Chủ Nhật, 06/10/2019 00:12

Trường sĩ quan lục quân 2 - Những câu chuyện nhân văn

Những ngày tháng bảy, thời tiết oi nồng; nóng từ nghị trường Quốc hội với những chuyện trọng đại liên quan đến đất nước, nhân dân; nóng từ giá điện, giá xăng lên xuống thất thường; nóng trong các kì thi toàn quốc còn nhiều bất cập

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa

Những ngày tháng bảy, thời tiết oi nồng; nóng từ nghị trường Quốc hội với những chuyện trọng đại liên quan đến đất nước, nhân dân; nóng từ giá điện, giá xăng lên xuống thất thường; nóng trong các kì thi toàn quốc còn nhiều bất cập; nóng khi thời bình người chiến sĩ vẫn hi sinh trong huấn luyện, trong đấu tranh với tội phạm ma túy bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân… Giữa nhiều cái “nóng” ấy, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội lại có được một không khí mát lành, thơm thảo với những câu chuyện nhân văn nơi mảnh đất Đồng Nai nắng gió. Đó là cuộc trò chuyện với Trung tướng nguyễn văn hòa - Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy, thời gian gần đây, trong cuộc sống sôi động, quyết liệt xung quanh chúng ta, dường như mọi thứ cứ ngày càng nóng lên, thúc bách hơn, sát sạt hơn khiến chúng ta không khỏi có lúc như chênh chao, vân vi trước những quyết định của bản thân, của tập thể, của cộng đồng. Xin Chính ủy chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề rất “tư tưởng” này?

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Các nhà văn đúng là hay cả nghĩ. Nhưng mà đúng! Đúng là xung quanh chúng ta nhiều thứ đang nóng lên. Thế giới cũng vậy. Nóng từ thời tiết nhiều nơi đến mốc kỉ lục khiến người dân chịu khổ. Nóng khi các nước lớn áp đặt luật chơi quá quyết liệt với nhau, đương nhiên nước nhỏ chịu không ít hệ lụy. Nóng trong nghị trường Quốc hội. Điều này thì phải hiểu rằng, chính đời sống xã hội đã dội trực diện vào nghị trường khiến các nghị sĩ phải nóng lên, đây là điều đáng mừng. Mọi thứ diễn ra nhanh, mạnh mẽ, nhiều yếu tố bất ngờ cũng là đặc điểm của thời đại mới. Mọi thứ đang không ngừng chuyển động khiến tất cả nóng lên. Bảo là chênh chao, vân vi trước những quyết định của bản thân, tập thể, cộng đồng là thiếu dũng khí, thiếu bản lĩnh, lập trường tư tưởng có vấn đề xem ra cũng không ổn. Chúng ta cần sự vững vàng, nhưng cũng rất cần những suy nghĩ phản biện đa chiều, những ý kiến khác. Chính sự chênh chao, vân vi là lúc để chúng ta suy nghĩ thấu đáo hơn, đánh giá vấn đề đúng bản chất hơn trước khi quyết định. Chính mọi thứ nóng lên cho chúng ta soi rọi rõ mình hơn, nhận thấy mình đang ở đâu, cần phải làm gì. Áp lực ấy giúp chúng ta trưởng thành hơn trong cuộc sống.

PV: Câu trả lời của Chính ủy gợi cho tôi những liên tưởng mới mẻ. Sự phản biện xã hội đã và đang được chấp nhận trên tinh thần khoa học, tinh thần xây dựng dân chủ, văn minh. Một đất nước trên 90 triệu dân phải hướng tới văn minh mới mong có sự phát triển bền vững. Bất kì quốc gia nào cũng không thể phát triển tốt được nếu chỉ coi trọng kinh tế, vật chất, quyền lực. Nếu coi nhẹ các yếu tố khác như văn hóa, giáo dục, y tế, các nhân tố tinh thần… là rất gay go, có thể dẫn đến sự đổ vỡ lớn không lường hết được. Đảng ta đã chỉ ra điều đó. Nhân dân ta luôn mong mỏi sự phát triển hài hòa, cân đối, đời sống nhân dân được ổn định. Chúng ta đang làm tốt điều này, nhưng còn nhiều việc phải làm lắm. Nhiều câu chuyện nóng đang dội vào chúng ta…

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Tôi hiểu ý nhà văn. Những chuyện không đáng có vẫn diễn ra, có lúc âm thầm, có lúc ngang nhiên khiến chúng ta rất trăn trở, có lúc đau lòng, bất bình hỏi tại sao nó lại diễn ra như vậy. Như chuyện những đường dây nâng điểm thi đại học ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đang làm nóng nghị trường Quốc hội, nóng toàn bộ xã hội chẳng hạn. Những cháu được nâng điểm, nhiều cháu còn vào các trường quân đội với tư cách thủ khoa. Đương nhiên mọi chuyện đã sáng tỏ thì chúng ta sẽ làm theo luật, theo quy chế, kỉ luật của quân đội. Nhưng chúng ta vẫn thấy phía sau là sự rạn vỡ niềm tin. Điều này rất nguy hiểm, nhiều năm, hàng chục năm sau vẫn là những vết nhơ khó rửa. Nó tác động vào tâm lí, vào nhận thức của thế hệ trẻ trong đó có những học viên trẻ, sĩ quan trẻ trường chúng tôi. Ngay như chuyện vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu về quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia thập niên tám mươi cũng là chuyện rất buồn, thậm chí không thể hiểu được, một người đứng đầu một đất nước văn minh lại có lúc nhận thức và phát biểu như vậy. Điều đó đặt ra những suy ngẫm cho chúng ta, cần phân biệt cho được cái chân thực, cái bịa đặt giả dối. Thời đại công nghệ thông tin phát triển vũ bão, tiếng nói của mạng xã hội đa chiều, tốt xấu, thật giả đan xen. Nếu chúng ta không mau chóng nắm bắt và làm chủ sẽ không chỉ tụt hậu mà còn dễ mất phương hướng, lệch lạc trong cách nghĩ, cách làm, có thể dẫn đến cực đoan hoặc thái quá, đều không tốt. Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 2, chúng tôi luôn tôn trọng sự phản biện khoa học, tiến bộ, văn minh, lắng nghe các ý kiến khác để cùng nhau tìm ra sự phát triển bền vững. Không chỉ vì những chuyện đau lòng mà chúng ta gạt bỏ những điều tốt ở xung quanh. Những câu chuyện tốt đẹp, nhân văn chính là sự cân bằng, và cao hơn, chính là đòn bẩy vạn năng để chúng ta tiến tới chặng đường phía trước.

PV: Những câu chuyện nhân văn luôn là truyền thống và bản chất của người lính Cụ Hồ. Chính điều này Bác Hồ đã căn dặn bộ đội ta từ những bước đi chập chững đầu tiên. Bây giờ, những câu chuyện nhân văn càng không cũ. Hơn hai mươi năm đến và viết về nhà trường, tôi đã chứng kiến, đã nghe kể, đã cảm nhận được nhiều việc làm thiết thực, nhiều con người vẫn đang là nhân chứng ở đây kể chuyện, không chỉ bằng lời nói, sách vở, mà bằng toàn bộ cuộc đời mình. Những câu chuyện nhân văn đã như luồng gió mát thổi mãi vào tâm hồn, suy nghĩ, hành động của người chiến sĩ Lục quân 2. Xin đồng chí khái quát và chia sẻ?

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Khái quát thì chỉ vài chữ thôi, đó là tri ân máu xương, thảo thơm tình nghĩa, đùm đậu trước sau như một của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Lục quân 2. Còn chia sẻ thì nhiều lắm. Vô vàn câu chuyện cảm động dưới mái trường mà tôi đã gắn bó 33 năm. Đầu tiên là chuyện hi sinh. Những ngày tháng bảy này, chúng ta không thể không nhắc đến sự hi sinh vô cùng lớn lao của các anh hùng, liệt sĩ. Chiến sĩ ta, nhân dân ta, những người đang sống không thể nào quên ơn máu xương người ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả máu xương giúp các nước bạn nữa. Về phát biểu không đúng của Thủ tướng Lý Hiển Long, lịch sử sẽ phán xét công bằng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã phản đối, nhân dân ta đã lên tiếng vì sự công bằng lịch sử. Nhắc đến sự hi sinh của cán bộ chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 2, có lúc tôi không cầm được lòng mình…

Học viên Campuchia trong giờ học Tiếng Việt tại trường Sĩ quan Lục quân 2.- Ảnh: PV

PV: Sĩ quan Lục quân 2 từng là nhà trường trong lòng chiến trường, vừa đánh địch vừa giảng dạy, đánh địch để trưởng thành, bởi vậy sự hi sinh mất mát hẳn là nhiều lắm…

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Hi sinh nhiều lắm! Sự hi sinh đã trở thành một phần lịch sử của mái trường. Vừa mới thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1961 (khi ấy mang tên Trường Quân chính sơ cấp Quân giải phóng miền Nam) tại ấp Lò Gò, xóm Rẫy, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, toàn thể cán bộ chiến sĩ, giáo viên học viên đã dốc sức chuẩn bị tổ chức khai giảng thành công khóa 1. Đầu tháng 10 năm 1962, nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn Hội nghị chính trị các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam lần thứ nhất. Đây là sự kiện chính trị lớn thời kì đó. Mấy năm sau, ngày 26 tháng 1 năm 1966, trong trận chiến đấu ác liệt bảo vệ nhà trường, bốn đồng chí trong Ban Giám hiệu hi sinh. Đó là các đồng chí: Trần Phi Hùng - Hiệu trưởng; Lê Thiện Tứ - Chính ủy; Nguyễn Trung - Phó Chính ủy; Đặng Ngọc Lý - Phó Hiệu trưởng, cùng nhiều cán bộ, giáo viên, học viên hi sinh. Tấm gương hi sinh của những người thầy khiến chúng tôi đã hàng chục năm không nguôi thương tiếc. Đó là bài học đầu tiên. Chúng ta phải biết tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người thầy, người đồng đội máu thịt của chúng ta.

PV: Thật là một câu chuyện xúc động có lẽ chỉ có trong chiến tranh. Ban Giám hiệu nhà trường hi sinh trong lòng chiến trường là câu chuyện giáo dục truyền thống giàu ý nghĩa nhất. Đau đớn nhưng cũng để lại một bài học nhân văn, sẵn sàng lấy máu của mình để chở che đồng đội, chở che học trò, gom góp dành dụm trí tuệ cho ngày toàn thắng. Từ nền tảng ấy, hẳn những câu chuyện nhân văn dưới mái trường sẽ được vun đắp mãi lên?

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Đúng là như vậy! Nhận thức rõ vai trò quan trọng, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhà trường vừa giảng dạy vừa tham gia đánh địch, vừa giúp dân, dựa vào dân. Chính điều đó đã giúp cho người chiến sĩ trưởng thành mau chóng. Đến tháng 10 năm 1975, kết thúc 19 khóa huấn luyện thời kì chống Mĩ, trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 10.175 cán bộ trung cấp, sơ cấp và giáo viên quân sự, bổ sung kịp thời cho mặt trận toàn miền. Nhiều đồng chí đã trở thành anh hùng, dũng sĩ. Nhiều đồng chí khi trở về chỉ còn là tấm giấy báo tử ố vàng. Những bài học quý giá, những câu chuyện cảm động mãi còn lại chính là tài sản, là ngọn nguồn để chúng tôi bước tiếp trên chặng đường gian nan, gập ghềnh phía trước. Đời người lính là gió sương, là trùng điệp hiểm nguy, thách thức. Chúng tôi bước vào thời bình với tâm thế ấy…

PV: Nói là hòa bình nhưng đất nước có mấy lúc được yên hàn. Sau giải phóng miền Nam, cứ tưởng người lính, nhân dân được ngơi nghỉ, vậy mà chỉ hai, ba năm sau, hai đầu đất nước lại rền vang tiếng súng. Người mẹ Việt Nam lại oằn mình, lau nước mắt tiễn con ra mặt trận phía Nam, biên cương phía Bắc. Cán bộ, học viên ở mọi ngôi trường đều sẵn sàng lên đường giết giặc. Lại có những hi sinh. Không ít những câu chuyện xúc động lòng người…

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Đúng như thế! Chính vì thế chúng ta luôn thấy cái giá của hòa bình hôm nay đã phải trả bằng rất nhiều máu xương và trí tuệ. Chúng ta càng đánh thắng mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa càng biết yêu chuộng hòa bình. Thế hệ lãnh đạo nhà trường có người từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ như Trung tướng Lê Nam Phong, trải qua các chiến trường chống Pháp, chống Mĩ, chiến tranh biên giới Tây Nam, giúp bạn, giúp mình và nhận ra rằng cái đích hòa bình luôn quý giá nhất. Yêu cầu nhiệm vụ. Yêu cầu chiến trường và yêu cầu từ mệnh lệnh trái tim. Đất nước dằng dặc chiến tranh. Những người mẹ Việt Nam tảo tần khuya sớm tiễn những người con cuối cùng vào khói lửa là hình ảnh luôn ở trong trái tim người chiến sĩ chúng tôi để khao khát hướng tới hòa bình. Nói thế để thấy, những câu chuyện nhân văn đã có từ rất lâu rồi, ở đâu cũng có, từ những bà mẹ, người cha, người vợ, người chị, người anh, người em, người con liệt sĩ. Họ đâu cần những gì cao cả, chẳng ai muốn trở thành anh hùng mà chỉ muốn chồng con lành lặn trở về sau khói lửa chiến tranh. Hiện nay và cả mai sau nữa, nhà trường luôn giáo dục truyền thống từ những câu chuyện như thế. Chính những câu chuyện ấy đã góp phần làm nên “thương hiệu” của nhà trường.

PV: Chờ đợi mãi rồi đất nước cũng hòa bình. Thắc thỏm mãi rồi hai đầu Nam - Bắc cũng im tiếng súng. Người lính được trở về quê hương lập nghiệp. Người thầy Lục quân 2 trở lại bục giảng. Không biết khi đó nhà trường có khó khăn gì không?

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Khó khăn gì không ư? Một câu hỏi bây giờ thấy bình thường, thậm chí trả lời được ngay nhưng ngày đó là vô cùng khó khăn, thậm chí có lúc tưởng như không có lời giải. Số anh em giải ngũ về quê hương chắc chắn không dễ dàng nơi đầu sông cuối bãi với mẹ già con dại bây giờ ai mất ai còn dần dần cũng rõ được ra là một chuyện. Một chuyện khác, chuyện phải giáp mặt trực tiếp của nhà trường là số anh em ở lại xây dựng trường. Khó khăn về trình độ. Khó khăn về sức khỏe. Khó khăn về cơ sở vật chất. Cơm bữa no bữa đói. Nhà không có ở đã đành, ngay lều lán ở tạm cũng không có nốt. Chiến tranh đã dường như cướp đi tất cả. Cả những suy nghĩ lạc quan cũng cạn dần. Ngày trước ở Tân Biên, nhiều khi dắt nhau đi huấn luyện thưa vắng dân đã theo đường mòn lối mở của trâu bò, gia súc còn làm được. Bây giờ có dân, có tự do thống nhất chẳng lẽ chịu bó tay. Thế là tất cả hạ quyết tâm làm từ con số không. Không có lều lán thì cắt gianh, chặt tre nứa để làm. Nắm chắc tay nhau xua đuổi muông thú, rắn rết, bom mìn, chất độc hóa học mà trụ lại. Người dân đùm đậu, sẻ chia từ nắm hạt giống, vài con dao phát rừng, miếng cơm chát muối. Việc học thì tự túc là chính, vừa học vừa dạy. Người biết hai dạy người biết một. Người có kinh nghiệm truyền bảo người mới đến. Đỏ đèn đỏ lửa suốt đêm. Cùng lúc nhà trường mở nhiều mặt trận. Mặt trận tranh tre nứa lá. Mặt trận lợn gà thóc gạo ngô khoai sắn bắp. Mặt trận học để làm thầy, học để đủ mặt bằng tiến tới từng tiêu chí cao đẳng, đại học sau này. Cứ sôi sùng sục như thế trong cái đói nghèo, sự thiếu thốn đến tận cùng để vươn lên.

Xe tăng dẫn bộ binh vượt cửa mở trong huấn luyện tại trường Sĩ quan Lục quân 2. - Ảnh: PV

PV: Thiếu thốn đến tận cùng! Chúng tôi đã được nghe các đồng chí thế hệ đi trước như Trung tướng Lê Nam Phong, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai kể nhiều câu chuyện như là giai thoại của cái thời “dân không muốn làm lính, lính không muốn làm quan, cán bộ không muốn phát triển để ở lại”, kể cũng lạ kì mà cũng đúng lắm thay. Thầy không yên tâm làm sao dạy được trò? Gia đình không thu xếp được làm sao chăm lo được cho anh em? Cái thời mọi thứ cứ rối tung, quẩn quanh cơm áo mà vẫn qua được nhỉ…

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Kì lạ thế đấy! Có những điều thật không thể tin nổi. Ví dụ nhà trường chủ trương phải có phòng đỡ đẻ cho vợ bộ đội tại bệnh xá đơn vị chẳng hạn. Chị em đang độ tuổi sinh đẻ biết làm sao? Lúc đói khổ chẳng nhẽ cấm không cho trẻ con ra đời? Vậy là quyết tâm bồi dưỡng cấp bách y tá để chuyên công việc này. Nhiều người phản đối lắm. Bác sĩ Nguyễn Văn Tư khi đó là lãnh đạo ở Viện Quân y 175 về tận nơi phê bình rất gay gắt. Bên nhà trường cũng gay gắt không kém. Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Viết Khai bảo: Anh Tư ơi! Hiện nay đường sá khó khăn, tàu xe thiếu thốn, đau đẻ không đỡ kịp, sản phụ gặp nguy hiểm ai chịu trách nhiệm? Chúng tôi ở đây đỡ mẹ tròn con vuông đã hàng chục ca rồi, các anh phải hỗ trợ, khen ngợi mới đúng. Dân bây giờ cũng xin vào đây sinh nở chẳng lẽ đuổi họ đi đâu? Anh phải giúp chúng tôi!

Thế là nguyên tắc phải chịu thua thực tiễn. Rồi câu chuyện giữ cán bộ ở lại trường cũng vậy. Người ta ở lại thì cái tối thiểu là căn nhà phải có, tranh tre nứa lá gì cũng được. Thế là ra ngay chủ trương, nghị quyết, không chỉ trên giấy mà là phải thực hành. Cho mỗi gia đình một chuyến xe. Động viên học viên vào rừng giúp chặt tre, luồng, cắt gianh về dựng nhà. Nhà tranh vách đất thôi. Mấy năm sau khá hơn thì dỡ vách đất ra, thay bằng gạch đất. Tại sao lại là gạch đất? Vì không có than để nung. Mua than ngày ấy khó khăn lắm. Mà cũng chẳng đào đâu ra kinh phí. Nhà gạch đất mái lợp fibro xi măng là lên đời lắm rồi. Rồi thì cũng nung được gạch. Những ngôi nhà cấp bốn đầu tiên mọc lên trong sự hân hoan của mọi người. Bây giờ nghĩ mọi chuyện cứ hồn nhiên thế chứ ngày ấy rưng rưng lắm. Bây giờ nhiều gia đình sĩ quan đã có nhà kiên cố, nhiều biệt thự có sân có vườn phong quang bề thế lắm. Mọi việc cứ như một giấc mơ.

PV: Nghe nói từ ngày khó khăn đó, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã có chủ trương cấp đất cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường. Ai cũng có tiêu chuẩn cả. Nhà trường đã đề nghị Bộ Quốc phòng trình lên Thủ tướng quyết định cắt đất ở cho các hộ gia đình. Chẳng lẽ lặn ngòi ngoi nước từ miền Bắc, miền Trung theo chồng con vào đây lại không có mảnh đất cắm dùi, ngày lễ tết hương khói tổ tiên? Đây vừa là đạo lí vừa là nguồn động viên lớn lao để đội ngũ cán bộ an tâm công tác, trưởng thành. Nhưng đất đai cũng là lĩnh vực rất nhạy cảm. Câu chuyện này ở Lục quân 2 đã diễn ra như thế nào, thưa Chính ủy?

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Đây là một câu chuyện rất nhân văn. Hiếm có đơn vị quân đội nào có được ngôi làng như Làng lính Lục quân 2 với hàng ngàn hộ gia đình, hệ thống đường sá, cây xanh, trường học các cấp, nhà văn hóa, trạm y tế, khu chợ dân sinh vừa khang trang bề thế vừa văn minh quy củ như ở đây. Biết bao mồ hôi, trí tuệ và cả niềm tin không lay chuyển về sự đúng đắn của việc xin cấp đất cho hộ gia đình người lính. Đương nhiên mọi việc phải theo luật, tuân thủ các văn bản pháp luật và nguyên tắc của địa phương. Ở đây địa phương rất đồng thuận, luôn tạo mọi điều kiện cho nhà trường. Nhà trường cũng là xã hội thu nhỏ. Thời kì đầu, phải động viên mãi anh em mới nhận đất bởi phải khai phá, tôn tạo rất vất vả. Sau quỹ đất phải quy hoạch hợp lí hơn, cấp cho mỗi hộ 300m2, sau rút xuống 200m2 và trên dưới 100m2. Đặc biệt thú vị là việc các chị em độc thân đến ba mươi tuổi đều được cấp đất, động viên đơn vị hỗ trợ làm nhà ở riêng. Cũng có ý kiến khác về vấn đề này, nhưng chúng tôi công khai họp bàn và ra quyết định. Ở độ tuổi ấy, có suất đất cũng dễ dàng hơn trong cuộc sống. Bố mẹ ở quê vào thăm thấy có mảnh đất, có ngôi nhà, dẫu con gái còn đơn độc vẫn mừng chứ. Và, thật kì diệu, không ít chị em đã tìm được tổ ấm cho mình ngay trong ngôi nhà thảo thơm nghĩa tình đồng đội ấy.

PV: Đúng là trong cái khó ló cái khôn. Việc này đến ông trời cũng chỉ biết bấm bụng cười mà nể phục cho sự dám nghĩ dám làm. Quan trọng nhất là cái tâm sáng. Tất cả vì việc chung, vì con người chứ chẳng vị lợi riêng ai. Đây cũng là sự phát triển bền vững của nhà trường. Nhưng nói gì thì nói, chất lượng đào tạo mới là yếu tố quyết định. Mà việc này phải được bắt đầu từ người thầy. Xin đồng chí chia sẻ.

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Chúng tôi làm song song cùng lúc nhiều việc. Việc nâng cao chất lượng đào tạo luôn là lẽ sống còn. Ngày trước đỏ đèn học với nhau, cơm chấm cơm cơ cực lắm. Bây giờ phải khác. Dứt khoát phải có được đội ngũ giảng viên thực sự chất lượng. Phải học càng nhiều càng tốt. Thầy phải học nghiêm túc thì mới dạy nghiêm túc được. Chúng tôi đã chạy đua với thời gian để kiện toàn đội ngũ giảng viên. Có lẽ nào trường phấn đấu chuẩn lên đại học mà giáo viên lại chưa tốt nghiệp đại học. Khi ấy có người thắc mắc tại sao bằng tốt nghiệp cấp ba năm 1983 mà đã nhận bằng đại học năm 1985. Đó là họ không hiểu nhà trường khi ấy, chuyện đó cũng bình thường. Cùng lúc phải hoàn thành các bậc học không kể ngày đêm mới được như hôm nay. Chúng tôi mời giảng viên Học viện Lục quân, Học viện Chính trị, các trường đại học lớn ở thành phố Hồ Chí Minh về hoàn thiện cho anh em. Ai thiếu gì học đó. Ban ngày dạy học viên trên thao trường, ban đêm lên giảng đường làm học viên thụ học. Nếu không như thế, bây giờ làm sao có được đội ngũ với 23 phó giáo sư, gần 100 tiến sĩ, trên 400 thạc sĩ, đủ sức đảm đương trọng trách giảng dạy như hôm nay. Nếu nói đi tắt đón đầu về sự học của Trường Sĩ quan Lục quân 2 chính là ở giai đoạn này. Bây giờ đã thong thả hơn, nhưng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bằng thực học chưa bao giờ bị buông lỏng.

PV: Đối với các thầy thì như vậy. Chất lượng học viên, nhất là các kĩ năng, tố chất chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở nhà trường hiện nay ra sao? Những câu chuyện nhân văn của nhà trường liệu có giúp ích gì cho học viên khi ra trường về công tác ở các đơn vị cơ sở không?

Trung tướng Nguyễn Văn Hòa: Chúng tôi cho rằng, cuộc sống là chuyển động. Như phần đầu chúng ta đã bàn về sức nóng của cuộc sống hôm nay. Sống phải chuyển động để phát triển chứ. Cán bộ giảng viên cũng như vậy và học viên càng phải như vậy. Người trò có chuyển động về nhận thức, về tư duy, về hành động mới bổ sung thêm sự phong phú cho người thầy. Thầy học từ trò cũng là chuyện bình thường. Với những điều tốt đẹp, với tri thức không giới hạn, chúng ta nên học tập lẫn nhau. Trong thời đại công nghệ số hiện hay, đòi hỏi học viên phải thực sự có kiến thức toàn diện. Mai kia anh ra quản lí bộ đội có tròn vai không, có xuất sắc không, có bị đào thải không… thì nền tảng quyết định nhất chính là ở nhà trường. Mà nhà trường không thể làm thay anh mọi việc. Nghĩa là anh phải tự học, tự rèn, tự nâng mình lên trong bể kiến thức mênh mông mà các thầy cũng chỉ là một phần nhất định. Nhà trường hiện nay đặt nặng trọng tâm vào kĩ năng thực hành cho các học viên. Ngay như việc nâng cao thể lực chẳng hạn. Phải có đủ sức khỏe trước mới không ngại việc, mới dễ dàng trong sáng tạo, mới có được những suy nghĩ mới mẻ, những sáng kiến thiết thực và đủ khả năng để thực hành chúng. Trung đội trưởng từ lò Lục quân 2 ra trường dứt khoát phải giỏi chỉ huy, quản lí, huấn luyện bộ đội và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị thuần thục. Giáo trình chúng tôi cũng luôn đổi mới, cũng xem cần phải điều chỉnh cái gì từ thực tiễn, từ nhu cầu các đơn vị trong toàn quân. Dù công nghệ phát triển đến đâu, yếu tố con người vẫn là quyết định. Mà ở mỗi con người, những câu chuyện nhân văn luôn góp phần quyết định từ nhận thức đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Trái tim đồng điệu trái tim. Những điều tốt đẹp luôn lan tỏa, khơi gợi và kết nối cho chúng ta trưởng thành hơn, tự tin hơn, để có nhiều đóng góp hơn trong cuộc sống. Bởi vậy, chắc chắn những câu chuyện nhân văn của Trường Sĩ quan Lục quân 2 sẽ là hành trang giàu ý nghĩa với mỗi học viên trên bước đường phía trước của mình.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy!