Thứ Tư, 11/12/2019 09:16

Tình người đánh thức lương tri

Câu chuyện giữa những người ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng cuối cùng, tình người đánh thức lương tri, để mọi người tìm cách tiếp tục sống với nhau, mang lại những lợi ích tốt đẹp cho nhau…

Câu chuyện giữa những người ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng cuối cùng, tình người đánh thức lương tri, để mọi người tìm cách tiếp tục sống với nhau, mang lại những lợi ích tốt đẹp cho nhau… Đó cũng là thông điệp của vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng “Duyên định”, sẽ ra mắt ngày 11.12, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Cảm hứng từ câu chuyện có thật

“Duyên định” do Nhà hát Công an Nhân dân dàn dựng, hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944 - 2019), 75 năm ngày truyền thống Công an Nhân dân (1945 - 2020), 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ (1995 - 2020). Vở kịch nói về sinh hoạt của bệnh xá K20 tại Tân Biên - Tây Ninh trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam (1972 - 1975). Khi ấy, phi công Mỹ Joe Louis nhảy dù bị thương, quân giải phóng bắt được, sau đó giao binh trạm cấp cứu tiền phương chăm lo, chữa trị. Cô y tá Bình được phân công chăm sóc giúp phi công này phục hồi. Trong những ngày tháng ở binh trạm, Joe Louis được chăm sóc, đối xử tốt, được chứng kiến tất cả cuộc chiến tranh - nhìn từ phía Việt Nam, với những trận đánh vây càn quét, hủy diệt trạm cấp cứu tiền phương, nhiều chiến sĩ quân giải phóng hy sinh... Điều đó khiến anh nhìn nhận lại những chuyện mình đã làm và hậu quả chiến tranh gây ra. Qua thời gian, anh em trong binh trạm đều coi Joe là một thành viên và anh cũng không còn nghĩ mình là kẻ thù của họ.


“Duyên định” mong muốn truyền tải thông điệp về giá trị của hòa bình

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Joe trở về Mỹ theo học nghề y, thành lập bệnh viện cứu giúp mọi người. Trước khi qua đời, Joe có đưa cho con trai Jack cuốn nhật ký và dặn con sang Việt Nam tìm lại cô y tá Bình để cảm ơn. Jack làm theo di nguyện, tìm lại những người ngày xưa đã cứu giúp bố mình, và đưa con trai bà Bình đang bị di chứng chất độc da cam sang Mỹ chữa trị...

Tác giả văn học của vở diễn là Tiến sĩ sử học Chu Đức Tính. Ông vốn là sinh viên Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1972 theo lệnh tổng động viên, vào miền Nam chiến đấu đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam. Vở kịch được lấy cảm hứng từ những câu chuyện, nguyên mẫu có thật của đồng đội ông - những chiến sĩ quân giải phóng ở Binh trạm 20 - Tây Ninh và những câu chuyện có thật liên quan đến quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Cũng từng vào chiến trường Tây Ninh, kinh qua cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, đạo diễn - NSND Lê Hùng cho biết, ông dựng vở kịch bằng thực tế trải nghiệm và cảm xúc của mình, nhằm thể hiện rõ chủ đề xuyên suốt: Tấm lòng nhân ái, khao khát hòa bình của dân tộc Việt Nam. Thông qua đó, truyền tải thông điệp: Các dân tộc hãy yêu thương lẫn nhau, sống hòa bình, hạnh phúc, để không còn chiến tranh.

Nói chiến tranh để thấy giá trị hòa bình

“Đây là vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng ca ngợi tinh thần dũng cảm của quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước vào những năm 1972 - 1975. Thông điệp của vở diễn gửi đi rất rõ ràng: nhằm xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai cùng nhau hợp tác xây dựng đất nước và cùng nhau phát triển”.

Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an

NSƯT Hoài Thu, người đóng vai cô y tá Bình bày tỏ: “Là thế hệ hậu sinh, chỉ biết về chiến tranh qua phương tiện thông tin đại chúng, nhưng khi lăn lộn trên sân khấu để diễn lại các cảnh như thế, tôi thấm thía sự gian khổ, hy sinh mà thế hệ trước đã trải qua. Qua vai diễn này, tôi cảm nhận được sự bao dung của người Việt, dù sống trong bom đạn, nhưng vẫn rộng lượng với kẻ thù, đặt tình người trên tất cả. Tôi và các anh em trong đoàn cố gắng đưa đến khán giả vở diễn chân thực, sinh động nhất”. Trong khi đó, anh Chad Winston (Charlie), đảm nhiệm hai vai trong vở kịch là vai phi công Joe Louis và Jack Louis, là người Mỹ đã sang Việt Nam sinh sống và làm việc hơn 8 năm, coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Charlie cho biết từng tham dự một số dự án nghệ thuật, đóng phim. Diễn trên sân khấu là trải nghiệm mới, nhưng từ việc diễn bằng cả trái tim, anh mong muốn có thể đóng góp giúp gắn kết hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ.

“Điều mà giới sử học quan tâm là nhìn nhận được rõ giai đoạn lịch sử đầy thử thách khốc liệt, nhưng làm thế nào để chúng ta vượt qua quá khứ để có ngày hôm nay. Năm 1995, sau khi Mỹ chấm dứt cấm vận và nối lại quan hệ, đoàn ngoại giao Mỹ đầu tiên đến Hà Nội lại là cựu chiến binh Mỹ... Có thể thấy, ngoại giao Việt - Mỹ là ngoại giao của các cựu chiến binh, những người đối đầu trong cuộc chiến khốc liệt nhất lại là những người tìm cách nối lại quan hệ bang giao hữu nghị. Những lính Mỹ từng sang Việt Nam tham gia chiến tranh đã nhận ra sai lầm. Và lực lượng vũ trang của chúng ta sau chiến thắng cũng nhận thấy rằng truyền thống, mong muốn của chúng ta là hòa hiếu. Bởi vậy, 1/4 thế kỷ qua, chúng ta chứng kiến những thay đổi mẫu mực trong quan hệ giữa 2 nước sau cuộc chiến tranh có quy mô lớn” - nhà sử học Dương Trung Quốc, cố vấn lịch sử vở kịch “Duyên định” chia sẻ.

“Duyên định” là câu chuyện giữa những người ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng cuối cùng, tình người đánh thức lương tri, để mọi người tìm cách tiếp tục sống với nhau, mang lại những lợi ích tốt đẹp cho nhau… Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Câu chuyện nhỏ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước có lẽ cũng là câu chuyện lớn của dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến bảo vệ độc lập, nhưng biết cách để giữ hòa hiếu lâu dài, tạo môi trường để phát triển. Ta thể hiện rõ quan điểm không quên quá khứ nhưng không ràng buộc bởi quá khứ, nói về chiến tranh để thấm thía hơn giá trị tốt đẹp của hòa bình. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, vở kịch truyền tải tinh thần ấy để mọi người hành động đúng trong cuộc sống đang cực kỳ phức tạp”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Ngọc Phương)