Thứ Năm, 04/07/2019 10:48

Tôi thích công việc này vì nó không ồn ào

Chào Kim Duẩn! Hôm nay chúng ta sẽ trò chuyện với nhau xoay quanh công việc mà anh đang làm. Một họa sĩ thiết kế báo, một họa sĩ đã từng vẽ hàng trăm bìa sách, một họa sĩ vẽ minh họa.

Kim Duẩn:
- Sinh năm 1983 tại Hà Nội.
- Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
- Hiện làm việc tại Báo Sinh viên Việt Nam.
- Nhiều năm làm họa sĩ vẽ minh họa và thiết kế bìa sách. Hiện là cộng tác viên vẽ bìa quen thuộc của các nhà xuất bản và các công ti sách trong nước.
- Giải thưởng sáng tác truyện tranh Trung thu của Tí, cuộc thi của dự án Vận động sáng tác Việt Nam - Đan Mạch 2013.
- Những cuốn sách minh họa đã xuất bản: Trung thu của Tí; Kể chuyện Tết Trung thu; Xóm bờ Giậu; Hồn Trương Ba, da hàng thịt...

TRÒ CHUYỆN THÁNG 5:
                          NGUYỄN XUÂN THỦY

                            Họa sĩ KIM DUẨN

- Chào Kim Duẩn! Hôm nay chúng ta sẽ trò chuyện với nhau xoay quanh công việc mà anh đang làm. Một họa sĩ thiết kế báo, một họa sĩ đã từng vẽ hàng trăm bìa sách, một họa sĩ vẽ minh họa. Có lẽ nên bắt đầu với công việc này ở tờ Sinh viên Việt Nam, nơi anh gắn bó nhỉ?
+ Năm 2006, khi vừa tốt nghiệp trường - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thì tôi được nhận về báo luôn và gắn bó tới tận thời điểm này. Công việc là trình bày trang báo và vẽ minh họa. Thời điểm mới vào nghề tôi hay được giao vẽ tranh vui hoặc hí họa những nhân vật nổi tiếng. Có lẽ mọi thứ đều mới mẻ nên tôi thích công việc như thế.
Về thiết kế bìa, có lẽ cơ duyên do tôi là họa sĩ vẽ minh họa, sau khi vẽ xong phần ruột sách, nhà xuất bản đề nghị vẽ luôn bìa. Công việc này khác với việc trình bày một trang báo vì báo chí thường theo một công thức mĩ thuật nhất định cho nhiều số còn mĩ thuật cho bìa sách lại cần sự đa dạng hơn. Ban đầu bìa tôi vẽ bị chê, không phải một lần mà nhiều lần, đương nhiên là tôi cũng rất nản. Sau vài lần thì tôi cũng biết cách làm, biết phương pháp để triển khai mĩ thuật cho một bìa sách. Nó rất khác với việc vẽ minh họa truyện đơn thuần.
- Nhìn lại sự vận động của bìa sách Việt Nam, tôi cứ chủ quan nghĩ rằng, khi lứa họa sĩ trẻ nắm bắt công nghệ và thiết kế hoàn toàn trên máy tính thì diện mạo bìa sách tại Việt Nam cũng sang một trang mới. Anh có thể chia sẻ cách mà anh và các họa sĩ cùng trang lứa đã nhập cuộc với lĩnh vực này thế nào và có gì khác các họa sĩ làm theo cách truyền thống trước đó về kĩ thuật, phong cách và cá tính sáng tạo?
+ Đúng là máy tính đã hỗ trợ và tham gia rất sâu vào công việc này. Vào khoảng những năm 90 của thế kỉ trước, máy tính mới tương đối phổ biến và họa sĩ cũng có vài người biết cách sử dụng để hỗ trợ cho công việc vẽ bìa sách. Những ưu điểm của máy tính hầu như ai cũng rõ nhưng theo tôi thời điểm này chính là thời điểm ra đời nhiều bìa sách xấu, khi được mở rộng về màu sắc và làm hình ảnh một cách dễ dàng hơn những bìa sách dùng bản khắc mộc mạc trước đây. Nhiều bìa sách thời điểm này rơi vào tình trạng lòe loẹt, lôi thôi và hơi phô trương kĩ thuật, tính thẩm mĩ không được đề cao như các bìa sách giản dị trước đó.
Sang những năm 2000 thì bìa sách đã có nhiều thay đổi, tính thẩm mĩ cao hơn, có lẽ công lớn thuộc về nhiều họa sĩ vững tay nghề như Văn Sáng, Trần Đại Thắng...
Đến thế hệ chúng tôi thì việc làm quen với máy móc là chuyện đương nhiên nhưng bây giờ chúng chỉ là phương tiện. Tôi quan niệm cốt lõi vẫn là tính thẩm mĩ và sáng tạo.
Thời điểm tôi vẽ minh họa và làm bìa cũng ít người làm công việc này. Tôi thấy đó vừa là khó khăn cũng vừa là thuận lợi của mình. Lúc đó hầu như không có trường lớp dạy cho mọi người vẽ bìa thế nào mà hầu như là tự học trên nền kiến thức mĩ thuật trong trường. Cái thuận lợi của các họa sĩ trẻ là họ dễ tiếp cận cái mới và thu nạp vào bản thân, nhưng cái gì cũng có tính hai mặt.
Cái bất lợi của sự tham khảo trên thế giới phẳng là càng ngày càng giảm đi tính cá nhân, các họa sĩ ngày càng vẽ giống nhau, cái đẹp giống nhau, điều này tốt cho nhà sách vì họ bán được sách nhưng có lẽ không tốt cho họa sĩ khi họ có ý định đi đường dài.
- Cho đến nay thì diện mạo bìa sách nói chung của Việt Nam đã vô cùng phong phú và có một bước tiến đáng kể. Tại các giải thưởng về sách uy tín nhất, bên cạnh giải sách hay cũng đã xuất hiện giải sách đẹp. Những năm gần đây, trang bán hàng online số một Việt Nam về sách tikibook còn có giải thưởng tôn vinh những họa sĩ vẽ bìa được yêu thích nhất trong năm. Anh nhìn nhận thế nào về những hoạt động đó? Anh có nghĩ đó cũng là những động thái kích cầu đối với giới họa sĩ tham gia làm sách?
+ Tôi nghĩ đấy là vấn đề tất yếu của thị trường và văn hóa đọc. Khi người đọc ngoài hưởng thụ nội dung bên trong cuốn sách cũng rất muốn một cái bìa phù hợp, có thẩm mĩ. Bìa sách đẹp góp phần giúp cho cuốn sách bán tốt hơn. Thử tưởng tượng cuốn sách của một tác giả mới, nếu nó có một cái bìa xấu thì có lẽ cơ hội được người đọc để ý đến sẽ rất thấp, dù nội dung bên trong có thể rất tốt.
Những động thái về sự quan tâm của các nhà xuất bản lẫn người đọc tạo cơ hội tốt cho những người làm công việc này, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy cho bìa sách trên thị trường ngày càng đẹp lên.
- Bây giờ người ta mua sách qua mạng khá phổ biến. Và như thế, việc chọn sách, trong đó có bìa cũng là qua màn hình thay vì cầm lên tay ngắm nghía ngoài tiệm sách. Không hiểu từ phía họa sĩ, anh có quan tâm đến điều này để khi nhận làm một bìa sách phải làm sao để không những bản in giấy đẹp mà bản nhìn trên màn hình cũng bắt mắt nữa?
+ Việc mua sách qua mạng theo tôi đúng là thuận tiện, mọi thứ dễ dàng hơn trước lại được chiết khấu phần trăm cao hơn một số cửa hàng bên ngoài. Nhưng việc đi ra hiệu sách và cầm lên đặt xuống cuốn sách cũng là cái thú của người đọc sách.
Việc mua sách qua mạng càng thấy rõ cái bìa đẹp giúp cho việc bán hàng thêm thuận lợi. Nhiều người bạn của tôi nói là mua cuốn này cuốn kia vì cái bìa hoặc họ sẵn sàng mua lại một cuốn sách kinh điển họ đã có chỉ vì một cuốn mới in có bìa đẹp hơn.
Tất nhiên chất lượng in thực tế và trên giấy sẽ khác với trên màn hình khá nhiều nên tôi vẫn thích đi ra hiệu sách hơn.

Một bức mih họa của họa sĩ Kim Duẩn

- Bìa sách thì có nhiều loại, nhưng tôi quan tâm hơn đến sách văn học, nó không chỉ là bộ mặt của một cuốn sách mà còn là dung nhan, thần thái của một tác phẩm văn học. Anh nghĩ gì về chúng, và anh đã bắt đầu vẽ bìa sách văn học như thế nào?
+ Bìa sách văn học là một nhánh hẹp của bìa sách nhưng lại có được sự quan tâm rất lớn của người đọc. Ngoài việc thưởng thức nội dung bên trong, người đọc cũng kì vọng một bìa sách hài hòa với nội dung mình đọc.
Bìa sách văn học theo cảm nhận của tôi phải có một vẻ đẹp kiểu văn chương, ngoài chuyện hình thức bìa phù hợp thì mĩ thuật phải toát lên tinh thần của tác phẩm. Chuyện vẽ bìa giống như một sự sắp đặt mang tính nhường nhịn, mỗi yếu tố đều có một tiếng nói nhất định, từ minh họa bìa cho đến cách sắp xếp bố cục chữ, giữa yêu cầu của nhà xuất bản, mong muốn của người viết đến phong cách của người thiết kế bìa... Mỗi thứ một ít nhưng phải dung hòa để tạo thành một tổng thể hấp dẫn người mua.
Nếu cuốn sách mà không có bìa xét về bản chất cũng không ảnh hưởng gì, nó vẫn như nó vốn có nhưng nếu có một bìa sách đẹp cho nó người đọc sẽ thấy một sự hoàn chỉnh. Về mặt thị trường, với những tác giả mới, bìa sách chính là thứ đầu tiên người mua sẽ tò mò cầm lên và đánh giá nội dung, đó là cách tiếp cận độc giả một cách mạnh mẽ bằng mĩ thuật. Bìa xấu không hại cho nội dung bên trong cuốn sách nhưng không có lợi về mặt thị trường nên hiện tại các nhà xuất bản hay các công ti sách thường rất chú trọng về mặt thẩm mĩ, coi đó là phương tiện hiệu quả giúp cuốn sách đến gần hơn với bạn đọc.
Tôi thành người vẽ bìa sách văn học bắt nguồn từ việc yêu thích sách văn học, sự yêu thích sẽ dẫn con người làm nhiều điều cho nó. Cơ duyên là tôi lại nhận được làm nhiều bìa sách trong nước hơn sách văn chương dịch. Sách văn học trong nước thường tôi quan tâm tới tính bản địa, chất địa phương vùng miền khi thể hiện hình thức bìa sách cộng với chất hiện đại, thoáng đạt lối phương Tây.
Chúng ta luôn bị hấp dẫn bởi cái đẹp bên ngoài rồi mới khám phá bên trong, tôi quan niệm bìa sách cũng như vậy.
Việc bắt đầu vẽ bìa sách văn học có lẽ là do ý muốn của tôi, một khi thích điều gì thì tôi muốn dành thời gian cho việc mình thích.
- Rất nhiều tác phẩm của các nhà văn thành danh cũng như những cây bút mới đã được anh vẽ bìa, và giữa rừng sách văn học được bày trong các nhà sách, nếu để ý và theo dõi thường xuyên thị trường sách văn học một chút người ta vẫn nhận ra những bìa sách do Kim Duẩn vẽ mà không cần lật trang trong để xem tên họa sĩ. Anh có thể chia sẻ điều gì đã dẫn đến việc này? Nó là một lựa chọn, một quá trình, một sự tự nhiên, hay một chủ ý?
+ Tôi nghĩ đây là một lời khen vì tức là tôi đã có một giọng điệu riêng. Người sáng tạo ít nhiều cũng phải có một tiếng nói của riêng mình, dù hay dù lập bập nhưng có tiếng nói cá nhân, đây là điều theo tôi khá quan trọng.
Tiếng nói cá nhân trên bìa sách hay nói rộng ra trên nghệ thuật nên là sự tự nhiên, không nên gồng gánh vì khi mình gồng lên để tỏ vẻ thì tức khắc sẽ lộ ra sự khô cứng, “làm màu” hoặc sự lưỡng lự. Kinh nghiệm của tôi có lẽ là dành thời gian lao động, trải nghiệm, thu nạp kiến thức văn hóa cộng thêm tuổi tác (dù cái này không muốn) sẽ giúp cho công việc sáng tạo không bị bào mòn và có sự tươi mới. Thật khó để giữ sự tươi mới khi trong nhiều năm chúng ta lặp đi lặp lại một công việc.
Việc có phong cách trên bìa sách phần nhiều là một lợi thế nhưng cái hạn chế chính là giảm đi chút ít tính đa dạng. Điều này tôi cũng nhận ra nên tự mình tâm niệm thường xuyên phải làm mới bản thân.
- Là họa sĩ cộng tác với Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị làm sách uy tín và cũng khá cầu toàn, các bìa sách trước khi duyệt in đều được chuyển để “thông qua” tác giả, nhà văn. Từ đây cũng có những sự đồng thuận hoặc không, đề xuất chỉnh sửa này nọ. Tôi cũng đã từng được anh vẽ bìa và cũng đã từng… góp ý bìa cho tác phẩm của mình. Các nhà văn khác cộng tác với Nhà xuất bản Trẻ chắc cũng vậy. Và theo tôi nghĩ thì, đa phần là anh sẽ sửa ở một mức độ nào đó theo góp ý/yêu cầu từ tác giả và đơn vị xuất bản. Xin hỏi anh chuyện bếp núc tế nhị này một chút, anh tiếp nhận những phản hồi này thế nào, bởi ngôn ngữ hội họa - đồ họa đôi khi cũng cần có chuyên môn chứ không thể cứ “phán” theo chủ quan. Anh có thể chia sẻ vài trải nghiệm về việc này?
+ Nhà xuất bản Trẻ là một nhà xuất bản có thế mạnh về văn học trong nước. Sau mỗi cuốn sách luôn có sự trao đổi với biên tập viên, đôi khi với cả người viết. May mắn là thường tôi được duyệt ngay hoặc chỉ sửa vài chi tiết sao cho hợp lí. Khi nhận được phiếu đặt bìa tôi thường đọc kĩ các lưu ý cũng như nắm nội dung tác phẩm, như vậy lúc làm bìa sẽ tạo sự hòa nhập với nội dung. Với những bìa sửa chữa hoặc làm lại tôi luôn có sự trao đổi kĩ càng với biên tập viên, do làm việc cùng lâu nên mọi người cũng hiểu nhau. Như tôi đã nói, việc thiết kế bìa như một sự bày biện, nhường nhịn để mọi người đều có tiếng nói nhất định. Vừa nhận ra chất của người viết nhưng cũng không nên mất đi phong cách vốn có của người vẽ.
Với nghề làm sách tôi đánh giá cao kinh nghiệm vì đây là những người làm bếp núc, hậu trường nên sự bình tĩnh, kinh nghiệm sẽ giúp công việc đi đúng hướng và thuận lợi.
Đúng là khi nhận xét thì ít nhiều cũng cần tính chuyên môn, nếu không chỉ dừng ở cảm nhận, mang cảm tính, điều này tôi cũng cân nhắc vì cái nhìn ban đầu đối với bìa sách cũng mang nhiều yếu tố quyết định.
Trong một vài trường hợp tôi cũng có nói với các biên tập viên rằng cuốn sách là một công việc tập thể, nếu ý kiến của người viết không phù hợp với bìa sách cũng như trình bày thì nên khéo léo, tránh nhân nhượng quá mức vì cuốn sách khi in ra là dành cho số đông chứ không chỉ dành cho bản thân người viết.
- Anh có nghĩ chiều được các nhà văn đai đẳng khó tính thì mình cũng có một vị trí nào đó trong làng vẽ bìa sách? Có nhà văn nào khi gửi gắm tác phẩm cho nhà xuất bản kèm theo yêu cầu người làm bìa là Kim Duẩn?
+ Tôi không nghĩ là như vậy, trước mỗi tác phẩm văn chương tôi đều giữ sự tôn trọng nhất định. Trong nhiều năm làm bìa sách tôi thấy các nhà văn tên tuổi lại khá dễ tính, họ thường thích một bìa đơn giản, đẹp theo lối cô đọng, họ khó tính nhưng cũng lại dễ tính theo kiểu của họ.
Nhân nói về sự đơn giản, bìa sách sau thời gian đã đủ sự phức tạp lớp lang, người đọc lại thích tìm về những bìa đơn giản, cô đọng cả hình ảnh và font chữ.
Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được những lời đề nghị cuốn sách này phải do tôi vẽ bìa, từ văn học thiếu nhi cho đến sách cho người lớn, lúc đầu tôi rất vui vì nghĩ mọi người tin tưởng mình nhưng sau cũng có chút hồi hộp vì không biết có làm họ thất vọng không.
- Có điều này tôi muốn hỏi, để nắm bắt tinh thần một cuốn sách, nhất là sách văn học phục vụ cho thiết kế bìa hoặc minh họa thì cần phải đọc. Mà với số lượng trang như vậy, chưa kể đòi hỏi về tiến độ và chi phí cho một bìa sách khiến người làm bìa không thể đầu tư quá nhiều thời gian công sức cho nó vượt quá một giới hạn nào đó, nhưng lại không thể bắt tay vào công việc mà không tiếp cận với bản thảo. Tôi biết anh là họa sĩ được tiếng là tốc độ và “chiều chuộng” đơn vị xuất bản, mà thường sản phẩm của anh lại dễ nhận được sự đồng thuận từ các cấp duyệt cũng như tác giả. Với hàng nghìn bìa sách đã làm, trong đó có hàng trăm cuốn sách văn học, anh đã giải quyết bài toán trên thế nào?
+ Đúng là tôi không thể đọc được toàn bộ những cuốn sách tôi đã vẽ nhưng tôi luôn cố gắng nắm tối đa tinh thần tác phẩm, nội dung và văn phong cuốn sách. Những tác giả tôi đã từng đọc thì dễ hơn vì tôi đã hiểu chất văn của họ, còn những tác giả mới thì cần phải xem kĩ và trao đổi chi tiết với biên tập viên hơn.
Khi tôi nắm được tinh thần cuốn sách thì hình ảnh nào trên bìa thường sẽ xuất hiện trong đầu tôi, hoặc tôi sẽ tìm những hình ảnh đấy trong sách, những hình ảnh mà nhà văn miêu tả với mật độ dày hoặc có ý nghĩa.
Khó khăn với tôi là vẽ những tác phẩm xếp vào hàng kinh điển, chúng luôn khó làm hơn những tác phẩm mới. Những tác phẩm kinh điển vốn đã có khá nhiều bìa trước đấy, cái khó là bìa sau luôn phải khác biệt và ít nhiều “hút mắt” hơn những bìa trước đó. Còn những tác phẩm mới thì mọi thứ sẽ thoải mái hơn.

“Mỗi khi chuẩn bị ra một cuốn sách mới, tôi đều đề nghị nhà xuất bản để Kim Duẩn làm bìa. Giống như hơn hai chục năm trước, tôi từng đề nghị để Văn Sáng, Trần Đại Thắng làm bìa sách cho mình. Thời ấy Văn Sáng từng “độc chiếm” lãnh địa sách văn học hơn chục năm, sau đó là hơn chục năm “độc diễn” của Trần Đại Thắng. Giờ là Kim Duẩn.
Bìa sách của Kim Duẩn vừa có cái thanh thoát sang trọng của hai bậc đàn anh, lại vừa có cái chất của riêng mình: hiện đại và mộc, gần gũi hơn với đời sống. Bìa sách văn học của Duẩn nhiều hình nhiều nét nhiều màu, nhiều tính trang trí, dễ gây ấn tượng với người mua sách. Đấy là một trong nhiều lí do khiến các nhà xuất bản và cả các công ti sách tư nhân đều muốn Duẩn làm bìa cho sách của họ. Nhiều bìa sách đạt đến độ như những bức tranh hoàn chỉnh, có thể tách riêng ra và sống cuộc đời độc lập của những bức tranh.
Thích vẽ, tất nhiên rồi. Thích văn chương nghệ thuật - cũng là điều tất nhiên với một họa sĩ. Thích đi đó đi đây để được sống giữa thiên nhiên. Còn nữa, thích nghệ thuật truyền thống, nhất là hát văn hát chèo. Đấy là họa sĩ Kim Duẩn”.
Nhà văn Hồ Anh Thái


- Anh có thể kể tên một số tác phẩm của các nhà văn do anh thiết kế bìa mà anh thực sự tâm đắc cũng như có những kỉ niệm với nó? Có nhà văn nào anh yêu mến từ tuổi thơ mà sau này lại được vẽ bìa cho tác phẩm mới của họ? Có khi nào việc đọc cho công việc với đọc giải trí được tích hợp vào một ở anh?
+ Trong những bìa sách tôi làm thì bộ sách của nhà văn Hồ Anh Thái là bộ bìa tôi cảm thấy tâm đắc. Hồi còn sinh viên tôi đọc khá nhiều sách của nhà văn này và khi đi làm lại có cơ may làm bìa cho chính cuốn sách mình đã đọc và những cuốn mới.
Càng ngày tôi làm bìa càng chậm nên chắc nhiều nhà văn cũng sốt ruột và thậm chí hơi cáu với tôi, tôi biết họ cũng rất sốt ruột với đứa con tinh thần của mình nên luôn cố gắng để có một bìa sách đẹp cho sách của họ.
Tôi vẫn duy trì đọc sách văn học như là giải trí, việc đọc tuy là một nhu cầu nhưng vô tình cũng giúp rất nhiều cho công việc. Giúp cho việc vẽ bìa có được không khí văn chương, cho hồn vía của câu chữ được thể hiện bằng hình ảnh và đồ họa.
Việc vẽ bìa chỉ phù hợp và kéo dài khi người làm việc này có tình yêu văn chương nhất định.
- Vâng! Và có thể còn là tình cảm với những người viết văn nữa nhỉ. Tôi thấy anh đã vẽ chân dung một loạt nhà văn theo đặt hàng của Nhà xuất bản Trẻ để họ tặng cho các nhà văn cộng tác và đồng hành cùng Nhà xuất bản trong sự kiện 35 năm - Hành trình sách Trẻ. Cảm hứng để anh thực hiện một loạt chân dung nhà văn này là gì?
+ Đây là dịp kỉ niệm nên tôi có bàn với Nhà xuất bản Trẻ nên có một món quà kỉ niệm vui và ý nghĩa. Tôi nghĩ món quà mang tính lễ lạt dễ làm mọi người quên nhanh nhưng chân dung được vẽ tay sẽ có một ý nghĩa đặc biệt. Dịp đấy tôi vẽ khá nhiều nhà văn, dịch giả ở Hà Nội, nhiều người tôi chưa tiếp xúc trực tiếp bao giờ nên cũng gặp đôi chút khó khăn khi vẽ qua ảnh. Trong bộ tranh chân dung màu nước ấy tôi khai thác nét hóm hỉnh của các nhân vật để vẽ thành những chân dung theo lối hí họa.
- Bìa sách nói chung, bìa sách văn học nói riêng, giữa Việt Nam và thế giới, giữa Việt Nam và các nước trong khu vực có sự khác biệt nào không về trào lưu, phong cách… theo nhìn nhận của anh? Anh có vẽ bìa sách văn học dịch? Và có phản hồi nào từ phía tác giả nước ngoài khi họ nhận được bản dịch tiếng Việt đứa con tinh thần của mình?
- Về bìa sách, do ảnh hưởng bởi văn hóa nên cũng có nhiều điểm khác nhau. Bìa sách phương Tây thường đa dạng về thẩm mĩ, kĩ thuật, tạo nhiều ấn tượng về đồ họa. Bìa sách châu Á thì thiên về tĩnh, trầm và thoáng, màu sắc trang nhã.
Bìa sách Việt Nam nếu so với hơn mười năm trước thì thẩm mĩ đã lên rất nhiều, ra hiệu sách nhìn bìa hầu như đều tạo cảm giác dễ chịu. Các nhà xuất bản đã quan tâm đến hình thức nhiều hơn để giúp cho việc bán sách được thuận lợi hơn. Bìa sách đẹp của Việt Nam hầu như đều thuộc những nhà xuất bản lớn như Trẻ, Kim Đồng, Phụ nữ... hoặc những nhà sách uy tín như Nhã Nam, Đông A, Đinh Tị, AZ,...
Sách văn học dịch tôi làm cũng khá nhiều, nhiều thể loại văn chương khác nhau nhưng bìa sách tôi thích làm nhất là sách trinh thám và sách về tình yêu.
Thỉnh thoảng tôi cũng được biên tập viên nói lại là tác giả hay đơn vị bản quyền khen bìa tiếng Việt đẹp hơn bản gốc nhưng nhìn chung bìa sách của nước ngoài có sự đồng đều về thẩm mĩ hơn bìa sách của Việt Nam.
- Ngoài thiết kế bìa anh vẫn duy trì công việc vẽ minh họa. Anh có thể nói một chút về công việc này. Có vẻ như nó nhàn nhã và “lành tính” hơn vẽ bìa nhỉ?
+ Ngoài làm bìa thì tôi hay nhận vẽ minh họa sách báo. Việc minh họa thì họa sĩ chiếm lĩnh trang giấy trọn vẹn, vẽ theo phong cách cũng như tinh thần của truyện còn bìa sách là sự bày biện, cân đối để mỗi thứ như hình vẽ, cách sắp đặt chữ, màu sắc... đều có tiếng nói riêng nhưng lại gắn kết mang tính tổng thể để thể hiện tinh thần cuốn sách cũng như tạo sự hấp dẫn về mặt thị giác.
Minh họa theo tôi là công việc cần sự tập trung, nó có sự vất vả riêng. Vẽ bìa thì đề cao ý tưởng còn vẽ minh họa thì chỉ cần truyền tải nội dung tác phẩm bằng hình vẽ, làm sáng rõ câu chuyện. Tôi thích vẽ thêm những phần mà câu chuyện không nhắc đến, coi như là sự sáng tạo thêm của người vẽ để tránh sự mô phỏng câu chuyện, gây nhàm chán cho người đọc.
Vẽ minh họa hay làm bìa sách, thật khó nói việc nào nhàn nhã hơn mà vấn đề chỉ là việc nào họa sĩ làm tốt hơn thôi.
- Vâng! Nếu tôi là tác giả thì tôi cũng muốn sách của mình được vẽ như vậy. Để văn học và hội họa như một đôi cánh nâng đỡ nhau, tạo thêm cánh tay nối dài cảm xúc cho người đọc, tất nhiên, cũng còn chừa khoảng trống cho người đọc “vẽ” tiếp theo tư duy của họ nữa… Anh có thích tác giả vẽ bìa nào theo tinh thần này không, cả ở Việt Nam hay nước ngoài.
+ Tôi rất đồng ý là nên có khoảng trống cho người đọc tưởng tượng, trong minh họa cho độc giả lớn tuổi tôi hầu như ít vẽ mặt mà chọn góc nghiêng, đó cũng là một cách để người đọc tự vẽ nên chân dung nhân vật của chính họ.
Đó chính là họa sĩ không nên bày biện tất cả, người đọc cũng có chủ ý của họ.
Nước ngoài có rất nhiều nhà xuất bản và họa sĩ vẽ minh họa và làm bìa đẹp, tôi cũng học hỏi được rất nhiều. Ở Việt Nam tôi thích phong cách vẽ bìa của Kỳ Nam bên nhà sách Nhã Nam bởi sự tinh tế và chỉnh chu.
- Nếu như phải tóm lược về công việc thiết kế, trình bày sách, phải dùng hình ảnh nào đó để gọi tên công việc mình đang làm anh sẽ mô tả, gọi tên nó thế nào?
+ Tôi thích công việc này vì nó không ồn ào, mang tính cá nhân và ở phía sau, tôi nghĩ công việc này là biến câu chữ thành hình ảnh và khoác cho văn chương một vẻ ngoài phù hợp để người đọc cầm trên tay một cuốn sách hoàn chỉnh.
- Tôi thì lại thấy anh sống khá lặng lẽ. Và tôi nghĩ tính cách ấy, lối sống ấy đã thấm vào công việc để ra một Kim Duẩn vẽ bìa không ồn ào. Anh có nghĩ mình sẽ gắn bó dài lâu với công việc không ồn ào này?
+ Đúng là tôi thích một cuộc sống lặng lẽ, đấy là tính cách của tôi mất rồi. Điều đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tư duy trong công việc của tôi, tôi thích sự bình tĩnh, tự nhiên trong công việc. Đấy có lẽ là sự lựa chọn của mỗi người, ai cũng vậy, miễn mình cảm thấy thoải mái trong thế giới của mình thì là điều dễ chịu nhất.
Có lẽ tôi sẽ gắn bó với những việc như này, liên quan đến mĩ thuật, làm bìa sách, vẽ minh họa hoặc chuyển sang tranh giá vẽ.
- Cám ơn anh đã chia sẻ và chúc anh có nhiều bìa sách tâm đắc cũng như được bạn đọc chọn lựa khi mua sách hơn nữa