Thứ Ba, 09/06/2020 09:25

Thực tế ảo

Chuyện bắt đầu từ trại Sáng kiến. Đúng hơn, bắt đầu từ một trăm năm mươi triệu. Không, bắt đầu từ một sợi dây. Chà! Dù có nói bắt đầu từ chiếc máy bay không được phép bay cũng chẳng sai.

.Truyện ngắn. NGUYỄN THU PHƯƠNG

Xóm Kênh Nước Đen, một đêm mưa của năm cũ

 

Chuyện bắt đầu từ trại Sáng kiến. Đúng hơn, bắt đầu từ một trăm năm mươi triệu. Không, bắt đầu từ một sợi dây. Chà! Dù có nói bắt đầu từ chiếc máy bay không được phép bay cũng chẳng sai. Hoặc từ thứ hóa chất để xử lí rác trong bùn cống. Cũng có thể nói: từ con ếch, cái giếng và một mảng trời. Không. Nói chính xác nhất: bắt đầu từ... người kể chuyện này - nghĩa là từ tôi.

Bạn chịu khó một chút, hồ sơ nhân vật chỉ vỏn vẹn mấy dòng ngắn ngủi thôi. Tôi, hai mươi ba. Nhân viên tổ cắt thuộc Xí nghiệp X, Công ti may mặc Y, Tổng công ti may mặc và thời trang W. Không trải qua ngưỡng cửa đại học, vì tôi tự thấy mình không đủ sức. Bạn hiểu đó, người ta có nhiều cách để đi vào đời. Trúng tuyển trong đợt tuyển dụng công nhân rầm rộ của X (không thân thế, không quen biết, không nhờ vả, không thư tay), vừa học nghề vừa tập sự ba tháng, tôi chính thức làm hưởng lương từ tháng thứ tư.

Thợ cắt thì tất nhiên công việc của tôi là cắt. Đại khái bạn có thể hình dung: sử dụng những rập bìa (đã được tổ thiết kế mẫu làm sẵn) dùng phấn hoặc sáp can lên vải (nhiều lớp xếp dày), quay tới quay lui tùy ý sao cho tiết kiệm vải nhất, sau đó dùng máy cắt cặm cụi cắt đúng theo đường vẽ... Quá tẻ nhạt phải không? Nên tôi tạm dừng tiết mục kê khai lí lịch mình tại đây để chuyển sang vụ sáng kiến.

Dù bạn chán thì vẫn cần phải biết đôi điều về máy cắt vải hiện nhà máy tôi đang sử dụng. Nó là một giàn khung kim loại cỡ vừa, nửa cơ khí nửa tự động. Bộ phận điều khiển được lập trình bằng một hộp có nhiều nút bấm, cần gạt. Phần trụ lưỡi cắt giống như trục cưa đứng, có tay cầm để nâng, hạ bàn kẹp vải (chân vịt) phía trên, phối hợp với bàn inox đỡ vải (bàn lừa) phía dưới. Khi chỉnh dữ liệu xong và khởi động, lưỡi cắt sẽ vận hành, luồn lách tới lui theo đường vẽ. Ưu tư của tôi nằm ở lưỡi dao cắt. Nó mỏng, dẹp và dài vừa đủ, đảm nhiệm chức năng một lưỡi cưa nhỏ pha cắt những chi tiết trên vải. Mất thì giờ là ở những khúc gãy góc, lưỡi dao buộc phải bẻ quẹo, uốn cong, lạng lách vô cùng khó khăn. Nhất là với những chi tiết nhỏ như cổ, tay, măng-sét, đô áo, ba-ghết, lưng, túi quần... nếu không dùng máy cắt cầm tay cắt riêng bên ngoài mà chỉ dùng máy cắt lớn thì cực kỳ khó bám sát đường vẽ. Có nghĩa sẽ mất oan uổng thêm một công đoạn can vẽ, gọt tỉa chi tiết trên vải của người thợ may ráp. Khoan, bạn đừng nản. Đừng nói việc quái gì phải quan tâm tới cái máy cắt chết tiệt của tôi. Tôi phải kể, vì nội dung chính của câu chuyện này liên quan tới nó.

Sau một thời gian miệt mài loay hoay cắt theo truyền thống cũ, tôi nảy ra một sáng kiến nhỏ: tại sao không thay lưỡi dao mỏng, dẹp và dài kia bằng một sợi dây cho đơn giản? Tất nhiên dây phải đủ dai, bền và sắc, để khi được căng thẳng sẽ không khác gì một lưỡi cưa hoàn hảo. Tôi nảy ra ý này từ những buổi ngồi quan sát thằng bạn (làm nghề gia công hàng mĩ nghệ, lưu niệm) cưa lộng những chi tiết bằng gỗ thông và sừng trâu. Lưỡi cưa của nó thường xuyên phải luồn lách khúc khuỷu, uốn éo gấp nhiều lần so với mảnh dao cắt của tôi, nhưng giải pháp sợi dây đã gỡ êm mọi khúc mắc. Ơ-rê-ka, sợi dây là lối thoát! Tuy nhiên, tôi hơi tự ti một chút. Bạn thử nghĩ: tôi học hành không tới đâu, bày đặt tài lanh ra vẻ ta đây hiểu biết phát minh này nọ, lỡ người ta chỉ mặt “cười văng nước miếng”, chắc tôi chỉ còn đường tìm kẽ nứt chui xuống...

Vậy rồi tới một bữa, tôi đọc được một bài viết trên báo. Kể về một anh nông dân chế tạo máy bay. Mục đích rất thiết thực: gieo hạt, phun thuốc trừ sâu, làm mưa tưới ruộng. Máy bay sau đó không được phép bay (và bị tịch thu) nên không ai biết có bay được hay không, nhưng dư luận xôn xao rõ ràng rất ủng hộ anh. Cái hay của anh nông dân là ở chỗ dám làm những điều dám nghĩ. Rõ hơn, trường hợp khác: một anh công nhân nạo vét cống đã mày mò mất vài năm để chế tạo ra hợp chất “Phân hủy nhanh rác trong bùn cống - sử dụng nguyên liệu thiên nhiên”, được giải thưởng lớn của cuộc thi Những phát minh xanh phục vụ môi trường. Trong buổi lễ trao giải, anh công nhân ấy nói: “Tôi không quan trọng việc mình sẽ được giải thưởng, cái chính là sản phẩm của tôi có ý nghĩa hết sức tích cực và cụ thể với công việc mà tôi đang làm”. Từ đó, tôi đã phải bận tâm suy nghĩ rất nhiều, để rồi rút ra kết luận “không thể bỏ cuộc”. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề ngổn ngang cần được giải quyết như kĩ thuật chế tác, giá thành sản phẩm, cách thức vận hành... Và nữa, nếu đâu đó trọn vẹn rồi, tôi sẽ phải đem công trình sáng tạo của mình đi trình cho ai?

Ông quản đốc phân xưởng tôi là một bậc trung niên uể oải nhất trong số các trung niên uể oải tôi từng biết. Châm ngôn sống của ông: Chi mà mất công vậy! Tôi không lí giải nổi vì sao người ta giao việc quản lí những con người trẻ trung, hăng say, nhiệt tình cho một người chậm rãi, rề rà, uể oải tới mức đó! Càng lạ hơn, sống từng ngày trong bầu không khí sôi nổi, tuôn trào hừng hực của chúng tôi, nhưng ông cứ ù lì, tuyệt nhiên không thèm thay đổi cái bản chất trì trệ đó... Thắc mắc rồi tự trả lời: có lẽ họ (ban giám đốc) dùng ông như cái phanh để kìm hãm và phong tỏa bớt những loại ngựa non háu đá như đám tụi tôi chăng? Chỉ biết rằng: khi tôi đem sáng kiến của mình lên thăm dò ý kiến ông thì nhận được câu trả lời rất quen: Chi mà mất công vậy!

Mất công thiệt chứ! Tôi đã cặm cụi tốn gần một năm để tìm cho ra những phương án tối ưu, cặm cụi áp dụng, cặm cụi theo dõi, cặm cụi chỉnh lí. Cho tới khi hoàn thành... Được rồi, bạn đừng nhăn mặt. Vì đây là một cái truyện - không phải bản giải trình chi tiết kĩ thuật, nên tôi sẽ không bắt bạn phải biết các thông tin tỉ mỉ có tính chất quá chuyên biệt. Đại khái bạn cứ hiểu sợi dây máy cắt của tôi mang lại hiệu quả kĩ thuật và lợi ích kinh tế thiết thực gấp hai lần rưỡi lưỡi dao, nếu áp dụng đại trà sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Nhưng tất nhiên, ông quản đốc không nói mất công theo kiểu đó. Ý ông nghiêng về phía có sao để vậy, nói thẳng ra ông khuyên tôi khôn hồn thì đừng thay đổi, đừng cải tiến cải lùi làm chi cho mệt.

Tất nhiên tôi đâu cùng quan điểm với ông. Bởi nghĩ đã lỡ mất công rồi thôi để cho mất công luôn. Chưa nói làm việc gì mà bỏ dở dang nửa chừng tôi thấy khó chịu trong lòng lắm. Vậy là tôi tò tò đi gặp ông phó giám đốc phụ trách kĩ thuật để trình bày cho ông ta nghe về phát minh của mình, với ý nghĩ “cần phải tìm đúng cửa để gõ”. Có lẽ do tôi giỏi thuyết phục, hay vì ông phó này có tư tưởng tiến bộ hơn ông quản đốc, nên sau khi nghe xong, ông vỗ vai khen ngợi tôi. Vui hơn, ông đòi coi ngay sợi dây “đột phá” của tôi, và đòi tôi biểu diễn - cắt thử cho ông coi nhiều loại chi tiết khác nhau trên vải bằng máy cắt gắn dây thay vì gắn lưỡi. Tất nhiên tôi mừng húm đồng ý.

Bây giờ thì tôi ngồi trong cái trại Sáng kiến này. Ngồi không phải để phát minh ra sáng kiến, mà để nghỉ ngơi thư giãn và sảng khoái nhâm nhi thắng lợi của mình. Vì không như những người khác chỉ mới có đề án trên giấy, tôi tới trại khi đã có sản phẩm sáng tạo hoàn chỉnh trong tay, đã thực thi và kết quả đã được nghiệm thu. Trại do Tổng công ti may mặc và thời trang W tổ chức hai năm một lần, lấy kinh phí từ nguồn tiền của Quỹ hỗ trợ những sáng kiến phục vụ cho ngành may mặc thời trang - do Hiệp hội các doanh nghiệp dệt, may và thời trang tài trợ. Năm nay, nghe nói Quỹ rót cho ban tổ chức trại một trăm năm mươi triệu đồng. Danh sách chính thức tám người, đa thành phần, đa trình độ, đa lứa tuổi.

Nói về trại Sáng kiến cũng có lắm chuyện hay. Đại khái xưa nay, với sự bàng quan cố hữu của người đời - theo kiểu chi mà mất công vậy giống như ông quản đốc phân xưởng tôi, các nhà phát minh đâm chán nản, thui chột dần ý thức cầu tiến. Ai nấy an tâm với công ăn việc làm ổn định, sáng cắp ô đi chiều vác mũ về, chẳng thấy cần phải biến, chế, thay kia đổi nọ làm gì cho đau đầu, nhức óc. Mỗi lần các ông trong ban tổ chức xin được tiền từ Quỹ để chia nhau, bói không ra một ai thật sự có sáng kiến. Chỉ toàn những đề cương, dự án, ý tưởng... mới nghe thấy rất vĩ mô, ghê gớm, hùng hổ, nhưng đọc kĩ thì vô bổ, chung chung. Nghiệm thu xong chủ yếu cất kho, hồ sơ trong tủ dày từng chồng nuôi mập lũ mối mọt. Nhưng không làm thì không có thành tích để báo cáo, không làm thì không có trại, và nói thẳng ra: không làm thì không có kinh phí, không có tiền chia nhau. Nên loại sáng kiến hữu ích như tôi trở thành của hiếm, và thực sự quý.

Dự trại tôi mới biết có rất nhiều sáng tác gia là những thành viên thâm niên ăn tiền mòn mép. Những đề tài sáng tạo của họ luôn lấy những tiêu đề uyên bác: “Cải tiến đồng bộ dây chuyền làm hàng quần áo xuất khẩu theo công nghệ EU phù hợp tình hình Đông Nam Á”, “Những ý tưởng táo bạo trong kĩ thuật chế biến da thuộc, đáp ứng việc sử dụng hàng da trong mọi điều kiện thời tiết trên 24 múi giờ”, “Sản xuất người máy công nghệ cao thế kỉ 21, thay thế công nhân may thủ công”... Tôi thật sự khâm phục họ, trong kho chữ nghĩa hạn hẹp của tôi không thể tìm đâu ra những ngôn từ lớn lao cỡ đó. Họ là những nhân vật gây được sự chú ý, đăng đàn phát biểu trong lễ khai mạc, bế mạc trại luôn thu hút hàng tràng pháo tay giòn giã tán thưởng, được ban tổ chức đầu tư chiều sâu, tiền đầu tư cao. Dù như đã nói, khi kết thúc, nghiệm thu, những công trình vĩ đại của họ chẳng hề mang chút ý nghĩa thực tế nào.

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Tôi như nốt nhạc sai khuôn, như bông hoa trồng lạc luống. Với tôi, trại là nơi nghỉ mát. Không được ăn được nói thì vẫn được gói đem về. Bất ngờ, qua một dịp tửu hậu trà dư, một phóng viên biết tôi. Anh ta đưa tin, có luôn hình ảnh. Nối tiếp theo anh ta là hàng loạt báo khác. Lợi thế của tôi: hay, trẻ, lạ, mới. Lợi điểm sáng kiến của tôi: thiết thực, hữu dụng. Nào chân dung, nào phỏng vấn, nào ảnh chụp, nào bài đăng. Rồi các trang mạng cũng chia sẻ lại...

Tôi hả hê, vênh váo, xênh xang. Tôi được quá nhiều, được đủ thứ từ lợi tới danh. Tôi muốn học theo anh công nhân nạo vét cống của công ty vệ sinh khi nói về phát minh xanh xử lí chất thải của mình, rằng danh lợi chẳng có nghĩa gì, nhưng tôi uốn lưỡi bảy lần vẫn không nên lời. Bởi lòng tôi đầy sự ham hố. Có danh thật sự rất thích, có lợi không thể không ham. Hơn hết, tôi thích được trở thành nhân vật trung tâm, thích nổi tiếng... Mệt quá, không gì mệt bằng tự nói xấu bản thân. Nhưng câu chuyện của tôi vẫn chưa hết. Tan trại trở về, tôi sống lâng lâng trong không khí u mê, ngây ngất. Thật khó trở lại làm người bình thường sau một thời gian đột nhiên sống khác thường. Sống ầm ĩ vì đình đám. Tâm trạng tôi bây giờ: chỉ muốn làm gì để lại tiếp tục gặt hái những danh và lợi như đã có. Môi trường xung quanh cũng tạo thành áp lực.

Từ nhà tới xưởng, từ cha mẹ, anh chị, lũ cháu tới hàng xóm láng giềng, từ bà con họ hàng tới đồng nghiệp, từ bạn bè tới người yêu... ai nấy đều phấp phỏng đợi chờ. Họ thật sự tin tôi sắp tung ra những tuyệt chiêu sáng kiến mới còn ý nghĩa hơn lần đầu gấp mấy. Nhưng những kẻ đố kị thì trề môi, nói tôi chỉ là con đom đóm cháy bùng, lóe lên một lần rồi vĩnh viễn tắt lụi. Quả tình, đầu óc tôi ngày càng mụ mị, trống rỗng. Tôi như đi lạc trong mê cung tối mò, quanh co, cửa ra cửa vào đều bị bít kín. Ông quản đốc phân xưởng trì trệ, ù lì thấy vậy rất khoái; thoải mái dồn vô đầu tôi hàng lô những câu Chi mà mất công vậy! Còn ông phó giám đốc phụ trách kĩ thuật thì lạnh như băng, quăng cho tôi nguyên cục lơ to. Thật không thể tin chính ông đã từng hân hoan tuyên bố khắp nơi rằng nếu không có ông đãi vàng ra tôi từ cát, à quên, đãi cát ra tôi thành vàng, thì làm sao thế gian biết được tôi chính là một ngôi sao.

Vậy đó, chuyện của tôi đến đây có thể coi như xong. Nhưng nếu bạn vẫn muốn biết tới tận cùng thì tôi xin kể nốt phần vĩ thanh. Sự thật là, khi đoàn chuyên gia kĩ thuật của công ti do ông phó giám đốc, ân nhân của tôi dẫn đầu sang châu Âu đem về hàng loạt máy móc vừa mua, thì sự thể bỗng trở nên khôi hài. Bởi lẽ, máy cắt vải bán tự động sử dụng lưỡi cắt bằng dây hợp kim chẳng phải là phát minh mới mẻ gì.

Bên ấy, người ta đã sản xuất ra loại sản phẩm này từ cuối những năm chín mươi, có đăng ký bản quyền quốc tế đàng hoàng, bàn dân sử dụng hà rầm. Chính bởi mù tịt thông tin nên tôi giống như con ếch lọt thỏm đáy giếng, cứ tưởng mình xênh xang phát hiện ra châu Mĩ! Đã vậy, ở ta lại đang thời buổi cực lực lên án nạn sao chép, công luận liên tục phanh phui hàng loạt vụ việc “đạo” đủ trò, “cóp” đủ thứ... Hoàn cảnh tôi, tình tuy ngay nhưng lí thì gian, dù thanh minh tới mấy cũng không ai chịu tin, vì chỉ cần nghe cụm từ “bê nguyên xi ý tưởng của người khác” là mọi người sẽ ngay lập tức nổi cơn dị ứng, lên án kịch liệt, ném cho hàng tấn gạch đá.

Tiền đầu tư của trại sáng tác và hàng lô phần thưởng lớn nhỏ tôi đã xài sạch trơn, vinh quang tôi đã hưởng. Nay bị dồn vô thế bí, tôi nổi cơn ngang gân cổ cãi: “Nếu nhà máy không vô tư đem tiền đổi ngoại tệ rồi hì hục đi khuân những thứ máy móc lạc hậu phế thải về dùng, thì đâu ai cần phải bày ra cái sự cải tiến. May mà tôi chưa gửi hồ sơ lên Ủy ban Khoa học Nhà nước xin cấp bằng sáng chế. Nếu không, chắc chắn không chỉ mình tôi ê mặt. Khối kẻ sẽ phải loay hoay tìm kẽ nứt để chui xuống, vì lỡ ào ào ủng hộ việc cấp cho tôi một mảnh bằng!”...

Đến hẹn lại lên, trại Sáng kiến năm nay dự định sẽ mở vào đầu tháng tới. Sáng hôm qua, tôi vừa nhận được thư mời tham gia. Người ta khuyên tôi ráng nghĩ cho được một đề tài nào đó thật vĩ mô - thực tế có sử dụng được hay không không phải là điều quan trọng, để tôi sẽ đại diện mọi người lên “phát pháo” rổn rảng trong buổi khai mạc, gây khí thế xôn xao.

Tôi nghiền ngẫm hoài về trường hợp con ếch cứ cố phồng bụng lấy hơi để to được bằng con bò. Lại thấy mình giống con bò ảo đang ráng xì hơi ra để làm sao cho nhỏ lại bằng cỡ như con ếch ban đầu...

 

Thành phố thông minh, một ngày mưa của hiện tại

Trong lúc ngồi gõ trên laptop bản kế hoạch triển khai ứng dụng thực tế ảo trong tiếp thị truyền thông, hơi căng đầu nên tôi thoát ra và thư giãn chút với mấy trò chơi logic. Và rồi, bằng công cụ tìm kiếm chuyên biệt sục sạo trong các file dữ liệu của gia đình, tôi vô tình tìm thấy lại câu chuyện của ba tôi được viết vào khoảng mười mấy năm trước. Nhưng khi thâm nhập với thực tế ảo thì tôi biết nguồn gốc những trang viết đó đã xảy ra từ trước lúc tôi ra đời. Tôi ngạc nhiên với cách ba tôi quy định về thực tế ảo. Một thực tế tưởng như thực tế, nhưng kết quả lại quá ảo, chẳng ích lợi gì cho đời sống. Một kiểu chơi chữ mà tôi đoán đã được ba viết ra trong tâm thế có nhiều bức xúc với con người và thời thế của giai đoạn đó.

Còn với thế hệ chúng tôi bây giờ, thực tế ảo đương nhiên là kiểu thực tế được tái lập trong không gian ảo nhiều chiều, thông qua các phương tiện nghe nhìn, để giúp người ta thâm nhập vào một thực tế không ở cùng địa điểm, thời gian và bối cảnh. Sự nhập vai đó giúp người ta dễ hình dung ra hơn về mọi thứ, sẽ chi phối cảm nhận và dẫn tới những quyết định gần chính xác như lúc đang ở trong thực tế thực. Nói cho đơn giản để dễ hiểu hơn là như khi bạn xem một bức ảnh 3D được đăng trên trang mạng xã hội, bạn có thể mở rộng góc nhìn của mình đến mức 360 độ của bức ảnh, nghĩa là có được một cái nhìn toàn cảnh dù bạn đang không ở đó, chỉ có trên tay một máy điện thoại. Hay một ứng dụng khác đời thường hơn, là khi bạn tham gia vào cuộc họp mặt gia đình online, từng người đang ở những vị trí, địa điểm khác nhau trên trái đất, chỉ thông qua màn hình chat video cũng có thể thâm nhập được những không gian người khác đang hiện hữu. Nhưng tầm mức của thực tế ảo không dừng ở đó, chẳng hạn như chính tôi mới vừa thâm nhập vào quá khứ của ba tôi để xem lại những điều xảy ra từ trước khi tôi được sinh ra, tôi trôi chảy xuôi theo dòng suy nghĩ của ba tôi để nghĩ về những chuyện mà tôi không hề được chứng kiến, tôi giả lập mình “sống” cùng thời với ba tôi.

Có những buổi cà phê, ba rủ tôi nhâm nhi ở quán quen của ba vào sáng thứ bảy cuối tuần. Ba biểu cứ vui, thoải mái đi, nói chuyện với nhau như hai người bạn. Rồi ba bâng quơ trách: tụi trẻ các con bây giờ sống ảo nhiều quá. Tôi hiểu ý ba, có một bộ phận không nhỏ những bạn trẻ lứa chúng tôi cố gắng tạo ra và khoác lên mình những giá trị ảo, rồi say sưa chìm đắm sống trong thế giới đó, không còn muốn bước ra đời thực nữa. Ba muốn nhắc nhở tôi đừng như vậy, nhưng tôi cười và nói, thực tế ảo là nghề của con, nếu con không ảo thì sao làm việc được. Như bây giờ, ngay lúc đang thong thả ngồi với ba, thư giãn thảnh thơi, nếu bất chợt nảy ra một ý tưởng sáng tạo nào đó nghĩ rằng có ích và khả thi, thì tôi vẫn có thể liên hệ ngay với sếp và báo cáo, xin ý kiến, bằng cách thâm nhập vào thực tế ảo và trình bày, tranh luận như đang đối diện cùng ông ấy. Sếp tôi bây giờ thật khác với các sếp của ba hồi xưa. Họ rất biết lắng nghe, tiếp thu dữ liệu và phân tích, nhận định cực kì nhanh nhạy, sáng suốt. Khó có chuyện họ “trù dập” hay “làm lơ” những sáng kiến tốt của lứa người trẻ năng động như chúng tôi, vì không ít những thành tựu mới đạt kết quả rực rỡ đều từ đó mà ra. Và họ không dại gì để chảy máu chất xám, bỏ mất nguồn tài nguyên những ý tưởng sáng tạo tươi mới, kể cả có phần liều lĩnh, đầy chất lửa nhiệt tình với cuộc đời. Chúng tôi còn đang hăm hở xốc tới, ít dành thời gian để nghĩ tới nghĩ lui quá nhiều về những việc đã qua như những người đã sống lâu năm, do vậy chúng tôi liên tiếp cần cơ hội để thể hiện mình, bày biện ra những kết quả từ tư duy nắm bắt rất nhanh những biến đổi của thời đại. Trong sự lướt đi băng băng đó, tôi cũng hiểu rằng rất có thể mình đã nhảy cóc qua một số thứ, luôn sơ sẩy này kia do vội vã quá. Nhưng tuổi trẻ mà, khi bạn là cỗ xe ào ào lao về phía trước, bạn đâu muốn bị ngăn cản, bị bày ra chướng ngại vật, bị không ủng hộ…

- Ba thử nghĩ xem, những điều tưởng như chỉ diễn ra trong các bộ phim siêu tưởng về tương lai, bây giờ đã là hiện thực. Tổng công ti mà con đang làm việc có trụ sở ở nhiều nước trên thế giới, các vị sếp lớn không thể cùng lúc hiện diện ở tất cả các nơi, nhưng với thực tế ảo thì họ làm điều đó được…

- Thôi đủ rồi, con trai - Ba tôi cắt ngang dòng hùng biện của tôi - Bấy nhiêu đã đủ để ba hiểu về thực tế ảo đúng như khái niệm thực tế ảo. Còn câu chuyện của ba lúc trước, không ảo đâu, nó chính là thực tế của giai đoạn đó. Nhưng ba mừng vì cuộc sống thay đổi, mọi thứ chuyển biến theo chiều hướng tích cực, để chúng ta có được những thành quả như hôm nay.

Lúc đó, điện thoại ba đổ chuông. Là mẹ gọi, “Hai cha con ông đang ở đâu vậy?”. Ba vui vẻ trả lời mẹ, tôi để ý thấy ông đang xài cái điện thoại cũ tôi đã bỏ từ năm ngoái, lúc đổi lên dòng máy mới. Thấy tôi chăm chú nhìn, ba ngượng ngập phân trần:

- Thấy nó còn tốt quá, mà ba cũng đâu cần gì nhiều: nghe gọi và nhắn tin. Vô mạng thì cũng chỉ zalo, youtube…

- Chẳng lẽ ba bắt đầu tới tuổi chối bỏ dần việc cập nhật những thiết bị hiện đại theo xu thế?

- Ba theo không kịp, mà ba thấy cũng không cần thiết phải chạy theo.

- Những thiết bị, máy móc đã lỗi mốt như vậy, người ta gọi là rác thải công nghệ đó ba. Dù không hư hỏng thì cũng cần phải bỏ đi.

- Ba biết chứ, từng có thời xứ mình nhập về ồ ạt những container đồ điện tử đã lỗi mốt của Nhật, gọi là hàng second-hand. Xứ mình nghèo, hồi đó không mua “rác thải công nghệ” của người ta như vậy thì người bình dân tới khi nào mới biết được cái tivi màu.

- Không đúng đâu ba à, giống như trong cái truyện “Thực tế ảo” của ba viết đó, người ta vì chạy theo lợi ích cá nhân đã bưng bít thông tin về những phát minh tiên tiến của thế giới, nhập rác thải công nghệ về chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được tận gốc vấn đề lạc hậu, lỗi thời trong khoa học kĩ thuật, kìm hãm sáng tạo, hạn chế sự phát triển của xã hội hướng tới văn minh… Hay vì ba bây giờ là người đàn ông trung niên chớm có những dấu hiệu mỏi mệt, nên ba cũng đi tới chỗ giống cái ông sếp ù lì Chi mà mất công vậy! của thời đó, không còn tha thiết thay đổi, cập nhật nữa…

- Cái thằng, nói chuyện kiểu gì thẳng thừng quá vậy - Ba tôi bật cười.

- Thì ba đã dặn con từ đầu, cứ nói thoải mái tự nhiên như hai người bạn mà - Tôi cố gắng phân trần, thật sự không muốn làm ba phật ý.

- Ừ, đúng là ba bắt đầu thấy mỏi mệt, chậm hơn rồi. Ba dần dần bị rớt lại phía sau, nhiều mảng kiến thức mới quá, ba không hiểu hết… - Ba tôi trầm ngâm, hẳn ông đang ôn hồi quá khứ thanh xuân đầy sôi nổi nhiệt tình.

- Dạ, con hiểu mà. Đó là vòng quay của cuộc sống, đời người rồi ai cũng phải trải qua… Công bằng mà nói, thời buổi toàn cầu hóa như bây giờ, tụi con may mắn, thuận lợi hơn thời của ba rất nhiều. Giờ nếu có sáng tạo hay phát minh gì mới, chỉ cần dùng công cụ tìm kiếm sẽ thẩm định được ngay trên thế giới đã có ai tìm ra điều đó trước mình chưa. Thực tế ảo sẽ hỗ trợ việc test thử hiệu quả khi áp dụng vào đời sống. Những máy móc thiết bị công nghệ với từng version được cập nhật rõ ràng, minh bạch, ghi chú chi tiết từng tính năng mới được bổ sung hay điều chỉnh, không khó để người ta kiểm tra mức độ cũ mới, tiên tiến hay lạc hậu. Sự kết nối thông tin là vô cùng quan trọng, ba à.

- Thôi được rồi, biết “các anh” hay rồi, còn “chúng tôi” thì lỗi thời, lạc hậu - Ba tôi cười xòa, chỉ cái máy điện thoại lại đang reo lên báo có cuộc gọi - Khi lấy lại cái máy này của con để xài, thực lòng ba chỉ nghĩ nếu bỏ nó thì… tội quá. Nó không hư hỏng, không có lỗi, chỉ là con đã có cái mới nên nó bị thải ra thôi. Công nghệ cập nhật, thay bỏ được. Chứ con người thì không, người ta vẫn phải sống tiếp khi mình ngày càng cũ đi. Nếu cái điện thoại có một linh hồn, hẳn nó cũng sẽ buồn như những người bị gạt qua bên lề của cuộc sống, bị trở thành “đồ bỏ”. Ba thương nó là do vậy…

- Trời, sao ba tự nhiên đa cảm vậy. Máy móc sao có được linh hồn.

Nhưng lời mới thốt ra xong, tôi đã nhận ra mình có thể nói hớ. Thành phố thông minh, nơi tôi đang làm việc, là nơi các hoạt động đang hướng tới việc truyền cảm xúc cho những loại máy móc. Ngay tính từ “thông minh” cũng đã đủ nói lên điều đó, máy móc cảm nhận được suy nghĩ, ý muốn của con người và học hỏi, thực hiện theo. Nhưng ba chỉ cười, chìa màn hình điện thoại cho tôi coi: vẫn là mẹ gọi. Ba búng tay kêu phục vụ tính tiền.

- Bữa nay để ba đãi con, ba có chút tiền từ… quỹ đen, thu nhập nho nhỏ ngoài lương, mẹ con không biết.

Nhìn cái vẻ “đắc ý” của ba, tôi bỗng thấy ba trẻ trung, gần gũi, đúng như người bạn của tôi. Ba thanh toán bill, cẩn thận bo cho phục vụ, rồi đứng dậy.

- Về thôi, cậu chuyên viên thực tế ảo của ba. Đừng để mẹ con mong. Bữa trưa sum họp gia đình ngày cuối tuần, chắc chắn mẹ con chỉ muốn có cha con mình bằng xương bằng thịt, chứ không họp mặt online trong không gian ba chiều bằng thiết bị tối tân hiện đại gì đâu nghen.

Tôi dạ, vui vẻ cười đồng tình với ba. Suy cho cùng, tôi vẫn muốn được làm con của ba mẹ theo cách của thực tế hoàn toàn không ảo

N.T.P