Thứ Bảy, 12/04/2025 05:06

Thơ Lưu Quang Vũ - chiến tranh, em và tôi

Lưu Quang Vũ thành công ở nhiều thể loại. Tuy vậy, thơ mới thật sự là tâm hồn anh, mê đắm lẫn hoài nghi, mặc cảm và kiêu hãnh... (TS. LÊ THỊ HƯỜNG)

. TS. LÊ THỊ HƯỜNG

Lưu Quang Vũ thành công ở nhiều thể loại. Tuy vậy, thơ mới thật sự là tâm hồn anh, mê đắm lẫn hoài nghi, mặc cảm và kiêu hãnh; bóng tối đêm đen và chân trời biếc. Từ thuở tuổi hai mươi, ngọn bút thơ của Lưu Quang Vũ đã quệt những vệt màu khác trên nền thơ chống Mĩ nhiều giọng điệu. Trầm tư về đất nước, quê hương, thế sự và bản ngã. Chiến tranh, em và tôi... Thơ Lưu Quang Vũ bùng nhùng ngổn ngang tâm trạng. Cuộc đời mỏng mà ước vọng thì đầy, khao khát hiến dâng mà cô đơn trống trải, có lúc nhà thơ không tránh khỏi mặc cảm bị ruồng bỏ: Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh/ Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao? (Anh đã mất chi, anh đã được gì? - tập Hương cây).

“Dẫu trơ trọi trong lạnh lùng bóng tối”

Viết về chiến tranh lúc tuổi hai mươi, như mọi chàng trai trẻ vác ba lô vào chiến trường, thơ Lưu Quang Vũ ánh lên cái nhìn hồn hậu về đất nước, quê hương:

Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu

Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước

Nơi bài hát lên đường ta hẹn ước

Nơi góc vườn ta để quên chùm hoa

(Vườn trong phố - tập Hương cây)

Giai đoạn này thơ Lưu Quang Vũ là những hoài niệm về một thời bình yên, về vẻ đẹp văn hóa dân tộc, một nơi chốn tuổi thơ, những đời thường yên ả:

Mà chiều rồi ngoại ô xanh đàng xa

Nhấp nháy lửa hàn vui phố cũ

Một con tàu chạy về ga Hàng Cỏ

Khung cửa nào cũng có mặt người thương

(Chưa bao giờ - tập Hương cây)

Cũng tuổi hai mươi, bên cạnh những vần thơ trong trẻo lấp lánh nắng hoa, có lúc nhà thơ thở hắt ra nỗi buồn khi nhìn chiến tranh từ nhiều phía. Nhà-thơ-tuổi-hai-mươi đã “nói to” lên những mặt sau cuộc chiến, hình ảnh thơ trần trụi chẳng cần uyển ngữ: Anh đã đi dằng dặc những ngả đường/ Những rừng tối mịt mù muỗi độc/ Cuộc chiến tranh tàn ác/ Xô tháng ngày vỡ nát nối nhau trôi (Quán cà phê ngoại ô - 1972)[1]. Chiến tranh từ cái nhìn của người trong cuộc thật đến tàn nhẫn: Lửa cháy đỏ trời bốn phía ngoại ô/ Tro lả tả xuống mặt gầy hoảng hốt/ Bom ném lên cao những đường tàu gãy nát/ Những bàn ghế những lá thư những cánh tay người… (Ghi vội một đêm 1972). Vượt qua những rào cản diễn ngôn, nhà thơ đã chạm đến nỗi đau riêng nhưng cũng là nỗi đau dân tộc: Cô gái mười lăm đã không còn thiếu nữ/ Dưới mái tóc quăn trơ trụi vai gầy (Những tuổi thơ); Người thiếu phụ già nua/ Giọt nến trắng chảy ròng như nước mắt (Những ngọn nến). Chiến tranh và phấp phỏng chia xa, khát khao và ẩn ức, tình yêu song hành cùng ám ảnh về cái chết:

Chúng mình chẳng nhận ra nhau

Đứng giữa hai ta là những người đã chết

Bóng họ che đen sì cả mặt

Những vết thương rách nát

Những nụ cười từ lâu đã tắt

Như tuổi trẻ sớm tàn trong cay cực của ta

(Mặt trời trong nước lạnh - 1972)

Cái chết trở thành nỗi ám ảnh cả trong những vần thơ tình viết cho những người phụ nữ đi qua đời để lại nỗi buồn sầu cô độc:

Gió thổi qua ngôi nhà tối

Mùa đông cây gầy lá rơi

Mùa đông bao nhiêu người chết

Tiếng súng tiếng loa gầm thét

Đêm dài buồn bã nhớ em

(Vẫn thơ tình về một người đàn bà không có tên (II) - 1972)

Nay một mình trở lại ngoại ô mưa

Lụp xụp quán cà phê ngày cũ

Chiến tranh mãi, bạn đã nằm dưới mộ

Em nơi nào trong tít tắp chia xa

(Quán cà phê ngoại ô - 1972)

Ảnh minh hoạ.

Lưu Quang Vũ hồi ức về chiến cuộc từ những trầm cảm nội tâm. Nhiều nhà thơ đã khắc tạc chân dung thế hệ chống Mĩ với cái nhìn hào sảng. Bên cạnh những câu thơ đồng điệu, nỗi buồn đã sớm chi phối cái nhìn thế hệ của Lưu Quang Vũ. Có lúc nhà thơ thở hắt ra tâm trạng chông chênh trong cuộc hiện tồn: Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt/ Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông. Lưu Quang Vũ đã nhìn, nghiền ngẫm chiến tranh vừa với nhãn quan của người trong cuộc, vừa với mặc cảm của một nhà thơ giàu tình yêu, thừa nhiệt huyết nhưng luôn dằn vặt bởi tâm lí đứng bên lề cuộc chiến, đứng xa những gian khổ của dân tộc. Phải chăng những mâu thuẫn giằng xé thành mặc cảm khiến “tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh”, khiến anh “có lúc ngỡ mình không còn chịu nổi” là vậy?

Anh bỗng vặn ngón tay mình đau nhói

Không chịu được cái bầu trời ướt sũng nước mưa

(Có những lúc - 1972)

Những dòng thơ giằng xé giày vò

Là mây trắng của một đời cay cực

(Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (III) - 1973)

Mặc cảm sống thừa, mặc cảm thơ mình như “cuốn sách xếp lầm trang” của một người thơ luôn trăn trở vì đất nước, quê hương đã làm nên giọng điệu bi thương, hoài niệm. Hoài nghi, lo âu, những trạng thái lưu đày tâm tưởng, những nghiệm suy… khiến cho những “dằn vặt cuộc đời anh” mang ý nghĩa phổ quát về triết lí phận người. Những bài thơ tuổi trẻ của Lưu Quang Vũ sớm bộc bạch nỗi cô đơn: Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực; Mỗi con người như một vật thể cô đơn; Anh bỏ hồ trong, bỏ vườn cây mát/ Tìm chân trời nhưng chỉ thấy cô đơn; Nỗi cô đơn hoàn toàn và cô đơn khủng khiếp/ Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách (Mấy đoạn thơ… - 1971). Giữa những vần thơ cô độc, câu hỏi bản thể - một ẩn số hiện sinh, vô thức dội về trong thơ Lưu Quang Vũ:

Bài hát trong một cuốn phim cũ

Thức dậy giữa đêm dài

Thằng người bé nhỏ

Đứng trước mịt mùng sóng vỗ

Ta là ai

Ta đến làm gì?

(Bài hát trong một cuốn phim cũ)

Ta là ai? Ta đến làm gì? Câu hỏi nhân vị trở thành câu hỏi lớn, ám ảnh, nhức nhối, làm đau những trang thơ của một thời tuổi trẻ. Ta là ai? Khi Lưu Quang Vũ viết về thằng người nhỏ bé, người điên, anh hề xiếc, có thể nói, đằng sau những mặt cười đó là cái bóng âm (shadow), cái tôi ẩn khuất của nhà thơ: Anh hề xiếc đã già/ Không làm ai cười nữa (Bài hát trong một cuốn phim cũ); Cái tuổi trẻ ồn ào mà cơ cực của ta/… Như anh điên trước quán tóc bù xù/ Cứ mỉm cười bí hiểm dõi nhìn ta; Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường/ Thân tiều tụy ôm mặt cười lặng lẽ (Quán cà phê ngoại ô - 1972). Truy tìm bản thể - trầm uất và trầm luân - căn tính của hiện sinh đã sớm in dạng ẩn hình trong nhiều vần thơ Lưu Quang Vũ, làm thành một phong cách trong dòng thơ chống Mĩ. Cái tôi không ở chốn này, cũng chẳng ở chốn kia; có hối hả đi tìm mình cũng chỉ thấy vắng tênh giữa đời chật chội. Trên phương diện kí hiệu ngôn ngữ, những từ “rỗng”, “không”, “mất”… xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ khá dày:

Giờ lạnh tanh không còn xao động nữa

Không nỗi buồn không cay đắng không niềm vui

(Anh đã mất chi anh đã được gì - tập Hương cây)

Có những lúc tâm hồn tôi rách nát

Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn

Một tấm gương chẳng biết soi gì,

Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì,

Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng

Thành phố đầy bụi bặm

Những mặt người lì nhẵn chen nhau

(Có những lúc - 1972)

Đêm nay tôi chẳng biết lối về

Phía nào cũng hàng rào trước mặt

Thế giới có bao nhiêu tường vách

Ngăn cản con người đến với nhau

(Mấy đoạn thơ - 1971)

“Những bông hoa không chết bao giờ”

Bi cảm chiến tranh lấp đầy trên những dòng thơ tình yêu, thiên nhiên lẫn phận người. Có lạc điệu chăng khi giữa những vần thơ tập trung về nỗi đau lớn của cộng đồng dân tộc, Lưu Quang Vũ lại đặt ra câu hỏi Ta là ai? Có lạc lõng chăng khi số phận cá nhân lùi lại sau số phận cộng đồng, khi một nỗi đau riêng rơi vào “điểm mù” của thi ca thì anh lại loay hoay với câu hỏi hoài nghi bản thể? Nỗi buồn này, tiếng thơ trầm thống kia có thể chỉ là tiếng nói của riêng Lưu Quang Vũ nhưng cùng hằng số khi con người tri nhận phi lí hiện tồn. Những trạng thái lưu đày tâm tưởng, những nghiệm suy về cái chết… khiến cho những “dằn vặt cuộc đời anh” mang ý nghĩa phổ quát phận người. Dẫu viết nhiều về đau thương mất mát, chia lìa tan tác nhưng thơ Lưu Quang Vũ không bi quan, từ trong sâu thẳm của tâm hồn cô độc vẫn ấm áp niềm tin, như những bông hoa không chết bao giờ. Xen giữa những con chữ mô tả nỗi đau trần trụi là những dòng chữ lấp lánh tin yêu như tháng Giêng tới, mầm non cây bật dậy; Vết thương đang lên da, cỏ mọc chân tường gạch vỡ; Con mắt xanh của đêm và của suối... (Hai bài thơ xuân - 1974); Những bạn bè đã chết/ Cũng sẽ trở về như những bông hoa/ Cắt xuân trước, tháng giêng sau lại mọc/ Những bông hoa không chết bao giờ (Những bông hoa không chết - 1971). Chia xa và trở về, tàn lụi và bung nở, chết và hồi sinh... là tứ thơ xuyên suốt, thể hiện niềm tin vào cuộc sống:

Hải Phòng mùa đông quán nước cũ

Những bình hoa đã vỡ

Hoa bằng lăng sót lại

Ướt đẫm trước hiên nhà

(Hải Phòng mùa đông - 1972)

Những bông hoa tím của mùa hè

Đã nở đầy trên phố

Cánh hoa nhòe trong mưa tơi tả

(Mặt trời trong nước lạnh - 1972)

Hoa xuất hiện nhiều trên những trang thơ làm nên cái mềm mại, đắm say của thơ Lưu Quang Vũ. Màu bằng lăng sót lại ngỡ như lạc lõng đến chơi vơi giữa ầm ào bom đạn, trên đổ nát hoang tàn. Nhưng bên cạnh hủy diệt và tàn phá mãi mãi vẫn còn một màu hoa rực vàng ở lại: Nơi ấy em về mưa sẽ tạnh/ Hoa cúc nở vàng trên cánh tay (Không đề II - 1972). Cái đẹp phục sinh từ nỗi bi ai:

Mai em đi mùa hạ cũng qua rồi

Tôi ở lại một mình trên phố vắng

Hoa cúc rối chiều xuân nào tôi đến

Chẳng gặp em, chỉ màu hoa vàng rực

Đêm nay về đốt lửa giữa hồn tôi

(Lá thu - 1972)

Không chỉ là nỗi buồn đơn độc, nhiều vần thơ của Lưu Quang Vũ ánh lên niềm kiêu hãnh sống: Nhưng từ đáy nỗi buồn tôi thăm thẳm/ Một cái gì như nhựa thắm trong cây/ Một cái gì trắng xóa tựa mây bay/ Là hoa gạo của lòng tôi chẳng tắt (Có những lúc). Không chỉ có đêm đen và bóng tối trong thơ Lưu Quang Vũ. Điều đáng nói là niềm tin yêu vẫn ánh lên trong từng bài thơ viết về đêm tối - dẫu có khi chỉ từ những cơn mơ:

Đêm sâu quá đêm nào biết ngủ

Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi

Mà có ngủ đâu, người ta đợi mặt trời

Đợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy

(Bầy ong trong đêm sâu - tập Hương cây)

Cái niềm tin ấy tràn trề trong những vẫn thơ tuổi hai mươi và sau những năm tháng đối mặt với nỗi đau vẫn lấp lóe trong những vần thơ “đen”, ánh lên giữa bóng tối hư vô: Tôi phải đốt lên một cái gì/ Cho sáng rực giữa chênh vênh vực thẳm (Có những lúc). Niềm tin ấy được mã hóa thành hệ biểu tượng “mặt trời, ánh sáng, biển chiều chấp chới hải âu, mảnh vườn xanh, đêm xanh biếc, bầy ong đi kiếm mật, bếp lửa, cánh diều trắng, cánh chim xanh, tia nắng, màu hoa vàng rực, cánh buồm...”. Khát khao sáng tạo, dễ hiểu vì sao Lưu Quang Vũ thường viết về những cánh buồm - cánh buồm thuở hai mươi và cánh buồm chấp chới giữa những ngày gần như cùng cực và bế tắc:

Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm

Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc

Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất

Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi

(Vườn trong phố - tập Hương cây)

Những quyển sách tôi cất dưới ngăn bàn

Có giấc mộng về cánh buồm đỏ thắm

(Những bạn khuân vác - 1971)

Cái “đắm đuối” trong thơ Lưu Quang Vũ vẫn bàng bạc, hòa quyện với giọng buồn thương: Cánh chim vàng lạc đến đỉnh rừng hoang/ Nay trở lại với cỏ mềm quả ngọt (Từ biệt - 1972).

Những bài thơ của Lưu Quang Vũ đã đi trước thời đại. Vật vã sống, khát vọng dồn hết vào thơ. Thơ như một kênh xả để Lưu Quang Vũ trút lòng. Ở đó cái tôi nghệ sĩ bộc lộ hết mình. Tuổi trẻ thống khổ của Lưu Quang Vũ không kìm hãm nổi xung năng sáng tạo của nhà thơ. Cái tôi xã hội vừa đồng nhất vừa đối kháng với cái tôi nghệ sĩ khiến phức cảm và kiêu hãnh chồng chéo trong thơ ông. Có vẻ như mặc cảm đứng ngoài lặn vào bên trong, thăng hoa thành những câu thơ đầy trăn trở. Nỗi cô đơn sáng tạo, dẫn đến mặc cảm bị bỏ rơi, khi “những bài thơ mình viết biết cho mình”, “những bài thơ anh viết ra, chỉ một mình anh đọc”, khi thơ anh như “cuốn sách xếp lầm trang”. Hơn lúc nào hết, nhà thơ mong một sự đồng cảm, sẻ chia: Đừng hiểu sai lòng tôi, Làm việc cô đơn thật là quá sức (Nói với mình và các bạn - 1970).

Từ những xác người ngã xuống, Lưu Quang Vũ ngẫm về mình, về thơ, không như những tuyên ngôn nghệ thuật mà từ khát vọng. Những vần thơ ra đời trong khao khát lẫn hoài nghi, trong hối hả của tồn sinh và dự phóng vẫn lấp lóe niềm kiêu hãnh về sứ mệnh của thi ca: Thơ không phải là chứng minh/ Không phải là hào quang phản chiếu của tấm gương/ Thơ là bó đuốc đốt thiêu bàn tay thắp lửa/ Thơ sinh sự với cuộc đời không ai dừng bước cả/ Càng thương yêu càng không vừa ý mọi điều// Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa/ Những tình yêu những ước vọng thiết tha/ Dẫu bay đi không một lời đáp lại/ Dẫu trơ trọi trong lạnh lùng bóng tối/ Dẫu đường dài xa ngái/ Đừng phút nào mệt mỏi, thơ ta ơi (Nói với mình và các bạn - 1970); Tôi nguyên chất tôi đi tìm đôi cánh/ Để cuối cùng gặp được biển khơi/ Mặn xé lòng là muối biển đấy thôi/ Lên ghềnh đá chênh vênh tôi viết/ Những dòng chữ không sóng nào xóa được (Móng tay trên đá - 1973).

Lưu Quang Vũ tìm đến thơ như một cách thức lấp đầy hữu thể. Chiến tranh - em - và tôi, những liên kết đa văn bản khiến thơ Lưu Quang Vũ có chiều sâu; đôi bài dài rườm, nhiều câu thơ dễ dãi nhưng là biểu hiện của cảm xúc đè nén và òa vỡ. Có những ý thơ phơi hết ra bên ngoài và có nhiều dòng thơ sâu lắng khi Vũ lắng nghe tiếng nói của chính mình.

L.T.H

---------

 

[1] Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển thơ), Nxb Hội Nhà văn, 2018