Thứ Hai, 25/01/2021 16:50

Truyền thống không đơn thuần là chất liệu trong sáng tác

Chất liệu truyền thống không chỉ đơn thuần là vật chất, là giấy, là lụa,.. mà bên cạnh đó chính là ý thức, suy nghĩ, tư tưởng, tục lệ của chính người Việt Nam qua hàng ngàn năm...

Để gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống, việc tiếp thu, vận dụng và sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu văn hoá là điều quan trọng. Workshop “Cứ đi - Những chia sẻ về thực hành với các chất liệu truyền thống và bản địa" là một thảo luận giữa những người thực hành nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ, khách mời đặt vấn đề về các thực hành, sâu xa hơn khi làm nghệ thuật khi có chất liệu nghệ thuật truyền thống và bản địa.

Với những khách mời: Nghệ sĩ La Mai, Nghệ sĩ Hà Nguyên Long, Nghệ sĩ Hương Ngô, Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử, Nghệ sĩ SơnX cùng sự tham gia của Nghệ sĩ Linh Valerie Phạm, Nghệ sĩ Hà Thúy Hằng, buổi workshop “Cứ đi - Những chia sẻ về thực hành với các chất liệu truyền thống và bản địa" được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tối ngày 21/1.

Toàn cảnh buổi workshop “Cứ đi”.

La Mai, một trong những nghệ sĩ tham gia buổi workshop có những chia sẻ, trình bày qua việc thực hành nghệ thuật qua những chất liệu từ truyền thống. Nổi bật nhất là tác phẩm nghệ thuật dựa trên sự quan tâm đến những khả năng tồn tại ngoài danh tính hay sự đa dạng tồn tại của cùng một thứ được gọi là đồng hiện. Qua việc đi thực địa, La Mai hiểu và dựa vào tục lệ “Mộ gió”, một phương thức cúng qua những bức tượng – “xác thay thế” của người của người dân đảo Lý Sơncho những người tử nạn ngoài biển.

Thoát khỏi sự khuôn mẫu cùng việc kết hợp những tác phẩm từ những nền văn hoá khác, nghệ sĩ Hương Ngô đã thực hiện tác phẩm “Đại Tượng” mang chủ đề lịch sử Việt Nam, đặc biệt là Đạo Mẫu. Nhiều chất liệu âm nhạc từ piano, violon thậm chí là hai bức hoạ nổi tiếng Trung Quốc, “Thiên lý giang sơn đồ” và “Thanh minh thượng hải đồ” cũng được sử dụng ra một tác phẩm mang đậm màu sắc văn hoá Việt Nam mà không hề bị “pha trộn”.

Có thể thấy được, những nghệ sĩ trẻ tham dự buổi workshop coi chất liệu truyền thống không chỉ đơn thuần là vật chất, là giấy, là lụa,.. mà bên cạnh đó chính là ý thức, suy nghĩ, tư tưởng, tục lệ của chính người Việt Nam qua hàng ngàn năm. Thế nhưng, đây cũng chính là điều mà các nghệ sĩ đang tự cảm thấy thiệt thòi vì ít có cơ hội tiếp xúc với chất liệu truyền thống.

“Ghen tị” – Cảm giác mà các nghệ sĩ tới dự buổi toạ đàm hôm nay đều cảm nhận được đối với những thế hệ nghệ sĩ đi trước, khi họ được sống trong bầu không khí đậm chất dân gian. Còn trong thời đại này, dù có nhiều điều kiện để phát triển nhưng đây cũng như là một “con dao hai lưỡi”. Họ vừa tiếp thu được nhiều chất liệu nghệ thuật mới lạ song cũng chính vì thế mà mất phương hướng để quay về chất liệu dân gian truyền thống.

Đối với nghệ sĩ SơnX, những nghệ sĩ hiện đại bây giờ cũng nên nắm bắt cơ hội trong thời đại này: “Truyền thống văn hoá thời Lý đến thời Lê cũng phải tự thay đổi sao cho phù hợp với suy nghĩ của quần chúng. Cái mới về sau này cũng trở thành cái cũ, còn chính cái cũ đó tự cải biên đi sẽ trở thành cái mới. Hiện tại cũng vậy, nghệ thuật hay chất liệu nghệ thuật đang dần biến đổi, mọi người cũng có thể tự do sáng tạo, kết hợp truyền thống giữa hiện đại cũng chính là đang phát triển truyền thống cũ.”

Từ dòng suy nghĩ của SơnX, workshop “Cứ đi - Những chia sẻ về thực hành với các chất liệu truyền thống và bản địa” cũng đi đến hồi kết, để lại đó dòng chảy của văn hoá và nghệ thuật tiếp tục hướng tới phía trước, cho các thế hệ của hôm nay và tương lai tiếp tục sáng tạo và bảo tồn những di sản văn hoá của cha ông.

THANH TÙNG