Chủ Nhật, 03/11/2019 07:03

Thiếu tướng Trần Duy Hưng, Chính ủy Tổng cục Kĩ thuật: Chảy trong huyết quản người lính kĩ thuật là say mê sáng tạo, tính kiên trì, khoa học với công việc

Nhắc đến lịch sử dân tộc Việt Nam, không thể không nói đến những thắng lợi ở các cuộc chiến vệ quốc vĩ đại với kẻ thù mạnh hơn chúng ta bội phần

Thiếu tướng Trần Duy Hưng

Nhắc đến lịch sử dân tộc Việt Nam, không thể không nói đến những thắng lợi ở các cuộc chiến vệ quốc vĩ đại với kẻ thù mạnh hơn chúng ta bội phần. Một trong nhiều điểm khiến cả thế giới thán phục ở các cuộc chiến ấy chính là những vũ khí bí mật: nỏ thời An Dương Vương, những bãi cọc gỗ trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, hỏa súng của Trần Khát Chân bắn thủng thuyền Chế Bồng Nga thời Trần, “quả bộc phá” 1000kg ở đồi A1 trận Điện Biên Phủ kháng Pháp, những cải tiến tên lửa Sam 2, pháo phòng không và sự sáng tạo, tài tình trong cách đánh của bộ đội ta diệt pháo đài bay B52 Mĩ ở trận chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972… Tất cả những điều đó khẳng định sự sáng tạo tuyệt vời của quân, dân ta trong phát minh, cải tiến để có những vũ khí đặc hiệu dành cho kẻ thù.

Nhân kỉ niệm 45 năm ngày thành lập Tổng cục Kĩ thuật, đơn vị quản lí vũ khí trang bị của quân đội ta hiện nay (10/9/1974 - 10/9/2019), phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Trần Duy Hưng, Chính ủy Tổng cục Ki thuật xung quanh công việc của những người lính kĩ thuật trong thời hiện đại.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy, sẽ có nhiều người thắc mắc rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ năm 1944 mà tại sao đến tận ngày 10/9/1974, Tổng cục Kĩ thuật mới được thành lập, trong khi đó, với mỗi người lính, đi liền với họ luôn là vũ khí, trang bị?

Thiếu tướng Trần Duy Hưng: Chúng ta có thể hiểu thế này, trong những ngày đầu non trẻ, vũ khí, trang bị quân đội ta còn hết sức thô sơ, cơ bản là tự chế và cướp của giặc. Cùng với thời gian, qua kháng chiến chống Pháp đến chống Mĩ, quân đội ta càng ngày càng lớn mạnh, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị kĩ thuật (VKTBKT) hiện đại; cùng với đó, sau các cuộc chiến tranh, ta thu hồi được nhiều VKTBKT chiến lợi phẩm, làm cho số lượng, quy mô của vũ khí, trang bị ngày càng lớn. Để đáp ứng yêu cầu cất giữ, quản lí, thực hiện bảo đảm trang bị, bảo đảm kĩ t­huật cho các lực lượng vũ trang, bảo đảm kĩ thuật cho VKTBKT, đòi hỏi phải có hệ thống kho tàng, trạm xưởng, các trung tâm nghiên cứu cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên kĩ thuật đông đảo. Đặc biệt, để giải phóng miền Nam, chúng ta cần có một cơ quan chiến lược để tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác kĩ thuật quân sự. Chính vì thế, ngày 10/9/1974, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã thay mặt Hội đồng Chính phủ kí nghị định về việc thành lập Tổng cục Kĩ thuật thuộc Bộ Quốc phòng nhằm “giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các công tác quản lí, trang bị, bảo đảm kĩ thuật cho các lực lượng vũ trang, nghiên cứu khoa học kĩ thuật quân sự và trực tiếp quản lí xí nghiệp quốc phòng” và ngày đó được lấy làm ngày truyền thống của những người lính kĩ thuật. Trên thực tế, việc thực hiện công tác kĩ thuật và xây dựng ngành kĩ thuật - hai yếu tố cấu thành chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Kĩ thuật, thì có từ rất sớm. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bác Hồ kí sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới, sang năm 1946 là Chế tạo Quân giới Cục, năm 1947 là Cục Quân giới sau đó là Cục Quân khí trực thuộc Tổng cục Cung cấp (tiền thân Tổng cục Hậu cần). Ngoài lực lượng của Cục Quân khí thuộc Tổng cục Cung cấp, nhiều cơ quan có chức năng quản lí VKTBKT thuộc Bộ Tổng tham mưu.

Sau khi được thành lập, Tổng cục Kĩ thuật đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác kĩ thuật quân sự, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tham gia bảo đảm trang bị, bảo đảm kĩ thuật cho các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế. Ngày nay, Tổng cục Kĩ thuật góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, với nhiều lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Pv: Để đưa ra một câu khái quát nhất về chất của người lính kĩ thuật, đó sẽ là gì, thưa đồng chí Chính ủy?

Thiếu tướng Trần Duy Hưng: Nhiệm vụ của người lính kĩ thuật gắn với khoa học - kĩ thuật, khoa học - công nghệ. Nhiệm vụ của ngành kĩ thuật là luôn bảo đảm hệ số kĩ thuật của VKTBKT bằng 1. Trong điều kiện đất nước ta còn khó khăn hiện nay, vấn đề đặt ra với quân đội, với ngành kĩ thuật là phải giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm, cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kĩ thuật. Vừa để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng VKTBKT hiện có, vừa nâng cao khả năng làm chủ VKTBKT mới, hiện đại, đồng thời chủ động sản xuất VKTBKT tự bảo đảm cho quân đội. Vì thế, đòi hỏi ở người lính kĩ thuật tính kiên trì, nghiêm túc, đặc biệt tính sáng tạo cao. Nếu không kiên trì, chỉ cần đơn giản hóa, ngại khó ngại khổ, không suy nghĩ cải tiến nâng cấp, sửa chữa, sẽ dễ dàng đưa VKTBKT vào cấp 5 để loại bỏ,vô cùng lãng phí. Người lính kĩ thuật phải luôn xác định: Nền tảng đó, thực trạng đó, làm thế nào để duy trì hệ số kĩ thuật, kéo dài tuổi thọ, làm cho VKTBKT luôn ở tình trạng kĩ thuật tốt nhất trong khả năng có thể. Sáng tạo ở đây còn là việc chủ động tiếp cận công nghệ mới, nhanh chóng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong lĩnh vực quản lí, khai thác, sản xuất VKTBKT. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên kĩ thuật phải thường xuyên trăn trở, có những lao động khoa học công phu mới có thể đáp ứng được. Câu khái quát chất của người lính kĩ thuật, cũng chính là truyền thống của Tổng cục kĩ thuật, của ngành kĩ thuật quân đội là “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”.

Pv: Trong lần đến thăm nhà máy Z153, chúng tôi được biết, đó chính là nơi đảm bảo về xe tăng luyện tập cho kíp xe vừa đạt giải nhì trong cuộc thi Tank Biathlo 2019 tại Nga. Đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ công việc thầm lặng này?

Thiếu tướng Trần Duy Hưng: Như tôi nói ban đầu, VKTBKT của ta cơ bản đã cũ, lạc hậu, xuống cấp nên việc sửa chữa đồng bộ, cải tiến hiện đại hóa chúng là yêu cầu bức thiết. Những năm qua, kể từ khi có Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTƯ của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kĩ thuật trong tình hình mới, Tổng cục Kĩ thuật đã chủ động xây dựng, báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phê duyệt các đề án, dự án cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT hiện có trong biên chế. Trong đó có dự án cải tiến, hiện đại hóa xe tăng T-54B tại Nhà máy Z153. Kết quả của các dự án là tạo ra được các loại VKTBKT có tính năng kĩ thuật tương đương thế hệ mới, mà giá thành thấp hơn nhiều so với mua sắm mới. Về chiếc xe tăng để kíp xe luyện tập trước khi tham gia cuộc thi Tank Biathlo ở Nga, trên nền tảng khung máy của xe tăng T-54B - hệ xe tăng đã sản xuất từ những năm 50 của thế kỉ trước, tức là cách đây sáu bảy mươi năm mà ta có, Nhà máy Z153 đã cải tiến để chúng có những tính năng, uy lực không kém những chiếc xe tăng hiện đại. Kíp xe của ta sau khi luyện tập trên chiếc xe tăng cải tiến ấy, đã không hề bỡ ngỡ khi ngồi lên chiếc T-72B3 hiện đại của nước chủ nhà Nga để rồi về nhì trong cuộc thi Tank Biathlo 2019. Có thể kể thêm, vừa qua, Viện Kĩ thuật cơ giới quân sự thuộc Tổng cục Kĩ thuật đã cải hoán xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe quân y, bảo đảm cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở Nam Sudan, được các nước đánh giá rất cao. Công trình này cũng đã được trao giải nhất của Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam Vifotec năm 2018.

Pv: Đi các đơn vị cơ sở của Tổng cục Kĩ thuật chúng tôi thấy rằng điều kiện đời sống, nhất là ở các kho nơi vùng sâu vùng xa còn rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng hầu như từ nhân viên đến thợ kĩ thuật bậc cao rồi kĩ sư… tất cả đều rất say mê với công việc của mình, trong khi đó, họ có thể có những lựa chọn khác ngoài quân đội thuận lợi hơn rất nhiều.

Thiếu tướng Trần Duy Hưng: Sức mạnh chiến đấu của quân đội ta bao gồm hai yếu tố: con người và vũ khí, trang bị. Trong đó, con người đóng vai trò quyết định, vũ khí, trang bị có vai trò hết sức quan trọng. Các đơn vị trong Tổng cục Kĩ thuật chủ yếu đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhiệm vụ của các cơ sở kĩ thuật như kho tàng, trạm, xưởng, nhà máy, xí nghiệp, trung tâm kiểm định… gắn với VKTBKT, nên mức độ độc hại, nguy hiểm cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn. Vì thế, nếu những người lính kĩ thuật không yên tâm, say mê với công việc, không yêu ngành yêu nghề, không coi kho như nhà, VKTBKT như con sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí dễ dẫn đến xảy ra mất an toàn. Đã có rất nhiều cặp vợ chồng vì ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập của con cái không đảm bảo nên phải hi sinh tình cảm gia đình gửi con về cho bố mẹ ở quê để đi học. Có đồng chí vì các kho xa nhau nên chồng một nơi vợ một nẻo, rồi những cặp đôi hiếm muộn vô sinh do tiếp xúc độc hại. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng ở càng nơi gian khổ, sự thủy chung như nhất, thật thà, tốt bụng, ít toan tính so đo, hết lòng với công việc càng nhiều. Sự hết lòng ấy, trở thành máu thịt, thậm chí thành “gen” trong họ. Sở dĩ tôi nói trở thành “gen” bởi có một đặc điểm rất khác của Tổng cục Kĩ thuật, đặc biệt là ở các kho, các nhà máy, so với các đơn vị khác đó là có rất nhiều gia đình cả ba đời - ông, cha rồi đến đời cháu gắn bó với cùng công việc, cùng đơn vị. Cái chất đó được truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, chảy trong huyết quản từng người.

Chúng tôi xác định, cái quan trọng nhất của người lãnh đạo là làm sao để cấp dưới yêu, tâm huyết với công việc của mình.

Kiểm tra tình trạng động bộ vũ khí tại Kho K850, Cục Quân khí TCKT - Ảnh: PV

Pv: Vậy lãnh đạo Tổng cục đã làm gì để giúp đỡ, giảm bớt những ảnh hưởng do môi trường công việc đó?

Thiếu tướng Trần Duy Hưng: Để hạn chế, chúng tôi định kì cho những người bị ảnh hưởng đi khám để kịp thời điều trị. Tổ chức uống sữa trong giờ giải lao tăng sức khỏe, sức đề kháng. Chế độ chính sách bù đắp bằng phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Tất nhiên so với những sự hi sinh của họ thì chưa thấm tháp gì, nhưng nó cũng là một trong những điều động viên anh em rất lớn. Do tính chất đặc thù, trước đây có nhiều kho ở vùng sâu vùng xa anh em mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khiến nhiều người không lấy được vợ. Chúng tôi giúp cân bằng bằng việc đề nghị Bộ cho phép tuyển dụng công nhân nữ bố trí vào công việc phù hợp ở các kho ấy, tạo điều kiện cho các cặp đôi gắn bó, hợp lí hóa gia đình từ đó góp phần giúp họ phấn khởi, gắn bó với đơn vị. Tỉ lệ nữ trong toàn Tổng cục tính đến hiện tại là hơn 3500 người trong đó hơn 1000 gắn bó với các kho. Tuy nhiên, các biện pháp ấy cũng không thể giải quyết triệt để hết được. Thực tế hiện nay, Tổng cục có trên 70 phụ nữ đơn thân, trên 100 cặp hiếm muộn. Với những người hiếm muộn, sau nhiều năm kiên trì dùng các biện pháp để có con, nhiều người đã thành công, nhiều cặp khác vẫn đang tiếp tục. Nhưng không vì những lí do đó họ chểnh mảng, chán nản mà vẫn chủ động khắc phục, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, coi đó là công việc gắn bó cả đời, là lẽ thường, không toan tính, so sánh suy bì, âm thầm chấp nhận thiệt thòi. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các nữ quân nhân của Tổng cục Kĩ thuật, khi kiểm tra sự chính quy, điều lệnh đội ngũ, đều được các cơ quan của Bộ đánh giá rất cao. Có lẽ sự kĩ lưỡng, cẩn thận, tuyệt đối chấp hành và chấp hành tốt các quy tắc, quy định trong công việc đã ăn vào máu, nên bất cứ công việc gì, cái quy tắc ấy cũng được thực hiện một cách triệt để và điều lệnh đội ngũ với họ cũng không phải là ngoại lệ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức có hiệu quả những hoạt động như giao lưu, kết nghĩa với chính quyền địa phương, xây dựng cụm an ninh khu vực, địa bàn đóng quân an toàn để tạo sự yên tâm tin tưởng về chính trị. Rồi những hoạt động tri ân với các đối tượng chính sách của địa phương như xây dựng nhà tình nghĩa, giúp chính quyền xây dựng các công trình văn hóa, khám bệnh, tư vấn sức khỏe cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các đối tượng chính sách từ đó tạo nên những mối quan hệ thân thiết giữa bộ đội với người dân như anh em trong nhà, để vùng đất ấy thật sự máu thịt, thật sự như quê hương thứ hai của người lính kĩ thuật. Việc giáo dục bản lĩnh chính trị, giáo dục truyền thống để nâng cao tình cảm yêu ngành yêu nghề cũng được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả.

PV: Qua câu chuyện của Chính ủy, có một vấn đề đặt ra là, nếu như các gia đình người lính ở các kho vùng sâu vùng xa không phải gửi con em họ về ông bà nội ngoại để đi học thì sẽ ổn định hơn. Sự ổn định ấy là điểm tựa để anh em say mê với công việc của mình. Về lâu dài, với các địa bàn khó khăn ấy, liệu Tổng cục có biện pháp gì khắc phục được không?

Thiếu tướng Trần Duy Hưng: Đối với các địa bàn khó khăn như các kho đóng ở vùng sâu, vùng xa thuộc Quảng Trị, Tây Nguyên, Tây Bắc… quả thực đó là một vấn đề không dễ dàng chút nào. Với các trường mầm non, chúng tôi đã thực hiện tốt, nhưng từ cấp tiểu học trở lên, nó liên quan đến hệ thống giáo dục của chúng ta, đòi hỏi sự vào cuộc của Bộ Giáo dục, của chính quyền địa phương. Trong khả năng có thể, chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn ngân sách nhất định, hỗ trợ sức người thông qua sự tham gia của bộ đội trong củng cố, xây dựng điện, đường, trường, trạm, các công trình phúc lợi, giúp đỡ đồng bào nơi đóng quân. Năm 2015, Tổng cục Kĩ thuật được hỗ trợ nguồn ngân sách 47 tỉ để xây mới, nâng cấp củng cố 29 nhà trẻ mẫu giáo thành một hệ thống trường mầm non Tổng cục, mặc dù trong cơ chế hiện nay, vấn đề này phải xã hội hóa. Việc hình thành hệ thống trường mầm non này, xuất phát từ đặc thù các kho trạm ở vùng sâu vùng xa. Đây là bài toán không những giải quyết vấn đề cho các gia đình có con nhỏ mà còn giúp tăng cường sự gắn kết với địa phương nơi kho, trạm đó đứng chân. Có những trường mầm non của điểm kho, trạm gần một nửa là con em của đồng bào địa phương gửi vào. Trong những năm gần đây, việc xây dựng nhà đồng đội, nhà tình nghĩa cũng là một điểm sáng của Tổng cục. Tính từ năm 2004 đến nay, chúng tôi đã xây dựng được tổng số 113 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách ở các địa phương với số tiền trên năm tỉ đồng.

PV: Có thể nói, một trong những lĩnh vực hoạt động của quân đội được coi là phải đối mặt với những tiềm ẩn nguy hiểm trong công việc, không thể không nhắc đến những người lính ở các kho quân khí của Tổng cục Kĩ thuật. Đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ vấn đề này?

Thiếu tướng Trần Duy Hưng: Với những người lính kĩ thuật, có những công việc rất âm thầm lặng lẽ nhưng tiềm ẩn trong đó nguy cơ cháy nổ, rủi ro, mất an toàn rất cao, đặc biệt là những người làm việc ở các kho quân khí.

Kho quân khí có nhiệm vụ đặc thù là cất giữ, quản lí, thực hiện bảo đảm kĩ thuật cho các loại vũ khí, khí tài, đạn dược. Trong đó, đạn dược là các loại vật phẩm đặc biệt nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Hậu quả của các vụ cháy, nổ đạn dược là hết sức nặng nề, có thể hi sinh nhiều người. Nguyên nhân gây ra cháy nổ đạn dược có nhiều, nhưng tựu trung gồm hai nhóm nguyên nhân. Về khách quan, là điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, sự cố gây sập đổ công trình cất chứa. Về chủ quan, là do con người thực hiện sai quy trình công nghệ, quy tắc an toàn khi làm việc, tiếp xúc với đạn dược. Trong quá khứ, các nguyên nhân này đều đã xảy ra và để lại những hậu quả nặng nề. Có thể kể đến vụ nổ ở Kho K834, Cục Quân khí năm 1982, làm hi sinh 34 chiến sĩ, mất hàng trăm tấn thuốc nổ, hàng chục nhà kho bị hư hỏng, gây tâm lí không tốt cho cán bộ, chiến sĩ ngành quân khí và nhân dân xung quanh địa bàn các kho quân khí.

Xác định an toàn về cháy, nổ là sự sống còn của kho quân khí nói riêng, của các cơ sở bảo đảm kĩ thuật nói chung, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Kĩ thuật đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc của cán bộ, chiến sĩ toàn Tổng cục trong thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho các kho tàng, trạm, xưởng, cơ sở bảo đảm kĩ thuật quân khí. Đặc biệt là, quán triệt sâu sắc ý thức chấp hành nghiêm các quy trình công nghệ, quy tắc an toàn khi làm việc, tiếp xúc với đạn dược; thực hiện thường xuyên, có chất lượng công tác kiểm định chất lượng đạn dược; công tác bảo đảm kĩ thuật; huấn luyện kĩ, thục luyện thường xuyên các phương án phòng chống cháy nổ và các phương án tác chiến bảo vệ kho tàng… Chính vì vậy, nhiều năm qua, hiện tượng mất an toàn do cháy, nổ ở các kho quân khí của Tổng cục Kĩ thuật đã chấm dứt.

PV: Những đòi hỏi cao trong công việc ấy, có ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường của người lính kĩ thuật không, thưa đồng chí Chính ủy?

Thiếu tướng Trần Duy Hưng: Những người lính kĩ thuật, do đặc thù công việc nên thường được coi là khô khan, cứng nhắc. Tuy nhiên, trong thực tế, họ là những người năng động, sáng tạo và cũng hết sức lãng mạn. Vừa rồi chúng tôi có tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng chào mừng 45 năm thành lập Tổng cục Kĩ thuật. Rất nhiều người đã hết sức bất ngờ trước những tiết mục nghệ thuật mà các đơn vị mang đến, chẳng hạn như màn trống hòa tấu âm thanh của thùng phi, vô lăng, lốp xe, thùng xăng… rộn rã tưng bừng của ngành xe - máy quân đội. Rồi ngành quân khí là những âm vang của kho trạm, của đạn dược… họ đã tạo nên một bức tranh tổng thể thông qua các hình tượng nghệ thuật được biểu diễn dưới nhiều loại hình để đề cập đến công việc hằng ngày của mình. Họ lãng mạn hóa những thứ khô khan, thổi hồn vào những thứ vô tri vô giác mà hàng ngày họ tiếp xúc. Thông qua đó, họ càng gắn bó với công việc của mình hơn.

Chính vì vậy, chúng tôi xác định, giải tỏa căng thẳng trong công việc không gì tốt hơn là thoải mái trong cuộc sống đời thường, trên cơ sở đó, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục cũng như cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là làm “tươi mới” hoạt động văn hóa, tinh thần bằng nhiều cách thức, biện pháp linh hoạt, phù hợp với từng loại hình đơn vị, với đặc trưng văn hóa vùng miền nơi các đơn vị của Tổng cục đóng quân. Ngày nay, đến các đơn vị kho, trạm, xưởng, kể cả đóng quân ở vùng sâu, vùng xa đều có cơ ngơi khang trang, doanh trại xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất, tinh thần đều được nâng lên; các làng quân nhân đã và đang trở thành các khu dân cư văn hóa, nhiều đơn vị trở thành điểm sáng văn hóa trên địa bàn đóng quân, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tin tưởng.

Pv: Xin cảm ơn những chia sẻ hết sức thú vị về người lính kĩ thuật của đồng chí Chính ủy!