Thứ Bảy, 21/08/2021 09:36

Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Triển lãm Vị tướng huyền thoại trưng bày giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu gắn với cuộc đời và những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Triển lãm Vị tướng huyền thoại trưng bày giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu gắn với cuộc đời và những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ cũng như trong sự nghiệp xây dựng dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dịp kỉ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an nhân dân, Thư viện Quân đội và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề Vị tướng huyền thoại. Trung tướng Trịnh Văn Quyết - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chủ trì buổi lễ.

Triển lãm khai mạc chiều 20/8/2021 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: BTLSQS

Triển lãm trưng bày giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu gắn với cuộc đời và những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ cũng như trong sự nghiệp xây dựng dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triển lãm “Vị tướng huyền thoại” bao gồm 4 chủ đề trưng bày chính: Bên dòng Kiến Giang; Đường đến cách mạng; Đại tướng huyền thoại; Vị tướng của nhân dân.

Nếu như phần chủ đề Bên dòng Kiến Giang trưng bày giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu về quê hương, gia đình, nơi đã hun đúc tình cảm yêu nước thương dân, nung nấu ý chí và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc của người thanh niên trẻ Võ Nguyên Giáp thì phần hai Đường đến Cách mạng sẽ gồm những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh quá trình tham gia hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1925-1945.

Phần ba của Triển lãm mang chủ đề Đại tướng huyền thoại tập trung giới thiệu đến người xem những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh vai trò to lớn, những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vị tướng của nhân dân là chủ đề phần 4 của Triển lãm Vị tướng huyền thoại, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu thể hiện tình cảm của nhân dân dành cho Đại tướng; tình cảm của Đại tướng với nhân dân, đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết và đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên các hiện vật về Đại tướng. Ảnh: BTLSQS

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Khi học tại Trường Quốc học Huế, chàng trai đến từ Lệ Thủy, Quảng Bình Võ Giáp (tên khai sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước. Sau này, khi ra Hà Nội dạy học, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được gặp gỡ lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách tổ chức huấn luyện quân sự tại chiến khu Việt Bắc từ 1941 - 1944, được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 22/12/1944 tại Cao Bằng. Ngay sau khi thành lập, ông đã chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách trên các cương vị khác nhau đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy lượng vũ trang Hà Nội với những vũ khí thô sơ đã kìm chân quân Pháp được trang bị hiện đại trong nội thành Hà Nội 60 ngày đêm. 36 tuổi, đồng chí là Chỉ huy trưởng Chiến dịch Việt Bắc, đập tan cuộc hành quân của gần 2 vạn quân Pháp lên Việt Bắc. Năm 1948, khi mới 37 tuổi, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng, trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Khánh Huyền

Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng Quân đội lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại, cùng toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Với nhân dân, Đại tướng luôn gần gũi, chân tình, sâu sắc và nặng nghĩa tình. Trong lòng bạn bè quốc tế, Đại tướng luôn để lại tình cảm kính trọng, yêu mến, tin tưởng vào tình đoàn kết giữa các dân tộc, tình hữu nghị thắm thiết, lâu bền. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”; cán bộ, chiến sĩ mến phục, suy tôn là “Người Anh Cả” của Quân đội nhân dân.

Trong cuộc sống đời thường, với gia đình, người thân - Đại tướng là người đức độ, giàu lòng nhân ái, đức hi sinh, luôn gần gũi, bao dung, quan tâm chia sẻ. Tại lễ khai mạc Triển lãm Vị tướng huyền thoại, ông Võ Hồng Nam,con trai của Đại tướng đã phát biểu cho rằng: “Triển lãm đã nêu bật cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với sự ra đời, trưởng thành, truyền thống chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại. Những bức ảnh, hiện vật trong triển lãm thể hiện sinh động tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt quá trình hoạt động cách mạng...".

Ông Võ Hồng Nam thay mặt gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm Vị tướng huyền thoại. Ảnh: BTLSQS

Triển lãm Vị tướng huyền thoại cũng trưng bày nhiều hiện vật tiêu biểu gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm: súng ngắn của đồng chí Võ Nguyên Giáp sử dụng chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh thắng trận đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần ngày 24 và 25/12/1944; Sắc lệnh số 110-SL ngày 20/1/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc phong cấp Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Mệnh lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; Bộ bàn ghế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng để làm việc và tiếp đón đồng bào, chiến sĩ, các vị khách quốc tế tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội…

P.V