Thứ Tư, 15/01/2020 14:24

Trao giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới

Trước thềm Tết Canh tý 2020, sáng ngày 15/01/2020, tại Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018-2019) và trao tặng thưởng VNQĐ năm 2019.

Trước thềm Tết Canh Tý 2020, sáng ngày 15/01, tại Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018-2019) và trao tặng thưởng VNQĐ năm 2019. Thượng tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã dự Lễ.

Buổi lễ diễn ra tại Hội trường Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh Thành Duy

Sự kiện còn có sự hiện diện của Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí VNQĐ, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Chung khảo Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới; các nhà văn là thành viên Ban Chung khảo Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới; các đồng chí trong Đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các nhà văn là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; các cộng tác viên thân thiết của VNQĐ; các tác giả đoạt giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới; các cộng tác viên được nhận tặng thưởng VNQĐ năm 2019; các phóng viên báo chí; cán bộ, nhân viên cơ quan Tạp chí VNQĐ…

Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018-2019), ngay từ tên gọi đã nói lên khát vọng tìm kiếm những tác giả mới, những giá trị văn chương mới. Với quan điểm không giới hạn số lượng chữ, đề tài, khuynh hướng sáng tác, cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo tác giả. Mỗi người một phong cách, một giọng điệu, một vùng sáng tác. Mọi thành phần xã hội từ thời xưa đến thời nay đều trở thành hình tượng văn học, tạo nên một thế giới nhân vật phong phú.

Sau 2 năm phát động, có 2.014 bản thảo của 317 tác giả gửi về tham gia dự thi. Theo thống kê của Ban Tổ chức, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính chiếm trên 50% lượng bản thảo gửi về tòa soạn. Viết về chiến tranh, nhắc đến chiến tranh nhưng các tác giả đã chú trọng đi sâu tìm kiếm những giá trị thẩm mỹ ẩn chứa trong quá khứ dằng dặc máu lửa bi hùng của dân tộc. Những tác giả viết thuyết phục nhất về đề tài này có thể kể đến như Hữu Phương, Bảo Thương, Lê Vũ Trường Giang, Lê Quang Trạng… Mảng đề tài người chiến sỹ hôm nay cũng có khá nhiều tác giả khai thác như Nguyệt Chu, Trần Thị Tú Ngọc, Ai Ta Iết Lam, An Bình Minh…

Về nghệ thuật truyện ngắn, đúng như tinh thần của Lửa Mới, các tác giả đã không ngừng tìm tòi phương thức biểu đạt. Những lý thuyết và kỹ thuật văn chương của nhân loại được cập nhật. Dù viết về chủ đề gì, sử dụng bút pháp nào, âm hưởng ngợi ca hay phê phán… thì các tác phẩm dự thi đều hướng tới mục đích nhân văn cao cả: xây dựng một đất nước hòa bình, phát triển với những con người có phẩm chất cao đẹp.

Ban Chung khảo Cuộc thi gồm: 1/ nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí VNQĐ, Trưởng ban; 2/ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp; 3/ PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học; 4/ TS, nhà văn Phạm Duy Nghĩa - Phó Tổng biên tập Tạp chí VNQĐ; 5/ nhà văn Phùng Văn Khai - Phó Tổng biên tập Tạp chí VNQĐ; 6/ nhà văn Đỗ Bích Thúy - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí VNQĐ; 7/ nhà văn Đỗ Tiến Thụy - Trưởng ban Văn xuôi Tạp chí VNQĐ.

Sau một quá trình làm việc, Ban Chung khảo đã đi đến thống nhất lựa chọn 10 tác giả và 16 tác phẩm để trao giải. Giải Nhất: Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch. Giải Nhì: Người về Tranh Sơn của Phạm Thu Hà; Bông điên điển hồngNgười trở về của Bảo Thương. Giải Ba: Tiếng rền của đá của Trần Thị Tú Ngọc; Mạc tràBóng rồng của Triều La Vỹ; Từ bờ bên kiaQuẩn mãi bóng người của Lê Vũ Trường Giang. Giải Tư: Miền gió của Nguyệt Chu; Mây tía ngang trờiBóng người dưới trăng của Nguyễn Luân; Khói biên phươngTiếng vọng của Lê Quang Trạng; Hiệp khách cuối cùngNhững lỗ thủng của Phạm Đình Hải.

Thượng tướng Đỗ Căn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao giải Nhất cho tác giả Vũ Thanh Lịch. Ảnh: Thành Duy

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy - Trưởng Ban Văn xuôi Tạp chí VNQĐ, thành viên Ban Tổ chức, thành viên ban Chung khảo Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới chia sẻ: “Thành công của cuộc thi là không chỉ đã thu hút được hầu hết các tác giả truyện ngắn Việt Nam tiêu biểu, sung sức nhập cuộc, mà còn giới thiệu được một lớp tác giả mới đầy triển vọng cho nền văn học nước nhà, trong đó có những tác giả với những tác phẩm xuất sắc mà Ban Chung khảo đã thống nhất trao giải. Từ hàng trăm tác phẩm dự thi, Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo đã nỗ lực làm việc với tinh thần khách quan vô tư nhất, nhưng việc chọn một danh sách giải thưởng với chỉ 10 tác giả là điều thực sự khó khăn. Cuộc thi tuy khép lại, nhưng con đường sẽ mở ra. Điều những người tổ chức quan tâm hơn đó là sau cuộc thi này, các tác giả sẽ giữ vững được phong độ, chứng minh được nội lực của mình trên con đường văn chương rất dài phía trước. VNQĐ luôn tri ân và đồng hành với các nhà văn trong suốt quá trình sáng tạo. Và giải thưởng mà độc giả và thời gian dành tặng cho mỗi nhà văn mới thực sự lâu bền”.

Về cảm xúc cá nhân khi sở hữu ngôi vị “khôi nguyên” của Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới, nhà văn Vũ Thanh Lịch (sinh năm 1978 tại Ninh Bình) phát biểu: “Dù có hay không có cuộc thi thì VNQĐ luôn tạo ra động lực và không gian đẹp để những người cầm bút nỗ lực cho ra đời những đứa con tinh thần xinh xắn và gửi gắm về mảnh vườn thiêng này. Đối với một cuộc thi bất kỳ, số lượng giải thưởng thì có hạn, ban giám khảo thì có gu riêng. Ở Lửa Mới, ngoài những tác giả mà giải thưởng đã vinh danh cũng như ngoài những nhà văn đã thành danh, tôi dành nhiều cảm tình cho một số gương mặt văn chương rất mới như Lưu Thị Mười, Trần Ngọc Diệp, Trần Hoài, Nguyễn Hải Yến, Ai Ta Yết Lam… Tôi nghĩ đã có những tác giả nhường chỗ cho chúng tôi bước vào bảng vàng, cũng là trao cho chúng tôi động lực để tiếp tục viết. Trân trọng điều đó, tôi nhắc mình cố gắng để không phụ những tấm lòng như vậy. Khôi nguyên là cơ hội để tôi đến được với nhiều bạn đọc hơn, còn sau đó, có giữ được bạn đọc ở lại với mình không, có khiến họ yêu quý mình thêm không, lại là một chặng đường rất gian nan với tôi. Chưa kể, còn trách nhiệm giữ văn hiệu cho giải thưởng của VNQĐ nữa. Nói chung là một cánh cửa mới đang mở ra trước mắt tôi mà phía trước đầy rẫy thử thách. Cuộc thi mà tôi gọi là thi đấu với chính mình từ đây chắc hẳn còn tốn nhiều mồ hôi và nước mắt của tôi lắm”.

Từ tư kiến của một nhà nghiên cứu phê bình văn học, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, thành viên Ban Chung khảo cho rằng: “Nhìn tổng thể, cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới đã thu được thành công đáng chú ý. Số lượng tác phẩm gửi về dự thi cho thấy văn chương chưa bao giờ mất đi sức hút và sự quyến rũ. Phần lớn các tác phẩm dự thi đều thể hiện trăn trở của người đương đại về các vấn đề đương đại, hoặc miêu tả các vấn đề nhân sinh từ cái nhìn chất vấn và suy tư. Tôi đánh giá cao Nhà Thánh bởi lối viết xen cài ảo thực, giàu tính biểu tượng. Đó là câu chuyện về thời đại mất Chúa, cái thiêng bị lấn át bởi cái phàm và sự trả giá tất yếu. Người về Tranh Sơn, tuy còn thiếu tiết chế và sự nén gợi cần thiết nhưng gây được sức hút nhờ tay nghề và kỹ thuật dòng ý thức. Bông điên điển hồng khá hấp dẫn bởi lối viết hoạt, tứ truyện gợi lên câu chuyện về một thứ diêu bông khiến người ta khắc khoải kiếm tìm và hy vọng… Tuy nhiên, vẫn chưa nhìn thấy ở cuộc thi này những bứt phá mang tính đột biến. Ngay cả ở những tác phẩm đoạt ngôi vị cao nhất, vẫn còn thiếu những khiêu khích mỹ học thể loại, chưa có những khám phá thật sâu, thật xoáy xiết về phận người trong những chiều kích khác nhau”.

Ngoài hệ thống giải thưởng chính thức, Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới còn trao giải của gia đình nhà văn Xuân Thiều cho nhà văn Y Ban với chùm truyện ngắn dự thi ấn tượng.

Nhân dịp này, Tạp chí VNQĐ trao tặng thưởng cho những cộng tác viên có tác phẩm nổi bật trên VNQĐ năm 2019, gồm: tác giả Bảo Sinh với tản văn Chuyện quanh hồ Gươm (VNQĐ số 929); dịch giả Hoàng Long với dịch phẩm Thời đại khô khan của Hoshi Shinichi (VNQĐ số 930 + 931); tác giả Nguyễn Văn Toan với bút ký Cá từ bản Lúp (VNQĐ số 912); tác giả Thái Chí Thanh với ký ức lính Đón tết ở chiến trường (VNQĐ số 921); tác giả Nguyễn Thị Thúy Hạnh với các chùm thơ trong năm; tác giả Thu Sang với các bài phê bình mỹ thuật trong năm; tác giả Lê Anh Vân với các bức minh họa trong năm; tác giả Phạm Minh Hải với các chùm ảnh trên VNQĐ điện tử trong năm.

ĐĂNG MINH