Thứ Ba, 02/07/2019 10:29

Từ phim ngắn tới phim dài đầu tay

Tại buổi trò chuyện mới đây, đạo diễn Phạm Ngọc Lân kể, từ các khóa học “Gặp gỡ mùa thu” về dựng phim, anh được gặp những chuyên gia chỉnh màu, làm hậu kỳ và nhận sự giúp đỡ từ họ.

Để có được hành trang cho dự án phim dài đầu tay, hai đạo diễn trẻ Nguyễn Lê Hoàng Việt và Phạm Ngọc Lân từng có nhiều trải nghiệm trong quá trình làm phim ngắn độc lập. Đây cũng là hành trình đưa đến cho hai đạo diễn nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. `

Tìm kiếm nguồn hỗ trợ

Tại buổi trò chuyện mới đây, đạo diễn Phạm Ngọc Lân kể, từ các khóa học “Gặp gỡ mùa thu” về dựng phim, anh được gặp những chuyên gia chỉnh màu, làm hậu kỳ và nhận sự giúp đỡ từ họ. Rất may mắn họ là những người ủng hộ các dự án phim ngắn độc lập và người làm phim trẻ. “Tôi có được những gói chỉnh màu không mất kinh phí, được hỗ trợ làm dày thêm các kỹ năng và sự ủng hộ ấy không đến bằng việc chỉ ngồi và nghiên cứu kịch bản của mình. Với kỹ năng sản xuất và huy động các nguồn hỗ trợ, tài trợ, tôi nghĩ không phải được học trong một khóa học hay ở trường lớp nào”.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân cho biết, khi phim ngắn đầu tay “Chuyện mọi nhà” tranh giải YxineFF 2012 và may mắn được góp mặt tại các Liên hoan phim quốc tế như CPH: DOX (Đan Mạch), Visions du Réel (Thụy Sĩ)... anh chưa nghĩ mình sẽ làm phim truyện ngắn. “Phải hai năm sau, trong những ngày lang thang chụp ảnh và thân thiết với một diễn viên, chúng tôi đã thử diễn xuất và tương tác. Quá trình đó giúp tôi rất nhiều trong việc chọn lựa chất liệu, cách làm việc với diễn viên, một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng và sự khác biệt của sản phẩm điện ảnh sau này”.


“Một khu đất tốt” (Blessed land) của Phạm Ngọc Lân - giải Nhất hạng mục Phim ngắn nước ngoài tại LHP ngắn quốc tế Vienna - Áo (VIS)

Để đến được với tác phẩm hoàn thiện, Phạm Ngọc Lân tích cực tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các quỹ văn hóa như Quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch (CDEF), Viện Goethe Hà Nội hay các công ty như Canon và BIDV. Có sự giúp đỡ này, anh đã hoàn thành và kịp gửi bộ phim “Another city” (Một thành phố khác) tham gia LHP Berlin 2016. Đây là phim ngắn thứ hai của anh được hoàn thành bằng việc kêu gọi các nguồn hỗ trợ, tuy không được giải nhưng “Another city” giúp các nhà làm phim trẻ Việt Nam có thêm hy vọng bước ra sân chơi quốc tế, bỏ qua mối lo kinh phí.

Theo đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt, “nếu làm phim ngắn gian nan 1 thì làm phim dài gian nan 100 lần hơn thế”. Thực hiện làm phim ngắn bằng nguồn kinh phí eo hẹp, Nguyễn Lê Hoàng Việt đã phải tranh thủ nhờ bạn bè làm diễn viên, đi xin tài trợ các thiết bị, làm hậu kỳ... Phim ngắn “Hạt cam và con mèo vàng không tuổi” của anh đã giành giải Tài năng châu Á tại LHP Asia Film Express 2015.

Động lực để bước tiếp

Hồi làm “Another City”, Phạm Ngọc Lân chỉ mất 11 ngày quay, nhưng lại dùng tới 6 tháng tiền kỳ và vô số cân nhắc khác. “Có những việc người khác làm vèo cái là xong, tôi lại muốn tỉ mẩn, từ từ một chút. Tư duy phim phải làm sao mạch lạc, lý tính, là điều không thể bỏ qua”, Lân chia sẻ. Đến khi có dự án gửi tham gia Phòng thí nghiệm Phim Đông Nam Á (SEAFIC), anh đúc rút được vô số kinh nghiệm. “Bản nháp ban đầu thường rất tệ, tuy nhiên phải kiên trì để phát triển dần. Trong quan điểm điện ảnh nói chung, thường thì đa số phim truyện là những câu chuyện được tưởng tượng. Đôi khi, câu chuyện thật lại bị xem là hư cấu, làm cho méo mó… Nội dung để viết rất nhiều, song cố gắng làm thế nào để khi phim lên, không quan trọng người xem thấy hay không thấy điều đó, mà là họ hiểu được điều chúng ta muốn nói. Câu chuyện phim, dù trong khoảnh khắc ngắn, phơi bày được những suy nghĩ của người làm phim”.

Thay vì cố kể một câu chuyện, Lân chú ý nhiều hơn đến không gian, nơi câu chuyện diễn ra. Ví như ở “Another City”, từ những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc gồm 5 câu chuyện của 5 nhân vật, đạo diễn đã xâu chuỗi, kết nối, để nhân vật của mình thoát ra khỏi không gian đô thị. “Tôi muốn các nhân vật xuất hiện với sự mới mẻ, rất ít lãng mạn và rất nhiều kỳ cục, hài hước; trong một không gian có cảm giác vừa thực, vừa mơ…”.

Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt cho biết, anh thấy nhiều dự án tốt không được các nhà làm phim trẻ gửi đến các liên hoan phim. Điều này là khá tiếc khi họ đã dồn hết chất liệu cho nó, giống như hồi đầu những bộ phim của anh chỉ có ý định đưa lên Youtube. Hoàng Việt giải thích: Một cách đơn giản nhất, người làm phim luôn luôn muốn có khán giả cùng xem bộ phim họ làm ra, đôi khi liên hoan phim là nơi đáp ứng được điều đó. Đến liên hoan phim có thể được giao lưu, chia sẻ trực tiếp về những bộ phim của mình với người khác, điều mà Youtube không thỏa mãn được, khi nó chỉ dừng ở các comment, like hoặc share. Khi làm phim ngắn, các đạo diễn luôn muốn nó được chiếu ở phòng chiếu với sự yên tĩnh và bóng tối. “Đó là điều đầu tiên mà tôi “phải lòng” khi làm phim. Ở địa vị này, tôi cũng muốn chia sẻ cảm giác đó đến khán giả”.

Sau khi đã hoàn thành những phim ngắn, thường các đạo diễn trẻ tích lũy chất liệu tốt, giành 1 - 2 giải thưởng để bước tiếp với phim dài. Nguyễn Lê Hoàng Việt quan niệm làm phim là một nhu cầu tự thân, viết xong kịch bản ngắn sẽ tiếp những gì dài hơn, nhiều hơn. Anh cũng hiểu, hệ thống vận hành của một liên hoan phim là tìm kiếm tài năng và sự sáng tạo. Còn Phạm Ngọc Lân, ngay khi “Một khu đất tốt” (Blessed land) của anh giành giải cao nhất hạng mục phim ngắn nước ngoài tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Vienna (Áo), anh mong muốn tiếp tục tìm được nhà sản xuất giỏi đồng hành với mình.

“Đạo diễn chỉ cần tập trung chuyên môn, còn nhà sản xuất sẽ làm các công việc khác như thuyết phục nhà đầu tư, tìm cách phát hành dự án. Khi biết rõ chỗ đứng của câu chuyện phim càng kích thích sự sáng tạo của bản thân mình, từ đó dễ dàng hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của khán giả” - Phạm Ngọc Lân nói.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)