Thứ Bảy, 07/12/2019 09:33

Thúc đẩy sáng tạo chuyên nghiệp

Những năm trở lại đây, hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam đã thay đổi căn bản so với thời kỳ sau Đổi mới, mọi thứ tưởng chừng dễ dàng, nhưng thực ra lại khó khăn hơn.

Những năm trở lại đây, hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam đã thay đổi căn bản so với thời kỳ sau Đổi mới, mọi thứ tưởng chừng dễ dàng, nhưng thực ra lại khó khăn hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, họa sĩ loay hoay tìm chỗ đứng cho riêng mình, những hỗ trợ mang tính trung gian giữa sáng tạo và thị trường được cho là cần thiết.

Nhạy cảm với thời cuộc

Tuần trưng bày 69 tác phẩm của 64 họa sĩ với chủ đề “Viet Art Now - Những gương mặt điển hình 2019” đang diễn ra tại Nhà đấu giá Chọn, Hà Nội. Với 64 nghệ sĩ, người lớn tuổi nhất là Đỗ Sơn (sinh năm 1943) và người trẻ tuổi nhất là Vũ Tuấn Kiệt (sinh năm 1992), Viet Art Now đã giới thiệu một chặng đường dài trong hoạt động nghệ thuật Việt Nam, thông qua những nghệ sĩ tiêu biểu đang sáng tác. Theo cố vấn Nhà đấu giá Chọn Trương Nhuận, các tác phẩm được lựa chọn trưng bày phản ánh thực tế những diện mạo đang cùng tồn tại, làm nên đời sống mỹ thuật hôm nay.

Nhưng mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu cách đây 3 năm, Phạm An Hải lúc đó đã là một họa sĩ có tiếng, bán được nhiều tranh trên thị trường, và anh nghĩ rằng phải làm sao để nhiều họa sĩ khác cũng được như vậy. Tận dụng sự phát triển của công nghệ, Phạm An Hải cùng với hai gương mặt trong giới hội họa là Phạm Hà Hải, Phạm Bình Chương sáng lập trang facebook Viet Art Now, mời các họa sĩ tự nguyện tham gia giới thiệu tác phẩm của mình trên mạng. Họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ: “Chúng tôi muốn trở thành cầu nối giữa nhà sưu tập và nghệ sĩ, đưa đến cho công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam những tác phẩm có chất lượng và thúc đẩy sáng tạo một cách chuyên nghiệp hơn”.

Theo nhà nghiên cứu phê bình Phan Cẩm Thượng, trong thời gian dài, mỹ thuật Việt Nam lâm vào tình trạng không có thị trường nghệ thuật, khó tiếp cận khán giả. Triển lãm mỹ thuật sau ngày khai mạc hầu như không có người xem, tác phẩm nghệ thuật gần như không có chỗ đứng trong thị trường hoặc thị trường rất lờ mờ, manh nha. Mỹ thuật Việt Nam vẫn đơn điệu với những triển lãm khu vực, toàn quốc hàng năm, cách thức luôn là dân gian và nghiệp dư, dù rất nhiều họa sĩ chuyên nghiệp tham gia. Trong bối cảnh đó, một trang mạng giới thiệu sáng tác và thân thế nghệ sĩ chính là sự nhạy cảm với thời cuộc, tạo ra thị trường trên mạng để cập nhật nghệ thuật cho cả những sáng tác khó tiếp cận công chúng. Kết quả của nó là tạo nên một phần sống động của nghệ thuật Việt Nam đương đại.

Một góc triển lãm “Viet Art Now - Những gương mặt điển hình 2019” Ảnh: T. Minh

Hướng đi tốt của mỹ thuật đương đại

Hầu như tất cả các nghệ sĩ thế giới đều theo cách này hay cách khác, giới thiệu, đưa hình ảnh tác phẩm của mình lên mạng, mọi phong cách, bút pháp đều được hiển lộ rõ ràng, tạo ra rất nhiều ảnh hưởng đương đại và những sao chép không ngần ngại. Thực tế nhiều năm, thị trường đã đánh bại nhiều nghệ sĩ, khi sáng tác trở nên nhàm chán và lặp lại, nạn tranh chép, tranh giả tràn lan, hội họa dần nhường chỗ cho nghệ sĩ đương đại làm sắp đặt, trình diễn và video art, dù cách thức còn nghèo nàn. Khi phần lớn nghệ sĩ không bán được tranh, sáng tác lại có cơ hội đi vào chiều sâu, bởi nghệ sĩ tự vấn chính mình sống cho nghệ thuật thực sự.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng phân tích, quan trọng nhất là làm thế nào họa sĩ sống được bằng nghề nhưng không bị thị trường hóa. Giao dịch qua mạng như hiện nay là một cách thức thương mại đơn giản bỏ qua các gallery, cũng như kết nối với các nhóm nghệ thuật cùng chí hướng. Đồng hành với Viet Art Now những năm qua, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận thấy đây là đi hướng tốt, có thể phát huy ở nhiều góc độ khác nhau. Hiện giờ thì nhiều tổ chức, trung tâm nghệ thuật đã thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày và tiếp xúc nghệ thuật; cũng như giao lưu nghệ thuật với khu vực và thế giới đang trở nên phổ biến hơn. Có thể thấy, các hoạt động nghệ thuật và thương mại trên mạng internet đã trở thành phương thức quen thuộc, đem lại đời sống mỹ thuật nhộn nhịp theo nhiều cách khác nhau, trong đó rất nhiều cố gắng tạo lập thị trường nghệ thuật.

Ông Phan Cẩm Thượng cũng nhấn mạnh, hoạt động sâu sắc, tách xa thị trường nghệ thuật hơn nữa là cách giúp nghệ thuật Việt Nam phát triển hơn. Có điều, Việt Nam đang rất thiếu cơ quan trung gian giữa nghệ sĩ và công chúng, nhà sưu tầm. Nếu nghệ sĩ tiếp tục giao dịch mua - bán tác phẩm trực tiếp thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính chất sáng tác chiều theo ý muốn của người mua. Vấn đề chính cần quan tâm là chất lượng sáng tác đến đâu và khả năng thương mại đến đâu, nhưng hai vấn đề này nhiều khi không song hành với nhau.

“Một trang mạng cẩn thận tập hợp, giới thiệu nghệ sĩ sẽ đẩy dần họ đến việc tự lựa chọn mình vì đứng trước vấn đề xã hội hơn là vì thương mại. Việc cứ vẽ, cứ làm nghệ thuật tự thân, bản thân nó đã có ý nghĩa văn hóa nhất định, cho thấy những tính cách bền vững của con người Việt Nam và sự hướng ngoại, hay hướng nội trong hành vi nghệ thuật, sự phát triển của tâm hồn nghệ sĩ nông sâu như thế nào. Mà một khi đã xuất phát từ những sáng tạo mang tính tự thân thay vì vấn đề thương mại như vậy, thì giá trị thương mại của tác phẩm không những không ít đi mà có lẽ ngày càng lớn hơn” - nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nói.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thái Minh)