Thứ Tư, 01/09/2021 16:41

Thiếu tướng Trần Minh Tâm - Chính ủy Binh chủng Thông tin Liên lạc

Thời bình vẫn “Đi trước, về sau”

VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Trần Minh Tâm - Chính ủy Binh chủng xoay quanh các hoạt động và truyền thống của Bộ đội Thông tin Liên lạc.

Trong những ngày cả nước khẩn trương chống dịch Covid-19, các lực lượng quân đội càng khẩn trương, quyết liệt, luôn ở tuyến đầu chiến đấu với đại dịch. Có một lực lượng khá lặng thầm nhưng có vai trò quan trọng, vừa là cầu nối vừa trực tiếp đi đầu, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đã góp phần thực hiện nhiều hoạt động rộng khắp trong toàn quân. Đó là Bộ đội Thông tin Liên lạc, những chiến sĩ anh hùng trong thời chiến, thời bình; lực lượng đảm bảo thông suốt mọi thông tin dù có phải hi sinh xương máu; những chiến sĩ quả cảm, bình dị đang hàng ngày làm tốt công việc được giao. Văn nghệ quân đội đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Trần Minh Tâm - Chính ủy Binh chủng xoay quanh các hoạt động và truyền thống của Bộ đội Thông tin Liên lạc.

VNQĐ: Thưa đồng chí Thiếu tướng Trần Minh Tâm! Trong những ngày dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đang tỏa sáng trên mặt trận mới - mặt trận phòng, chống Covid-19. Đối với Bộ đội Thông tin Liên lạc, những ngày qua các đồng chí đã có những hoạt động gì cụ thể góp vào thành tích chung của toàn quân?

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: Trước tiên phải khẳng định từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tháng 1/2020 tại Việt Nam, các đơn vị trong toàn quân theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đã lập tức nhập cuộc, tham gia tích cực và hiệu quả công tác phòng chống dịch. Điều này đã được Chính phủ và nhân dân ghi nhận, hệ thống truyền thông cũng đã nói rất rõ, khẳng định toàn diện hình ảnh tốt đẹp về Bộ đội Cụ Hồ trong phòng chống dịch. Riêng với Bộ đội Thông tin Liên lạc, việc phòng chống dịch Covid-19 đã được xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Không chỉ những ngày này, khi dịch đang hoành hành dữ dội, công tác phòng chống dịch của Bộ đội Thông tin Liên lạc mới khẩn trương, quyết liệt; mà từ trước đó, với đặc thù nhiệm vụ, toàn Binh chủng đã khẩn trương đảm bảo không chỉ thông tin thông suốt, kết nối các đầu cầu cho hàng trăm cuộc hội họp, giao ban trực tuyến, đặc biệt là những cuộc diễn tập quy mô lớn: mà các hoạt động khác như quân bưu, nghiên cứu khoa học, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất đều đạt kết quả tốt, nhất là trong những ngày dịch diễn biến phức tạp.

VNQĐ: Phải nói là hết sức phức tạp! Như thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày số nhiễm mới ước tính tăng vài nghìn ca. Vậy lực lượng quân bưu đương nhiên phải giáp mặt với dịch bệnh hàng ngày để làm nhiệm vụ. Trên toàn quốc cũng vậy, những tâm điểm dịch như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, chiến sĩ quân bưu đều luôn có mặt, đưa công văn giấy tờ, bưu phẩm, bưu kiện kịp thời để toàn quân làm nhiệm vụ. Vậy đến thời điểm này, việc phòng chống dịch trong chính lực lượng Thông tin Liên lạc, nhất là lực lượng quân bưu đã diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: Với Bộ đội Thông tin Liên lạc, lực lượng quân bưu hiện nay đang ở tuyến đầu giáp mặt với đại dịch. Ngay bản thân tôi cũng vừa qua đợt cách li và hai lần xét nghiệm sau khi làm nhiệm vụ. Các chiến sĩ quân bưu thời chiến cũng như thời bình đều vô cùng vất vả, thiệt thòi. Càng vùng tâm dịch, nhiệm vụ càng nhiều càng phải đảm bảo khẩn trương, kịp thời, chính xác. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, chiến sĩ quân bưu càng phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Ví dụ như đường hàng không liên tiếp giảm chuyến bay, thậm chí nhiều tuyến do dịch bệnh đã tạm dừng; đường biển cũng vậy, đường bộ, đường sắt cũng cắt giảm, thậm chí dừng hoạt động một số khu vực do dịch bệnh. Chúng tôi đã bám sát và chỉ đạo liên tục đối với lực lượng quân bưu tuyệt đối phải hoàn thành nhiệm vụ, phát huy nội lực, phương tiện, con người trong toàn lực lượng để làm nhiệm vụ. Có đồng chí vừa hết cách li đã phải lập tức lên đường. Nhiều anh chị em vài ba tháng không được về với gia đình là chuyện bình thường. Cũng thật may mắn và do làm tốt công tác phòng chống, nên hiện tại Binh chủng chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh. Đi chung chuyến bay với F0 rồi cách li cũng tâm lí lắm chứ? Mỗi ngày chiến sĩ quân bưu nơi thành phố Hồ Chí Minh có hàng ngàn ca nhiễm nếu không nghiêm khắc với bản thân, giữ tính kỉ luật cao là khó khăn lắm. Lãnh đạo Binh chủng hết sức cảm thông với các đồng chí trên tuyến đầu. Binh chủng Thông tin Liên lạc cùng với các lực lượng khác trên toàn quân đang cố gắng hết sức mình trong đại dịch.

VNQĐ: Qua thực tiễn tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng Bộ đội Thông tin Liên lạc luôn là lực lượng “Đi trước, về sau”. Thời chiến cũng vậy mà thời bình càng như vậy. Nhưng thực tế không phải ai cũng nhìn rõ điều đó. Xin đồng chí chia sẻ với bạn đọc về vấn đề này.

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: “Đi trước về sau” chính là phương châm hành động, là đặc thù, là sự hi sinh thầm lặng cũng là niềm tự hào của Bộ đội Thông tin Liên lạc. Trong chiến tranh, trước mỗi trận đánh, công tác đảm bảo thông tin đều phải thực hiện trước. Các đường dây đều phải thông suốt tới từng hầm hào trận địa, các vị trí chỉ huy. Có tuyến đường dây phải áp sát đồn bốt, công sự địch. Có chiến sĩ thông tin phải ém sẵn nơi trọng điểm bắn phá ác liệt của địch. Tức là trước giờ nổ súng, người chiến sĩ thông tin đã phải hoàn tất công việc của mình, thậm chí đã phải hi sinh rồi. Còn “về sau” tức là sau trận đánh, chiến sĩ thông tin phải rà soát, thu hồi, kiện toàn lại hệ thống đường dây, máy móc, thiết bị để chuẩn bị cho trận chiến đấu mới. Rất nhiều trường hợp Bộ đội Thông tin hi sinh ở giai đoạn này.

Trong thời bình, Bộ đội Thông tin Liên lạc lại càng phải “Đi trước, về sau”. Các lực lượng khác có thể “diễn tập giả định, phân khúc, bắn mục tiêu mô hình...” riêng Bộ đội Thông tin Liên lạc cứ phải thực chất. Làm thật. Mọi thực hành thao tác, công tác nghiệp vụ đều phải tuyệt đối chính xác. Lúc này càng phải “Đi trước, về sau”.

Thủ trưởng Tổng cục Chính trị dự và động viên cán bộ chiến sĩ Binh chủng Thông tin Liên lạc trong dịp kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Binh chủng (1945-2020)

VNQĐ: Các anh không chỉ “Đi trước, về sau” mà còn “Tiên phong đi trước đón đầu. Táo bạo về đích ngoạn mục”. Chúng tôi muốn nhắc tới Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel được khởi nguồn và khai sinh từ Binh chủng Thông tin Liên lạc. Đó là bước “Đi trước, về trước” ngoạn mục đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Từ ý tưởng của người chiến sĩ thông tin liên lạc tới việc thực hành mạng lưới tập đoàn truyền thông lớn quốc gia, khu vực là một dấu mốc thần kì. Từ cơ sở vật chất ban đầu khiêm tốn tới đóng góp nguồn ngân sách lớn cho Nhà nước càng là dấu mốc đáng tự hào của người chiến sĩ thông tin liên lạc, góp phần khẳng định sự tỏa sáng của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế. Xin đồng chí chia sẻ thêm về vấn đề này.

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: Tập đoàn Viettel là một trong những niềm tự hào của Bộ đội Thông tin Liên lạc. Là người chiến sĩ, ai cũng mong muốn cho Viettel lớn mạnh, trưởng thành. Đất không phụ người, người cũng không phụ đất. Đất nước chúng ta trong quá trình phát triển và hội nhập rất cần có những mô hình phát triển nhanh và bền vững như Viettel. Thế hệ đầu và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Viettel đều cơ bản đến từ Binh chủng Thông tin Liên lạc nên đã phát huy rất tốt vai trò và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ. Đây cũng chính là một trong những nét đẹp truyền thống của chúng tôi. Nói là dấu mốc thần kì cũng không có gì quá. Từ đầu những năm chín mươi, cán bộ chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, nhất là ở Quần đảo Trường Sa còn chưa có sóng điện thoại hoặc rất phập phù, nhưng khi Viettel vào cuộc tình hình lập tức khác hẳn. Chỉ vài năm sóng đã phủ khắp nơi chính là một dấu mốc chứ. Khi Viettel vươn mình lớn mạnh trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu về viễn thông của quốc gia, khu vực, người chiến sĩ chúng ta trong đó có Bộ đội Thông tin Liên lạc có quyền được tự hào. Đó chính là bản lĩnh và tố chất cao đẹp của người chiến sĩ, đó cũng là tiếp nối những bước đi thần kì từ truyền thống của Bộ đội Thông tin Liên lạc.

VNQĐ: Nhắc đến truyền thống của Bộ đội Thông tin Liên lạc, chúng ta không thể quên những ngày đầu thành lập đã sớm nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó cũng là dấu mốc đầu tiên để Bộ đội Thông tin Liên lạc sớm trưởng thành và chiến đấu lập công. Xin đồng chí cho biết những nét khái quát, những chi tiết đặc biệt ở giai đoạn này.

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: Mùa xuân năm 1941, khi về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết lúc này là phải có hệ thống Thông tin Liên lạc phục vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh nắm và chỉ đạo, chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang, chiều ngày 2/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ Cách mạng lâm thời kiêm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng mời đồng chí Hoàng Đạo Thuý, một trí thức yêu nước, có hiểu biết về kĩ thuật thông tin tới Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, phố Ngô Quyền - Hà Nội) bàn nhiệm vụ xây dựng hệ thống Thông tin Liên lạc quân sự trong cả nước. Trong buổi làm việc, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Ta phải có ngay, có thật sớm hệ thống Thông tin Liên lạc riêng cho quân đội. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới và rất hệ trọng, có nhiều khó khăn nhưng phải làm gấp, đừng chờ đợi”. Ngày 7/9/1945, tại số nhà 18 phố Nguyễn Du, Hà Nội, Phòng Thông tin quân sự được thành lập. Đến ngày 9/9/1945, các chiến sĩ thông tin đã cùng với Sở Vô tuyến điện Việt Nam thiết lập xong mạng Vô tuyến điện và mạng liên lạc đặc biệt từ Tổng hành dinh đến các đơn vị, địa phương trong cả nước. Từ đó, ngày 9/9/1945 được xác định là ngày truyền thống của Bộ đội Thông tin Liên lạc.

VNQĐ: Có thể khẳng định, từ rất sớm, Bộ đội Thông tin Liên lạc đã được hình thành và mau chóng trưởng thành cùng với sự trưởng thành của quân đội ta. Việc Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trân trọng mời các trí thức yêu nước trong đó có Hoàng Đạo Thúy ra giúp cách mạng và tham gia quân đội là nền tảng để chúng ta sớm có nguồn tri thức phục vụ kháng chiến. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những thành tích của Bộ đội Thông tin Liên lạc đã góp phần vào thắng lợi chung. Xin đồng chí chia sẻ về điều này.

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: Bước vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, với những trang bị, khí tài hiện có và tận dụng trang bị khí tài thông tin của chế độ cũ (RVT500, MK2, KG3, SST-SST, TM10…), Phòng Thông tin Liên lạc đã tổ chức bảo đảm Thông tin Liên lạc thông suốt giữa Trung ương với các khu, các địa bàn quan trọng, giúp Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo trực tiếp mở đầu Nam Bộ kháng chiến. Để chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến, Phòng Thông tin Liên lạc triển khai lắp đặt đài phát thanh dự bị tại hang Chùa Trầm (Chương Mỹ - Hà Đông) gồm hai máy vô tuyến điện: một máy công suất 200W và một máy công suất 400W. Ngày 19/12/1946, các trạm thông tin trong cả nước đã kịp thời truyền đi bức điện lịch sử: “Tổ quốc lâm nguy. Giờ chiến đấu đã đến. Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng - Tổng chỉ huy, tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân, dân quân tự vệ Trung - Nam - Bắc phải nhất tề đứng dậy. Phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước”. Ngày 31/7/1949, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh chính thức ra nghị quyết Nghị định số 123/NĐ thành lập Cục Thông tin Liên lạc, thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam. Giai đoạn này, mặc dù cơ sở vật chất còn thô sơ, nhưng Bộ đội Thông tin Liên lạc đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn; kết hợp giữa trang bị khí tài tự nghiên cứu, lắp ráp và khí tài thu được của địch để, bảo đảm tốt Thông tin Liên lạc trên các chiến trường, nhất là các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947; Chiến dịch Biên giới 1950...

VNQĐ: Và đặc biệt là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ...

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, lực lượng Thông tin Liên lạc đã có sự phát triển mạnh, trang bị kĩ thuật được bổ sung, cải tiến, chất lượng được nâng lên. Tổng Quân ủy và Bộ Tư lệnh chỉ đạo, chỉ huy các chiến trường cả nước mở cuộc tiến công chiến lược, Bộ đội Thông tin Liên lạc với phương pháp liên lạc theo mạng và vượt cấp, liên lạc vô tuyến điện đã bảo đảm liên lạc chiến lược tới từng chiến trường. Không một chiến trường nào không nhận được sự chỉ đạo chiến lược thông qua liên lạc vô tuyến điện. Đây cũng là lần đầu tiên ở chiến trường Bắc Bộ, thông tin liên lạc đưa vào sử dụng liên lạc vô tuyến điện thanh (bộ đàm) làm phong phú thêm các phương tiện chỉ huy chiến đấu.

Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Cục Thông tin Liên lạc xác định kế hoạch tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc bằng điện thoại giúp cho việc chỉ đạo, chỉ huy “đánh chắc, tiến chắc” từ khi nổ súng đến khi chiến dịch kết thúc thắng lợi. Cùng với đó, mạng liên lạc vô tuyến điện được tổ chức, sắp xếp lại, sẵn sàng thay thế cho điện thoại khi bị đứt. Toàn mạng từ Bộ Chỉ huy chiến dịch đến các Đại đoàn, từ Đại đoàn xuống các Trung đoàn, Tiểu đoàn và Đại đội mũi nhọn, các trận địa pháo mặt đất, pháo cao xạ, cối 120mm, các đài quan sát… đều thông suốt. Trong chiến dịch này, Bộ đội Thông tin Liên lạc đã có bước tiến mới về phương thức tổ chức bảo đảm cho tác chiến trong chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất là phòng ngự tập đoàn cứ điểm. Đây là tiền đề vững chắc, cột mốc lịch sử cho Bộ đội Thông tin Liên lạc trong cuộc chiến đấu tiếp theo.

VNQĐ: Như chúng ta đã biết, bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, trang bị khí tài thông tin liên lạc của ta đã có sự phát triển, với nhiều chủng loại và hiện đại hơn so với thời kì chống thực dân Pháp. Mạng thông tin liên lạc quân sự được kết hợp với thông tin bưu điện của Nhà nước và thông tin nhân dân, hình thành nên một mạng lưới rộng khắp và vững chắc trên hậu phương miền Bắc, vươn dài theo dãy Trường Sơn, nối liền với các chiến trường miền Nam và các nước Đông Dương. Xin đồng chí Chính ủy nói rõ thêm về những dấu mốc, những chiến công của Bộ đội Thông tin Liên lạc.

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: Ngày 31/1/1968, Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc được thành lập, chuyển tiếp từ Cục Thông tin Liên lạc. Đây là cột mốc có ý nghĩa quan trọng đối với truyền thống xây dựng, trưởng thành của Binh chủng. Giai đoạn này, Bộ đội Thông tin Liên lạc đã giữ vững mạch máu thông tin thông suốt, vững chắc, bảo đảm chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ, bảo vệ miền Bắc, xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới; chuẩn bị lực lượng thông tin liên lạc phục vụ cách mạng miền Nam, giúp bạn Lào và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng, đáp ứng sự lớn mạnh của các hướng chiến trường, tiêu biểu như bảo đảm Thông tin Liên lạc đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ (1965-1968); Chiến dịch Đường 9 Khe Sanh; Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968; Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và đánh thắng Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mĩ (1969-1973).

Trong Chiến dịch Trị Thiên năm 1972, Bộ đội Thông tin Liên lạc đã xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cả về hữu tuyến điện, vô tuyến điện, vô tuyến điện tiếp sức và thông tin chuyển đạt, tạo thành mạng lưới thông tin rộng khắp, vu hồi vững chắc bảo đảm cho chỉ huy chiến đấu. Do vậy, mặc dù thời gian chiến dịch dài, ác liệt, nhưng thông tin liên lạc vẫn bảo đảm tốt cho chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng; đồng thời, rất coi trọng việc tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc bảo đảm cho công tác trinh sát nắm địch, cho công tác vận chuyển và nghi binh chiến dịch.

Trong chiến dịch này, đã xuất hiện gương chiến đấu của đồng chí Mai Ngọc Thoảng, Hạ sĩ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Thông tin thuộc Đại đội 18, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Mặt trận B5. Năm 1972, đồng chí tham gia chiến dịch Quảng Trị. Trong điều kiện bom đạn hết sức ác liệt, đồng chí đã chỉ huy dẫn đầu tiểu đội, dũng cảm, mưu trí, vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để sửa chữa đường dây. Ngày 14/7/1972, khi đang vượt sông Thạch Hãn dưới làn bom đạn địch để nối, sửa chữa đường dây thì hàng chục quả pháo bắn tới, đồng chí vẫn cố gắng cắn chặt dây vào miệng để liên lạc được thông suốt và tiếp tục bơi vào bờ. Đồng chí đã bị ngất, nhưng sau khi tỉnh dậy lại tiếp tục nối, sửa dây. Cuối tháng 7/1972, tiểu đội còn 5 người. Địch đánh phá ác liệt, trời mưa nhiều, nhiệm vụ bảo vệ đường dây trong thành cổ gặp nhiều khó khăn, đồng chí đã động viên anh em: “Dù khó khăn ác liệt thế nào cũng cương quyết giữ vững thông tin liên lạc”. Có thể nói, hành động của đồng chí Mai Ngọc Thoảng là minh chứng sinh động về tinh thần dũng cảm của Bộ đội Thông tin Liên lạc với khẩu hiệu “Đâu cần thông tin có, khó mấy thông tin vẫn thông suốt”; “Đứt dây như đứt ruột” “Gãy cột như gãy xương”; “Dây chưa thông thì không ăn không ngủ/ Dây thông rồi thì ăn ngủ mới yên”.

Trong cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mĩ trên miền Bắc, 5 đồng chí chiến sĩ nữ thuộc Tiểu đội 3, Đại đội 6, Tiểu đoàn 78, Trung đoàn Thông tin quân bưu 130, đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin quân bưu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972 đã không quản gian nguy, nhận và chuyển hàng nghìn công văn hẹn giờ, công văn hỏa tốc, giao hàng tấn văn kiện, thư từ, điện báo tới các sở chỉ huy, đơn vị chiến đấu. Cảm phục tinh thần dũng cảm của 5 nữ chiến sĩ trong tiểu đội, đồng chí Thượng tướng Văn Tiến Dũng khi đó là Tổng Tham mưu trưởng đã tặng danh hiệu cho Tiểu đội là “Những cô gái tên lửa”.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cán bộ, chiến sĩ thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, quân bưu ở các cấp chiến lược, chiến dịch, chiến đấu trong các quân, binh chủng, quân khu, quân đoàn và bộ đội địa phương đã phục vụ tốt các chiến dịch, các trận đánh, các giai đoạn chiến đấu và hành quân thần tốc. Các lực lượng thông tin chiến dịch mở màn giải phóng Buôn Ma Thuột vừa bảo đảm tốt thông tin phục vụ chiến đấu vừa làm nhiệm vụ nghi binh thông tin, bảo đảm tuyệt đối việc giữ bí mật ý đồ chiến lược và ý định chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 7/4/1975, chiến sĩ báo vụ Nguyễn Bá Lứu, Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 205 đã truyền bức điện số 157-H-TK của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, gửi các Bộ Tư lệnh toàn miền Nam: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng được kéo lên nóc Dinh Độc Lập cũng là lúc Tổ đài vô tuyến điện tiếp sức P401 mang số hiệu FB-4387 của Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 134 do đồng chí Trần Văn Thủy phụ trách đã triển khai xong hệ thống thông tin tiếp sức ngay trên nóc Dinh truyền đi bức điện lịch sử: “Bộ đội ta đã làm chủ toàn bộ thành phố Sài Gòn, ngụy quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện”.

Đó là những dấu mốc vẻ vang của Bộ đội Thông tin Liên lạc.

VNQĐ: Đúng là những dấu mốc đã đi vào lịch sử! Bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Binh chủng được Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm, đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Hệ thống thông tin liên lạc quân sự phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá, nhất là về quy mô, công nghệ, phương thức bảo đảm, độ ổn định, tính vững chắc ngang tầm với trình độ công nghệ trong khu vực; phục vụ tốt nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, các hoạt động lớn của Đảng, Nhà nước. Đây vừa là trách nhiệm lớn lao vừa là niềm tự hào của người chiến sĩ thông tin liên lạc. Xin đồng chí chia sẻ vấn đề trên với bạn đọc.

Thiếu tướng Trần Minh Tâm: Sau 10 năm thực hiện chủ trương xây dựng Binh chủng Thông tin Liên lạc tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, XI, Binh chủng đã làm tốt chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quản lí, chỉ huy, điều hành hệ thống Thông tin Liên lạc toàn quân; thực hiện quản lí Nhà nước về quốc phòng trong lĩnh vực Thông tin Liên lạc; tích cực, chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả “Chiến lược phát triển hệ thống Thông tin Liên lạc quân sự giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiếp tục quy hoạch, phát triển hệ thống thông tin quân sự phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; nâng cao dung lượng, chất lượng dịch vụ, tính ổn định, độ vững chắc, bảo đảm Thông tin Liên lạc “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi tình huống.

Cùng với quy hoạch, đầu tư mua sắm, nghiên cứu, chế tạo trang bị, khí tài thông tin, Binh chủng đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố con người, coi đây là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định. Đây chính là quán triệt quan điểm “người trước, súng sau” của Hồ Chủ tịch. Binh chủng tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ có lập trường chính trị vững vàng; thấu suốt nhiệm vụ của Quân đội và vị trí, vai trò của Bộ đội Thông tin Liên lạc trong tác chiến hiện đại; có tinh thần chịu đựng gian khổ, hi sinh; khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng Binh chủng của thế hệ trẻ.

Thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng Binh chủng Thông tin Liên lạc hôm nay đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, đoàn kết một lòng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Binh chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước; xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ đội Thông tin Liên lạc: “Đã có cố gắng, cần luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kĩ thuật, bảo đảm công tác Thông tin Liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, ngày càng tiến bộ, lập nhiều thành tích mới”.

VNQĐ: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy!

PV