Chủ Nhật, 14/06/2020 15:48

Thời tiết xấu

Mưa gõ lên cửa sổ ràn rạt. Thật là những cơn mưa mùa hè đáng chán! Chúng thường kéo dài, thậm chí trong nhiều tuần, cho đến khi những người đi nghỉ lạnh cóng, quen dần và trở nên thờ ơ với cái thời tiết đó. (Truyện ngắn của Anton Chekhov, Nga)

. Truyện ngắn của Anton Chekhov (Nga)

Mưa gõ lên cửa sổ ràn rạt. Thật là những cơn mưa mùa hè đáng chán! Chúng thường kéo dài, thậm chí trong nhiều tuần, cho đến khi những người đi nghỉ lạnh cóng, quen dần và trở nên thờ ơ với cái thời tiết đó. Trời lạnh và ẩm ướt, khó chịu. Bà mẹ vợ và cô con gái Nadyezhda Filippovna - vợ luật sư Kvashin - mặc áo gió, quàng khăn ngồi bên bàn ăn. Từ vẻ mặt của bà mẹ là ta biết nhà có điều kiện và có sức khỏe, may mắn kiếm được chàng rể tốt cho cô con gái độc nhất của mình. Giờ bà có thể thảnh thơi chơi bài với con gái. Nadyezhda Filippovna tầm ngoài hai mươi, có khuôn mặt xanh xao, hơi thấp, thân hình mập mạp. Cô gái đang tì tay lên bàn đọc sách, nhưng từ đôi mắt của cô chẳng ai bảo rằng cô đọc được chút gì ngoài suy nghĩ của chính mình cả. Mà những suy nghĩ của cô thì chẳng có trong cuốn sách. Hai mẹ con im lặng nghe tiếng mưa rơi. Từ trong bếp vọng ra tiếng ngáp dài của người đầu bếp.

Kvashin không có mặt. Trong những ngày mưa gió, anh ta sẽ không đến khu villa dành riêng cho kì nghỉ hè này mà ở lại thị trấn. Trời mưa ẩm khiến bệnh viêm phế quản của anh ta nặng hơn và làm ảnh hưởng tới công việc. Vì thế, trong đầu anh ta có ý nghĩ rằng cứ khi nào bầu trời u ám và mưa gõ lên cửa sổ thì nó khiến sức khỏe người ta đi xuống và tạo ra tâm trạng u uất. Ở thị trấn tốt hơn và thời tiết xấu chẳng mấy khi ảnh hưởng.

Sau khi kết thúc hai ván bài, bà mẹ đảo bài, liếc nhìn con gái: “Mẹ đã bói bài đoán xem thời tiết ngày mai và xem Alexey Stepanovitch (tên đầy đủ của Kvashin) có tới hay không. Đã năm ngày rồi nó không ở đây. Thời tiết thật này chẳng khác nào sự trừng phạt của Chúa cả”.

Cô con gái đáp, giọng ngờ vực: “Hôm qua, con xem phong vũ biểu, thấy khá hơn. Nhưng họ bảo hôm nay lại tệ đi rồi”.

Bà mẹ rải bộ bài thành 3 hàng, rồi lắc đầu, nhìn con gái: “Con nhớ nó rồi à?”

“Tất nhiên rồi, mẹ”.

“Mẹ thấy thế và cũng nghĩ vậy. Nó đã không ở đây năm ngày rồi. Vào tháng Năm thì lâu nhất là hai đến ba ngày, còn lần này thì dài hơn. Đã năm ngày rồi đấy! Mẹ cũng còn thấy nhớ nó nữa là. Hôm qua, thấy phong vũ biểu tăng lên, mẹ đã sai người giết gà và chuẩn bị cá chép cho nó. Bố con không thích ăn cá nhưng chồng con thì luôn ăn một cách say mê”.

Con gái đáp: “Con lo cho anh ấy quá. Ở đây chúng ta đã thấy buồn tẻ, nhưng anh ấy còn buồn hơn nữa, mẹ ạ”.

“Mẹ cũng nghĩ thế! Lúc thì ở tòa án, lúc thì về căn hộ trống không, lọ mọ một mình hằng đêm như con cú vậy”.

“Tệ hơn nữa là ở đó anh ấy chẳng có ai giúp việc, chẳng có ai đun nước cho anh ấy nữa. Tại sao anh ấy không thuê một người giúp việc vào những tháng mùa hè nhỉ? Mà cái villa mùa hè này còn có ý nghĩa gì khi anh ấy chẳng để tâm đến nó cơ chứ? Con đã bảo anh ấy rằng không cần phải giữ cái villa này nữa, nhưng anh ấy bảo ‘để đảm bảo cho sức khỏe của em’. Sức khỏe của con thì có vấn đề gì? Con thấy thật không phải khi anh ấy hi sinh nhiều vì con như vậy”.

Nhìn qua vai mẹ, cô con gái thấy có một lỗi trong mấy con bài. Cô cúi xuống sửa lại chỗ sai. Cả hai mẹ con lại chìm vào yên lặng, hình dung ra cảnh Alexey Stepanovitch cô độc giữa thị trấn trong căn phòng u ám mà làm việc cho đến kiệt sức mà chỉ mong về với gia đình mình…

Đột nhiên cô con gái tươi tỉnh trở lại: “Mẹ này, nếu ngày mai thời tiết vẫn thế này, con sẽ bắt chuyến tàu đầu tiên về thị trấn! Con sẽ phải xem tình hình anh ấy ra sao, phải có người chăm sóc anh ấy, phải có người pha trà cho anh ấy chứ”.

Rồi cả hai bắt đầu băn khoăn không hiểu sao họ lại không nghĩ đến một điều rất đơn giản như vậy từ trước. Từ khu villa này đi tàu về thị trấn chỉ mất nửa tiếng, thêm hai mươi phút đi xe ngựa nữa là đến. Cứ thế, họ đưa câu chuyện vào cả phòng ngủ, và thấy thật mãn nguyện.

Chiếc đồng hồ ngoài phòng lớn gõ hai tiếng, bà mẹ giật mình: “Ôi, không… Chúa tha tội cho chúng con! Mẹ không sao ngủ được”.

Cô con gái thì thầm: “Mẹ cũng chưa ngủ à? Con cứ nghĩ về Alyosha. Con chỉ mong anh ấy đừng hủy hoại sức khỏe của mình ở cái thị trấn đó. Chẳng biết anh ấy ăn uống thế nào nữa. Có lẽ ở nhà hàng và quán rượu”.

Bà mẹ lại thở dài: “Mẹ cũng nghĩ đến điều đó. Cầu mong Đức mẹ lòng lành bảo vệ cho nó. Nhưng còn cơn mưa, còn cơn mưa nữa!”

Sáng hôm sau, mưa đã ngừng nhưng bầu trời còn u ám. Hàng cây trông buồn thảm và mỗi khi có cơn gió nào lướt qua thì nước lại lộp độp rơi xuống. Dấu chân trên con đường ngập bùn, mấy con mương và vệt bánh xe trên đường vẫn còn sũng nước. Nadyezhda Filippovna quyết định lên đường.

Ảnh minh họa.

Bà mẹ quấn thêm áo cho con gái, bảo: “Cho mẹ gửi lời hỏi thăm. Bảo nó đừng nghĩ nhiều về các vụ án làm gì… Phải nghỉ ngơi chứ. Nhắc nó giữ ấm cổ trước khi ra ngoài. Cái thời tiết này thật là… Lạy Chúa cứu giúp chúng con! Mang con gà theo. Thức ăn nhà làm, dù có nguội cũng còn tốt hơn ở nhà hàng”.

Nadyezhda Filippovna lên đường, hẹn mẹ sẽ trở về vào chuyến tàu tối hoặc sáng hôm sau.

Thế nhưng, trước bữa tối rất lâu, khi bà mẹ còn đang gà gật trước chiếc rương trong phòng ngủ nghĩ xem sẽ nấu gì cho con rể, Nadyezhda Filippovna đã về.

Bước vào phòng con gái, lúc này đang vùi đầu vào chiếc gối trên giường, mặt tái nhợt đầy bối rối, im lặng và chẳng buồn bỏ mũ ra nữa, bà mẹ ngạc nhiên hỏi: “Có chuyện gì mới được chứ? Sao về sớm thế? Alexey Stepanovitch đâu?”.

Cô con gái ngẩng đầu lên nhìn mẹ lạnh lùng mà khẩn khoản: “Anh ấy đã lừa dối chúng ta”.

Bà mẹ la hoảng, chiếc mũ rơi khỏi đầu: “Lạy Chúa! Con nói gì thế? Ai lừa dối chúng ta? Lạy Chúa lòng lành!”

Cô con gái lặp lại, cằm rung lên: “Anh ấy đã lừa dối chúng ta, mẹ à!”

Bà mẹ tái mặt: “Làm sao con biết!”

“Chẳng có ai ở căn hộ của chúng ta cả. Người gác cổng bảo Alyosha chưa về nhà ngày nào trong suốt năm ngày vừa rồi. Anh ấy không ở nhà, không hề ở nhà!”

Nadyezhda Filippovna phẩy tay rồi bật khóc, miệng chỉ lảm nhảm trong cơn kích động: “Không ở nhà! Không hề ở nhà!”

Bà mẹ hoảng sợ lẩm bẩm: “Thế nghĩa là sao? Nó viết thư hôm qua bảo là không rời khỏi nhà cơ mà! Vậy nó ngủ ở đâu? Chúa ơi!”

Cô con gái mệt xỉu, chẳng buồn cởi mũ ra, mắt nhìn quanh vô định như thể bị đánh thuốc mê, bấu chặt vào hai tay mẹ.

Bà mẹ gắt lên: “Đã có gì đáng tin đâu, chỉ là lời của người gác cổng thôi mà. Con cũng thật là ghen tuông! Nó không lừa dối con đâu, và không dám lừa dối con đâu. Chúng ta không phải những người dễ lừa như thế. Dù chúng ta là gia đình thương gia, nhưng nó không được phép, vì con là vợ hợp pháp của nó. Chúng ta có thể kiện! Mẹ đã cho con hai mươi nghìn rúp! Mà con thì không muốn của hồi môn!”

Bà mẹ cũng khóc lóc và khoa chân múa tay cho đến khi xỉu đi, nằm bẹp xuống trước chiếc rương của mình. Cả hai đều không nhận ra rằng bầu trời đang xanh trở lại, mây đã trắng hơn và những tia nắng đầu tiên đang thận trọng lướt trên bãi cỏ còn ẩm ướt trong vườn. Mấy con chim sẻ nhảy nhót vui vẻ quanh vũng nước lấp lánh phản chiếu những mây đang lướt qua trên cao.

Tối hôm đó, Kvashin tới khu villa. Trước khi rời thị trấn, anh ta đã về qua căn hộ và biết rằng vợ mình mới tới.

Bước vào phòng, vờ như không nhìn thấy hai khuôn mặt còn vương nước mắt, anh ta vui vẻ: “Con đã về, anh đã về đây! Đã năm ngày rồi chúng ta chưa gặp nhau!”

Nói rồi anh ta nhanh chóng hôn tay vợ và mẹ vợ. Bằng cái vẻ mừng vui của một người vừa hoàn thành một công việc khó khăn, anh ta ngả người trên chiếc ghế bành.

Thở ra một hơi dài, anh ta nói: “Trời ạ, mấy ngày vừa rồi thật là đáng ngại. Anh chẳng có thời gian mà ngồi nữa. Hầu hết cả năm ngày vừa rồi anh phải ở ngoài nhà tạm, chẳng có thời gian mà về nhà. Em tin được không? Anh bận liên lu với các thân chủ của Shipunov và Ivantchikov, rồi thì làm việc tại văn phòng của Galdeyev… Anh chẳng ăn uống được gì, lại còn phải ngủ trên ghế băng nữa, lạnh lắm… Chẳng có phút nào thảnh thơi mà về nhà cả Nadyezhda ạ…”.

Nói rồi, anh ta vòng tay ôm lấy hai vai như thể đang đau nhức, lén liếc nhìn vợ và mẹ vợ xem phản ứng của hai người trước câu chuyện mình vừa nghĩ ra mà anh ta gọi đó là phép ngoại giao đó. Hai mẹ con nhìn nhau mừng rỡ như thể sau tất cả hi vọng và mong chờ, họ đã tìm được một thứ gì đó quý giá đã mất từ lâu… Khuôn mặt họ bừng sáng, đôi mắt lại long lanh…

Bà mẹ vội vã: “Chúng ta ngồi đây làm gì nhỉ? Pha trà thôi! Pha trà ngay! Có lẽ chồng con cũng đói rồi”.

Cô con gái đáp: “Chắc chắn rồi. Mẹ mang rượu vang và đồ ăn ra đi. Natalya, dọn bàn ngay! Ôi, sao chưa chuẩn bị thứ gì vậy nhỉ!”.

Cả hai vỡ òa trong nỗi lo sợ và hạnh phúc, chạy quanh phòng. Bà mẹ chẳng thể nhịn cười trước những điều xấu xa con gái mình vừa nói về người đàn ông vô tội kia còn cô con gái thì chẳng thể nào mà không cảm thấy hổ thẹn.

Đồ ăn nhanh chóng được dọn ra. Kvashin người đẫm mùi rượu vang và rượu mạnh, thở chẳng ra hơi vì no vẫn buộc phải nhấm nháp đồ ăn trong khi tiếp tục kể về những cuộc gặp với thân chủ Shipunov và Ivantchikov. Trong khi đó, hai người phụ nữ trong phòng không thể rời mắt khỏi anh ta với cùng một ý nghĩ: “Thật thông minh và tốt bụng! Một anh chàng thật đẹp mã!”.

Cuối cùng, khi ngả người lên chiếc giường lông vũ êm ấm, Kvashin nhủ thầm: “Thật là bình an! Dù là vợ của những thương gia, dù còn thiếu phông nền văn hóa, nhưng họ thật sự đáng yêu. Mỗi tuần ở đây một, hai ngày cũng thật là thích…”.

Nghĩ rồi, anh ta cuộn mình trong chăn, thiếp đi trong ý nghĩ: “Thật là bình an!”.

ƯU ĐÀM dịch từ văn bản tiếng Anh.