Qua đó cho thấy sự sáng tạo, trưởng thành của các biên đạo múa trẻ hiện nay, mở ra tương lai đầy triển vọng cho ngành múa Việt Nam.

Khi múa xích gần tới công chúng

Biên đạo Hoàng Thị Nguyệt (Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La) mang đến cho khán giả hai tác phẩm múa là "Khèn ngược" và "Đường cày trên nương" mang đậm bản sắc vùng miền. Nếu như với “Khèn ngược” mang đến câu chuyện về cô gái Mông hòa mình với chiếc khèn để bày tỏ tâm sự, cảm xúc của mình… thì “Đường cày trên nương” mang màu sắc múa dân gian của đồng bào Khơ Mú kể câu chuyện về người cha luôn sẵn sàng hy sinh bản thân mình để các con mình có được cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Biên đạo Nguyễn Vũ Khánh (Đoàn múa UNISON Hà Nội) với tác phẩm “Những mối quan hệ” đã mang đến cho người xem thông điệp: Khi con người quá phụ thuộc vào mạng xã hội, mải mê chạy theo những mối quan hệ ảo, sẽ trở nên thờ ơ và lãng quên xung quanh, để rồi tự đưa mình vào rắc rối. Tác phẩm này của Nguyễn Vũ Khánh được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, bởi sự khai thác, tìm tòi mới từ ý tưởng đến cách thể hiện.

Triển vọng cho ngành múa Việt Nam
Hình ảnh trong tác phẩm múa “Khèn ngược” của biên đạo Hoàng Thị Nguyệt đoạt giải nhì.

Có thể nói, những tác phẩm múa trong Cuộc thi "Tài năng trẻ biên đạo múa 2019" đã mang đến cho người xem một cảm giác: Múa đang đến gần hơn với công chúng, xem múa nhưng đã có thể dễ dàng hiểu được nội dung và câu chuyện, cũng như thông điệp mà biên đạo muốn chuyển tải. Bên cạnh đó, các tác phẩm trong cuộc thi lần này đã phản ánh khá nhiều vấn đề của đời sống xã hội, từ mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống thường nhật, đến tình yêu quê hương đất nước, tình yêu trong lao động sản xuất và chiến đấu, những phong tục tập quán, sắc màu văn hóa vùng miền… Tất cả đều được phản ánh một cách sinh động, sáng tạo.

Theo đánh giá của NSND Lê Ngọc Cường, Trưởng ban giám khảo cuộc thi: “Các biên đạo đã có nhiều cố gắng vượt lên chính mình, vượt qua những khó khăn hạn chế do đặc thù của ngôn ngữ múa là dùng cơ thể con người làm phương tiện biểu đạt nội dung tư tưởng, phản ánh hiện thực đời sống thông qua hình tượng nghệ thuật. Các biên đạo trẻ đang cố tìm cho mình một hướng đi, một phương thức tiếp cận mới trong khai thác đề tài, bố cục, kết cấu tác phẩm, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả ngôn ngữ múa hiện đại với múa dân tộc để tác phẩm có hơi thở mới, phù hợp với xu thế phát triển và thị hiếu của giới trẻ hiện nay”.

Tìm “đất sống” cho múa

So với những lần thi trước, cuộc thi lần này đã thu hút khá đông biên đạo trẻ: 38 tác phẩm của 26 biên đạo. Đó là lý do mà ban tổ chức (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức vòng sơ loại tại hai khu vực: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đi đến 3 đêm chung cuộc diễn ra tại Hà Nội. Mang đến liên hoan lần này, nhiều tác giả đã thể hiện sự tìm tòi mới lạ trong bố cục tạo hình chuyển hóa luật động, đội hình, tuyến múa hợp lý. Vận dụng có hiệu quả ngôn ngữ múa hiện đại với ngôn ngữ múa dân tộc, hợp lý, không khiên cưỡng, gò ép, tiêu biểu như tác phẩm: “Cuội già”, “Côn Đảo ngày trở về” của biên đạo Nguyễn Hải Trường; “Giấc mơ chưa lành” của Tạ Xuân Chiến… Đó là những tác phẩm tạo được hiệu quả đồng bộ trong cảm xúc người xem. Một số tác phẩm khai thác mảng đề tài về người chiến sĩ trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, về những người nông dân bình dị trong cuộc sống lao động sản xuất như: “Giờ tăng gia”, “Dệt sợi tình” của Đỗ Duy Đức; “Nét quê” của Phạm Đắc Hải cũng biểu đạt được những phẩm chất, tính cách yêu đời, lạc quan, hóm hỉnh và rất duyên dáng. Đặc biệt, trong đó có những đề tài, những nội dung mới nghe qua tưởng chừng rất khó thể hiện bằng ngôn ngữ múa, nhưng các biên đạo vẫn tìm được cách nói riêng, thông qua thủ pháp ước lệ, cách điệu, trừu tượng hóa mà dễ hiểu, dễ xem. Điều đó cho thấy tính ưu việt của nghệ thuật múa có thể lý giải nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, Quyền giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam: Cuộc thi "Tài năng trẻ Biên đạo múa 2019" đã xuất hiện một số biên đạo múa trẻ nổi trội, nhiều bạn đã có sự tìm tòi, sáng tạo và đủ già dặn để thể hiện tác phẩm, khiến khán giả khi xem phải cảm động. Đơn cử như biên đạo Hoàng Thị Nguyệt (Sơn La) với các tác phẩm đậm chất văn hóa vùng miền, đã “chạm” được đến độ sâu của văn hóa, cách thể hiện cũng ngọt ngào, đằm thắm, lột tả khá trọn vẹn được ý tưởng. Còn theo NSND Lê Ngọc Cường, thành công lớn nhất của cuộc thi lần này là không chỉ tìm ra được những gương mặt trẻ đầy triển vọng của làng biên đạo, để kế tiếp sự nghiệp của các thế hệ đi trước, mà còn thấy rõ sự cống hiến, đam mê của các tài năng trẻ đang muốn thể hiện mình, cũng như tạo nên không khí mới, “đất sống” mới cho nghệ thuật múa. Chứng minh điều này là thời gian qua không ít những tài năng biên đạo đã góp phần thực hiện thành công những show diễn múa lớn phục vụ công chúng trong nước và quốc tế; múa thực cảnh… góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam tại các khu di sản, du lịch nổi tiếng.

Nguồn: QĐND (Châu Xuyên)