Thứ Ba, 16/04/2024 07:50

Tết Ramưwan của đồng bào Chăm

Với những nét riêng, lễ tảo mộ của người Chăm mang có giá trị nhân văn sâu sắc, là cách để răn dạy các thế hệ trẻ hiểu về hiếu đạo và hướng về cội nguồn. (Thực hiện: LONG HỒ)

Tết Ramưwan là tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni. Ngày tết độc đáo này có nhiều hoạt động mang ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lí, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất như thực hiện lễ tảo mộ tại các nghĩa địa, cúng tại gia, mời ông bà tổ tiên về với con cháu. Tết Ramưwan là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Chính vì vậy, Tết Ramưwan là sản phẩm văn hóa và tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ tảo mộ là phần khởi đầu, cũng là phần quan trọng nhất của lễ hội Ramưwan.
Lễ tảo mộ của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni thường được diễn ra trong 3 ngày.
Nghĩa trang của người Chăm được xây ở nơi địa hình cao và sạch sẽ nên các nghi lễ cũng được thực hiện rất tươm tất.
Từ sáng sớm, những vị chức sắc sẽ mặc trên mình áo dài trắng có viền đỏ, đầu bịt khăn trắng có tua rua, tay cầm hộp đồng đựng trầu cau đã têm sẵn, thuốc lá, nước thánh và trầm hương để đến làm lễ.
Sau đó sẽ đến các thành viên trong làng bản, thông thường sẽ là tất cả gia đình, từ người già đến trẻ nhỏ, từ gái đến trai, đều tham gia lễ tảo mộ này.
Họ mặc trên mình trang phục truyền thống, mang theo đồ lễ để đến mộ phần của tổ tiên.

 

Từng tộc họ sẽ phân chia nhau để làm cỏ, đắp đất, sơn phết lại cho phần mộ người thân được sạch đẹp.
Điều độc đáo là mộ của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni không xây dựng kiên cố mà chỉ phủ cát ngang mặt đất và được đánh dấu bằng một hòn đá tròn.

 

Các vị chức sắc làm lễ tẩy uế phần mộ và hát mời tổ tiên tề tựu về dự lễ. Sau đó sẽ là phần đọc kinh cầu nguyện, làm dấu ấn thánh và khấn vái ông bà tổ tiên.
Thầy Char là người chủ lễ cúng, tưới nước lên ngôi mộ với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ và thanh khiết. 
Các bậc cao niên, chức sắc và bà con người Chăm tiến hành cúng bái tại phần mộ của gia đình với đầy đủ lễ vật. 
Mỗi gia đình sẽ thực hiện việc dâng lễ vật, cúng trước mỗi phần mộ của tổ tiên, ông bà và mời gọi họ về ăn tết.
Đây cũng là dịp để các thế hệ con cháu sum họp, tưởng nhớ về tổ tông.

 Đồ cúng trong lễ tảo mộ của người Chăm khá đơn giản, tùy thuộc điều kiện của từng gia đình, chỉ có nước chè và trầu cau là những thứ không thể thiếu.
Với những nét riêng trong văn hóa, lễ tảo mộ của người Chăm Hồi Giáo không chỉ mang màu sắc tín ngưỡng hay tôn giáo mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, là cách để răn dạy các thế hệ trẻ hiểu về hiếu đạo và hướng về cội nguồn.
Nghi thức tảo mộ trong Tết Ramuwan thu hút đông đảo người dân và du khách.
Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: LONG HỒ