Thứ Tư, 29/01/2020 06:31

Trao thông điệp, tặng tinh hoa

Trong ngoại giao, quà tặng được trao đi như một thông điệp ẩn chứa những mong muốn tốt đẹp, hướng tới mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai quốc gia.

Trong ngoại giao, quà tặng được trao đi như một thông điệp ẩn chứa những mong muốn tốt đẹp, hướng tới mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai quốc gia. Tặng phẩm ấy còn mang theo cả chiều sâu văn hóa của đất nước được phô ra cùng bạn bè quốc tế.

Từ tâm huyết của một nữ đại biểu Quốc hội

Một chiều cuối năm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh dẫn chúng tôi thăm làng nghề dệt lụa Mỹ Đức (Hà Nội), nơi bà thường xuyên đi - về nhằm phát triển sản phẩm dệt từ tơ sen. Câu chuyện về sen chiếm trọn mối quan tâm, câu chuyện của bà trong suốt chuyến đi. Bà khoe: “Sản phẩm khăn dệt từ tơ sen Mỹ Đức của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận được vinh dự phục vụ chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự họp các nước G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 26.6 - 27.7.2019. Đó là mốc son đánh dấu niềm vui lớn, niềm tự hào và hy vọng cho nghề dệt Tơ sen Mỹ Đức và các địa phương khác trong cả nước”.

Đây là thành quả của những tâm huyết và nỗ lực hành động của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh suốt 7 năm qua. Tình cờ xem chương trình truyền hình giới thiệu về nghề dệt tơ sen tại Myanmar, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nhớ ngay đến tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu của dệt may Việt Nam và hy vọng đây sẽ là một trong những giải pháp, đồng thời phát huy tiềm năng sen Việt Nam. Và phát triển sản phẩm từ cây sen là một nội dung trong chương trình hành động khi bà ứng cử ĐBQH Khóa XIV. Với sự ủng hộ của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Myanmar, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đã kết nối các nhà khoa học, nghệ nhân dệt truyền thống, nhà thiết kế, họa sĩ... Thành quả là cuối năm 2017, sản phẩm đầu tiên từ tơ sen đã ra đời và sau đó liên tục được cải tiến về quy trình, kỹ thuật.

“Tơ sen là nghề mới nhưng phát huy được nghề dệt tơ tằm truyền thống của Việt Nam, lại độc đáo, khác biệt, thân thiện với môi trường và tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn”. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đang ấp ủ ý tưởng xây dựng làng nghề sen Việt Nam, với nhiều sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt hướng tới xây dựng các tặng phẩm đối ngoại, bởi “ở đó thể hiện hồn cốt, bản sắc văn hóa Việt”.

Tới những thông điệp không lời

Trong thời đại hội nhập quốc tế, Việt Nam mở rộng mối quan hệ với nhiều quốc gia, nhu cầu về quà tặng ngoại giao vô cùng đa dạng. Thông thường, các món quà này không đặt nặng giá trị vật chất hay giá trị sử dụng, mà tập trung vào ý nghĩa vật phẩm, thông điệp người tặng muốn truyền tải. Tuy nhiên, để chọn được một món quà ý nghĩa, hội đủ các tiêu chí tinh tế, mang đậm văn hóa Việt, gọn nhẹ, dễ bảo quản... và để lại ấn tượng với bạn bè quốc tế, quả thực không dễ dàng.

Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, lâu nay trong đối ngoại, ta tránh tặng quà đắt tiền nhưng thông điệp lại không rõ ràng, hoặc quà tặng quá bình dân không phù hợp với người nhận. “Không biết lâu nay quà tặng được chọn lựa ra sao, nhưng ý tưởng đầu tiên tôi đề xuất là phiên bản tượng đầu rồng khai quật ở Hoàng thành Thăng Long có thể được thể hiện tinh tế, mang ngôn ngữ nghệ thuật cao trên gốm Bát Tràng phủ men. Ý tưởng này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý và món quà “Thông điệp ngàn năm” đã được tặng Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Được biết, sau khi về nước, ông Obama có văn bản gửi Thủ tướng, cảm ơn về món quà ấy”.

Các tặng phẩm khác cũng được ĐBQH Dương Trung Quốc gợi ý như phiên bản bằng bạc Bảo vật quốc gia - tượng Adiđà (chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) trao tặng Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko của Nhật Bản; bộ tranh ghép gốm chân dung lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Hội nghị APEC 2017; bức bình phong 4 cánh bằng gỗ sơn mài “Dấu ấn thời gian” tặng Tổng thống Pháp Francois Hollande khắc chân dung 4 trí thức Pháp đã dành cả cuộc đời cho Việt Nam và những công trình kiến trúc Pháp cổ đã và đang được nước ta gìn giữ...

Việt Nam tặng gì cho thế giới?

Theo chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành, Việt Nam có truyền thống làm đồ thủ công mỹ nghệ trình độ cao và kho tàng văn hóa phong phú. Điều này mang đến nhiều khả năng sáng tạo về chất liệu, câu chuyện (ý nghĩa) và thiết kế (hình ảnh). Gần đây, nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới đã đưa hình ảnh trống đồng vào các siêu phẩm của họ như hãng xe siêu sang Rolls Royce (phiên bản xe Đông Sơn), hãng đồng hồ Speake-Marin Đông Sơn (18 chiếc, gợi nhớ 18 đời vua Hùng), hãng máy nghe nhạc Reuge, điện thoại Mobiado (với hình ảnh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trống đồng, phiên bản giới hạn 100 chiếc tương ứng với bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ)...

Gần đây tại Việt Nam, nhiều đơn vị cũng sản xuất đồ thủ công cao cấp có thiết kế hiện đại, đưa văn hóa Việt Nam vào các sản phẩm đương đại. Chẳng hạn, Hanoia đưa chiếc gùi của đồng bào dân tộc, những chiếc lồng chim xinh xắn đã trở thành hình dáng độc đáo của nhiều hộp đựng chè, nữ trang; chi tiết sắt uốn trên những ngôi nhà cổ, đồ án trang trí hình mây, hình rồng truyền thống được đưa lên những chiếc hộp, mâm trang trí, đồ trang sức... Tất cả được làm với yêu cầu cao về chất liệu, sử dụng chất liệu truyền thống dưới cái nhìn sáng tạo. Nhiều công ty chú trọng phát triển các sản phẩm ở nhiều cấp độ, từ xa xỉ đến cao cấp, như đồ sơn mài của Lasonmai, đồ gốm sứ Minh Long, các dòng rượu dân gian quý, đồ đúc đồng, điêu khắc cao cấp, lãnh mỹ A... Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng: “Các sản phẩm như vậy hoàn toàn có thể trở thành vật phẩm quà tặng cho cấp nhà nước, cấp thành phố, tổ chức và cá nhân. Chất lượng cao và hàm lượng văn hóa truyền thống cao là hai tiêu chí cần chú trọng trong việc chọn lựa các quà tặng ngoại giao”.

“Có lần tôi tiếp một nữ chính khách người Pháp và đưa bà về một làng nghề truyền thống vùng Kinh Bắc, vị khách rất thích các sản phẩm làng nghề. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề có thể đặt một số lượng nhất định để làm quà cho khách nước ngoài, thì làng nghề không đáp ứng được”. Kể lại câu chuyện này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng, Nhà nước cần quan tâm hơn, có chiến lược phát triển quà lưu niệm, và cao hơn là các sản phẩm độc đáo để làm tặng phẩm quốc gia. Bởi quà tặng là chuyện nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng, góp phần mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia.

“Quà tặng ngoại giao là một công cụ truyền thông hữu hiệu để thể hiện sự thân thiện, đồng thời cũng quảng bá cho những gì một quốc gia tự hào. Đó có thể là bộ DVD hay mà Tổng thống Mỹ Obama đã tặng Thủ tướng Anh Gordon, hay chú chó nòi Akita mà Thủ tướng Nhật tặng Tổng thống Nga Putin. Tổng thống Pháp cũng từng tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lúc thì con ngựa nòi của đội kỵ binh danh dự Pháp, lúc là chai rượu quý ủ từ năm 1978 hoặc bản dịch đầu tiên lời dạy của Khổng Tử sang tiếng Pháp, chiếc bình quý in hình Khải Hoàn Môn... Giới truyền thông thế giới đều có bài đề cập đến những quà tặng này và do đó góp phần quảng bá những điều tự hào đó đến quảng đại quần chúng. Đến thăm tòa thị chính của nhiều thành phố trên thế giới, người ta có thể thấy đủ loại tặng phẩm lưu niệm mà chính khách các nước đã tặng nhau. Trong rất nhiều trường hợp, đó là những vật phẩm mỹ nghệ, nghệ thuật mang niềm tự hào về công nghệ chế tác hoặc hình ảnh tiêu biểu của văn hóa nước mình”.

Chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Ngọc Phương)