Thứ Năm, 24/10/2019 00:24

Triển lãm lớn nhất từ ​​trước đến nay của Leonardo da Vinci sẽ khai mạc tại Paris

Viện bảo tàng Louvre tại thủ đô Paris, Pháp đang chuẩn bị cho triển lãm Leonardo da Vinci lớn nhất từ trước đến nay nhân kỉ niệm 500 năm ngày mất của ông. Triển lãm kéo dài trong 4 tháng, từ ngày 24/10 đến ngày 24/2/2020.

Viện bảo tàng Louvre tại thủ đô Paris, Pháp đang chuẩn bị cho triển lãm Leonardo da Vinci lớn nhất từ trước đến nay nhân kỉ niệm 500 năm ngày mất của ông. Triển lãm kéo dài trong 4 tháng, từ ngày 24/10 đến ngày 24/2/2020.

Chương trình triển lãm đã được lên kế hoạch và chuẩn bị trong vòng 10 năm với dự kiến 120 tác phẩm, dựa trên bộ sưu tập Leonardo da Vinci của Viện bảo tàng Louvre cùng với những tác phẩm được mượn từ các tổ chức mĩ thuật, văn hóa ở Italy, Đức, Nga, Anh và Mỹ, cũng như Pháp.

Leonardo da Vinci có cuộc đời là nguồn khơi tạo huyền thoại không ngừng nghỉ. Ông là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kĩ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh và triết học tự nhiên. Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Ý, người có những ý tưởng vượt trước thời đại của mình, đặc biệt là khái niệm về máy bay trực thăng, xe tăng, nhảy dù, năng lượng mặt trời, máy tính, sơ thảo lý thuyết kiến tạo địa hình, tàu đáy kép, cùng nhiều sáng chế khác... Một vài thiết kế của ông đã hoàn thiện và khả thi khi ông còn sống như ứng dụng khoa học trong chế biến kim loại và trong kĩ thuật ở thời đại Phục Hưng. Ông cũng đóng góp rất lớn vào lĩnh vực kiến thức giải phẫu học, thiên văn học, xây dựng dân dụng, quang học và nghiên cứu về thủy lực.

Chân dung tự họa của Leonardo da Vinci.

Trong mĩ thuật, Leonardo vẽ tương đối ít. Ông làm việc rất chăm chỉ, tỉ mẩn nhưng chậm chạp, thường dành hơn một thập kỉ cho một bức tranh. Khi ông mất đi, chỉ còn khoảng 15 đến 20 bức tranh lưu lại dưới tên ông cùng với một vài quyển sổ nháp tay (rơi vãi trong nhiều bộ sưu tập khác nhau của ông), bên trong chứa đựng các kí hoạ, minh hoạ về khoa học và bút kí. Các giám tuyển cho rằng sự quan tâm của ông đối với khoa học, đặc biệt là thiên văn học, thực vật học và sự vật lộn liên tục với các vấn đề toán học không làm tách biệt ông khỏi nghệ thuật, mà những khoa học đó góp phần đem đến cho ông nỗ lực đạt được sự hoàn hảo trong những bức tranh của mình.

Ông Vincent Delieuvin và ông Louis Frank, những người quản lí của Viện bảo tàng Louvre, đã nhờ vào những mối quan hệ đặc biệt để mượn được 6 bức tranh của Leonardo. Đó là: Madonna Benois (Thánh mẫu Benoi) từ Bảo tàng Hermitage của Saint Petersburg, Saint Jerome (Thánh Jerome) từ Vatican, bức Portrait of a Musician (chân dung người nhạc sĩ) từ thư viện lịch sử Pinacoteca Ambrosiana ở Milan, Head Of A Woman (Đầu của người phụ nữ) từ phòng trưng bày nghệ thuật Galleria Nazionale tại Parma, hai bức tranh Madonna Of The Faucet Winder (Thánh nữ Maria đang bế đứa con của chúa trời) – một bức được mượn tại Phòng trưng bày quốc gia ở Edinburgh và một bức từ bộ sưu tập tư nhân.

Bức sơn dầu bức chân dung người nhạc sĩ tập trung vào "đời sống tâm hồn" của đôi mắt.

Những bức tranh được mượn sẽ bổ sung vào triển lãm cùng 5 tác phẩm thuộc sở hữu của Viện bảo tàng gồm: bức chân dung La Belle Ferronnière (Người đẹp đội Ferronnièrea), Mona Lisa, The Virgin and Child With Saint Anne and Saint John the Baptist (Gia đình thánh thần cùng với Thánh Anne và bé sơ sinh John the Baptist), Virgin of the Rocks (Đức mẹ đồng trinh trong hang đá) và The Last Supper (Bữa tối cuối cùng) nâng tổng số bức tranh của Leonardo lên con số 11. Trước đó, triển lãm Leonardo lớn nhất được tổ chức tại Phòng trưng bày Quốc gia London năm 2011 chỉ có 9 bức.

Bức tranh nàng Mona Lisa.

Không giống như tranh vẽ, các bức vẽ của Leonardo da Vinci có số lượng lớn hơn và chúng sẽ được trưng bày ở Paris, bao gồm các bản phác thảo sơ bộ khác nhau cho những bức tranh cùng một số nghiên cứu giải phẫu của ông. Một vài trong số đó mới được mượn về từ Phòng trưng bày Uffizi tại Florence hay Venice như The Vitruvian Man (Người Vitruvian) nghiên cứu về tỉ lệ của cơ thể con người và một bản phác thảo về thung lũng sông Arno quanh thành phố Florence.

Bức tranh The Vitruvian Man.

Rất nhiều người kì vọng rằng bức tranh đắt nhất thế giới của Leonardo - Salvator Mundi (Chúa Giêsu trong trang phục thời Phục Hưng) mà trước đó có thông tin người sở hữu bức tranh được cho là ở vùng Vịnh Ba Tư sẽ xuất hiện tại triển lãm này. Tuy vậy, những lời đồn được xem là không có căn cứ bởi việc cho “vay mượn” những tác phẩm quý giá là công việc liên quan đến vấn đề ngoại giao tinh tế và hậu cần đầy thách thức.

Tuy vậy, phần việc khó khăn nhất theo các chuyên gia, không phải là việc vay mượn tác phẩm, mà là sự chuẩn bị về mặt khoa học, nghiên cứu những tài liệu liên quan đến thiên tài Leonardo gồm cả việc phân tích kĩ càng tiểu sử của ông được viết bởi nhà sử học nghệ thuật thế kỉ 16 Giorgio Vasari.

Bức tranh nàng Mona Lisa vốn nằm trong chương trình triển lãm nhưng vẫn được trưng bày ở tầng một của bảo tàng, còn các bức tranh khác sẽ được trưng bày chung một gian phòng. Bởi bức Mona Lisa luôn thu hút 30.000 khách đến tham quan mỗi ngày, còn gian phòng triển lãm chỉ có thể tiếp nhiều nhất 7.000 khách và bảo tàng không muốn ngăn những du khách khác nhìn thấy bức tranh ấy. Bảo tàng cũng đánh dấu lần đầu tiên có trải nghiệm thực tế ảo về Mona Lisa. Khi Viện bảo tàng Louvre có số lượng khách ghé thăm lớn hơn bao giờ hết thì có thể sẽ ưu tiên mở cửa cho những người đã đặt vé trước.

Viện bảo tàng Louvre, tại Paris, Pháp.
Một vài hình ảnh trong không gian trưng bày tại triển lãm.

Ngoài ra, triển lãm còn tiết lộ cho quan khách những chi tiết mới Virgin Of The Rocks mà Leonardo da Vinci đã vẽ hai lần sau khi phiên bản đầu tiên của bức tranh bị từ chối; tái tạo nghiên cứu về tự nhiên trong các bức tranh của Leonardo; khẳng định tầm quan trọng của mĩ thuật trong cuộc đời của Leonardo ngang bằng với những công việc tiên phong của ông là nhà thực vật học, nhà giải phẫu học, nhà toán học...

Ông Louis Frank nhận định: “Leonardo có khả năng không chỉ miêu tả mọi điều từ bên ngoài, mà còn thể hiện sâu sắc những gì từ bên trong: sự chuyển động và rung động của cuộc sống, những cảm xúc bên trong nội tâm”.

Còn Vincent Delieuvin lôi cuốn khách tham quan bằng việc hé lộ: “Triển lãm sẽ giải thích cách Leonardo thiết lập các bí mật để tạo ra những bức tranh hoàn hảo mang bản chất con người là sự giao hòa tinh tế giữa ánh sáng, bóng râm và chuyển động. Đối với Leonardo, đó là việc mở mang đầu óc cho một người tự do tuyệt đối trong việc vẽ và vẽ tranh”.

BÌNH NGUYÊN theo Louvre.fr và The Guardian