Thứ Bảy, 31/10/2020 07:14

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 952 (đầu tháng 11/2020)

Chính thực tiễn đã điều tiết con người để mỗi việc làm, mỗi hành động của người chiến sĩ biên phòng hữu ích trước nhiệm vụ, hữu ích với đất nước, với nhân dân.

 “Ở nơi biên giới, nhân dân có việc gì là gọi bộ đội biên phòng. Bộ đội biên phòng đến tham gia mọi việc cùng với nhân dân, từ trực tiếp làm cán bộ xã đến bắc cầu, mở đường, kéo điện, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt, tiêu thụ sản phẩm… tất tần tật một cách rất tự nhiên. Vấn đề thời gian, con người, cơ sở vật chất luôn được đặt trong tổng hòa chung, không xa rời nguyên tắc nhưng cũng không cứng nhắc, chỉ biết phần việc của mình trên giấy. Thực tiễn rất sinh động. Chính thực tiễn đã điều tiết con người để mỗi việc làm, mỗi hành động của người chiến sĩ biên phòng hữu ích trước nhiệm vụ, hữu ích với đất nước, với nhân dân.”

Bài đối thoại nhan đề Ở nơi biên giới, nhân dân có việc gì là gọi bộ đội biên phòng giữa PV Tạp chí VNQĐ và Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh - Đại tá Nguyễn Tài Sơn sẽ mở đầu tạp chí số 952.

Phần Văn xuôi với chùm truyện ngắn: Chân gỗ của Tống Ngọc Hân, Gặp lại người xưa của Phạm Thu Hà, Cõi tạm của Thu Trân.

Chân gỗ tiếp tục góp những tiếng nói đầy khắc khoải, day trở của Tống Ngọc Hân với đề tài miền núi, nơi chị gắn bó và thấu hiểu, nơi làm nên không gian nghệ thuật trong chặng đường văn chương của chị. Những chuyện tình do hủ tục mà không đến được với nhau không còn là sự xa lạ với bạn đọc, nhưng Chân gỗ ẩn trong đó là câu chuyện lớn hơn về tình yêu thương, sự bao dung. Những thiệt thòi, bất hạnh, những tính toán so đo không còn quan trọng khi con người biết vị tha. Truyện có chiều sâu nhân văn và hấp dẫn bởi những tình tiết bất ngờ.

Gặp lại người xưa đánh dấu sự trở lại của Á khôi Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới 2018-2019 trên VNQĐ - Phạm Thu Hà. Trong lần trở lại này, Phạm Thu Hà đã thử thách mình ở mảng truyện lịch sử. Chọn viết về Lê Hữu Trác, một danh y ở thế kỉ 18 với câu chuyện tình yêu nhiều ngậm ngùi nuối tiếc, Phạm Thu Hà đã đưa đến những liên tưởng đẹp đẽ và xúc động. Truyện ấn tượng với văn phong riêng biệt, lôi cuốn.

Cõi tạm lại đưa đến những suy tư riêng về cõi người trong đời sống hiện đại. Hình ảnh ông già nghệ sĩ chuyên đóng vai phụ gây ám ảnh với người đọc. Giữa thế giới nghệ thuật xa hoa nhưng cũng khắc nghiệt, ông hiện lên như một nốt trầm, như một góc khuất của đời nghệ sĩ. Cho đến những cơn mưa cuối đời, ông vẫn không tránh khỏi bị ướt. Dẫu biết, “đau đớn chỉ là phần phụ của cuộc đời mà lẽ ra, ta không nên bận tâm về nó quá nhiều” nhưng Cõi tạm vẫn làm nhói lòng người đọc bởi số phận của mỗi nhân vật.

Ghi chép Người ở lại Rào Trăng của Lê Vũ Trường Giang là góc nhìn, là cảm xúc của người con xứ Huế về những hi sinh, những mất mát tại Rào Trăng trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua tại miền Trung.

Phần Văn xuôi còn có tản văn Tháng Mười của Dương Châu Giang. “Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Tiếng lục lạc trong ngân của nhà văn Nhuỵ Nguyên.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Thanh Thảo, Đoàn Xuân Hoà, Hữu Vi, Ngô Đức Hành, Lê Phương Liên, Đằng Miên, Myo, Lê Na, Nguyễn Khánh Duy, Khét, Lương Đình Khoa, Võ Thị Hồng Tơ, Khaly Chàm, Nhung Nhung.

Những biến cố của đời sống đã đi vào thơ ca qua lăng kính của người viết. Thơ số này là những xúc cảm, trăn trở, ám ảnh về thiên tai mà con người phải hứng chịu, qua đó góp thêm tiếng nói đầy chia sẻ với số phận con người, với mẹ thiên nhiên. Bên cạnh đó là những không gian nghệ thuật khác nhau, sự đa dạng của cảm hứng, ý tưởng, phong cách làm nên những sinh động và thi vị cho trang thơ VNQĐ.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Đỗ Quyên cùng chùm thơ ấn tượng của chị.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Hồng Liên, Đoàn Ánh Dương, Phùng Ngọc Kiên, Hoàng Long, Cẩm Hà, Lê Thị Gấm, Hoàng Thuỵ Anh, Bình Minh.

Sức sống và độ vang của một tiếng nói, hay của một con người, phụ thuộc vào chính giọng của anh ta, thứ giọng đã đi ra khỏi sự ôm phủ của con sông cái để làm một châu thổ cho nhánh sông âm thầm khai phát. Đóng góp lớn nhất của văn học cho con người và cho sự giải thoát con người là kiến tạo được những giọng nói xa lạ, và đến lượt làm cho những giọng nói xa lạ này ngày một trở nên quen thuộc. Đại chúng hóa văn học, như một nhà nghiên cứu đã xác quyết, là đưa được văn học của thiểu số đến với đa số, là nâng dần trình độ đọc của số đông. Văn học chân chính “cứu rỗi” con người như thế, đưa họ chạm gặp những tiếng nói khác, đặt họ vào hành trình đến với tự do.

Bài viết Văn học - sự đọc và “cứu rỗi” của tác giả Hồng Liên đã góp những lời bàn đầy chiêm nghiệm và rất đáng ghi nhận trong câu chuyện về văn chương.

Những căn rễ của sự cách tân tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 cho thấy, chính sự đa dạng các tiếng nói thế hệ này đã làm phong phú các nỗ lực hiện đại hóa văn học Việt Nam, trở thành nguồn cội trực tiếp cho những cách tân tiểu thuyết và văn học nghệ thuật.

Bên cạnh đó, những dẫn luận, nghiên cứu trong tạp chí số này cũng sẽ làm sáng tỏ thêm về những vấn đề của văn học nghệ thuật cũng như sắc diện các tác giả, tác phẩm được đề cập đến.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 952 dày 120 trang với nhiều tranh, ảnh đẹp, dự kiến sẽ phát hành ngày 5/11/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

PV

Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh: Ở nơi biên giới,

nhân dân có việc gì là gọi bộ đội biên phòng

Tống Ngọc Hân

Chân gỗ

Lê Vũ Trường Giang

Người ở lại Rào Trăng

Nhụy Nguyên

Tiếng lục lạc trong ngân

Phạm Thu Hà

Gặp lại người xưa

Thu Trân

Cõi tạm

Dương Châu Giang

Tháng Mười

 

Thơ

Thanh Thảo

Miền Trung; Đón bão; Những người tốt không về nữa

Hữu Vi

Gió đồng à, à ơi ta ngủ; Và có một mùa đông như thế

Ngô Đức Hành

Ngày mai; Rót nắng

Lê Phương Liên

Với con trai

Đằng Miên

Người đàn bà tháng tám

Myo

Sắc điệu Mông; Ai có lòng thì về

Lê Na

Qua Pha Đin; Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Nguyễn Khánh Duy

Lời ân khải; Cuộc trò chuyện dưới trời đêm;

Bản say khách

Khét

Tạ ơn; Trên triền sông khô đáy

Lương Đình Khoa

Tình ca tháng mười; Mời em cột gió ưu phiền

Võ Thị Hồng Tơ

Hồn nhiên sông cứ lở bồi; Bão luân hồi

VNQĐ giới thiệu thơ Đỗ Quyên

Nhớ chị; Về nhặt bóng mình; Giêng hai theo tuổi đi rồi

Khaly Chàm

Chợt nhớ mùa thu

Nhung Nhung

Trốn chạy

Đoàn Xuân Hòa

Nhật kí quê mưa

 

Bình luận văn nghệ

Hồng Liên

Văn học - sự đọc và “cứu rỗi”

Đoàn Ánh Dương

Những căn rễ của sự cách tân tiểu thuyết Việt Nam

giai đoạn 1945 - 1975

Phùng Ngọc Kiên

Trường văn học Pháp nửa đầu thế kỉ XX

Hoàng Long

Murakami Haruki và “cuộc săn cừu hoang” chưa kết thúc 102

Cẩm Hà

Nói thật với Ròm

Lê Thị Gấm

Đọc lại Số đỏ của Vũ Trọng Phụng

Hoàng Thụy Anh

Khi nhà phê bình “cưu mang” cái mới, cái khác

Bình Minh

Bởi nàng chính là “người đàn bà xa lạ”

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Thu quyến rũ Tranh của họa sĩ: Lưu Chương Dương

Minh họa: Nguyễn Văn Đức, Tào Linh,

Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Đăng Phú,

Lê Anh Vân, PV...