Thứ Bảy, 26/12/2020 10:16

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 956 (đầu tháng 1/2021)

Trong số đầu tiên của năm 2021, Tạp chí Văn nghệ Quân đội trân trọng thông báo đến các bạn đọc, các cộng tác viên yêu quý danh sách các tác giả được nhận tặng thưởng tác phẩm hay trong năm 2020.

 Vậy là một năm dương lịch đã qua đi, chúng ta cùng bước sang năm 2021 với nhiều hi vọng mới, sáng tạo mới. Trong số đầu tiên của năm 2021, Tạp chí Văn nghệ Quân đội trân trọng thông báo đến các bạn đọc, các cộng tác viên yêu quý danh sách các tác giả được nhận tặng thưởng tác phẩm hay trong năm 2020. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nội dung thú vị và hấp dẫn đón đợi bạn đọc trong số mới này.

Trong những ngày đầu năm dương lịch 2021 này, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đại tá Phạm Hùng Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai xoay quanh các hoạt động của những người lính nơi phên giậu trọng yếu phía Bắc của Tổ quốc. Bài đối thoại mang tên: Cốt tử của việc chỉ huy là cụ thể và tỉ mỉ sẽ mở đầu Tạp chí số 956.

Phần Văn xuôi sẽ được nối tiếp với các truyện ngắn: Như lục bình trôi của Tống Phước Bảo, Bức chân dung quá khứ của Dương Kỳ Anh, Chạy trốn của Nguyễn Thu Hà.

Như lục bình trôi cuốn hút người đọc vào không gian sông nước miền Tây. Trong không gian mênh mông, vời vợi ấy là số phận trắc trở của những con người trong một đoàn lô tô. Bao nhiêu khuất lấp, bao nhiêu ẩn ức, bao nhiêu éo le đằng sau những tiếng hát nụ cười của những con người được cho là “bóng”. Truyện hé lộ một phần đời sống và tâm hồn của những con người luôn cần được xã hội nhìn nhận lại.

Bức chân dung quá khứ là những đan xen giữa hiện tại và quá khứ trong cuộc đời của người phụ nữ có nhiều biến động. Chiến tranh đã trôi qua từ rất lâu, nhưng chiến tranh vẫn để lại vô vàn những câu chuyện, những mảnh đời mà nhiều khi chúng ta không thể thấy được và hiểu hết. Nếu người hoạ sĩ ấy không xuất hiện thì liệu câu chuyện sâu kín về sự ra đời của đứa trẻ có được người mẹ hé lộ. Bức chân dung quá khứ luôn là bức chân dung chân thực, cảm động và cần nhiều chia sẻ.

Chạy trốn mang đến một cuộc gặp gỡ định mệnh để rồi sau đó lại là những ngày dằng dặc chạy trốn chính cái định mệnh trớ trêu ấy của một cô gái trẻ. Những mộng mơ ban đầu, tiếng sét ái tình không là đảm bảo cho một mối tình dài lâu, vững chắc. Cuộc đời Hoài trượt dài trong những thất bại đến từ mối tình ấy cho đến khi cô buộc phải chạy trốn và trong cuộc chạy trốn ấy cô đã biết cách để kết thúc cuộc chạy trốn của mình…

Phần Văn xuôi còn có ghi chép Qua miền soóng cọ của Phạm Học, tản văn Bún đẹn pặt tàng tàng của Nguyễn Luân.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu truyện ngắn Hoa pằng nảng rơi rơi của tác giả Nguyễn Phú.

Phần Thơ trong số này với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Phong Việt, P.N. Thường Đoan, Trần Ngọc Mỹ, Hương Giang, Mai Tuyết, Cát Võ, Nhuỵ Nguyên, Đỗ Thượng Thế, Trần Duy Trung, Phan Đức Lộc, Lê Hạnh, Cao Ngọc Thắng, Đặng Thiên Sơn, Nguyễn Ma Lôi.

Những trang thơ là những suy tư, trải nghiệm của các tác giả với các không gian vùng miền, văn hóa, những cảm xúc riêng tư trước khung cảnh quê hương, trước những sự vật quen thuộc hay những biến động làm gợi lên tình cảm, trước nhiều mặt của đời sống và con người. Những bài thơ độc đáo, giàu rung cảm và mang hơi thở đương đại sẽ góp phần vào dòng chảy thơ ca hôm nay.

Mục “VNQĐ giới thiệu” là chân dung nhà thơ Vương Huy với những suy tư chiêm nghiệm về thơ cùng chùm thơ ấn tượng của anh.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả:Nguyễn Thanh Tâm, Hà Trang, Thiên Cầm, Lê Hồ Quang, Nguyễn Thị Thuỷ, Đỗ Thị Thu Thuỷ.

Từ thập niên 30, 40 thế kỉ XX, tính mơ hồ, siêu thực đã lan tỏa trên các sáng tác của phương Tây lẫn phương Đông. Càng về nửa sau thế kỉ XX, sự giao lưu văn học càng mở rộng khiến phương thức sáng tác này vượt qua biên giới các châu lục và tác động lẫn nhau. Nhật Bản trở thành trường hợp điển hình của phương Đông "đáp lễ" với văn học huyền ảo phương Tây bằng những sáng tác có giá trị… Bài viết Sắc thái huyền thoại mới trong văn chương Nhật Bản sẽ góp phần làm rõ hơn về vấn đề này.

Bi kịch của người nữ trong Truyện Kiều và Nỗi buồn chiến tranh - những tương đồng gặp gỡ sẽ phân tích và chỉ ra nhiều yếu tố tương đồng về số phận người phụ nữ giữa hai tác phẩm được cho là kinh điển “từ cổ chí kim” trong văn học Việt Nam.

Còn nhiều bài viết sinh động, hấp dẫn về những chân dung tác giả - tác phẩm hay những vấn đề đáng quan tâm của nền văn học nghệ thuật sẽ được đề cập đến trong phần này.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 956 dày 120 trang với nhiều tranh, ảnh, minh hoạ đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 5/1/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

PV

Đại tá Phạm Hùng Hưng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy

quân sự tỉnh Lào Cai: Cốt tử của việc chỉ huy là cụ thể và tỉ mỉ

Tống Phước Bảo

Như lục bình trôi

Phạm Học

Qua miền soóng cọ

Nguyễn Phú

Hoa pằng nảng rơi rơi

Nguyễn Luân

Bún đẹn pặt tàng tàng

Dương Kỳ Anh

Bức chân dung quá khứ

Nguyễn Thu Hà

Chạy trốn

 

Thơ

Nguyễn Phong Việt

Chúc cho chúng ta đều may mắn; Hãy chỉ cho chúng ta một con đường

P.N. Thường Đoan

Nói với mùa xuân; Tiếng chim hót trong mưa; Ngày hoa hồng

Trần Ngọc Mỹ

Vẽ lên đá; Đường xanh

Hương Giang

Nơi linh hồn cư ngụ; Cách li

Mai Tuyết

Cộng tuổi; Trôi qua ngày tháng chạp

Cát Võ

Cánh cửa khác; Tưởng tượng

VNQĐ giới thiệu thơ Vương Huy

Trong tĩnh lặng; Khung cửa tím; Ba đoản khúc tìm thấy

Nhụy Nguyên

Dưới tán quê nhà; Và hơi thở trôi đi

Đỗ Thượng Thế

Biến tấu lũ; Ơi… Amế

Trần Duy Trung

Buổi sáng ở Đà Lạt;

Buổi chiều trong vườn nhà Pháp Hoan

Phan Đức Lộc

Voan nắng trái mùa; Khu rừng ngẫu hứng

Lê Hạnh

Phúc Hậu

Cao Ngọc Thắng

Chạm

Đặng Thiên Sơn

Chùa Hương

Nguyễn Ma Lôi

Chiều Vị Xuyên

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Thanh Tâm

Sách nói ở Việt Nam - hiện trạng và tương lai

Hà Trang

Bi kịch của người nữ trong Truyện Kiều và Nỗi buồn chiến tranh -

những tương đồng gặp gỡ

Thiên Cầm

Hình tượng mẹ trong thơ Y Phương

Lê Hồ Quang

Viết như một cách chữa thương

Nguyễn Thị Thủy

Sắc thái huyền thoại mới trong văn chương Nhật Bản

Đỗ Thị Thu Thủy

Phạm Viết Hồng Lam và những bức chân dung bè bạn

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Tuổi xuân Tranh của họa sĩ Đặng Can

Minh họa: Tô Chiêm, Đỗ Dũng, Nguyễn Văn Đức,

Tào Linh, Lê Anh Vân, PV...