Thứ Hai, 14/07/2025 07:30

Thơ của Trương Thị Bách Mỵ

Cơn mưa trở về canh gác đền đài/ Canh gác những đôi mắt người thiếu phụ không nhìn ra song cửa

Đường về nhà

Con rắn trườn qua ngực mùa hè
Từng chùm bồ công anh dẫn lối con đường trắng xoá
Con đã đủ những ngày mưa của mẹ
Đủ lặng im trăng cũ chốn sương mù
Cỏ lấn thịt da con và nấm mọc
Trên tàng hương gỗ mục rừng già
Con rắn trườn lên những thân cây đã ngã
Sức nặng hơn nhiều dãy núi đá quanh làng

Có phải mẹ đang gọi con không mẹ?
Kí tự bàn tay dâng lên bầu trời
Buổi sáng những hàng cây mở lối tiếng kèn
Ánh sáng dắt con về ngôi làng cũ

Có phải cha đang gọi con không?
Cơ bắp mùa đông sần sùi ngọn núi
Bước chân cha giậm xuống con đường
Buổi sáng cánh đồng phủ màu da trâu nước

Có phải chúng ta đang gọi nhau, những bàn chân dò mềm sỏi đá
Sương mù kéo qua hồi hải mã
Tóc thành cây mùa trụi lá bên trời

Có phải mẹ đang gọi con không?
Về ngồi dưới đêm trăng nhìn mưa ngả nghiêng đồi lá sắn
Con hỏi mẹ: Sư Giác Duyên vớt nàng Kiều vào ngày mưa hay nắng
Vậy mà mùa đông nào mưa cũng mang vòng ôm của mẹ lặn lội tìm con

Có phải chính con đang gọi con không?
Con đường trải cói lên màu nắng mới
Mỗi lần nhắm mắt lại con nghe tiếng máy ca nô chảy trên sông về sáng
Mùa xuân thức dậy một dấu nằm thơ ấu.


Cơn mưa đền đài

Cơn mưa trở về canh gác đền đài
Canh gác những đôi mắt người thiếu phụ không nhìn ra song cửa
Tháng mười một trăng run và lá rụng
Bước chân rả rích khung trời

Cơn mưa trở về thăm viếng đất đai
Lời cách xa thấm đầm kẽ tóc
Chiếc khăn mat’ra(1) giữ tròn nguyện ước
Gương mặt em - Thánh địa - Bốn mùa

Cơn mưa trở về trên ngọn nắng hôm qua
Đàn chim bay vào nhớ thương ngày cũ
Tiếng thời gian cấy cày trên gạch đá
Mùa rêu xanh vây kín lấy chỗ ngồi

Mưa trở về nỗi buồn lạ thành quen
Đứng như mẹ nhìn con qua ô cửa
Nỗi quẩn quanh đỡ tiếng khèn lên núi
Ngày mênh mông vọng lại một con đường

Cơn mưa trở về canh gác mùa màng
Naga(2) ngóc đầu vào một cơn giông về sáng
Che cho mưa không phạm lời giới hạnh
Cánh rừng xưa trầm thơm tên vết thương

Cơn mưa trở về canh gác đền đài
Canh gác những đôi mắt người thiếu nữ không nhìn ra song cửa
Tháng mười một trăng ướt và lá rụng
Bước chân rả rích khung trời.


--------
1. Khăn làm bằng tơ, có họa tiết tinh xảo - biểu tượng sự dịu dàng, hồn hậu của phụ nữ Chăm.
2. Naga trong tiếng Phạn nghĩa là rắn lớn. Linh vật mang ý nghĩa kết nối cõi nhân gian – thiên giới, là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước, thiên nhiên, giúp mùa màng tốt tươi… trong văn hóa Chăm.