Thứ Sáu, 28/01/2022 00:32

Thể nghiệm không phải là gây hấn!...

Tôi nhận diện hai xu hướng tạo tác thơ thể nghiệm: thông qua hình thức thơ và qua ngôn ngữ thơ...

TS Đinh Minh Hằng, thủ khoa Đại học Sư Phạm Hà Nội, hoàn thành chương trình tiến sĩ Văn học tại Vương quốc Anh. Chị là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về: Văn học Việt Nam hiện đại, Văn học So sánh, Lí thuyết Văn học Phương Tây hiện đại. Hiện TS Đinh Minh Hằng là Giảng viên chính Khoa Ngữ văn, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường, Phó Trưởng phòng (phụ trách) Hành chính Đối ngoại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Là một tác giả có nhiều năm theo dõi và nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại, Đinh Minh Hằng đặc biệt chú ý vào thơ với những khuynh hướng cách tân, thể nghiệm mới mẻ trên thế giới và Việt Nam.

Nhân đầu xuân Nhâm Dần (2022), Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với TS Đinh Minh Hằng về những vấn đề xoay quanh thơ hiện đại và những thể nghiệm - cách tân thơ hiện nay.

- Xin chào TS Đinh Minh Hằng, được biết chị có thời gian nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại tại Vương Quốc Anh, vậy, điều gì đã thôi thúc chị trong môi trường học thuật quốc tế, vẫn quyết định lựa chọn văn học Việt Nam, thơ hiện đại Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu?

+ Chào anh, cảm ơn anh và tạp chí Văn nghệ Quân đội đã cho tôi có dịp được chia sẻ về những điều mình theo đuổi trong nghiên cứu văn học. Tôi vốn là sinh viên của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nay lại tiếp tục đứng ở bục giảng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng dạy Văn học Việt Nam hiện đại. Đối với tôi, văn học Việt Nam hiện đại mang trong mình rất nhiều câu chuyện về cuộc sống hiện đại, cuộc sống mà chúng ta đang sống nhưng không thể hiểu hết được, dù cố sức; và về con người hiện đại, con người hay là chính chúng ta, một buổi sáng, có thể cảm thấy không hiểu nổi mình. Văn học Việt Nam hiện đại, thơ Việt hiện đại, trong những biến thiên của khoa học kĩ thuật công nghệ, văn hóa xã hội, đời sống tâm lí… luôn thách thức người cầm bút, và là đối tượng lí tưởng của các nhà nghiên cứu, phê bình. Khi tiếp cận với lí thuyết văn học, nghệ thuật thế giới, đặc biệt là Anh, Mĩ, Pháp; điều đầu tiên tôi mong muốn tìm hiểu là: liệu những cách tân mà chúng ta gọi là trào lưu, những nhà thơ mà chúng ta gọi là hiện tượng, những bài thơ mà chúng ta gọi là thể nghiệm, có xuất phát từ một căn nguyên chung nào đó không? Có đi theo một trường phái lí thuyết nào không? Nếu có thì đó là gì và lí thuyết ấy đã được tiếp nhận thế nào trong thực tế sáng tác của thơ Việt hiện đại? Chúng ta có thể gọi tên, hoặc thậm chí đưa những tác giả, hiện tượng, thể nghiệm, trào lưu đó vào một vị trí xứng đáng trong hành trình cách tân thơ Việt khởi phát từ bản nguyên và văn hóa Việt Nam trong thời kì hội nhập này hay không? Tôi đã nghiên cứu lí thuyết văn học, nghệ thuật hiện đại nói chung để giải đáp những câu hỏi đó, trước hết là cho chính mình, sau đó, là góp phần lí giải những sáng tạo nghệ thuật của các tác giả thơ hiện đại mà mình vốn yêu mến.

- Tôi tin những câu hỏi chị nêu lên sẽ gây được hứng thú với người đọc, hi vọng rằng chúng ta có thể bàn sâu hơn về những vấn đề đó. Trước hết, xin được bắt đầu bằng những mô tả, chị có thể cho độc giả hiểu một số nét khái quát về thơ thể nghiệm trên thế giới: lịch sử, tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, biểu hiện…?

+ Thật khó để tường giải những điều anh đặt ra trong một mô tả ngắn. Thơ thể nghiệm (Experimental Poetry) nổi lên vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970 trong đời sống thơ ca hiện đại thế giới. Có thể nói, sự xuất hiện và phát triển của Dada và Chủ nghĩa Siêu thực trong thực tiễn và lí thuyết văn học phương Tây đã gợi cảm hứng cho các hình thức thơ thể nghiệm. Bên cạnh đó, những thay đổi của hệ tư tưởng và văn hóa trong xã hội tiêu dùng đã giúp nới rộng khoảng cách giữa sáng tạo và tiếp nhận, đồng thời đánh giá lại vị trí của nhà thơ và độc giả.

Có thể bắt gặp ở thơ thể nghiệm phương Tây lối từ chối vần điệu, cú pháp và tự sự truyền thống như trong thơ của Erza Pound hay trong cách Filipo Tommasio Marinetti và Kurt Schwitters xóa nhòa ranh giới giữa thơ và các hình thái nghệ thuật khác. Theo quan điểm của tôi, sự kết hợp phức tạp giữa các lí thuyết thơ ca, các nền văn hóa khác nhau và khát vọng tìm đến một phương cách biểu đạt khác cho thơ đã biến thơ thể nghiệm thành một loại hình nghệ thuật tương tác phong phú hơn là bản thân thơ ca (Mục tiêu xã hội trùng với mục tiêu thẩm mĩ - Robert Sheppard). Tôi cũng nghĩ rằng, ở thời điểm này, thơ thể nghiệm phương Tây có thể đạt đến giới hạn của thể loại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, thơ thể nghiệm, giống như Dada và Chủ nghĩa vị lai, không nhằm mục đích phá bỏ những quy tắc, hay gây hấn với văn chương nói chung. Có thể coi hành trình thơ thể nghiệm nằm trong hành trình vượt thoát khỏi “Luật của thể loại”, vốn được Derrida nêu ra như một lời cảnh báo cho những giới hạn của sáng tạo: Ngay khi từ “thể loại” được cất lên, ngay khi người ta nghe thấy nó, người ta đã nỗ lực nhận thức nó, một giới hạn đã được tạo ra.

Tôi nhận diện hai xu hướng tạo tác thơ thể nghiệm: thông qua hình thức thơ và qua ngôn ngữ thơ. Một số loại thể thơ thể nghiệm hình thức bao gồm: thơ hình ảnh, thơ âm thanh, thơ văn xuôi, thơ máy tính,…; một số loại thể thơ thể nghiệm ngôn ngữ bao gồm: thơ cụ thể, thơ sáng tác theo dạng thức Haiku Nhật Bản,… Thơ thể nghiệm thành công vào những năm 60 của thế kỉ trước với những nỗ lực tạo ra “Thơ Mĩ mới” như Charles Olson, Robert Duncan, Phil Whalen, Kenneth Rexroth, Allen Ginsberg, Gregory Corso,… Các tên tuổi này, thực ra, vẫn được coi như “thế hệ thứ 2” của thơ thể nghiệm, tiếp nối những ý tưởng và trường phái mà T. S. Eliot, E. E. Cummings, Ezra Pound, Mina Loy,… đã gợi dẫn.

- Tôi hiểu hình thức thơ mà chị nói chính là những hình thức ta có thể nhận biết thông qua các giác quan thông thường như nghe - nhìn (hình thức văn bản, âm thanh - hình dáng của ngôn ngữ). Quả là, mọi thể nghiệm sẽ được hiện ra trước hết, thông qua hình thức. Chị có thể nói cụ thể hơn về một vài xu hướng của thơ thể nghiệm?

+ Xin được đề cập đến hai xu hướng rất tiêu biểu của thơ thể nghiệm là thơ âm thanhthơ cụ thể.

Giao thoa giữa những trường phái thơ thể nghiệm, theo tôi, là thơ âm thanh. Với tư cách là thơ trình diễn, thơ âm thanh có quan hệ chặt chẽ với thơ hình ảnh và chuyển động nhịp phách, trong đó, hiệu quả nghệ thuật được tạo ra do tác động của hình ảnh ngữ âm và hình ảnh trừu tượng. Tương tự như việc nhấn mạnh các từ và dòng bằng cách làm biến dạng hoặc hoán đổi kích thước của chúng trong không gian, các nhà thơ âm thanh đã tạo nên hiệu ứng bằng ngữ điệu và giọng nói. Điều này cũng gợi đến quá trình nén nghĩa thông qua thơ văn xuôi, mục đích là để “nén nhiều âm sắc, bằng cách giải phóng hoặc thử thách sự linh hoạt của giọng” (James Walter McFarlane). Con chữ với ngữ âm cường độ cao và đột ngột tại những thời điểm cụ thể là nhân vật chính của màn trình diễn. Việc tiếp cận thơ âm thanh là quá trình lấp đầy những ý tưởng liên kết bằng kinh nghiệm và kí ức cá nhân. Vì vậy, ngôn ngữ, âm thanh hoặc hình ảnh, như Julia Kristeva đã nhận định, là một “quy tắc xã hội cơ bản”. Trong thơ âm thanh, sự vượt thoát khỏi cú pháp và cấu trúc được thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà thơ càng đẩy thơ ra xa khỏi trạng thái thông thường, thì tác phẩm càng có xu hướng quay trở lại nguồn gốc của nó chính là nhịp điệu. Nhịp điệu không chỉ cấy ghép những khoảnh khắc âm thanh mà còn giúp tập hợp những gián đoạn, tách biệt của từ và hình ảnh. Do đó, âm thanh thơ đã truyền đi một cách tinh tế những hợp âm phức tạp trong cảm nhận của thi sĩ bằng các kĩ thuật của giọng nói và cách ứng xử đối với những khoảnh khắc riêng lẻ.

Ngược lại, dựa trên các yêu cầu của giao tiếp trong một xã hội đề cao sự phát triển của khoa học kĩ thuật, xuất phát từ chất liệu làm thơ truyền thống với các câu và trật tự dòng, thơ cụ thể đề cập đến các hình thức trực quan được tổ chức bằng kí hiệu học, kí hiệu ngôn ngữ và kiểu chữ. Lí do tôi gắn thơ cụ thể với xu hướng “ngôn ngữ” của thơ thể nghiệm là vì thơ cụ thể phản ánh thái độ và cách nhìn cụ thể của nhà thơ về thế giới dưới góc độ thực tại vật chất. Nội dung hoặc cách vận dụng ý nghĩa không được tiêu chuẩn hóa làm tiêu chí của loại thơ này vì “các nguyên tắc cơ bản của giao tiếp trở nên quan trọng, và hơn cả ý nghĩa của chính nó” (Doreen). Cách tiếp cận này cũng có thể đặt ra câu hỏi về sự tương thích giữa ngôn ngữ và hình thức trong bài thơ, chẳng hạn như làm thế nào một nhà thơ có thể sử dụng những kí hiệu học hạn chế để đạt đến ngôn ngữ tối giản. Mặt khác, như Eugen Gomringer giải thích, ngôn ngữ trong thơ cụ thể không còn bao gồm những câu hay câu dài, chúng được thay thế bằng các chữ cái và các từ đơn sử dụng cách viết tắt.

- Ý này của chị làm tôi nhớ đến lối lặp chữ của Trần Dần, trạng thái nhịu lời hay rút bỏ hình vị trong ngôn ngữ thơ của Lê Đạt, những quy tắc ngữ pháp - chính tả riêng của Đặng Định Hưng hay Dương Tường, lối viết tắt và cần chú giải trong thơ Trần Nguyễn Anh, lối xáo trộn và tạo sinh nghĩa mới trong trò chơi ngôn ngữ - kí hiệu của Nguyễn Thị Thúy Hạnh… Chị có thể lí giải như thế nào về những cách tân gọi là trào lưu, những nhà thơ gọi là hiện tượng, những bài thơ gọi là thể nghiệm ở Việt Nam?

+ Sự phát triển vượt bậc của các kĩ thuật truyền thông điện tử, sự lên ngôi và bùng nổ của công nghệ thông tin khiến cho các kí hiệu không còn nối liền với thực tại mà tự phân mảnh, đứt gãy, chấp nhận sự kết hợp lỏng lẻo của những yếu tố trong tác phẩm. Theo Fredric Jameson, chủ nghĩa hậu hiện đại có những đặc trưng như: sự phá vỡ cấu tạo của diễn đạt, sự suy yếu của tình cảm. Còn với Frank O’Hara, đó là tuyên ngôn: “Anh chỉ việc đi theo bản năng của mình”. Roland Barthes trong cuốn Độ không của lối viết đã rất chú trọng đến từ ngữ. Theo đó, ông cho rằng: chỉ còn những nền tảng từ ngữ. Trong mọi mối quan hệ, thơ chỉ giữ lại nhạc điệu, không giữ lại ý nghĩa. Quan trọng hơn cả là: “từ vỡ tung ra trên một dãy những mối quan hệ đã bị khoét rỗng, ngữ pháp mất đi tính mục đích của nó, nó trở thành phép làm thơ”. Như vậy, Barthes đã khẳng định xu hướng kí hiệu hóa ngôn từ, xem từ ngữ ở chiều năng nghĩa chứ không phải chiều đơn nghĩa. Phép làm thơ được xây dựng trong một bố cục không còn đăng đối, hợp logic ngữ pháp thông thường, các quan hệ bề mặt bị xóa bỏ nhưng cách sắp xếp các kí hiệu, từ ngữ hướng đến một logic sáng tạo bên trong. Cũng chính vì thế, trong thơ hiện đại, dường như tự nhiên không có mối liên kết, chúng đứt gãy, rời rạc; đúng như Jean Baudrillard đã nhận định: đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại là được tạo thành bởi những kí hiệu không còn quy chiếu về hiện thực, mà tự chúng đã trở thành một sự mô phỏng cho hiện thực. Điều này cũng khái quát một số phương thức ưa dùng của thơ hậu hiện đại là những kí hiệu rỗng, những bố cục ngẫu nhiên.

Thơ hậu hiện đại Việt không đi đến khuynh hướng bất khả tiếp nhận, tù mù, tắc tị; nhưng nó đòi hỏi một cách đọc mới, đòi hỏi người sáng tác những phương thức biểu đạt mới. Thi sĩ không sáng tác dựa trên cái cốt lõi là nội dung, cũng như không quá phụ thuộc vào một loại thể nội dung nhỏ hơn là nghĩa tự vị của chữ, nghĩa là phụ thuộc vào những cách hiểu truyền thống, vào diễn ngôn công khai của thời đại. Nhà thơ nếu muốn làm mới một cách triệt để, cần phải tìm ra những chất liệu mới, giống như người ta dùng sơn mài để diễn tả những gì tinh tế, nhẹ nhàng; trong khi xưa nay chất liệu sơn mài luôn được dùng để hướng đến những gì lớn lao, mạnh mẽ, khoáng đạt. Muốn thay đổi triệt để, chỉ còn cách, hoặc anh phải tìm một chất liệu khác phù hợp, hoặc anh coi sơn mài là một chất liệu chưa được định danh, định tính để làm hoàn toàn tự do với nó. Lúc ấy, sơn mài trở thành một diễn ngôn nghệ thuật của riêng anh.

Bước đột phá trong sáng tạo và cách tân thơ Việt là việc một số nhà thơ tiên phong như Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Như Huy, Trần Nguyễn Anh, Nguyễn Thị Thúy Hạnh… xem “chữ” là nguyên liệu căn bản của thơ. Trần Dần gần với các nhà thơ hậu hiện đại Mĩ trong thể nghiệm dùng chữ rỗng thay cho chữ thụ nghĩa và nhấn mạnh vào những ám gợi của âm thanh. Lê Đạt quan niệm làm thơ là làm chữ, đường thơ là đường chữ, hay Dương Tường đã mặc định “thi pháp” mang tên âm bồi, đưa ra khái niệm con chữ - con âm và thơ ngoài lời… Mỗi lần đọc lại thơ họ, tôi đều nhận ra những quan niệm khác nhau qua cách mà họ diễn đạt con chữ và đổi mới cấu trúc thơ ở phương diện hình thức. Tôi cũng nhìn thấy những điểm tương đồng giữa Bob Cobbing trong thơ Trần Dần, E. E. Cummings và thơ Dương Tường, những dấu ấn của Gertrude Steins trong thơ Như Huy, Mina Loy trong thơ Vi Thùy Linh… Điều này cũng giống như việc tôi thấy René Magritte trong tranh siêu thực của Nguyễn Đình Đăng, Trần Trọng Vũ. Chỉ có điều, càng đọc, càng nghiên cứu, tôi càng băn khoăn vì sao thơ thể nghiệm Việt Nam, một mặt, không đề cao tính thể nghiệm - như một nhu cầu sống còn của cách tân thơ; mặt khác, chìm khuất đi trong các khuynh hướng lấy nội dung làm căn cốt (“dòng chữ” - thực chất cũng nằm trong nhóm này)? Lí do có lẽ bởi sức mạnh của lối tự sự truyền thống Á Đông, cách mà chúng ta vẫn nghĩ về thơ - mang nghĩa và con chữ - thụ nghĩa, và rằng, mỗi bài thơ đều hàm chứa một câu chuyện, một ý nghĩa nhân sinh, hay một bài học về cuộc sống. Do vậy, ở cả góc độ sáng tạo và tiếp nhận, những thể nghiệm thơ, hay thơ thể nghiệm ở Việt Nam vẫn mang bóng dáng, hồn cốt của con người Việt Nam, truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt Nam, dưới lớp hình thức tân kì của thơ thể nghiệm Phương Tây.

- Tôi hình dung rằng, trong nghiên cứu của Đinh Minh Hằng, thơ thể nghiệm trên thế giới cũng như ở Việt Nam có những tương đồng, gặp gỡ nhất định. Căn nguyên chung của những trào lưu, hiện tượng, thể nghiệm đó là gì?

+ Theo tôi, có hai căn nguyên chung của sự gặp gỡ: cái bản nguyên và quá trình tiếp nhận. Mary Ann Caws khi bàn về việc trở thành một nghệ sĩ siêu thực đã đặc biệt quan tâm tới “trạng thái tiếp nhận” và chú tâm đến “những khả năng có thể xảy ra mà trong đó sự vật, khung cảnh và những liên hệ tinh thần kết nối nhau lại với một cường độ cao hơn những khoảnh khắc thông thường”. Những nhà thơ thuộc thơ ca hình tượng (Imagist poetry) khi bàn về sáng tạo cũng đặt yếu tố hình ảnh mãnh liệt đầu tiên (first intensity) làm tiêu chí trong việc chuyển tải và sáng tạo thơ “như nó vốn có”. Quá trình tạo tác của thơ hiện đại nói chung đều được xác lập trên quan điểm tôn trọng sự vật và thực thể, tôn trọng cái bản nguyên của hình tượng và cảm xúc để từ những tiếp nhận ban đầu ấy mà tạo nên những kết hợp có tính chất siêu thực.

Những xu hướng sáng tác về sau này như thơ ca ngôn ngữ (Language poetry) cũng tiếp biến những đặc điểm của chủ nghĩa siêu thực và vận dụng nó trong địa hạt thơ ca. Suman Chakroborty viết: “Đối với độc giả, các nhà văn N=G=Ô=N=N=G=Ữ làm việc như người khai mở “những cách tạo ra ý nghĩa” - họ là những người lao động của Ngôn ngữ, những người buộc người đọc phải tham gia tích cực vào sản xuất ý nghĩa”. Như vậy, những kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân sẽ mang lại những diễn dịch khác nhau cho tác phẩm nghệ thuật, đứng từ góc độ người tiếp nhận. Thậm chí, ở những khoảng thời gian khác nhau, tác phẩm sẽ thẩm thấu, hoặc vang vọng đến cùng một độc giả với những thanh âm, thông điệp khác nhau. Việc phối kết hợp những sự vật xa nhau để tạo ý tưởng, ý niệm, do đó, chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình “sống” của một tác phẩm hiện đại nói chung sau quá trình tạo tác.

- Như thế, hai căn nguyên mà Minh Hằng nói đến chính là bản nguyên của thơ - cái khởi thủy bất biến và quá trình tiếp nhận - như là chiều năng sản của các hình thức thể nghiệm. Tôi hiểu rằng, dù có cách tân, thể nghiệm thế nào, gốc rễ của thể loại vẫn được bảo lưu, từ đó nhà thơ sẽ tạo ra những hình thức biểu đạt khác. Hình thức biểu đạt khác ấy trao cơ hội hoặc đặt người tiếp nhận trong những tình thế “vấp ngã” khác nhau vào văn bản thơ - quyển kí hiệu của thơ. Người đọc trở thành người sản xuất ý nghĩa từ “trò chơi” trong văn bản. Trở lại, rõ ràng là thơ thể nghiệm ở Việt Nam có những gặp gỡ với thơ ca thể nghiệm thế giới. Chị nhận ra điểm gặp gỡ ấy là gì?

+ Thơ hiện đại Việt Nam đang từng bước tiếp nhận những làn sóng mới, những khuynh hướng cách tân thơ mạnh mẽ. Đến nay, người sáng tác không chỉ muốn đưa thơ về cái bản nguyên, về vật liệu thuần khiết của nó với các con chữ, con âm, mà còn thể hiện khao khát đưa thơ về cái đời thường, không chối từ cả cái thông tục.

Đổi mới hình thức thơ đã không còn quá lạ lẫm ở Việt Nam. Tác phẩm chú trọng vào câu, dòng, tôn trọng âm, chữ và cú pháp văn phạm, gần với cách nói thông thường. Những thể luật và vần đã nằm sẵn trong vô thức, trở thành phương tiện giúp người làm thơ cắt đi lối biểu đạt rườm rà. Thơ hấp dẫn ở lối nói, lối kể, đôi khi là nhạc tính, cũng có lúc gần với phương tiện truyền thông hay một hình thức điện toán. Đó là những biểu hiện bình thường của một xã hội đang phát triển, càng là những biểu hiện hợp lí đối với tiến trình phát triển của thơ hậu hiện đại Việt Nam. Điều này cũng ghi nhận những nỗ lực hiện đại hóa thơ ca đáng trân trọng, đưa thơ hiện đại vào đời sống, trả lại thế cân bằng giữa nghệ thuật và các hình thái ý thức xã hội khác.

Tiếp thu những yếu tố cơ bản của thơ hậu hiện đại phương Tây (Chủ nghĩa ấn tượng, Chủ nghĩa tượng trưng, Siêu thực…), thơ Việt Nam đương đại đang hăm hở những thể nghiệm, cách tân đa dạng với nhiều sự phá cách táo bạo, những cuộc bứt phá gây ồn ào dư luận cùng vô số tuyên ngôn giật gân, thách thức… Thơ ca tìm thấy mình trong mối liên hệ giữa nó với các loại hình nghệ thuật cùng thời.

- Thơ thể nghiệm sẽ đi về đâu, thưa chị? Thơ Việt Nam sẽ có những chuyển động thế nào trong không gian văn học đương đại với các khả năng rộng mở như hiện nay?

+ Thể nghiệm là để tìm ra cái mới, phá vỡ những mô hình, mô thức sáng tạo và cảm nhận quen thuộc, sáo mòn. Trên hành trình tiên phong ấy, có thể thơ còn gặp nhiều những vấp váp, cái mà những nhà thơ thuộc nhóm dòng chữ cũng như những nhà thơ hiện nay theo đuổi tuy ồ ạt nhưng chưa đủ để tạo nên một cuộc cách mạng trong thơ ca. Bởi lẽ trên hành trình sáng tạo, người nghệ sĩ có thể đơn độc, có thể trắng tay, nhưng chắc chắn rằng thơ ca không bao giờ tồn tại như một hành trình đơn phương chỉ thuộc về nghệ sĩ. Nghệ thuật dù theo đuổi cái gì thì vẫn ngầm một ý thức đối thoại với thời đại, với con người. Chỉ khi những sáng tạo chạm được vào giá trị nhân sinh, nhân bản đẹp đẽ thì khi ấy, dù dưới những hình thức mang tính thể nghiệm, thơ Việt cũng sẽ khẳng định được vị trí của mình. Xét trong tiến trình đổi mới thơ Việt Nam, công cuộc cách tân thơ hiện đại Việt Nam dù còn tiếp tục dài lâu nhưng nỗ lực của những người tiên phong, những thể nghiệm nghệ thuật táo bạo, đột phá mang lại tiếng nói mới cho thơ vẫn xứng đáng được ghi nhận, được trân trọng.

- Cảm ơn TS Đinh Minh Hằng đã tham gia trò chuyện cùng chúng tôi!

NGUYỄN THANH TÂM thực hiện