Thứ Tư, 13/01/2021 00:03

"The Fourfold Remedy" của John Sellars - bí mật của hạnh phúc?

Sự tĩnh lặng về tinh thần có phải là câu trả lời? Và làm thế nào chúng ta có thể học hỏi những lời dạy của triết gia Hy Lạp cổ đại vào cuộc sống hiện đại?

Sự tĩnh lặng về tinh thần có phải là câu trả lời? Và làm thế nào chúng ta có thể học hỏi những lời dạy của triết gia Hy Lạp cổ đại vào cuộc sống hiện đại?

Bìa cuốn sách của John Sellars.

Năm qua là một năm đầy bão tố, đã khiến nhiều người lâm vào cảnh ốm đau, thất nghiệp và nghèo đói, thậm chí là chết chóc, mất mát; cũng là một năm khiến con người phải hướng nội, nhìn vào trong bản thân, nhìn lại các vấn đề về giá trị, đánh giá lại lối sống và những ưu tiên. Nhiều người đã tìm kiếm các biện pháp trị liệu cho chứng lo âu và mất ngủ cũng như lời khuyên làm thế nào để cảm thấy hạnh phúc hơn. Một số câu trả lời có từ Địa Trung Hải cổ đại cho các vấn đề tâm lí như vậy có thể được tìm thấy trong cuốn sách nhỏ The Fourfold Remedy của John Sellars. Sách khám phá những ý tưởng của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Athen Epicurus (sinh năm 341 trước CN tại Samos, 19 năm trước khi Aristotle qua đời (một nhà triết học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng khác, là học trò của nhà triết học lừng danh Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế).

Tác phẩm Vườn triết gia, Athens của Antal Strohmayer. Ảnh: Lanmas / Alamy

Epicurus đã khai sinh ra Thuyết Epicurean, một trường phái tư tưởng nổi tiếng trong triết học văn hóa Hy Lạp cổ đại kéo dài đến 600 năm. Trong số hơn 300 tác phẩm của Epicurus thì chỉ còn một số ít còn sót lại và duy trì đến ngày nay; phần lớn cái gọi là Thuyết Epicurean bắt nguồn từ các học giả và nhà bình luận sau này.

Epicurus đã dạy rằng yếu tố quan trọng nhất để đạt được hạnh phúc là sự tĩnh lặng về tinh thần. Chủ nghĩa Epicurus có thể xoa dịu những lo lắng đương thời, Sellars tin tưởng; về mặt nào đó nó giống liệu pháp hành vi nhận thức.

Vào năm 307 TCN, Epicurus đã thành lập cộng đồng của mình tại một địa điểm mà ông gọi là Khu vườn, nằm ở phía tây bắc trung tâm đô thị của Athens, gần Học viện mà Plato đã thành lập 80 năm trước. Nằm cạnh con sông Eridanus, nơi đây là một không gian riêng tư, tách biệt dành cho những người theo chủ nghĩa của Epicurus hội họp. Họ không buông thả mình để thỏa mãn sự thèm muốn quá mức với đồ ăn, thức uống và các thú vui xác thịt khác. Tuy nhiên, những môn đồ của thuyết Epicurus, xuất thân từ các tầng lớp trên trong xã hội chiếm hữu nô lệ, về sau này đã tầm thường hóa học thuyết Epicurean và quy nó thành sự tuyên truyền các lạc thú cảm tính - niềm vui (hēdonē ) là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống.

Niềm vui của Epicurean không được định nghĩa là sự thỏa mãn của ham muốn xác thịt. Đúng hơn, niềm vui chỉ đơn giản là sự vắng mặt của đau khổ hoặc rối loạn, là sự thanh thản về tinh thần (ataraxia ). Sự yên tĩnh này có thể đạt được bằng cách rút lui khỏi cuộc sống xã hội để đến với những người cùng chí hướng và sử dụng triết học cùng vật lí để giảm thiểu nỗi sợ hãi về nỗi đau và cái chết, bằng cách chứng minh rằng các vị thần không can dự vào các công việc của con người và không có thế giới bên kia, không có những quả báo mà con người phải gánh chịu.

Sellars, một giáo sư triết học, được biết đến như một người đề xướng chủ nghĩa tân Khắc kỷ. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ ủng hộ việc kìm nén cảm xúc trong khi Epicurus khuyến nghị nên tránh chúng hoàn toàn, thậm chí đến mức tránh kết hôn và làm cha mẹ.

Epicurus, từ The Illustrated History of the World, năm 1880. Ảnh: Montagu Images / Alamy.

Sellars giải thích một cách thành thạo các ý tưởng về Epicurean, đặc biệt là về tình bạn và nỗi đau, bằng sự am tường các văn bản về Epicurean cả tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Bất kì nỗ lực nào để phục hưng chủ nghĩa Epicurus đều bị cản trở bởi tài liệu quá ít ỏi. Trong số 300 tác phẩm của Epicurus, chỉ có ba bức thư đáng kể còn sót lại, được người viết tiểu sử Diogenes Laertius sao chép lại, và hai bộ sưu tập các câu cách ngôn được gọi là Học thuyết chính và Câu nói của Vatican. Sellars xử lí những điều này một cách khéo léo và chọn một số câu nói truyền cảm hứng cho mọi người thưởng thức và suy ngẫm: Những điệu nhảy tình bạn trên khắp thế giới, kêu gọi mỗi người trong chúng ta, đánh thức sự may mắn của chúng ta”.

Triết học tự nhiên của chủ nghĩa duy vật nguyên tử của Epicurus, sau này được Galileo, Newton và Marx ngưỡng mộ, đã được trình bày trong sử thi Latinh tráng lệ của Lucretius, On the Nature of Things (tạm dịch: Về bản chất của vạn vật). Ngoài ra còn có những mảnh giấy cói cháy trong các tác phẩm của Epicurus và triết gia người Epicurean Philodemus, được tìm thấy vào thế kỉ 18 trong Biệt thự của Papyri ở Herculaneum; đã bị cacbon hóa bởi sự phun trào của Vesuvio vào năm 79 sau Công nguyên. Tiêu đề cuốn sách The Fourfold Remedy của Sellars bắt nguồn từ bản tóm tắt quý giá của Philodemus về những ý tưởng của Epicurus như một "phương thuốc gấp bốn lần" tetrapharmakos (tạm dịch: bốn phương thuốc chữa trị tinh thần) để có được cuộc sống hạnh phúc nhất có thể.

Điều này chỉ tồn tại được bởi một giáo sĩ người Anh tên là John Hayter đã vẽ một bản phác thảo của một tờ giấy cói quan trọng vào những năm 1790 trước khi nó bị vỡ vụn không thể đọc được. Bức phác thảo viết:

Đừng sợ Chúa.

Đừng lo lắng về cái chết.

Cái gì tốt cũng dễ có được.

Cái gì ghê gớm cũng dễ dàng chịu đựng.

Phương pháp khắc phục thứ ba có thể gây ra sự giễu cợt ở bất cứ độc giả nào đang phải vật lộn kiếm sống, trừ khi họ không có người phụ thuộc và tính khí khổ hạnh. Hầu hết người Epicurean dường như đã đủ sung túc để có được cuộc sống ẩn dật và thư giãn thoải mái.

Sellars, trong khi thường xuyên so sánh niềm tin của người Epicurean với niềm tin theo trường phái Khắc kỷ, phần lớn bỏ qua những điểm chung của tất cả các trường phái chính: coi thường của cải dư thừa thế gian và theo đuổi thú vui vật chất vì lợi ích của riêng; giả định rằng đức hạnh, công lý và hạnh phúc có quan hệ nhân quả với nhau; khám phá sự thật về thân phận con người.

Vì quan tâm đến Epicurean như một phương pháp trị liệu tinh thần, Sellars cũng bỏ qua thông tin Asclepiades của Bithynia, người tiên phong trong liệu pháp tâm lí và y học phân tử, người có niềm tin về Epicurean đã củng cố phương pháp điều trị nhân đạo cho bệnh rối loạn tâm thần; và ảnh hưởng của ý tưởng Epicurean của bác sĩ Baghdad thời trung cổ al-Razi. Sellars cung cấp rất ít về tác động của chủ nghĩa Epicurus đối với thời kì Phục hưng, đã được Stephen Greenblatt kể một cách đầy ảnh hưởng trong The Swerve (2011).

Những phụ nữ tìm kiếm sự thanh thản trong tinh thần (ataraxia) có thể tiếc nuối vì Sellars đã bỏ qua một số nhà văn nữ quan trọng, những người đã dịch và giải thích chủ nghĩa Epicurus (ví dụ: Margaret Cavendish, một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Bảo hoàng giữa thế kỉ 17 của những nữ trí thức tiên phong tham vọng và thanh giáo Lucy Hutchinson, gần như chắc chắn là dịch giả tiếng Anh đầu tiên của Lucretius toàn tập).

Aristotle được coi là một trong ba nhân vật trụ cột trong triết học Hy Lạp, cùng với Socrates và Platon. Di bút của Aristotle bao gồm nhiều lĩnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học, ngôn ngữ học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. Ông được xem là người đặt nền móng cho luận lý học, đồng thời thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Ảnh: thefederalist.com.

Dù được lấy cảm hứng từ những ý tưởng của Epicurus để có được một cuộc sống hạnh phúc, những phương cách rất hữu ích trong cuộc sống hiện đại, nhưng Sellars lại đưa ra khá ít lời khuyên để vận dụng vào cuộc sống hiện đại. Và tôi biết nếu ngoài kia có rất nhiều người đang phải đối mặt với cơn đói thực sự, kí ức về chấn thương, đau đớn về tinh thần, thể xác, sự thất nghiệp, sự lo toan, thì may mắn thay, có một nhà triết học Hy Lạp với những tác phẩm đáng kể còn tồn tại có thể cung cấp thêm cho họ những lời khuyên cụ thể về các vấn đề cảm xúc, gia đình, bạn bè, công việc, môi trường, chính trị..., của con người. Và ông ấy là Aristotle.

THỤC QUYÊN theo The Guardian