Thứ Năm, 11/04/2019 09:23

Trí thức hay ngụy thức

Trí thức được định nghĩa là những người có tri thức, có chuyên môn, trình độ, sử dụng tri thức vào các hoạt động của cộng đồng xã hội và cá nhân, nhằm giải quyết các yêu cầu được đặt ra

.LÝ ÁI CHÂU

Trí thức được định nghĩa là những người có tri thức, có chuyên môn, trình độ, sử dụng tri thức vào các hoạt động của cộng đồng xã hội và cá nhân, nhằm giải quyết các yêu cầu được đặt ra, hướng đến chân lí hay các giá trị nhân văn, tiến bộ. Trí thức có thể gần với nội hàm của khái niệm “sĩ” (sĩ - nông - công - thương), là những người hiểu biết, có vai trò quan trọng trong việc khai minh, giáo hóa hay cải tạo xã hội. Tuy nhiên, kẻ sĩ thường được hình dung như những người có học và khảng khái, thẳng thắn, đôi khi bất chấp, còn trí thức được hiểu rộng hơn, khoa học hơn, là những người hiểu- biết cả về tri thức và thời cuộc.
Đứng trên bình diện của một trí thức, việc đem năng lực, tâm trí của mình vào các công việc góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội là việc làm cần thiết, chính đáng. Điều đó có thể được xem là đạo đức, luân lí, sứ mệnh của một thức giả. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người mang danh trí thức hiện nay đang đi chệch khỏi sứ mệnh của mình, nhưng lại đinh ninh rằng sự lựa chọn ấy là đúng đắn. Ở một số trường hợp, tri thức được sử dụng vào những mục đích sai lệch, phản nhân văn, phản tiến bộ, phục vụ lợi ích cá nhân,… đã hình thành bộ phận “ngụy thức” rất đáng phê phán.
Trí thức đương đại, để được tiếng là cấp tiến luôn tỏ ra mình là lực lượng phản biện xã hội một cách tích cực, đứng về phía dân nghèo và những lực lượng yếu thế. Tuy nhiên, một nghiên cứu dẫn nhập về sự ngụy tín đã chỉ ra rằng trí thức thuộc tầng lớp trưởng giả. Anh ta đứng từ vị trí trưởng giả để cất lời, nhưng không nhập cuộc, không dám từ bỏ hay dấn thân. Vừa được sống trong môi trường trưởng giả, lại vừa được tiếng là cấp tiến, nhiều người đã xem việc lớn tiếng phản biện như là cách thức để trỗi lên, có “số má” trong giới trí thức. Thực ra, đó chỉ là những lời nói suông, một dạng ngụy tín. Anh ta kêu gào rằng nhân quần đang lầm than đói khổ nhưng anh ta lại ngồi quán máy lạnh, uống rượu Tây và nhìn thấy người ăn xin thì ngoảnh mặt. Anh ta ủng hộ tuần hành phản đối một điều luật hay chính sách nào đó nhưng lại đeo khẩu trang và kính đen ngồi trong góc quán cà phê để chụp hình đăng facebook. Trên mạng xã hội, nhiều người mang danh là trí thức nhưng bất kì lúc nào họ cũng sẵn sàng buông những lời phê phán nặng nề, thậm tệ đối với thực tại xung quanh họ. Dường như họ không tìm thấy một điều gì lạc quan, tin tưởng hay tươi sáng. Lẽ ra, trong tư cách một trí thức, một thành phần cấp tiến, anh ta phải dành thời gian, sức lực, tâm trí và thậm chí là gia sản cho những hỗ trợ xã hội nhằm cứu vãn hay cải tạo tình trạng bất như ý mà anh ta nhận thấy. Trong tình thế này, phải thấy rằng sự lựa chọn - ngụy tín đó mang lại lợi ích cho kẻ mang danh trí thức. Vừa được cái này lại không mất cái kia chính là tâm thế nước đôi của những trí thức ngụy tín, hay còn gọi là “ngụy thức” như một số nhà nghiên cứu chỉ ra. Không cần phải đi đâu xa để tìm dẫn chứng, ngay trong đời sống xung quanh chúng ta, có nhiều nhà văn, nhà thơ, những trí thức trưởng giả cứ hễ cất lời là lớn tiếng phê phán, phủ nhận, thậm chí xổ toẹt mọi giá trị xã hội mà cộng đồng đang nỗ lực kiến tạo. Trong khi, nhìn lại, chính bản thân họ có thể chưa phải là một giá trị đủ tầm để có tư cách phát ngôn và phán xét về những vấn đề ấy. Thái độ nước đôi của kẻ ngụy thức thực ra phản ánh một trạng thái sợ sệt hay hèn nhát của họ. Không dám dứt khoát trong thái độ và hành vi lựa chọn của mình, dạng trí thức này đang làm cho đời sống xã hội trở nên tiêu cực và bất ổn hơn.
Trong điều kiện của Việt Nam, xuất phát điểm là một đất nước nông nghiệp nghèo đói, lạc hậu, luôn phải đương đầu với những cuộc chiến tranh, trình độ phát triển xã hội hẳn nhiên sẽ thua kém nhiều nước khác. Đổi mới là hướng đi đúng mà Việt Nam lựa chọn, đã và đang từng bước cho thấy hiệu quả của nó. Một bộ phận trí thức, vốn cũng sinh ra từ làng quê, cũng từng một nắng hai sương như bao kiếp người dân quê khác, nhưng từ khi kí trú vào đô thị, có được đôi ba chữ nghĩa lập tức tỏ ra mình là thành phần cấp tiến, là lực lượng phản biện xã hội, phê phán tư duy, văn hóa nông nghiệp ì trệ, bảo thủ, cố chấp, manh mún, tiểu nông,… Dĩ nhiên, cái không phù hợp sẽ dần bị đào thải, nhưng phê phán không phải là sự đạp đổ, không phải là vùi dập, mà trong tư cách một trí thức, anh phải chỉ ra được căn nguyên, giải pháp và ít nhiều có đóng góp vào việc cải tạo thực trạng ấy. Nhưng, những trí thức bơ sữa cao giọng này đã làm được gì?
Có một hiện tượng mà làng văn ai cũng biết nhưng ít ai tiện nói ra, đó là việc nhiều người mang danh nhà văn nhưng lại phê phán Hội Nhà văn. Kẻ ở trong Hội cũng phê phán, người ở ngoài Hội cũng phê phán; không vào được Hội thì quay ra hậm hực phê phán, tìm mọi cách để vào Hội và khi vào được rồi thì lại phê phán chê bai Hội; xin được Hội tài trợ hay đài thọ thì im lặng, không xin được lại phê phán; tác phẩm không lọt được vào giải thưởng cũng cay cú chê trách Hội… Họ thường lớn tiếng cho rằng, nhà nước bỏ tiền nuôi Hội Nhà văn trong khi Hội không làm được gì cho văn chương nước nhà, chỉ tiêu tốn tiền ngân sách, tiền thuế của dân. Sao họ không thấy rằng, chưa cần nhìn vào những thời kì trước, chỉ tính mấy năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm được rất nhiều việc như quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, kết nối văn học Việt Nam với khu vực và thế giới, bằng con đường văn học đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ hận thù, xây dựng mối quan hệ hòa hảo giữa các dân tộc, bên cạnh đó còn chiêu tuyết và khôi phục những giá trị văn chương từng bị vùi dập một thời do những hạn chế lịch sử,... Lại có những kẻ mỉa mai giới nhà văn đứng trong tổ chức Hội là “nhà văn quốc doanh, mậu dịch”, là loại “bút nô” ăn theo chế độ mà không viết ra được cái gì đáng đọc, không có tác phẩm nào “để đời”. Xin hỏi những người này, rằng ở nước ta, có cây bút nào không phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà có tác phẩm xuất sắc, để đời, được quảng đại công chúng thừa nhận (tính từ 1957 là năm thành lập Hội đến nay)? Câu trả lời là gần như không có, trừ một số rất ít các cây bút hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ khi chưa kịp là hội viên. Hãy nhìn lại lịch sử văn học nước nhà để thấy, thành tựu của văn học Việt Nam hiện đại có công lao rất lớn của các hội viên Hội Nhà văn nhiều thế hệ. Những tên tuổi lớn, tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh,… mấy thập kỉ qua đã đóng góp vào di sản văn hóa, văn học của dân tộc những giá trị đáng được trân trọng. Họ đều là các nhà văn, nhà thơ đứng trong tổ chức Hội. Câu hỏi đặt ra đối với những trí thức, những nhà văn đang lớn tiếng phê phán kia, là họ đã làm được gì, viết được gì bằng/ hơn so với tác phẩm của các tên tuổi vừa nêu? Không! Dù ở trong hay ở ngoài Hội, những người lớn tiếng phủ nhận Hội Nhà văn, phủ nhận đội ngũ nhà văn hội viên cũng cần nhìn lại mình xem đã đủ tư cách là một nhà văn, một trí thức hay chưa. Điều quan trọng hơn hết, anh hãy làm trước khi nói, phải làm được, thậm chí làm hơn thế thì mới có quyền phê phán hay phủ nhận những giá trị mà anh cho là chưa xứng đáng.
Nhiều trí thức sống bằng đồng lương của nhà nước nhưng vẫn hàng ngày phê phán chính cơ quan, tổ chức đang trả lương cho mình. Đành rằng, đồng lương đó là thù lao cho sức lao động anh bỏ ra, nhưng nếu anh đã chán nơi làm việc, đã chẳng còn tha thiết gì nữa, sao không từ bỏ, làm một người lao động tự do, hưởng thụ thành quả từ chính sức lao động của mình. Một câu chuyện khá nực cười khi một số trí thức cho rằng làm đề tài khoa học hay sáng tác văn chương theo chương trình đầu tư của nhà nước là không tử tế, là ăn tiền thuế của dân, không xứng đáng với tư cách trí thức. Ngạc nhiên thay, cuối năm, người ta lại thấy họ cặm cụi làm hồ sơ nghiệm thu đề tài để giải ngân. Họ có nghĩ lại những gì đã từng xướng xuất một cách ngạo nghễ trước đó hay không? Chưa cần nói “ăn cây nào rào cây ấy”, chỉ cần xem xét sự sòng phẳng trong cách thế tồn tại của anh (nếu anh tự nhận mình là trí thức), hành vi này có thể bị xem là thiếu tử tế, là “đỏ vỏ xanh lòng”.
Sứ mệnh của trí thức là đem tri thức, chuyên môn áp dụng vào đời sống nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nhưng, theo dõi trên các diễn đàn, các mạng xã hội, chúng ta gặp những cảm xúc rất tiêu cực từ một bộ phận trí thức, khi liên tục phải nghe những phê phán của họ đối với các hiện tượng xã hội. Từ giáo dục đến y tế, giao thông, văn hóa ứng xử, lễ hội đình đám, tín ngưỡng, pháp luật,… đều bị lật nhào, bị tẩy chay một cách sạch trơn. Xã hội nào, ngành nghề, lĩnh vực nào cũng tồn tại bất cập, tuy nhiên nếu là một trí thức đúng nghĩa, nhiệm vụ của anh là phải góp phần điều chỉnh hoặc thay đổi những bất cập ấy. Nhưng, thay vì tiến hành một công việc cụ thể, thiết thực, họ xổ hết lên mạng xã hội, lôi kéo bạn bè hưởng ứng, cổ vũ, chia sẻ, làm phức tạp thêm tình hình hoặc gieo rắc tâm lí tiêu cực trong cộng đồng. Như thế, trí thức đã vi phạm vào một trong những điều quan trọng của người sở hữu tri thức là thiếu cái tâm vì cộng đồng, xã hội. Cộng đồng mạng đang lan truyền một câu nói có tính chất slogan rằng, khi gặp một sự cố- sự kiện nào đó, việc của anh là hãy đối diện với nó chứ không phải là facebook hóa nó. Một sự kiện gần đây đã cho thấy tính chất ngụy thức của nhiều người như thế. Ngày thơ Việt Nam năm 2019 có chủ đề Sông núi trên vai đã được dịch sang tiếng Anh là Mountains and rivers on the shoulder. Nhiều người mang danh trí thức nhưng không hề biết ngoại ngữ cũng lớn tiếng chê bai lời dịch tiếng Anh, làm dấy lên làn sóng mỉa mai Hội Nhà văn và Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là không ai đưa ra được cách dịch nào hợp lí hơn. Việc phê phán này, về thực chất không phải là hành vi xuất phát từ cái tâm xây dựng của người trí thức mà có động cơ từ sự ngụy tín, từ ý đồ phô bày danh mác, tầm vóc trí thức của một số người. Cứ cho rằng phê phán của họ là đúng, thì giọng điệu và cách tiếp cận vấn đề của họ lại làm hiện nguyên hình gốc gác tiểu nông vốn bằng mặt không bằng lòng và thường xuyên gièm pha, chọc ngoáy. Trong những hình dung về thái độ và hành vi của những trí thức này, chúng ta có thể nhận ra tình trạng “hắt chậu nước hắt luôn đứa trẻ” vốn là điều một trí thức rất cần phải cân nhắc. Cũng trong sự kiện này, nhiều nhà văn, nhà thơ đã chê bai một cách thậm tệ việc thả những câu thơ hay theo bóng bay lên trời. Họ xem đó là hành vi “xả rác” và kịch liệt tẩy chay. Họ cho rằng câu dịch Mountains and rivers on the shoulder chứng tỏ người dịch (mà rộng hơn là cả cái Hội Nhà văn kia) chẳng hiểu tính tượng trưng, tính biểu tượng là gì, nhưng, khi phê phán việc thả thơ, họ lại quên mất rằng đó cũng là hành động mang tính biểu trưng. Giá thử, cứ đem thơ của một vị nào đó đang cao giọng phê phán kia in thành poster dựng ở Văn Miếu, rồi lại đính thơ vào bóng bay để thả xem vị ấy có chụp ngay ảnh đăng facebook khoe ầm ĩ lên không. Ở một biểu hiện khác, nhiều người khi tại chức, tại vị thì im lặng hoặc phát ngôn theo giọng này, đến lúc về hưu thì lại nói giọng khác, phê phán, phủ nhận chính những điều mình đã từng cổ súy, xiển dương. Đó không phải là “tái nhận thức” hay “phản tư” gì cả, đó là thái độ không tử tế của người mang danh trí thức - thực chất là ngụy thức.
Trí thức có tầm, có tâm thì đáng quý, nhưng thiếu tầm lại thiếu cả tâm thì thực đáng lo. Đầu thế kỉ XX, trong hồi kí của mình, Vũ Bằng thú nhận, làm báo thời ấy cứ chửi vung lên, chửi đông chửi tây, chửi đủ thứ, càng chửi báo càng bán chạy, càng có nhiều người theo dõi. Nhưng rồi lịch sử văn học không ai nhắc đến những lời qua tiếng lại ấy nữa. Người ta nhớ đến Vũ Bằng như một trí thức dấn thân cùng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam… Đó là là những đóng góp thiết thực cho văn hóa, văn học Việt Nam. Lời tự thú thuở “làm báo nói láo” ở Hà Nội của Vũ Bằng vẫn còn ứng với những hiện tượng tương tự đang diễn ra trong xã hội đương đại. Sự ngụy tín ru vỗ người ta trong những tham vọng trở thành nhân vật có ảnh hưởng đối với cộng đồng. Chúng ta không phủ nhận những cá nhân có ảnh hưởng lớn đến tập thể, những cá nhân truyền cảm hứng, nhưng giá thử những năng lượng tiêu cực của bộ phận ngụy thức được hướng vào các mục đích nhân văn, tích cực, có lẽ sẽ mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của con người.
Thành phần xã hội nào có khả năng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhanh nhất? Đó là trí thức. Từ câu chuyện của văn hóa, văn học nhìn sang phạm vi chính trị, có thể thấy một sự tương đồng. Lợi dụng những tiêu cực xảy ra trong nước mấy năm gần đây, một số kẻ tỏ ra là trí thức cấp tiến cũng đang lớn giọng phê phán hoặc phủ nhận sạch trơn đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước mà không chịu nhìn thấy và thừa nhận những thành tựu to lớn Đảng, Nhà nước đã mang lại trong công cuộc đổi mới. Bản thân những kẻ đó cũng chưa nhìn lại mình, xem mình đã thực sự đủ tri thức và khả năng am hiểu về lĩnh vực chính trị - xã hội mà mình đang phê phán hay chưa. Mặt khác, trước khi phê phán, phản biện, cũng nên tự xem lại mình đã đóng góp, cống hiến được gì cho đất nước, cho xã hội.
Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, thành phần có khả năng nắm bắt thực tại xã hội, quan sát các chuyển động chính trị, văn hóa và dự báo bước đi của lịch sử một cách sâu sắc và nhạy bén nhất vẫn là tầng lớp trí thức. Xưa nay, trí thức luôn là lực lượng tiền phong của xã hội. Trí thức chân chính phản biện xã hội một cách tích cực trong khát vọng về những điều tốt đẹp. Sứ mệnh, đạo đức của người trí thức phải được thể hiện trong sự lựa chọn và hành vi đáp ứng các yêu cầu thúc đẩy tiến bộ xã hội, hướng đến cuộc sống nhân văn, nhân ái hơn. Nhà văn là trí thức, văn chương nghệ thuật với đặc thù là diễn ngôn đối thoại gián tiếp bằng tiếng nói bên trong thông qua ngôn từ, giọng điệu, hình tượng,… thể hiện tư cách trí thức của chủ thể sáng tạo. Tư tưởng nghệ thuật của nhà văn nói lên tầm vóc tư tưởng và nhân cách trí thức của anh ta. Trong ý hướng về các giá trị chân - thiện - mĩ, nhà văn cần thể hiện vai trò của mình trong việc đem đến những điều kiện tốt hơn nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho con người

L.A.C