Được cái không ai trong nhà ta bị bệnh và bây giờ gió đã buông, mặt trời đã ló dạng và những người chẳng màng chết trong sự nhớp nhúa ban nãy đã đứng dậy lò dò đi tắm rửa ở chỗ các thủy thủ té nước trên sàn tàu. Các bà các cô cũng bận rộn giặt giũ phơi phóng đống quần áo bẩn. Đó là cơn nguy khốn bi thảm nhất cùng sự hồi phục chóng vánh nhất tôi từng thấy trên đời.

***

Một cô bé khoảng mười hoặc mười hai tuổi đứng nhìn Walter viết. Cô mặc một chiếc váy kiểu cách, đội mũ rộng vành và có mái tóc màu nâu nhạt xoăn xoăn. Gương mặt nom không được tươi vui cho lắm.

“Anh là khách ở cabin à?” cô hỏi.

Walter đáp, “Không. Không phải.”

“Tôi biết anh không phải. Chỉ có bốn cabin, một cho cha tôi và tôi, một cho thuyền trưởng, một cho mẹ thuyền trưởng, bà ấy không bao giờ đi ra ngoài, cái còn lại là cho hai người phụ nữ. Anh không được phép ngồi ở chỗ này trừ phi anh là khách cabin.”

“Ồ, tôi không biết đấy,” Walter nói, nhưng không có vẻ gì là sẽ di chuyển.

“Tôi từng nhìn thấy anh viết vào sổ rồi.”

“Tôi thì chưa thấy cô bao giờ.”

“Không. Vì anh mải viết nên anh không để ý. Tôi chưa nói với ai về anh cả,” cô bé làm như vô tình nói thêm, tựa hồ có thể đổi ý bất cứ lúc nào.

Khi cô bé rời đi, Walter viết thêm một câu.

***

Và đêm nay năm 1818, chúng tôi không còn nhìn thấy Scotland nữa.

***

Những dòng này đối với Walter sao thật trọng đại. Lòng cậu chan chứa một cảm giác hùng tráng, oai nghiêm và ý nghĩa đích thực của con người cậu.

***

Ngày 16 là một ngày rất gió có gió thổi từ hướng Tây Nam, sóng biển dâng rất cao và con tàu đã bị vỡ chêm vì gió rát quá. Và chị Agnes nhà tôi đã được đưa vào cabin.

***

“Chị”, cậu viết, như thể người ấy đối với cậu giống như Mary tội nghiệp, nhưng không phải vậy. Agnes là một cô gái cao ráo cân đối với mái tóc đen dày và đôi mắt đen. Một bên má cô hồng hồng liền ngay vết bớt màu nâu nhạt to chừng cái dấu ngón tay. Đó là vết bớt từ lúc mới sinh mà ai nhìn thấy cũng tiếc, rằng giá không có nó thì Agnes trông sẽ rất xinh đẹp. Walter không đành lòng nhìn vào vết bớt, nhưng không phải vì nó xấu. Ấy là bởi cậu khao khát được chạm vào nó, vuốt ve nó bằng từng đầu ngón tay. Trông nó không giống làn da bình thường mà giống như nhung trên sừng con nai. Cảm xúc của cậu về cô rối như tơ vò, đến nỗi cậu chỉ có thể nói năng một cách khó chịu với cô nếu lỡ bắt chuyện. Cô đáp lại bằng thái độ coi khinh chẳng hề che giấu.

Agnes nghĩ mình đang chìm trong nước, những cơn sóng hết đẩy cô lên lại dìm cô xuống. Mỗi lần dìm cô lại bị hành hạ thảm hơn, cô rơi xuống càng sâu càng xa, chưa kịp thở phào một tiếng đã lại có con sóng khác vận sức chực chờ đổ ập lên người.

Rồi có lúc cô biết rằng cô đang nằm ở trên giường, một chiếc giường lạ lẫm mềm mại một cách đáng ngờ, nhưng như thế còn tồi tệ hơn vì khi cô chìm xuống sẽ chẳng có thứ gì chống đỡ, chẳng có nơi nào đủ vững chãi khiến cho cơn đau ngừng lại. Mọi người cứ hối hả tới lui trước mặt cô. Cô nằm ở một bên vệ đường nhìn thấy họ, tất cả đều trong suốt, liến thoắng nói năng để cô không nghe ra, tất cả đều ác ý lướt qua cô mà không thèm đếm xỉa. Cô thấy Andrew trong số họ, cùng hai hoặc ba người anh em nữa. Một vài cô gái cô quen cũng đang ở đó – những người bạn cô hay chơi cùng khi còn ở Hawick. Và họ không bố thí lấy một đồng xu khi thấy cảnh cùng quẫn của cô.

Trước kia, cô chưa bao giờ nghĩ có nhiều người ghét mình như vậy. Họ đang chà đạp lên cô mà giả vờ không hay biết. Từng bước chân của họ như đang nghiền nát cô đến chết.

Mẹ cô cúi xuống, nói với cô bằng giọng trầm trầm lạnh nhạt, “Con ơi, con vẫn chưa cố gắng. Con phải cố gắng nhiều vào.” Mẹ đang ăn diện lộng lẫy, lại còn nói chuyện kiểu cách như một quý bà Edinburgh cao sang.

Những thứ xấu xa được đổ vào miệng cô. Cô cố nhổ ra vì biết đó là thuốc độc.

Mình cần phải đứng dậy và thoát khỏi đây, cô nghĩ. Cô cố vẫy vùng ra khỏi thân thể, cuống quýt như kéo đống vải vụn ra khỏi đám cháy bập bùng.

Cô nghe thấy tiếng người đàn ông ra lệnh. “Giữ chặt cô ấy”, anh ta nói, và cô bị xé toạc rồi kéo căng giữa thanh thiên bạch nhật và ngọn lửa mơ hồ kia.

“A – a – a” người đàn ông nói, thở hổn hển như vừa chạy đua.

Rồi một con bò rất nặng, bầu vú trĩu sữa, chổng lên và ngồi xuống bụng Agnes.

“Nào. Nào.” tiếng người đàn ông lại vang lên. Anh ta rên rỉ, sức cùng lực kiệt sau nỗ lực đẩy con bò ra chỗ khác.

"Lũ ngu. Rặt một lũ ngu để cho con súc vật lên tàu".

***

Mãi đến ngày 18 cô ấy mới khá hơn sau khi hạ sinh một bé gái. Chúng tôi có một bác sĩ phẫu thuật trên tàu không có vấn đề gì xảy ra. Không có gì đáng kể cho đến ngày 22, đây là ngày khó khăn nhất chúng tôi từng trải qua. Agnes đang bình phục một cách bình thường cho đến ngày 29, chúng tôi thấy một đàn cá heo lớn và ngày 30 (ngày hôm qua) biển động rất ghê, gió thổi từ phía Tây làm chúng tôi đi ngược về phía sau thay vì phía trước.

***

Ở Ettrick có một ngôi nhà người ta đồn là cao nhất Scotland,” lão James lại kể, “ngôi nhà ông tôi ở hẵng còn cao hơn thế. Tên nó là Phauhope – dân quanh đấy hay gọi là Phaup. Ông tôi là Will O’Pauph, năm mươi năm trước chắc có người đã từng nghe tên nếu là dân đến từ bất cứ vùng nào ở Bắc và Nam Forth."

Có người chửi thề khi thấy ông lão đến, nhưng cũng có người mừng vì sắp có chuyện phiếm để nghe. Hai đứa con trai từ xa đã nghe thấy giọng cha giữa những tiếng hỗn loạn trên boong tàu, liền lẹ làng quay đầu đi hướng khác.

Hai ba ngày đầu, nhóc James nhất quyết bám bác Mary không bỏ. Thằng bé khá bạo dạn, nhưng chỉ được thế khi còn đang vắt vẻo bên hông bác. Ban đêm nó ngủ trong áo choàng của bác, co người nép vào dì, và thế là Mary thức giấc đau mỏi hết nửa người bên trái vì cứ nằm mãi một tư thế cho khỏi động đến cháu. Rồi một buổi sáng nọ nó đòi bác thả xuống và chạy vòng quanh, nó còn đá nếu bác định bế nó lên lần nữa.

Mọi sự trên tàu đều khiến nó hiếu kì. Thậm chí có đêm nó cố trèo qua người bác và chạy biến vào bóng tối. Thế là Mary thức giấc đau mỏi khắp người không chỉ vì nằm nghiêng mà còn vì thiếu ngủ. Một đêm cô ngủ gật và thằng bé định lẻn đi, nhưng may là nó vấp phải người ba nó trên đường ra cửa. Từ đấy, Andrew kiên quyết rằng đêm nào cũng phải trói nó lại. Thằng bé gào lên giận dỗi, thế là Andrew nắm lấy vai nó lắc một cái thật mạnh rồi cốc đầu một nhát thật kêu, thằng bé chỉ biết khóc lóc đến khi mệt quá thì thiếp ngủ. Mary nằm bên cạnh nhẹ nhàng giải thích rằng phải làm thế cháu mới không bị văng khỏi tàu rơi xuống biển, nhưng lúc này nó đã coi dì như kẻ thù mất rồi, nó nhe mấy cái răng sữa định cắn khi thấy bác đưa tay ra vuốt ve mặt nó. Tối nào nó cũng ôm lòng hậm hực đi ngủ, nhưng đến sáng khi dì cởi trói cho nó, cái lúc thằng nhóc vẫn còn ngái ngủ, với vẻ mơ màng ngây thơ, nó sẽ loạng choạng ôm lấy bác và Mary sẽ lại được đắm chìm trong tình yêu bé nhỏ.

Bỗng một ngày nó biến mất. Mary đang xếp hàng chờ nước giặt đồ, cô quay lại thì thấy cháu mình không còn bên cạnh nữa. Cô chỉ mới nói vài câu với người đàn bà trước mặt, trả lời về Agnes và đứa nhỏ sơ sinh, cô vừa nói được cái tên – Isabel – mà loáng cái thằng bé đã biến mất rồi.

Giây phút đó, cả thế giới như đảo lộn. Cô chạy tới chạy lui gọi thật to tên James. Cô chạy đến chỗ những người lạ, gặp những tay thủy thủ hãy còn cười nhạo cô khi nghe tiếng cầu xin, “Xin hỏi ngài có thấy một bé trai chạy qua đây không? Thằng bé cao chừng này, mắt nó màu xanh biển.”

“Tôi thấy cỡ năm sáu chục thằng chỉ trong năm phút vừa rồi,” một gã nói với cô. Một người phụ nữ thì tỏ ra ân cần, an ủi cô rằng thằng bé sẽ sớm trở lại, cô đừng quá lo lắng, có thể nó chỉ chạy đi chơi với mấy đứa nhỏ khác. Vài người khác thậm chí còn ngó quanh như thể sẽ giúp cô tìm cháu, dù chắc chắn họ sẽ chẳng giúp cô thật đâu vì bản thân họ cũng có việc riêng phải làm.

Đây chính là sự thật trần trụi mà Mary chứng kiến: cái thế giới đã biến thành cơn ác mộng kinh hoàng đối với cô vẫn sẽ là một thế giới yên ổn bình thường đối với tất cả những người này, và nó sẽ cứ là một nơi yên ổn như thế kể cả khi nhóc James thật sự không về, nhỡ mà nó thật sự đã bò ra khỏi lan can – cô đã nhìn qua tất cả những chỗ có thể gây tai nạn – và bị sóng lớn ngoài đại dương kia nuốt chửng.

Hoặc đối với Chúa. Kì thực khi Chúa tạo ra một đứa bé xinh xắn, lanh lợi hiếm có, chắc hẳn Ngài cũng rất muốn mang tạo vật tuyệt vời ấy trở về, bởi thế gian này đâu xứng có được nó?

Dẫu sao, cô vẫn liên tục cầu nguyện với Chúa. Mới ban đầu cô chỉ dám gọi tên Ngài. Nhưng càng lúc cuộc tìm kiếm của cô càng cụ thể và thậm chí là quái đản hơn. Cô lẩn quẩn dưới những dãy dây phơi quần áo người ta dành làm của riêng, tự tiện xen vào công việc người ta đang làm, cậy nắp thùng chứa đồ nhà người và lục lọi đống quần áo ngủ, bỏ ngoài tai mọi lời họ nguyền rủa. Những lời cầu nguyện của cô càng lúc càng phức tạp và táo tợn. Cô nghĩ mãi, nghĩ mãi về thứ gì có thể hiến tế, thứ gì tương xứng với việc James sẽ được mang trả về cho cô. Nhưng cô có gì? Cô chẳng có gì cả. Không sức khỏe, không nghề nghiệp, không ai quan tâm, không chút vận may, không một tia hi vọng. Tất cả những gì cô có là James.

Và làm sao cô có thể đổi James lấy James được? Khúc mắc này cứ ám ảnh trong đầu cô. Thế còn tình yêu của cô với James thì sao? Một thứ tình cảm cực đoan, gần như là tôn thờ. Cô sẽ từ bỏ tình yêu ấy, một cách sung sướng và mãn nguyện, nếu như thằng bé không phải ra đi. Giá như thằng bé được tìm về. Giá như thằng bé không chết.

Cô nhớ lại chuyện này khoảng một hai tiếng đồng hồ sau khi có người phát hiện ra thằng  ló mặt khỏi một cái xô to không đựng nước, mải mê nghe tiếng người huyên náo nói chuyện. Cô lập tức rút lại lời thề. Hiểu biết của cô về Chúa là hời hợt và nông cạn, và sự thật là, trừ phi gặp phải cảnh khốn cùng như ban nãy, cô chẳng quan tâm Chúa là ai. Cô vẫn luôn cảm thấy Chúa, thậm chí là cái ý niệm về Chúa, quá là xa vời đối với một kẻ như cô. Có một sự lãnh cảm cứng nhắc trong lòng cô không một ai từng biết. Thực tế, người ta vẫn tưởng rằng cô luôn bí mật tin theo tôn giáo bởi vì cô chả có thứ gì khác đáng để tin theo. Họ đã sai, và giờ khi nhóc James trở lại, cô còn chẳng thèm cảm ơn Chúa. Nghĩ lại cô thấy mình thật khờ, cô sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu dành cho nhóc James cho đến ngày trái tim cô ngừng đập.

Sau chuyện này, Andrew quyết định rằng phải trói thằng nhóc James cả đêm lẫn ngày, trói vào chân giường hoặc trói vào cột dây phơi quần áo của nhà họ ở trên boong. Andrew đã quật cho nó một trận vì vụ lưu manh vừa rồi, nhưng cặp mắt thằng con vẫn như thách thức rằng nó chưa hết vốn để chơi đâu.

Agnes hỏi xin muối liên tục, khiến họ bắt đầu lo lắng rằng liệu có phải cô lại lên cơn sốt. Hai người phụ nữ trông nom cô là khách cabin, các bà cô từ Edinburgh. Họ nhận chăm sóc cô coi như làm việc thiện.

“Cô phải nằm yên đấy,” họ nói. “May phước cho nhà cô lắm vì trên tàu có bác sĩ Suter.”

Họ bảo cô rằng cái thai nằm ngược trong bụng cô, họ đã sợ là bác sĩ Suter sẽ phải mổ, nếu thế thì cô chết mất. Nhưng may mà bác sĩ đã làm nó quay xuôi trở lại để nặn được ra.

“Tôi cần muối để cho vào sữa,” Agnes nói. Cô không định để hai người này coi sóc cô với cái giọng Edinburgh và mấy lời quở trách. Đằng nào thì họ cũng chả biết gì. Cô phải giải thích là người ta cho chút muối vào lượt sữa đầu của bé con, để nó uống hết lượt đấy rồi mới cho bú mẹ. Nếu không làm thế, đứa bé lớn lên chẳng dại thì cũng đần.

“Cô ta có theo đạo Chúa không đấy?” một bà cô hỏi người còn lại.

“Tôi tin Chúa như bà thôi,” Agnes nói. Nhưng rồi chính cô cũng kinh ngạc và bẽ bàng khi thấy mình bật khóc, đứa con đỏ hỏn ngằn ngặt khóc theo, không rõ vì cảm thương hay vì nó đang đói. Cô vẫn một mực không cho nó bú.

Bác sĩ Suter bước vào trông thấy cảnh tượng này. Anh gặng hỏi lí do cô buồn bã, hai người phụ nữ liền kể cho anh nghe.

“Một đứa bé mới sinh phải nuốt muối vào bụng – cái ý tưởng này ở đâu ra vậy?”

Anh nói, “Cứ đưa muối cho cô ấy đi.” Rồi anh ngồi lại nhìn cô lấy bàn tay dính muối nặn qua đầu vú, sau đó đút ngón tay vào miệng đứa bé con rồi mới cho nó ngậm ti.

Anh hỏi cô nguyên nhân và cô trả lời như trên.

“Làm thế rồi có bao giờ sai không?”

Cô tiếp tục trả lời – hơi ngạc nhiên là ông cũng ngu ngơ như hai bà kia dù có vẻ dịu dàng hơn – rằng chẳng bao giờ sai cả.

“Tức là ở quê cô mọi người đều làm theo cái mẹo này hả? Tất cả các cô gái trong làng đều sáng sủa khỏe mạnh như cô?”

Cô trả lời rằng cô không biết.

Đã có thời thanh niên vùng khác cũng như thanh niên trí thức ở thị trấn, thường đến gặp gỡ cô và các bạn gái trong làng, khen họ xinh đẹp rồi bắt chuyện làm quen. Cô luôn nghĩ rằng ai mà đồng ý làm quen thì đúng là ngu ngốc, miễn cho người hỏi đẹp trai đến mức nào. Anh Suter thì không hề đẹp trai – anh gầy quá, gương mặt lỗ rỗ sẹo nên mới đầu cô đã nghĩ là một ông già. Nhưng anh có một giọng nói rất hiền, và thi thoảng anh trêu cô một chút cũng không sao. Chẳng người đàn ông nào còn hứng thú lả lơi với người phụ nữ mà anh ta đã thấy banh chàng háng, những vùng thầm kín nhất phơi bày cả ra ngoài.

“Cô còn nhức không?” anh hỏi, và cô dám chắc có một vệt mờ mờ trên đôi má rỗ của anh, trông như anh đang đỏ mặt. Cô nói rằng cô đau như bình thường thôi, và anh gật đầu, cầm tay cô lên, sau đó cúi mặt xuống, bấm mạnh ngón tay bắt mạch cho cô.

“Rần rật như ngựa đua,” anh nói, bàn tay vẫn đặt trên tay cô, dường như không biết phải để chỗ nào khác. Rồi anh quyết định đưa tay lên vén tóc cô, nhấn ngón vào hai bên thái dương và đằng sau tai cô.

Cô sẽ nhớ lần đụng chạm này, lực ấn lạ lẫm, ngưa ngứa mà nhẹ nhàng, dấy lên ngũ vị tạp trần nửa bài xích nửa mong đợi, vương vấn trong lòng rất nhiều năm sau.

“Tốt,” anh nói. “Không có dấu hiệu sốt.”

Anh đưa mắt nhìn, trong một thoáng, thấy đứa trẻ đang bú.

“Cô không sao nữa rồi,” anh nói tiếp cùng một tiếng thở dài. “Cô có một đứa con gái đáng yêu, và con bé có thể tự hào khoe rằng con sinh ra trên biển.”

Một lúc sau, Andrew đến, đứng ở bên cạnh giường. Anh chưa bao giờ thấy cô nằm trên cái giường như thế (một cái giường tử tế bình thường, tuy bị đóng chặt vào tường). Anh đỏ bừng mặt vì xấu hổ trước hai người phụ nữ khi họ mang chậu vào tắm cho cô.

“Thế là xong nhỉ?” anh nói, gật đầu một cái – chứ không chỉ liếc mắt – với đùm vải nho nhỏ bên cạnh cô.

Cô cười, vẻ phật ý, rồi hỏi xem anh nghĩ sao. Chỉ cần có vậy, anh bị đánh gục khỏi cái ngôi gia trưởng đã sớm lung lay, lớp mặt nạ vờ trấn tĩnh bị đâm thủng. Giờ anh đứng đó, cứng ngắc, mặt ngày càng đỏ hơn, nhuộm màu như lửa. Không phải chỉ vì lời cô nói. Toàn bộ khung cảnh này – mùi trẻ sơ sinh, mùi sữa, mùi máu, và nhất là cảnh chậu thau, mền vải cùng những người phụ nữ đứng nghiêm nghị xung quanh, tất cả đập vào mắt người đàn ông vừa như mắng mỏ vừa như chế nhạo.

Anh cứ nhìn trân trân như thể không nghĩ nổi câu gì để nói, thế là cô phải bảo anh là làm ơn, anh mau đi đi, trong này vẫn còn có việc.

Vài người bạn gái của cô từng nói rằng khi cô chấp nhận mở lòng và ngủ với một người đàn ông, cho dù đó không phải là người đàn ông cô muốn nhất, cô sẽ có cảm giác cam chịu mà bình an, thậm chí ngọt ngào. Agnes nhớ mình đã không cảm thấy vậy về Andrew. Tất cả những gì cô cảm nhận là Andrew là một gã trai trung thực, là người đàn ông phù hợp theo xuất thân cô và anh ta sẽ không bao giờ bỏ rơi cô.

Walter vẫn đều đặn đến chỗ riêng tư của cậu trên boong để viết sổ và chưa bị ai bắt gặp. Tất nhiên là trừ cô bé kia. Có hôm cậu đến nơi và thấy cô đã ở đấy từ trước, đang chơi nhảy dây với cái dây thừng đỏ. Trông thấy cậu, cô bé dừng lại, thở không ra hơi. Vừa mới thở được chút thì cô lại bắt đầu ho sặc sụa, phải mất mấy phút mới nói được. Cô bé ngã ngồi lên đống vải bố che quanh chỗ này, mặt ửng đỏ, mắt lấp lánh nước vì ho. Cậu chỉ đứng nhìn, bối rối khi thấy cô chật vật nhưng lại chẳng biết làm gì.

“Có muốn tôi gọi một cô ở cabin ra đây không?”

Giờ cậu đã quen nói chuyện với hai người phụ nữ Edinburgh vì họ hay hỏi về Agnes. Họ quý mến bà mẹ trẻ và đứa bé sơ sinh, cả Mary và nhóc James nữa, họ còn nghĩ lão James khá hài hước. Họ cũng hứng thú với Andrew và Walter vì trông hai anh em có vẻ nhút nhát.

Cô bé đang ho lắc đầu nguầy nguậy. “Tôi không muốn gặp họ,” cô đáp liền khi dợm nói được vài chữ. “Tôi chưa bao giờ nói với ai về chuyện anh đến đây cả. Thế nên anh cũng không được nói với ai về tôi.”

“Hừm, cô vốn được phép đến đây mà.”

Cô bé lại lắc đầu và làm dấu tay ý bảo anh chờ cho cô nói được đã. “Ý tôi là anh trông thấy tôi nhảy dây. Cha tôi đã giấu dây đi rồi nhưng tôi tìm ra được.”

“Có phải ngày Sabbath (4) đâu mà cấm đoán,” Walter lí lẽ. “Cô nhảy dây thì sao?”

“Làm sao tôi biết được” cô bé đáp, giọng đanh đá trở lại. “Chắc tại bố nghĩ tôi lớn quá rồi không nên chơi trò trẻ con nữa. Anh thề sẽ không nói với ai chứ?”

Đúng là con nhóc kiêu căng, Walter nghĩ bụng. Cô bé toàn nói về bố, nên cậu đoán cô không có anh chị em và chắc cũng không có mẹ – giống như cậu. Hoàn cảnh như thế hẳn đã làm cái tính cô vừa đỏng đảnh vừa cô đơn.

Cô bé tên là Nettie trở thành vị khách thường xuyên mỗi lần Walter đặt bút viết sổ. Lúc nào cô cũng nói là không muốn làm phiền, nhưng chỉ bày đặt im lặng được năm phút rồi sẽ bắt đầu gặng hỏi cậu vài câu hoặc tự kể về chính mình. Quả thật cô không có mẹ và là con một. Cô chưa bao giờ được đi học ở trường. Cô bé hay kể về đàn thú nuôi của mình, con nào đã chết, con nào đang sống ở Edinburgh và một người phụ nữ cô bé gọi là cô Anderson, từng là bạn và là cô giáo dạy học cho cô. Hẳn cô bé rất vui khi thấy cô giáo bỏ đi, và chắc chắn cô Anderson cũng thấy thế, sau những trò quậy phá cô bé bày ra, ví như bỏ cóc sống vào giày, hay ném con chuột len xám như thật lên giường cô giáo.

Nettie từng tới lui nước Mĩ ba lần. Bố cô là thương lái rượu nên có việc ở Montreal. Cô bé muốn biết hết mọi thứ về Walter và cuộc sống của gia đình cậu. Những câu hỏi của nó, so với nề nếp ở quê, là hơi xấc xược. Nhưng Walter không để ý. Ở trong nhà, cậu chưa bao giờ ở cái vị thế được dạy dỗ hay trêu chọc ai đó nhỏ tuổi hơn, nên cậu thấy khá vui vẻ.

Khi còn ở quê, gia đình Walter ăn gì cho bữa tối? Mọi người ngủ thế nào? Họ có giữ súc vật trong nhà không? Lũ cừu và mấy con chó chăn cừu có tên không, có nuôi chúng nó như thú cưng được không? Người ta xếp chỗ cho học sinh trong phòng học như thế nào? Thầy cô có ghê gớm không? Mấy từ anh nói cô không hiểu nghĩa là gì, và có phải tất cả mọi người ở chỗ anh đều nói giống anh không?

“Ồ có,” Walter đáp. “Cả Công tước bệ hạ cũng nói thế. Công tước xứ Buccleuch.”

Cô bé cười, thoải mái đấm tay lên vai cậu.

“Anh đùa tôi hả. Tôi biết đấy nhé. Tôi biết người ta không gọi Công tước là bệ hạ đâu. Không phải đâu.”

Một ngày khác, Nettie mang theo giấy và bút chì vẽ. Cô bé bảo mang theo đồ đó để có việc mà làm nên sẽ chẳng phiền đến cậu. Nettie xung phong dạy vẽ nếu cậu muốn học. Nhưng hình cậu vẽ hỏng làm cô bé cười nghiêng ngả, và cậu cố tình vẽ càng xấu hơn để trêu cho đến khi cô bé cười nhiều quá bị ho sặc sụa. Rồi Nettie nói rằng cô sẽ vẽ lên trang cuối cuốn sổ, để mai sau nhìn vào cậu sẽ nhớ về chuyến đi này. Cô bé vẽ những cánh buồm ở trên và một con gà mái mơ thoát khỏi chuồng đang lập bập trên mặt nước như con nhạn con. Cô bé hồi tưởng rồi vẽ chú chó cưng đã chết. Và cô bé phác những tảng băng trôi cô từng thấy, cao hơn ngôi nhà, trong chuyến đi hồi xưa với cha. Ánh mặt trời sắp lặn chiếu xuyên qua những tảng băng khiến chúng trông giống như những tòa lâu đài bằng vàng. Ửng hồng và ánh vàng.

Tất cả những gì cô vẽ, kể cả những tảng băng trôi, đều có nét gì đó vừa ngây thơ vừa đùa bỡn, đặc biệt thể hiện cá tính của cô.

“Hôm trước tôi kể cho cô nghe về ông tôi Will O’Phaup, nhưng thật ra chưa hết. Tôi chưa kể với cô rằng ông ấy là người cuối cùng ở Scotland từng trò chuyện với các nàng tiên. Chắc chắn tôi chưa nghe thấy ai khác làm được thế, dù là ở thời của ông hay sau này.”

Walter ngồi ở trong góc, gần mấy tay thủy thủ đang sửa cánh buồm bị rách, nhưng dựa vào những âm thanh vang lên dọc theo mạch chuyện, cậu đồ rằng đám đông cậu không nhìn thấy hầu hết toàn các bà các cô.

Có một người đàn ông cao lớn ăn mặc chỉnh tề – chắc hẳn là một vị khách trên cabin – dừng lại lắng nghe trong tầm mắt của Walter. Bên cạnh người đàn ông là bóng dáng một người khác, và trong một khắc giữa chừng câu chuyện, bóng dáng ấy lén nhìn về phía sau thấy Walter và cậu nhận ra Nettie. Trông cô bé như định cười, nhưng rồi cô đặt một ngón tay lên môi như tự nhắc mình – và Walter – phải im lặng.

Chắc chắn người đàn ông là cha cô bé. Hai người họ đứng đó yên lặng lắng nghe cho đến khi hết chuyện. Rồi người đàn ông quay sang trực tiếp mở lời với Walter, một cách thân mật mà nhã nhặn. “Cháu ngồi đây ghi lại những gì mình nghe thấy à?” người đàn ông hỏi, gật đầu ám chỉ cuốn sổ của Walter.

Walter giật mình, không biết phải nói gì. Nhưng Nettie nhìn cậu với một vẻ trấn an dịu dàng, rồi cô cụp mắt xuống và ngoan ngoãn đợi bên cha như một tiểu thư e thẹn.

“Cháu đang viết nhật kí chuyến đi,” Walter đáp, giọng hơi cứng.

“Ồ, thú vị thật. Chú nói thú vị là vì chú cũng đang ghi chép nhật kí chuyến đi. Chú đang nghĩ liệu ta có chọn viết những chuyện giống nhau không nhỉ.”

“Cháu chỉ ghi những việc đã xảy ra,” Walter đáp, ý muốn làm rõ rằng đây là việc cậu phải làm chứ không nhàn nhã vui thích gì. Cậu cảm thấy mình vẫn cần giải thích thêm. “Cháu ghi chép hàng ngày để khi đến nơi cháu có thể viết một lá thư gửi về nhà.”

Giọng nói của người đàn ông thật hiền từ, tác phong của ông ấy cũng lịch thiệp hơn tất cả những người Walter từng gặp. Cậu tự nhủ hay là ông ấy đang kín đáo chọc quê mình. Hoặc lẽ nào cha Nettie là cái loại bạ ai cũng làm thân hòng lừa lấy ít tiền đi đầu tư vớ vẩn.

Cơ mà trông Walter ăn mặc nói năng thế này, có cái gì đáng để lừa.

“Tức là cháu không mô tả những gì mình thấy? Chỉ ghi lại, như cháu nói, toàn sự kiện?”

Walter định nói không, và rồi đáp phải. Cậu chợt nghĩ, nếu mình viết xuống là có cơn gió dữ thì đấy chính là mô tả còn gì? Ở gần những người như thế này đầu óc dễ mụ mị lắm.

“Cháu không định ghi lại những gì ta vừa nghe?”

“Không.”

“Biết đâu có ích thì sao. Dạo này hay có người đi đến từng ngóc ngách ở Scotland ghi chép lời người dân ở các vùng thôn quê hay nói. Họ nghĩ rằng những bài hát, những câu chuyện cổ đang dần biến mất và cần được ghi chép lại. Chú không rõ lắm vì không hẳn là việc của chú. Nhưng chú sẽ chẳng ngạc nhiên nếu mấy tay ghi chép ấy biết rằng những gì họ làm là đáng giá – ý chú là, sẽ bán được tiền.”

Nettie bất ngờ lên tiếng.

“Hây, cha ơi. Ông lão lại bắt đầu kể rồi.”

Xưa nay Walter chưa từng nghe có đứa con gái nào nói với cha mình như thế, nhưng ông bố có vẻ xuề xòa, ánh mắt trìu mến nhìn xuống con.

Và quả thực tiếng ông lão James lại sang sảng vang lên, chen lời một vài khán giả định tách đám nói chuyện riêng một cách gắt gỏng và dứt khoát.

“Còn có lần khác, nhưng là vào những ngày đằng đẵng mùa hè, ở trên đồi lúc cuối giờ chiều, trước khi trời tối hẳn…”

Walter đã nghe những chuyện cha đang diễn ngoài kia, cùng nhiều câu chuyện khác tương tự, suốt từ nhỏ đến giờ, song lạ thay là phải đến lúc cả nhà lên chuyến tàu này, cậu mới được nghe đích thân cha kể lần đầu tiên. Cậu dám chắc là người cha cậu hằng biết, ngoại trừ thời gian ngắn ngủi vừa rồi, sẽ chẳng bao giờ xổ ra được những lời như thế.

“Đấy là cái chỗ khốn kiếp bọn tao ở,” ông lão từng kể. “Dân chung quanh toàn bọn dở hơi dở hồn, đến cả bộ lông cừu cũng thô đanh thô đặc ma nó thèm mua. Đường làng thì nát bấy, ngựa đi cả tiếng chắc chả được đến bốn dặm. Muốn vỡ đất phải dùng cái thuổng hoặc cái bừa kiểu Scotland cũ, trong khi những chỗ khác họ dùng cày loại mới tốt hơn cả nửa thế kỉ rồi. “Ờ, đúng, đúng,” nếu mà hỏi thì dân ở đấy sẽ đáp, “Ờ thì đúng, nhưng quanh đây dốc quá, đất cũng cằn cỗi kém gì.”

“Sinh ra ở Ettick là sinh ra ở cái xứ lạc hậu nhất trên đời,” ông lão sẽ đanh thép nói thêm, “người ta tin sái cổ vào mấy câu truyện cũ rích và cứ nhận vơ là nhìn thấy được vong hồn. Tao nói cho mà biết, sinh ra ở cái đất Ettrick này mới là bị nguyền rủa.”

Từ đây ông lão  sẽ dẫn sang chủ đề nước Mĩ, nơi người ta hăng hái áp dụng tất cả những phát kiến và văn minh để rồi không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vậy mà giờ thì dỏng tai nghe ông lão xem.

“Cháu hãy lên trên boong trò chuyện với cha con tôi nhé,” cha Nattie nói với Walter sau khi lão James đã kể chuyện xong. “Chú có nhiều việc phải lo, cũng không hay ở bên con gái được. Con bé bị cấm chạy nhảy vì nó vẫn chưa bình phục hẳn sau trận cảm hồi mùa đông, nhưng nó thích ngồi nói chuyện.”

“Cháu nhớ là mình không được phép lên đó,” Walter đáp, cảm thấy hơi khó hiểu.

“Không, không sao đâu. Con gái chú cô đơn lắm. Nó thích đọc sách và vẽ tranh, nhưng nó cũng thích có bạn nữa. Nó có thể dạy cháu vẽ nếu cháu muốn. Cháu có thể thêm minh họa trong nhật kí cho sinh động.”

Thế là hai đứa ngồi bên ngoài cabin vừa viết vừa vẽ. Hoặc là cô sẽ đọc to cho cậu nghe một đoạn trong cuốn sách ưa thích của cô, tên là “Những tù trưởng Scotland”. Cậu đã biết hết nội dung từ lâu rồi – làm gì có ai không biết William Wallace chứ? – nhưng kìa cô đọc mới mượt mà làm sao, nhịp điệu vừa khéo, khi trang nghiêm, khi hài hước, có lúc lại đáng sợ, khiến cậu cũng mê mẩn từng dòng trong cuốn sách như cô, mặc dù, cô thú nhận, rằng cô đã đọc làu làu mười hai lần trước đó.

Cậu đã ngộ ra được một chút vì sao cô có rất nhiều điều muốn hỏi cậu. Cậu và gia đình của cậu làm cô liên tưởng đến những con người trong cuốn sách ấy, những người đã sống trên các vùng núi non thời xa xưa. Cô sẽ nghĩ gì nếu cô biết rằng ông lão ngoài kia, cái ông lão bịa chuyện khoe khoang khắp tàu và quây bắt người ta nghe như lũ cừu trong ổ – cô sẽ nghĩ gì khi biết ông lão là cha đẻ của Walter?

Có lẽ cô sẽ vui mừng, sẽ còn tò mò hơn nữa về gia đình của Walter. Cô sẽ không coi thường họ, ngoại trừ vài cử chỉ vô tình đôi lúc cô chẳng hề nhận ra.

***

Chúng tôi tiến vào bãi đánh cá của Newfoundland vào ngày 12 tháng 7 và đến ngày 19, chúng tôi nhìn thấy đất liền và cảnh tượng thật đáng vui mừng. Đó là một phần của Newfoundland. Tàu chạy qua khe biển giữa Newfoundland và đảo St. Paul, có một cơn gió nhẹ vào ngày 18 và 19, chúng tôi thấy mình ở trên sông vào sáng ngày 20 và thấy lục địa Bắc Mĩ trong tầm mắt. Chúng tôi thức giấc vào khoảng 1 giờ sáng và tôi nghĩ mọi hành khách đều rời giường lúc 4 giờ sáng nhìn về phía lục địa, bề mặt phủ kín những rừng và là một cảnh tượng hoàn toàn mới đối với chúng tôi. Đó là một phần của Nova Scotia và là một vùng quê đồi núi xinh đẹp.

***

Hôm nay là một ngày kì diệu. Vùng đất ấy bạt ngàn cây như mái đầu xanh tóc, và từ phía sau con tàu mặt trời mọc lên, rải nắng lung linh lên đỉnh những ngọn cây cao nhất. Bầu trời sáng trong như đĩa sứ, mặt nước dạt dào theo làn gió đùa chơi. Sương đã tan hết, không khí thơm nồng mùi nhựa cây mới. Những cánh chim biển chao nghiêng quanh buồm được nắng nhuộm vàng như tạo vật từ Thiên giới, nhưng đoàn thủy thủ vẫn phải bắn dọa một vài con để lùa chúng bay khỏi các nút dây chằng.

Mary bế nhóc James lên để thằng bé có thể ngắm và nhớ mãi cảnh tượng đầu tiên trên lục địa mới – ngôi nhà tương lai của nó. Cô nói cho nó nghe tên của vùng đất này – Nova Scotia.

“Nghĩa là Scotland mới,” cô lại nói.

Agnes nghe thấy. “Thế sao không đặt tên vậy luôn?”

Mary đáp, “Có lẽ họ lấy tiếng La-tinh.”

Agnes khịt mũi, xem chừng nóng nảy. Đứa nhỏ sơ sinh bị những tiếng hò reo ồn ào đánh thức nên bây giờ cứ quấy không chịu rời ti, Agnes mới định đặt nó xuống thôi đã khóc nháo. Nhóc James ngắm nghía nãy giờ liền lần mò bên ti còn lại, Agnes giật tay nó ra rất mạnh làm thằng bé suýt ngã.

“Lớn đầu còn đòi bú tí,” Agnes xẵng giọng. Nó khẽ kêu một tiếng rồi bò ra sau lưng cô, nhéo ngón chân đứa bé con.

Lại một cái tát. “Mày đúng là đồ trứng thối,” mẹ nó quát. “Ai chiều hư mày rồi hả thằng chó con này.”

Giọng nói kích động của Agnes luôn khiến Mary cảm thấy mình cũng sắp bị mắng tơi tả.

Ông lão James ngồi ngay cạnh cả nhà trên boong, song không hề quan tâm đến cảnh lộn xộn ấy.

“Cha có đến nhìn đất mới không, thưa cha?” Mary ướm hỏi. “Cha có thể thấy rõ hơn nếu đứng ở chỗ lan can.”

“Từ đây ta thấy rõ rồi,” ông lão James đáp. Giọng ông lão chả nghe ra chút gì gọi là hài lòng trước quang cảnh mới.

“Ettrick ngày xưa cũng phủ đầy cây,” ông lão nói. “Ban đầu là các nhà sư trồng cây rồi nó thành rừng của hoàng gia. Là đất rừng của nhà vua. Sồi, dẻ gai, thanh lương,… bao nhiêu cây.”

“Nhiều cây như thế này ư?” Mary hỏi, tự nhiên bạo hơn vì cảm giác huy hoàng mới lạ hôm nay.

“Cây đẹp hơn. Lâu đời hơn. Nổi tiếng khắp Scotland. Rừng hoàng gia Ettrick.”

“Và ở Nova Scotia này còn có em James ,” Mary nói tiếp.

“Chưa chắc. Ở đây dễ chết mà không ai biết. Khéo thú hoang ăn thịt nó mất rồi.”

Mary trộm nghĩ sao cha có thể tỉnh bơ nói chuyện thú hoang ăn thịt cháu mình như vậy. Có phải nỗi đau qua rất nhiều năm đã chiếm hữu và tha hóa con người, biến trái tim mềm nóng hổi thành sắt đá như trong lời hát dân gian? Và nếu đúng như vậy, khi cha nói về cô sẽ còn khinh rẻ và tàn nhẫn đến mức nào, bởi vì trong mắt ông, cô còn chẳng bằng một đốt ngón tay của bốn thằng con trai nhỏ.

Có ai đó mang cây vĩ cầm lên boong, đang chỉnh dây chuẩn bị đàn một khúc. Những người đang bám trên lan can chỉ trỏ những thứ thấy được đằng xa – đồng thời nhắc đi nhắc lại cái tên mà hiện giờ ai ai cũng rõ, Nova Scotia – bị tiếng đàn cuốn hút và bắt đầu hô hào nhảy múa. Cùng nhau nhảy múa, vào lúc bảy giờ sáng.

Andrew từ bên dưới bước lên, ôm theo bình nước của cả nhà. Anh đứng đó nhìn một lúc, rồi làm Mary ngạc nhiên với lời mời chung vui.

“Ai sẽ trông thằng nhóc con?” Agnes nói ngay. “Tôi không định đứng dậy đuổi theo nó đâu.” Cô cũng thích nhảy, nhưng giờ thì không được vì phải ẵm con gái sơ sinh, chưa kể những chỗ bầm dập lúc lâm bồn vẫn còn đang đau nhức.

Mary một mực từ chối, nói rằng cô không thể đi, nhưng Andrew vẫn kiên quyết, “Ta lấy dây cột nó vào góc là được.”

“Không, không”, Mary đáp. “Chị không muốn nhảy.” Cô nghĩ Andrew chỉ đang thương hại cô, giống như ngày xưa mỗi khi cô bị cho ra rìa trong các trò vận động dưới sân trường hoặc các buổi ca múa, dù thật ra cô có thể chạy và nhảy rất tài. Andrew là đứa em duy nhất giàu lòng trắc ẩn, nhưng cô thà rằng nó đối xử với cô như những người khác và mặc kệ cô một mình. Thương hại chỉ tổ khiến cô chán ghét.

Nhóc James bắt đầu ê a phản đối vì nghe thấy “dây” với “cột”.

“Ở yên đấy,” cha nó quát. “Ở yên đấy không tao lại nẹt cho giờ.”

Rồi ông lão James khiến tất cả sửng sốt vì quay sang thằng cháu.

“Mày. Nhóc con. Ra ngồi cạnh ông.”

“Ôi, thằng bé không chịu ngồi đâu,” Mary nói. “Nó sẽ chạy đi mất, cha không đuổi theo được đâu. Để con ở đây trông cho.”

“Nó sẽ phải ngồi im,” ông lão James đáp.

“Thế tóm lại thì,” Agnes nói với Mary. “Chị đi hay ở?”

Nhóc James nhìn qua nhìn lại hai người lớn, e dè khịt mũi một cái.

“Đã nói dễ thế rồi mà nó không hiểu từ nào à?” ông nó nói. “Ngồi. Nhóc. Đây.”

Nhóc James leo xuống, một cách miễn cưỡng, đến chỗ ông già chỉ.

“Giờ thì đi đi,” ông lão James nói với Mary. Cô hết sức hoang mang, suýt chút nữa còn bật khóc, rồi được dẫn đi.

Mọi người đang nhảy, không chỉ vòng trong hình guồng tơ mà còn cả vòng ngoài nữa, trên khắp cả boong tàu. Ai nấy đều nắm tay người bên cạnh xoay một vòng. Họ còn nắm tay cả mấy anh thủy thủ nếu đến gần. Đàn ông nhảy với phụ nữ, đàn ông nhảy với đàn ông, phụ nữ nhảy với phụ nữ, trẻ con nhảy cùng nhau hoặc tự nhún nhảy không theo thể thống gì cả, người nọ chắn lối người kia – nhưng ai rồi cũng đang chắn lối người khác rồi va vào nhau loạn xạ, và có hề gì chứ.

Mary nắm tay Andrew, được em xoay vòng quanh rồi chuyền sang tay ai khác đã khom người đợi sẵn và lại xoay thân hình nhỏ bé của cô một vòng. Cô nhảy cùng tầm với bọn trẻ con dù không được bạo dạn và vô tư như chúng. Trong đám đông dày đặc thân thể, cô không kìm lại được, không dừng lại được – cô phải dậm chân và nhún nhảy theo nhạc, không thì sẽ bị kéo ngã ngay.

“Nào, thằng nhóc nghe ông kể,” ông lão James nói. “Có cái ông này, Will O’Phaup, ông nội của ông – là ông nội của ông giống như ông là ông nội của mày – Will O’Phaup đang ngồi bên ngoài nhà nghỉ ngơi vào một buổi tối nọ. Lúc đó mùa hè, còn dịu. Ông ấy ở một mình. Và có ba chú bé chỉ tầm như mày, đến trước cửa nhà ông Will. Tụi nó chào ông. ‘Chào buổi tối, ông Will O’Phaup,’ tụi nó nói. ‘Ồ, chào buổi tối các cháu. Ông giúp được gì?’ ‘Ông cho chúng cháu ngủ nhờ một đêm được không?’ ‘Được chứ,’ ông nói. 'Được, ba đứa bé như các cháu thì ông nghĩ là nhà ông dư chỗ.' Rồi ông đi vào nhà dẫn bọn nhóc theo sau và bọn nhóc nói, ‘Nhân tiện, ông cho chúng cháu chìa khóa nữa được không, cái chìa khóa to bằng bạc mà ông đang cầm của chúng cháu?’ Chà, ông Will nhìn quanh, ông tìm chìa khóa, rồi đột nhiên ông nghĩ, chìa khóa nào nhỉ? Ông nhớ là ông làm gì có cái chìa ấy. Chìa khóa to hay chìa khóa bạc, ông có bao giờ. 'Các cháu nói cái chìa nào thế?' Ông quay đầu lại và bọn nhóc đã đi rồi. Ông ra khỏi nhà, kiếm khắp nhà, trông ngoài ngõ. Chẳng thấy đâu. Trông ra đồi. Cũng chẳng thấy. Rồi Will nhận ra. Nào phải bé con. A, không. Họ nào phải là ba chú bé con.”

James chẳng nói chẳng rằng. Sau lưng thằng bé là đám đông dày đặc huyên náo đang nhảy nhót, bên cạnh nó là mẹ, có con quỷ con bấu víu cắn vào ti. Còn phía trước là ông lão có giọng nói ầm ầm rung, nhai nhải mà xa xôi, cùng hơi thở đắng ngắt cứ phả vào mặt nó.

Đó là lần chạm mặt có ý thức đầu tiên của đứa bé với một người cũng ích kỉ tột cùng như nó.

Nó gắng sức tập trung chút trí khôn ít ỏi, cố làm ra vẻ không thua. “Khóa,” nó nói. “Chìa khóa?”

Agnes, nhân lúc ngắm nhìn đám đông nhảy múa, trông thấy Andrew, mặt đỏ bừng và chân nặng trĩu, vòng tay trong tay với mấy người phụ nữ đang tươi cười. Chẳng ai trong số họ có bề ngoài hay tài nhảy khiến cô phải lo lắng. Kể ra thì Andrew chưa bao giờ làm cô lo lắng. Agnes thấy Mary được người ta dẫn nhảy xoay vòng, thậm chí thấy cả vệt hồng trên má cô ấy – cho dù cô ấy quá lùn, quá nhát, với dung mạo quá đỗi tầm thường. Cô thấy người đàn bà xấu xí rụng hết răng đẻ con sau cô một tuần đang nhảy múa cùng ông chồng gầy tóp. Ả ta không bầm dập chỗ nào hết. Nhất định ả đẻ con ra trơn tuột như đẻ con chuột nhắt, rồi tống nó cho một trong hai đứa con gái lớn còm nhom của ả trông coi.

Cô nhìn thấy bác sĩ Suter đang thở hổn hển, buông tay khỏi một bà cô định kéo anh lại, cúi người lách qua đám đông và bước đến chào cô.

Cô ước gì anh đừng đến. Giờ anh sẽ biết cha chồng cô là ai, chắc hẳn anh đã nghe những lời gàn dở của ông lão. Anh sẽ thấy cả hai đang mặc quần áo nhà quê nâu sồng – cái màu bây giờ còn chẳng sạch sẽ gì cho cam. Anh sẽ nhìn thấu con người cô một cách trực diện nhất.

“Cô đây rồi,” anh cất lời. “Cô ở đây cùng với báu vật của cô.”

Đó không phải là từ Agnes hay nghe người ta nói về một đứa trẻ. Hình như anh đang nói chuyện với cô bằng cái cách anh sẽ nói với một người bạn quen biết từ lâu, hẳn là một quý cô, chứ không phải cái cách bác sĩ nói với người bệnh. Hành động ấy làm cô xấu hổ, cô không biết phải trả lời sao.

“Con cô khỏe chứ?” anh hỏi, đổi cách nói gần gũi hơn. Anh vẫn còn thở hổn hển sau khi điệu nhảy, trên gương mặt đổ một lớp mồ hôi.

Vâng.”

“Cô thì sao? Cô thấy khỏe lại chưa?”

Cô nhún vai rất nhẹ để không giật đứa bé khỏi đầu ti.

“Trông da dẻ cô hồng hào rồi. Đấy là dấu hiệu tốt.”

Anh xin phép cô ngồi xuống và nói chuyện cùng cô một lúc, một lần nữa cô lại bối rồi vì sự khách sáo của anh nhưng vẫn bảo anh cứ làm gì mình muốn.

Cha chồng cô liếc nhìn bác sĩ và cả cô với ánh mắt căm ghét, nhưng Suter không để ý thấy, khéo anh còn chả nhận ra ông lão này và thằng nhóc tóc vàng ngồi thẳng lưng đối mặt ông có can hệ gì đến cô.

“Cô sẽ làm gì ở miền Tây Canada?” anh hỏi.

Câu hỏi này với cô thật quá ngớ ngẩn. Cô lắc đầu – cô biết nói gì đây? Cô sẽ giặt giũ, khâu vá, nấu nướng và gần như chắc chắn sẽ đẻ thêm con. Đẻ ở đâu không quan trọng. Có thể là ở trong nhà, một cái nhà không tử tế cho lắm.

Giờ cô đã biết người đàn ông này thích cô và vì sao lại thích. Cô nhớ những ngón tay anh chạm vào da cô. Nhưng thế thì có hại gì với một người đàn bà đang cho con bú? Cô thấy thôi thúc trong lòng rằng mình nên thân thiện với anh một chút.

“Anh sẽ làm gì?”

Anh cười và nói anh sẽ tiếp tục làm những gì anh đã học, và anh nghe người ta bảo rằng dân Mĩ đang rất cần bác sĩ và phẫu thuật viên, giống như nhân dân ở mọi nơi khác trên thế giới.

“Nhưng tôi không định chôn chân ở một thành phố mãi đâu. Tôi muốn đi thật xa, ít nhất là phải hết dòng sông Mississippi hùng vĩ. Vùng đất ở đầu bên kia sông Mississippi từng là thuộc địa của Pháp, nhưng bây giờ nó là của nước Mĩ và rất rộng mở, ai cũng có thể đến đó, tuy nhiên có thể sẽ đụng phải người da đỏ. Kì thực tôi cũng chẳng ngán đâu. Chỗ nào có đánh nhau với người da đỏ, chỗ đó lại càng cần bác sĩ.”

Cô không biết gì về sông Mississippi nhưng cô biết Suter không có vẻ gì là biết đánh nhau – trông anh khéo còn chẳng trụ được một trận cãi lộn với đám choai choai ở Hawick chứ đừng nói là người da đỏ.

Một đôi khiêu vũ rất gần xoay một vòng làm thẩy gió vào mặt hai người họ. Đó là một thiếu nữ, không, một bé gái mặc váy xòe tung bay và nhảy cùng cô bé chẳng phải em chồng Walter thì confvai vào đây nữa. Walter làm động tác cúi chào ngốc nghếch trước mặt Agnes, bác sĩ và cha già, rồi cô bé đẩy nó một cái, quay nó ra sau và nó nhìn cô cười khanh khách. Cô bé ăn mặc như một tiểu thư, trên mái tóc cài ruy băng. Gương mặt cô bé rạng rỡ niềm vui, hai má ửng hồng như ánh nến, và cô đối với Walter thân thiết như thể mới bắt được một món đồ chơi vừa to vừa đẹp.

“Cậu bé ấy là bạn cô à?”

“Không. Nó là em trai của chồng tôi.”

Cô bé cười như không kìm nổi trong lúc nhảy cùng Walter và suýt chút nữa – vì sự bất cẩn của cô – đụng ngã một cặp đôi. Cô cười đến nỗi không đứng vững được, khiến Walter phải đỡ. Rồi thì hóa ra không phải cô bé đang cười mà là đang ho. Walter nửa ôm cô vào lòng, nửa lôi xệch về phía lan can thành tàu.

“Cô bé ấy sẽ không bao giờ có cơ hội được bế một đứa con trong ngực,” Suter nói, ánh mắt chuyển sang đứa trẻ đang bú sữa rồi quay lại vị tiểu thư kia. “Tôi ngờ rằng cô bé ấy sẽ không thể sống lâu để được chiêm ngưỡng toàn bộ nước Mĩ. Không có ai trông nom cô ấy sao? Đáng lẽ ra không được để cô ấy khiêu vũ.”

Anh đứng lên để có thể nhìn thấy cô bé rõ hơn.

“Đó, ngừng rồi,” anh nói. “Không bị xuất huyết. Chí ít lần này thì không.”

Agnes có thể thấy rằng anh thực thỏa mãn với kết luận vừa đưa ra về cô bé kia. Cô bỗng hiểu ra rằng chính anh hẳn đã nghĩ tình trạng của anh so ra cũng không đến nỗi nào.

Có tiếng hét ở chỗ lan can, không phải cô bé và Walter. Lại thêm một tiếng hét khác, nhiều người bèn dừng chân chạy đến nhìn xuống mặt nước xanh. Suter rướn lên rồi bước vài bước về hướng đó, hùa theo đám đông, rồi quay trở lại.

“Một con cá voi,” anh nói. “Họ bảo thấy một con cá voi ở bên mạn tàu.”

“Ở lại đây!” Agnes hét lên giận dữ, và anh kinh ngạc ngoảnh lại nhìn cô. Nhưng rồi anh hiểu ra cô là đang nói với nhóc James đang nhấp nhổm đứng dậy.

“Đây là con cô hả?” Suter reo lên như thể vừa phát hiện ra điều gì vĩ đại. “Cho phép tôi mang cháu lên trên xem nhé?”

Và đó là lúc Mary bất ngờ ngẩng mặt lên trong dòng người chạy ùa ra trông thấy nhóc James, ngơ ngác đến thất thần, đang nằm trong tay một kẻ lạ mặt bước nhanh qua sàn boong – một gã đàn ông nhợt nhạt có mái tóc đen sậm, rõ ràng là người ngoại quốc. Chắc chắn là kẻ xấu bắt cóc trẻ em, hoặc sát hại trẻ em, đang nhắm về phía lan can thành tàu.

Cô thét lên một tiếng hãi hùng như bị ác quỷ vặt cổ, và người ta tránh đường cho cô như tránh một con chó dại. “Đứng lại, cướp! Đứng lại, cướp!” cô gào khóc. “Giằng đứa trẻ ra. Mau bắt lấy hắn. James! James! Nhảy xuống!”

Cô lao cả người đến tóm lấy cổ chân thằng bé, giật mạnh xuống làm nó khóc váng lên vì sợ và giận. Người đàn ông đang bế nó suýt trượt ngã nhưng cũng không chịu buông tay. Anh ôm chặt nó và lấy chân đạp Mary ra.

“Giữ tay cô ấy lại,” anh hét lên với mấy người xung quanh. Anh thở không hơi nữa. “Cô ấy lên cơn động kinh rồi.”

Andrew chen người vào đám đông, vượt qua những người còn đang nhảy múa và những người khác hiếu kì đứng lại xem cảnh lộn xộn. Anh cố nắm lấy Mary và nhóc James, rồi giải thích rõ rằng một là con trai anh và một là chị gái anh, cũng như không có cơn động kinh nào cả.

Mọi chuyện được Suter giải thích ngắn gọn bằng những lời trang nhã cùng lời tạ lỗi chân thành

“Tôi vừa đứng lại vài phút hỏi thăm vợ anh,” bác sĩ thanh minh. “Tôi còn chưa kịp chào tạm biệt cô ấy, nên anh nhớ thay tôi gửi lời.”

Mary vẫn không tin lời kể của anh bác sĩ. Tất nhiên anh ta phải nói với Agnes là sẽ mang thằng bé đi xem cá voi. Nhưng thế không có nghĩa là sự thật. Mỗi lần hình ảnh gã đàn ông tội phạm ôm nhóc James thoáng qua trong đầu Mary, cô lại cảm thấy lồng ngực tràn đầy nội lực để hét, khiến cô vừa vui sướng vừa kinh ngạc. Cô vẫn tin chắc rằng cô đã cứu thằng bé.

***

Chúng tôi đứng yên vì thiếu gió suốt ngày 21 và 22, vào ngày 23 có nhiều gió hơn, đến buổi chiều, ai cũng chấn động bởi có cơn gió dữ kèm theo sấm sét, xé tan tành một cánh buồm chính chúng tôi vừa sửa xong. Trận gió kéo dài khoảng 8 hoặc 10 phút và ngày 24 có một cơn gió nhẹ đưa chúng tôi đi sâu vào cửa sông, ở đó có nhiều đảo nhỏ để chúng tôi thấy đất liền. Nhưng rồi chúng tôi đứng yên lần nữa cho đến ngày 31 khi có gió nổi lên khoảng 2 giờ.

***

Cha Nattie là ông Carbert. Đôi khi ông ngồi lại nghe Nettie đọc sách hoặc tán gẫu với Walter. Hôm sau ngày vũ hội, nhiều người thấm mệt vì gắt gỏng hoặc uống rượu say và hầu như chẳng còn ai hào hứng nhìn về phía đất liền nữa, ông hẹn gặp riêng Walter để nói chuyện.

“Nettie quấn cháu quá,” ông nói, “nó thậm chí nghĩ phải rủ cháu đi cùng chúng ta đến Montreal.”

Ông cười trừ như muốn xin lỗi, và Walter cười theo.

“Bộ cô ấy nghĩ Montreal nằm ở Tây Canada chắc,” Walter nói.

“Không. Không. Chú không nói đùa đâu. Là tự chú muốn gặp cháu khi không có con bé. Cháu sẽ là người bạn đồng hành hoàn hảo của con bé, nó cũng sẽ rất vui khi ở cùng cháu. Chú thấy cháu cũng khôn ngoan nhanh nhẹn, cháu sẽ làm được việc ở chỗ chú.”

“Cháu sẽ đi cùng cha và anh,” Walter đáp, giọng lảnh như trẻ con vì luống cuống . “Nhà cháu sẽ đi kiếm đất.”

“Thế ư. Cháu đâu phải con trai duy nhất trong nhà. Có thể nhà cháu sẽ không tìm được đủ đất cho cả mấy anh em. Và biết đâu sau này sẽ có lúc cháu không muốn làm nông dân.”

Walter tự nhủ rằng đúng vậy.

“Về con gái chú, cháu nghĩ nó bao nhiêu tuổi.”

Walter nghĩ không ra. Cậu lắc đầu.

“Nó mười bốn, gần mười lăm rồi,” cha Nettie nói. “Khó tin hả? Nhưng không sao. Không phải là chuyện cháu và Nettie rồi sẽ đi đến đâu trong tương lai. Cháu hiểu không? Chú không quan tâm sau này sẽ ra sao. Nhưng chú muốn cháu đi cùng cha con chú bây giờ, để con bé cứ vô tư như thế và tận hưởng niềm vui khi có cháu bầu bạn. Nhất định chú sẽ trả ơn cháu, ở chỗ chú cũng có việc cho cháu, và nếu suôn sẻ thì hẳn cháu sẽ thăng tiến dễ dàng.”

Lúc này cả hai người đều để ý Nettie đang bước lại gần. Cô bé lè lưỡi một cái rất nhanh với Walter nên có vẻ cha cô không nhìn thấy.

“Chú muốn nói vậy thôi. Cháu cứ suy nghĩ rồi trả lời chú lúc nào cũng được,” cha Nettie nói. “Tất nhiên càng sớm thì càng tốt.”

Walter không mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định. Cậu cũng biết ý là phải cảm ơn ông Carbert trước, rồi nói rằng cậu chưa từng nghĩ sẽ đi làm ở văn phòng hay bất cứ việc nào phải ở trong nhà. Cậu định sẽ cùng gia đình khai phá một mảnh đất, và đến khi nào gia đình không cần cậu giúp nữa, cậu sẽ đi tập tành giao thương với người da đỏ, một dạng nghề phiêu lưu thám hiểm. Không thì khai khoáng đào vàng.

“Tùy cháu thôi,” ông Carbert đáp. Họ bước bộ vài bước bên nhau. “Thú thực, chú đã nghĩ cháu sẽ cân nhắc thấu đáo hơn. May là chú chưa nói gì với Nettie.”

Nhưng Nettie cũng không để mình bị giấu giếm mãi. Cô hết vòi vĩnh lại gặng hỏi, khiến người cha phải nói thật cho cô nghe. Sau đó, cô đến gặp Walter.

“Từ giờ tôi sẽ không nói chuyện với anh nữa,” cô nói, với một giọng chín chắn nhất Walter từng nghe. “Không phải tôi giận anh, chỉ là nếu tôi nói chuyện với anh, lúc nào đầu tôi cũng nghĩ chẳng mấy chốc tôi sẽ phải nói lời tạm biệt. Nếu tôi không gặp anh nữa, nghĩa là tôi đã nói tạm biệt rồi, tôi sẽ sớm vượt qua thôi.”

Suốt thời gian còn lại, cô bé luôn điềm tĩnh đi cạnh cha, bận những bộ cánh xinh đẹp nhất.

Walter thấy buồn mỗi khi nhìn thấy cô với váy áo lấp lánh và chiếc mũ rộng vành, trông cô lại càng giống một đứa trẻ, bộ dáng kiêu căng kia khiến người ta thương cảm nhưng cậu có quá nhiều việc phải làm và chẳng còn nghĩ gì về cô nếu không nhìn thấy.

Phải rất nhiều năm sau cô mới lại xuất hiện trong tâm trí cậu. Song lúc ấy, cậu nghĩ về cô như dòng suối nguồn hạnh phúc của riêng mình cho đến ngày cậu chết. Đôi lúc cậu bật cười nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngày đó nhận lời. Cậu nghĩ đến một viễn cảnh tươi sáng, Nettie lớn lên cao ráo xinh đẹp, rồi hai người sẽ chung sống bên nhau. Những suy nghĩ hoang đường ấy, một người đàn ông chỉ dám giữ trong lòng.

***

Một vài thuyền từ đất liền bơi ra chỗ chúng tôi mang theo cá, rượu rum, thịt cừu sống, thuốc lá,…bán với giá cắt cổ cho hành khách trên tàu. Ngày 1 tháng 8, có một làn gió nhẹ và vào buổi sáng ngày 2, chúng tôi đi ngang qua Đảo Orleans và đến khoảng sáu giờ sáng, chúng tôi đã nhìn thấy Quebec, ai ai cũng còn khỏe như hồi mới rời Scotland. Chúng tôi sẽ đi thuyền đến Montreal vào ngày mai trên một chiếc tàu hơi nước.

***

Em trai Walter của tôi, người tôi từng nhắc ở đoạn trước, đã viết một cuốn nhật kí về chuyến đi rất dài, tôi dự định sẽ tóm tắt lại trong một cuốn sổ khác. Cả nhà đã có một chuyến hải trình an toàn đầy hứa hẹn, ai ai cũng khỏe mạnh tươi vui. Chúng tôi chưa thể nói gì về tình hình ở trên đất liền. Có rất nhiều người khác cũng dừng chân ở đây nhưng tiền công vẫn tốt. Tôi không thể lôi kéo hay ngăn cản bất cứ ai đến ở. Vùng này rất rộng và thưa dân. Tôi đã thấy những cánh rừng bạt ngàn cây cối, đất rộng mênh mông đủ cho toàn bộ dân Anh khai phá. Khi nào đã tạm ổn định, chúng tôi sẽ lại viết thư về.

***

Sau khi Andrew thêm đoạn văn cuối, lão James cũng chịu nghe anh kí tên vào bên cạnh chữ kí của hai người con trai trước khi người ta dán thư lại gửi từ Quebec về Scotland. Ông già không viết gì thêm, viện rằng “Cái đất này liên quan gì đến tao? Nó không phải là nhà hay quê tao, chỉ là cái chỗ chôn khi tao chết.”

“Đâu chỉ mình cha, cả nhà cũng thế,” Andrew nói. “Nhưng đến lúc ấy, chắc mình sẽ coi nó như nhà.”

“Tao làm gì sống được đến cái lúc ấy.”

“Cha không khỏe sao?”

“Tao vẫn khỏe và tao nghĩ thế đấy.”

Nhóc James giờ sẽ thi thoảng để ý đến ông lão, có lần nó đứng trước mặt rồi nhìn thẳng vào mắt ông, vẻ ngoan cố quyết liệt.

“Nó làm tao khó chịu,” ông lão James nói. “Thằng lỏi vừa bướng vừa to gan. Tao không thích cái tính đấy. Nó đi ra ngoài rồi sẽ không thèm nhớ gì về Scotland quê hương hoặc cái con tàu đã đưa nó đến đất này. Rồi nó sẽ học nói một thứ tiếng khác, y như cái hồi người ta đến Anh, cơ mà đây còn kinh khủng hơn nhiều. Nó cứ nhìn tao cái kiểu biết tỏng là tao sắp toi rồi.”

“Thằng bé sẽ nhớ rất nhiều chuyện,” Mary đáp. Sau hôm vũ hội và sự cố với bác sĩ Suter, cô đã bạo dạn hơn với người trong gia đình. “Nó cũng đâu biết trông mình sẽ bướng,” cô nói tiếp. “Nó chỉ hiếu kì với mọi thứ xung quanh. Nó hiểu những điều cha nói hơn cha nghĩ đấy. Nó nhớ mọi thứ vào đầu và suy nghĩ.”

Đôi mắt cô rung rưng phấn khởi, nhưng những người khác nhìn vào thằng bé con vẫn cẩn trọng hoài nghi. Nhóc James đứng giữa bọn họ – mắt sáng, tóc vàng, lưng thẳng. Ngạo nghễ, hơi chút cảnh giác và đặc biệt nghiêm trang, tựa như nó đã cảm nhận được trọng trách tương lai đặt lên đôi vai nhỏ.

Những người lớn cũng thoáng thấy kinh ngạc. Như thể sáu tuần qua họ đã không chật vật trên tàu mà là trên một con sóng lớn, để rồi nó ập vào bờ quăng họ lên mảnh đất hồng hoang này. Từng dòng, từng dòng suy nghĩ xâm nhập vào đầu óc, hòa cùng tiếng kêu rền rĩ của hải âu, quần thảo, giằng xé niềm tin liệu rằng còn có Chúa.

Mary nghĩ cô có thể tóm lấy nhóc James và trốn đến một ngóc ngách nào ở thành phố Quebec xa lạ này, tìm một việc làm may tạp vụ (cô biết từ chuyện phiếm trên tàu rằng ở đây đang cần nhân công loại đó). Thế là cô có thể tự mình nuôi thằng bé, như thể cô chính là mẹ đẻ của nó.

Andrew nghĩ giá mà anh đến đây lúc còn lông bông trai trẻ, chưa vợ con, không phải đèo bòng cha hay chị gái, trên lưng chưa có bất cứ gánh nặng nào. Anh ta có thể làm gì được nhỉ? Anh tự nhủ rằng nghĩ vậy chẳng có hại chi, hẳn rồi, chỉ nghĩ thôi thì chẳng làm sao hết.

Agnes nghe các cô gái trên tàu bàn tán, ở đây, sĩ quan ngoài đường toàn những người đẹp trai nhất thế giới, và đàn ông xứ này thì nhiều gấp mấy mươi lần đàn bà. Điều đó có nghĩa là các cô sẽ dễ dàng có được cái mình muốn – kết hôn. Kết hôn với một người đàn ông đủ giàu có để được đi xe ngựa hàng ngày và gửi quà về nhà đẻ. Ấy là nếu cô còn chưa lấy chồng và sấp mặt với hai đứa con.

Walter nghĩ anh trai mình còn khỏe, Agnes cũng khỏe – cô có thể giúp chồng việc đồng áng, còn Mary trông nom lũ trẻ. Còn cậu, ai nói cậu sẽ làm nông dân? Lúc nào đến Montreal, cậu sẽ đi tìm và xin vào làm ở Công ti Vịnh Hudson, người ta sẽ gửi cậu lên tiền tuyến, nơi cậu sẽ kiếm được thật nhiều tiền và những chuyến phiêu lưu.

Ông lão James cảm nhận được ý định bỏ đi của các con liền kêu ca. “Chúng mày ở cái đất lạ, làm sao biết hát Thánh ca của Chúa?”

Tất cả những người mới tới này chỉ trừ một người về sau đều an nghỉ ở nghĩa trang của Giáo Hội Boston tại Esquesing, hạt Halton, Ontario, trong tầm mắt, và tất nhiên là cả tầm nghe, từ quốc lộ 401, con đường chỉ cách Toronto một vài dặm và có lẽ là nhộn nhịp nhất Canada.

Ông lão James ở đây. Cả Andrew và Agnes. Gần đó là mộ của Mary, cuối cùng cũng kết hôn và được chôn bên cạnh người chồng Robert Murray. Phụ nữ thời đó khan hiếm nên rất có giá ở đất nước mới. Cô và Robert không có con chung, nhưng vì Mary sớm qua đời, anh ta kết hôn với một người phụ nữ khác và có đứa bốn con trai, đều được chôn ở đây do chết yểu hồi hai, ba, bốn và mười ba tuổi. Người vợ thứ hai cũng ở đây. Bia mộ của cô ấy khắc chữ “Mẹ”, còn của Mary là “Vợ”.

Agnes ở đây, sống sót sau rất nhiều lần sinh nở. Trong một lá thư gửi về Scotland kể lại lúc ông lão James qua đời năm 1829 vì bệnh ung thư, không quá đau đớn dù nó ăn cả một bên má và khớp hàm của ông già, tận phút hấp hối mới quằn quại, Andrew có viết rằng ba năm gần đây vợ anh cảm thấy không được khỏe. Đây có lẽ chỉ là nói giảm nói tránh cho việc trong ba năm đó, cô đã sinh đứa con thứ sáu, thứ bảy và thứ tám liền. Về sau chắc hẳn cô đã khỏe lên nhiều, vì cô thọ đến hơn tám mươi tuổi.

Andrew dường như cũng có của ăn của để, mặc dù anh không đi làm xa như Walter. Em anh kết hôn với một cô gái người Mĩ đến từ quận Montgomery, New York. Mười tám tuổi cô kết hôn, và chỉ mới ba mươi ba khi không qua khỏi lần sinh con thứ chín. Walter đã không kết hôn lần nữa, nhưng làm nông phát đạt, giáo dưỡng tốt các con trai, đầu cơ được vài mảnh đất và hay viết thư cho chính phủ phàn nàn vì bị đánh thuế quá nhiều. Trước khi chết, ông Walter đã có thể trở lại Scotland một lần, chụp ảnh mình mặc áo ca-rô và cầm một bó hoa cây kế (5) .

Trên phiến đá tưởng niệm Andrew và Agnes còn có tên của con gái họ – Isabel, người hưởng thọ rất lâu giống mẹ. Sinh ra ở biển.

Trên đó cũng có tên đứa con đầu tiên của Andrew và Agnes, anh ruột của Isabel. Nhóc James chết chỉ khoảng một tháng sau khi gia đình đến được Quebec. Tên thằng bé ở đây, nhưng nó lại không được chôn cùng. Lúc nó chết họ vẫn chưa kiếm được đất; họ thậm chí không từng thấy nơi này. Có lẽ nó đã được chôn đâu đó dọc đường từ Montreal đến New York, hoặc trong chính cái thị trấn mới tấp nập đó. Có lẽ là trong một hố chôn thô sơ tạm thời hiện đã được san phẳng, không bia không mộ như ở nghĩa trang, và có lẽ một ngày nào đó một cái thân khác sẽ được đặt đè lên xác nó. Có lẽ nó chết vì tai nạn trên đường phố nhộn nhịp, hoặc bị sốt, hoặc kiết lị, bệnh tật hoặc tai ương, một trong số những lí do chết yểu thường gặp nhất của trẻ con thời ấy… ♦

HIÊN NGỌC dịch theo nguyên bản tiếng Anh

--------------

1. Fife: Một địa danh ven biển ở Scotland.

2. 5 feet (thước Anh): xấp xỉ 150 cm.

3. John o’Groat’s House: tên một căn nhà nổi tiếng ở ven biển cực Bắc Scotland.

4. Sabbath: là ngày nghỉ lễ trong Do Thái và các đạo gần gũi, có nhiều quy định về hành động được làm và không được phép làm.

5. Áo kẻ ca-rô (plaid) và hoa cây kế (thristles) là biểu tượng/ đặc trưng văn hóa của Scotland.