Thứ Năm, 03/07/2025 16:09

‘Tiếng vọng’ của tâm hồn Trung Quốc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Đông Tây là sự minh chứng cho khả năng nội sinh của văn học Trung Quốc, vừa kế thừa truyền thống, vừa đối thoại với thế giới, không đánh mất căn cốt Á Đông.

Nhà văn Đông Tây

Đông Tây là một trong các nhà văn đại biểu cho “thế hệ tân sinh” của Trung Quốc. Nhiều tiểu thuyết của ông đã được dựng thành phim truyền hình do chính ông làm biên kịch và được dịch ra nhiều ngôn ngữ như: Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hy Lạp, … Ông từng đoạt giải văn học Lỗ Tấn lần thứ nhất với truyện ngắn Cuộc sống không có ngôn ngữ, giải Tiểu thuyết gia 2005 do truyền thông Hoa ngữ bình chọn. Năm 2023, Đông Tây giành giải Mao Thuẫn với tiểu thuyết Tiếng vọng, tạo nên thành tích là nhà văn đầu tiên Trung Quốc đầu tiên nhận hai giải thưởng văn chương danh giá.

Người kể chuyện đến từ Quảng Tây

Trong văn đàn Trung Quốc đương đại, Đông Tây là một cái tên đặc biệt, ngắn gọn, giản dị, nhưng gợi mở những chiều không gian đối xứng và đối thoại. Tên thật của ông là Điền Đại Lâm, hiện giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Tây khóa 8, đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc và là giảng viên tại Đại học Dân tộc Quảng Tây. Không chỉ là một nhà văn, ông còn là một biên kịch sắc sảo, người đã góp mặt và để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Khởi nghiệp văn chương từ những năm 1990, Đông Tây đã sớm khẳng định bản sắc riêng qua ngòi bút giàu nội tâm, sắc sảo về xã hội và một tầm nhìn nhân văn rộng lớn.

Đông Tây sinh năm 1966, tại thôn Cốc Lý, huyện Thiên Nê, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ông là con trong một gia đình vốn có địa vị trong xã hội Trung Quốc, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề trong Cách mạng Văn hóa, khiến gia đình chịu nhiều tổn thương. Tuổi thơ ông gắn liền với môi trường nông thôn nghèo Quảng Tây, được hun đúc cảm quan văn hóa, sắc thái ngôn ngữ địa phương và những trải nghiệm đời sống thường ngày.

Sau thời kì hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa, Đông Tây học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hạnh Thủy, nay là Đại học Hạnh Thủy. Tại đây, ông bắt đầu viết truyện ngắn, gửi đăng trên các tập san văn học của địa phương. Trong những năm 1990, nhà văn Đông Tây hoạt động sáng tác tích cực, viết nhiều truyện ngắn mang đậm cảnh quan văn hóa Quảng Tây, sắc thái dân tộc và xã hội nông thôn, đánh dấu sự xuất hiện của “Văn học Quảng Tây” hay còn gọi “Văn học biên cương”.

Năm 1992 là dấu mốc quan trọng của nhà văn. Đông Tây ghi danh tên tuổi với các tạp chí văn học lớn như Mùa gặt (Harvest), Thành phố Hoa (Flower City) và ấn phẩm của Hội Nhà văn Trung Quốc, khẳng định tư chất của một người viết văn xuôi.

Những tác phẩm chính gồm cả truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết gây tiếng vang của Đông Tây như: Mộng đổi đời, Hối hận, Bố chúng tôi, Cứu mạng, Tại sao tôi không có Tiểu Mật, Bạn không biết cô ấy đẹp, Trận đấu đau đớn, Cuộc sống không có ngôn ngữ, Cái tát trời giáng, Tiếng vọng, Tuyển tập Đông Tây…

Tác phẩm "Cái tát trời giáng" của Đông Tây bản tiếng Việt.

Tác phẩm của nhà văn Đông Tây đã dần trở nên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây, khi một loạt truyện ngắn và tiểu thuyết của ông được dịch và giới thiệu rộng rãi. Sự chú ý ấy không chỉ đến từ những giải thưởng văn chương danh giá ông đạt được mà còn bởi phong cách văn chương của ông, một giọng viết trầm lặng, nội tâm, mang chất chiêm nghiệm sâu sắc, đồng thời phản ánh hiện thực xã hội Trung Quốc với góc nhìn tinh tế và nhân văn. Chính sự kết hợp giữa chiều sâu tâm lí, cấu trúc chặt chẽ và những vấn đề đạo đức đương thời đã khiến tác phẩm của Đông Tây vượt khỏi biên giới ngôn ngữ, chạm đến cảm xúc độc giả ở nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có Việt Nam. Giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam đánh giá ông là một nhà văn giàu chất suy tư triết học, gần gũi với độc giả Việt nhờ chất nhân bản trong văn chương.

Bút danh nhiều ẩn ý

Nhà văn Đông Tây chọn bút danh đầy ẩn ý và có nhiều lớp nghĩa sâu sắc, phản ánh cả cảm thức biên giới, tư duy văn chương và ý đồ nghệ thuật của ông:

Bút danh Đông Tây trưng cho sự giao thoa văn hóa, biên giới giữa các thế giới: Đông và Tây, truyền thống và hiện đại, nông thôn và đô thị. Đây không chỉ là một tên gọi, mà là tuyên ngôn nghệ thuật, thể hiện tham vọng vươn đến những không gian văn hóa mở rộng và phức hợp. Trong văn hóa Trung Hoa, Đông Tây còn mang sắc thái mang tính triết luận, là hòa nhập sự đối lập, tìm kiếm cái trung dung, rất giống cách Thiền tông và Đạo gia mô tả “điều diệu kỳ tàng trong khoảng lặng” giữa hai thái cực. Đông Tây dùng bút danh như một cách thể hiện rằng ông không thuộc trọn về Đông hay Tây, mà là kẻ đứng giữa, phơi bày những khoảng trống, kí ức, sự im lặng, những rạn nứt tâm lí. Việc chọn tên Đông Tây cũng là một sự phản kháng ngầm đối với lối viết "một chiều", phản ánh tư duy hậu hiện đại. Ông không chọn một bút danh văn học rõ ràng, mà muốn tạo “sự hư không có chủ ý”, những khoảng đệm, khoảng ngập ngừng, khoảng hoài nghi. Đây cũng là phong cách viết văn quen thuộc của Đông Tây. Ông không phô trương câu chữ, mà để độc giả tự điền vào khoảng trống giữa những dòng chữ.

Cuối cùng, cái tên Đông Tây như sự phản chiếu của cuộc đời cá nhân. Ông sinh ra và trưởng thành trong vùng biên cương Quảng Tây, nơi chung sống và giao lưu giữa nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ như Khương, Choang, Miêu, Bạch... nên bản thân ông không thuộc về một không gian văn hóa cụ thể nào. Tên Đông Tây thể hiện bản sắc này, như một câu hỏi mở: “Ta ở đâu và ta là gì?” Do vậy, bút danh Đông Tây không ngẫu nhiên mà là một tuyên ngôn văn học sâu sắc.

Với các chi tiết trên, bức tranh chân dung về nhà văn Đông Tây hiện rõ hơn. Đó là một nhà văn trưởng thành từ vùng văn hóa nông thôn Quảng Tây, đi lên bằng năng lực sáng tác, giành những giải thưởng văn học quốc gia và gắn bó sâu sắc với cả hoạt động văn học nghệ thuật và giáo dục. Ông đại diện cho một thế hệ nhà văn vùng ven biên giới có khả năng vươn ra “văn đàn Trung nguyên” của Trung Quốc và đến được với thế giới.

“Tiếng vọng” trên văn đàn

Đông Tây từng chia sẻ rằng ông “không xuất thân từ kinh đô văn hóa” mà “đi lên từ những câu chuyện kể bên bếp lửa của người Khương, người Choang, người Miêu, người Bạch… ở quê nhà”. Là người Quảng Tây, sống giữa cộng đồng dân tộc thiểu số, Đông Tây hấp thụ ngôn ngữ đa thanh, nơi giọng kể dân gian, lời ru, điệu hát và cả những lặng im đều là chất liệu văn chương. Tác phẩm của ông không hô hào, không ồn ào, mà thường dùng những khoảng trống, những lời bị bỏ lửng để tạo nên chiều sâu, điều gần với nghệ thuật thiền và mỹ học Đông Á hơn là văn học hiện thực truyền thống.

Những năm đầu thời Cách mạng Văn hóa, gia đình ông bị quy kết là thành phần “phản cách mạng” nên ông sớm hiểu thế nào là bị áp đặt, bị buộc phải im lặng, bị tước đoạt nhân phẩm. Điều đó tạo nên một hệ hình tư duy văn chương xuyên suốt những tác phẩm của ông nhằm khám phá sự thật trong những không gian bị che giấu. Trong những tiểu thuyết như Hối hận hay Tiếng vọng, ngôn ngữ không nhằm trình bày sự kiện, mà là dòng chảy tiềm thức, nơi nhân vật tự đối thoại, tự lật tẩy chính mình.

Tiểu thuyết "Tiếng vọng" của Đông Tây được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam.

Đông Tây là một trong số ít nhà văn Trung Quốc sử dụng “mĩ học của sự thiếu vắng” (deficit aesthetics) vốn là một khái niệm thẩm mĩ hiện đại được sử dụng trong văn học, nghệ thuật và lí luận phê bình để chỉ một phong cách nghệ thuật khai thác khoảng trống, sự thiếu vắng, gián đoạn, câm lặng hoặc phi hoàn chỉnh như một thủ pháp chủ ý để tạo ra hiệu ứng thẩm mĩ hoặc cảm xúc. Ông thường viết những câu văn ngắn, bỏ ngỏ, tiết chế cảm xúc, để lại khoảng trống cho độc giả lấp đầy bằng liên tưởng. Chính điều đó khiến văn chương của Đông Tây chân thực mà xa vắng, giàu tính suy tưởng, gần với tinh thần văn học hiện sinh phương Tây nhưng vẫn gắn kết với thi pháp phương Đông.

Đông Tây là người sử dụng thành thục các thủ pháp cấu trúc tiểu thuyết hiện đại. Tác phẩm của ông có những đặc điểm nổi bật như tổ chức thời gian phi tuyến tính, gắn với thủ pháp hồi ức, lắp ghép và phân mảnh, gần với kỹ thuật của dòng chảy ý thức (stream of consciousness) phương Tây nhưng vẫn mang đặc tính Á Đông về nhịp điệu và tâm trạng. Ngôn ngữ văn chương tiết chế, không phô trương, giàu ẩn dụ. Ông sử dụng nhiều biểu tượng thiên nhiên (tiếng vọng, gió, mưa, ánh sáng) để khắc họa tâm lí nhân vật một cách mơ hồ mà chính xác. Khả năng lồng ghép yếu tố trinh thám và tâm lí học hấp dẫn, đặc biệt trong tác phẩm Tiếng vọng, đã giúp ông thu hút được nhiều đối tượng độc giả, từ đại chúng đến học thuật hàn lâm. Đặc biệt, phong cách của ông được ví như một sự kết hợp giữa hai nhà văn nổi tiếng là Mạc Ngôn, một nhà văn hiện thực mang màu sắc huyền ảo, được giải thưởng Nobel văn chương năm 2012 và Dư Hoa được mệnh danh là nhà văn đào sâu bi kịch hiện sinh, nhưng ông vẫn giữ nét độc lập, không sa vào khuynh hướng viết minh họa xã hội hay tô đậm lịch sử.

Đông Tây là một trong những tiếng nói quan trọng của văn học Trung Quốc đương đại, một nhà văn không ngừng đào sâu vào tâm lí, đạo đức và kí ức con người trong xã hội hiện đại. Với hai giải thưởng Lỗ Tấn và Mao Thuẫn, ông không chỉ khẳng định tài năng mà còn cho thấy sức sống của lối viết văn chương suy tư, không phô trương nhưng lặng lẽ tác động lên người đọc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Đông Tây là sự minh chứng cho khả năng nội sinh của văn học Trung Quốc, vừa kế thừa truyền thống, vừa đối thoại với thế giới, không đánh mất căn cốt Á Đông mà vẫn chạm đến các vấn đề phổ quát của nhân loại.

HÀ THANH VÂN