Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn. Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó là một người phụ nữ có thật, ghi lại những chuyện có thật, mặc dù, như tác giả cảnh báo, chúng ta không nên mong đợi về “một lời kể chính xác”.
Khi đang là tên tuổi nổi bật của văn đàn Pháp, André Breton vô tình gặp được Nadja. Như trong cuốn sách, họ có 9 ngày bên nhau (từ 4 – 12/10/1926) và những gì diễn ra đã được ghi lại bởi trí nhớ phi thường cùng những ghi chép kịp thời của Breton. Thế nhưng khuôn mặt và danh tính của người phụ nữ vẫn là bí ẩn. Trong suốt nhiều năm, danh tính đó đã được che giấu vô cùng cẩn thận, được những hậu duệ thừa kế của Nadja cất giữ như một bí mật gia đình đáng hổ thẹn, từ đó làm nảy sinh nhiều giả thuyết và khẳng định khác nhau: rằng cô ấy là nữ diễn viên Blanche Derval - người được nêu tên trong cuốn sách; rằng “Nadja” là sự kết hợp của một số phụ nữ, hoặc là một bản dạng khác của chính Breton…

Léona-Camille-Ghislaine Delcourt - nguyên mẫu của Nadja bí ẩn.
Nhưng sự thật đã được tiết lộ một phần vào năm 2002, khi một cuộc triển lãm tại Trung tâm Pompidou trưng bày một hóa đơn khách sạn có ghi tên gia đình Nadja, sau đó là đầy đủ hơn vào năm 2009, khi một cuộc điều tra toàn diện của tiểu thuyết gia người Hà Lan Hester Albach đã dẫn cô đến với đứa cháu gái còn sống của Nadja và một kho lưu trữ các hồ sơ trước đây chưa từng được biết đến. Theo đó, Nadja sinh ra với cái tên Léona-Camille-Ghislaine Delcourt vào ngày 23/5/1902 tại thị trấn Saint-André, một vùng ngoại ô của tỉnh Lille, gần biên giới Bỉ. Cô là đứa con thứ 3 của Eugène-Léon và Mélanie Delcourt, sau chị gái Marthe và anh trai Charles-Camille đã mất khi mới 2 tuổi.
Eugène xuất thân từ một gia đình tư sản khá giả và như con gái ông nói, là một người đàn ông “yếu đuối” và hư hại. Là một nhà điêu khắc nản chí, ông đã phung phí tài sản và trở thành thợ sắp chữ cho tờ báo địa phương - một công việc không mấy béo bở nhưng không thể ngăn ông đắm chìm vào những thú vui xa hoa mà gia đình khó khăn của họ khó có thể chi trả. Trong khi ấy, Mélanie, chăm chỉ hơn, đã trốn khỏi cảnh nghèo đói ở ngôi làng Bỉ chỉ để thấy mình đang làm việc quần quật trong một nhà máy dệt từ 5 giờ sáng đến tận đêm khuya, 6 ngày một tuần.
Léona tuy phải lao động từ nhỏ để giúp gia đình, nhưng từ cha mình, cô cũng được học về mỹ thuật và những điều được cho là tự do của một cuộc sống nghệ thuật. Sau khi Saint-André được giải phóng vào cuối Thế chiến thứ nhất, Léona 17 tuổi đã yêu một sĩ quan Anh, người đã cho cô một người con gái được đặt tên là Marthe giống như chị gái. Khi viên sĩ quan trở về Anh, Léona từ chối lời cầu hôn của con trai một người bán thịt địa phương, do đó cha mẹ cô đã đề nghị nuôi đứa trẻ sơ sinh với điều kiện là cô thiếu nữ hư hỏng phải “trốn” đến Paris.

Phiên bản tiếng Việt của Nadja.
Vào mùa xuân năm 1920, Léona sôi nổi, hấp dẫn và tò mò đã cắt tóc ngắn hợp thời trang. Cô thường xuyên lui tới các quán cà phê khét tiếng về ma túy và mại dâm, cùng lúc dấn thân vào nhà hát với tham vọng trở thành một người thợ may. Ban đầu, cô chuyển đến thủ đô dưới sự “bảo kê” của một nhà công nghiệp lớn tuổi (chắc chắn là nhân vật Người bạn đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết), người đã hỗ trợ để đổi lấy ân huệ tình dục, cho phép Léona mang tiền về cho gia đình trong những chuyến thăm thỉnh thoảng của cô về phía bắc để khoe mẽ vẻ sành điệu mới. Tuy nhiên, vào thời điểm cô gặp Breton, “người bảo kê” và sự hỗ trợ này đã biến mất, do đó Léona, lúc này đã 24 tuổi, phải cố gắng để sống qua ngày.
Sự hấp dẫn và quyến rũ giữa Nadja và Breton dường như đến ngay lập tức. Breton viết về cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ rằng: “Anh chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt nào như thế. Nó chứa điều gì mà phi thường đến vậy?” Về phần mình, Nadja sau đó đã viết cho Breton: “Em nhớ lại cảnh hai ta gặp nhau… Em thấy anh bước về phía mình với những tia sáng hùng vĩ nhưng dịu dàng bám trên những lọn tóc nâu - và ánh mắt anh như một vị thần rót xuống đời em”. Bị thu hút không thể cưỡng lại và biết trước “điều tồi tệ nhất” (tức lo sợ Nadja là gái mái dâm), Breton đã mời người phụ nữ đến một quán cà phê. Như thể không có gì tự nhiên hơn đối với cô hơn những cuộc gặp gỡ tình cờ kiểu này, Nadja đã kể cho nhà văn nghe về cha mẹ, về ngôi nhà ở miền bắc nước Pháp, về chàng trai mà mình đã yêu và bỏ lại phía sau. Cô tự gọi mình là Nadja “vì trong tiếng Nga, đó là khởi đầu của từ hi vọng”.
Trong 9 ngày tiếp theo, hai người gặp nhau hằng ngày, đôi khi là do hẹn trước, đôi khi là tình cờ, trong khi lời nói và tương tác của họ được đánh dấu bằng sự pha trộn giữa ngạc nhiên, thu hút lẫn nhau cũng như đôi khi là sự nhàm chán. Tuy vậy nhưng mối quan hệ nhanh chóng trở nên thân mật, tiến triển từ những nụ hôn trên taxi đến một đêm ở một khách sạn ngoại thành. Họ đang tìm kiếm điều gì ở nhau? Lời kể của Breton ở ngôi thứ nhất nêu rõ ràng rằng đối với bản thân, cách sống của Nadja - sự hờ hững phi phàm của cô đối với mọi người, tên của cô, thậm chí là chính cô và trên hết là những lời nói của cô chính là một kiểu cách khác mà từ trước nay mình chưa từng thấy. Trong khi đối với Nadja, Breton ban đầu có thể chỉ là một “phương tiện hỗ trợ tiềm năng”, một “người bảo kê” khác và cô không giấu được sự thất vọng khi người này nhắc đến chuyện đã kết hôn. Nhưng bất kể cảm xúc hay tham vọng ban đầu là gì, Nadja sớm bị nhấn chìm trong sự si mê của chính Breton.
“Liệu cuộc truy đuổi điên cuồng này có thể kết thúc ở đây không?” Breton hỏi sau khi kết thúc hành trình 9 ngày của họ. Có và không. Mặc dù các cuộc gặp gỡ hàng ngày đã kết thúc, nhưng cả hai vẫn giữ liên lạc cho đến tháng 3 năm sau. Có lẽ hi vọng sẽ tìm lại được những gì đã từng quyến rũ mình, Breton đề xuất xuất bản cuốn sách về chính Nadja và muốn mượn nhật kí của cô. Nhưng sự hấp dẫn của những ngày đầu đã qua, và giờ thời gian bên nhau lại trở thành những cuộc cãi vã cay đắng. Hơn nữa, Breton thấy nhật kí của Nadja là một sự thất vọng và dự án xuất bản đã bị bỏ dở. Tức giận và bị xúc phạm, Nadja đòi trả lại chúng: “Tại sao anh lại bắt tôi giao nộp những nỗi đau nhỏ nhặt của bản thân, tôi biết mà, anh thấy mọi thứ khá là tầm thường.”
Từ thu sang đông, tình hình tài chính của Nadja ngày càng tồi tệ. Muốn làm hài lòng Breton, cô ngừng dùng đến những cách kiếm tiền trước đây. Thay vào đó, suốt mùa Giáng sinh 1926, cô đã trú từ khách sạn tồi tàn này đến khách sạn mục nát khác để tìm chỗ ở rẻ hơn, cuối cùng là “định cư” tại Hôtel Becquerel ở Montmartre không xa căn hộ của nhà Breton trên phố Fontaine là mấy. Nhiều lần trong cuốn sách, Breton đã nói về việc giúp đỡ Nadja nhiều nhất có thể, cụ thể có lần đã bán một bức tranh Derain từ bộ sưu tập của mình và Simone, người vợ chính thức - để trả tiền thuê nhà cho cô. Ông lí giải với vợ: “Khoảng trống mà bức tranh để lại trên tường còn quý giá hơn bản thân nó gấp nghìn lần đấy”.
Giờ đây nhìn lại, những lá thư Nadja gửi cho Breton trong những tháng đó đong đầy cảm xúc, từ hạnh phúc, vui vẻ đến tuyệt vọng, phẫn nộ. 6 tháng sau, Nadja được phát hiện đang la hét sợ hãi trong hành lang khách sạn sau khi nhìn thấy những người đàn ông trên mái nhà (Breton cũng thuật lại nó trong sách - và thực tế là có khả năng đó là những công nhân trên mái nhà bên cạnh, chứ không phải chỉ là ảo giác như người ta hằng tin). Cô đã được đưa đến sở cảnh sát ở Place Dauphine và được đưa vào bệnh viện tâm thần Sainte-Anne cùng ngày hôm đó, với một chẩn đoán bao gồm lo lắng, trầm cảm, hưng cảm và niềm tin rằng các thế lực bên ngoài đang truyền mùi và bắn điện qua cơ thể mình. 3 ngày sau đó, cô được đưa vào bệnh viện Perray-Vaucluse ở vùng ngoại ô Épinay-sur-Orge, phía nam Paris.
Khi biết về việc giam giữ Nadja, Breton - bất chấp giả định lâu đời rằng sẽ tránh xa cũng như ông đã trình bày trong cuốn sách ấy - rõ ràng là đã cố đến thăm cô, bằng chứng là một lá thư gửi đến Tiến sĩ Gilbert Robin. Cũng trong lúc đó, cha mẹ Nadja đã đến Perray-Vaucluse vào ngày 27/3 và dành 14 tháng tiếp theo để kiến nghị các bác sĩ gửi con gái họ đến gần nhà hơn. Cuối cùng, vào ngày 16/5/1928, một tuần trước sinh nhật lần thứ 26 của cô, Léona Delcourt được chuyển đến bệnh viện tâm thần ở Bailleul, cách Saint-André khoảng 20 dặm, với chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt. 9 ngày sau đó, Nadja được xuất bản bởi nhà xuất bản uy tín Gallimard.
NGÔ THUẬN PHÁT trích từ nghiên cứu của Mark Polizzoti – dịch giả cuốn sách sang tiếng Anh