Thứ Năm, 15/10/2020 09:55

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 951 (cuối tháng 10/2020)

Trong số này sẽ là chùm truyện ngắn của các tác giả Trần Hồng Giang với Trăng khuya, Lê Minh Hà với Kính Tâm, Huy Phạm với Cơn mưa buổi chiều.

Tháng 10 năm 2019, tròn 20 năm kể từ khi được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên của “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo” của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu “Thành phố thiết kế sáng tạo”. Xây dựng một Hà Nội trong tương lai như thế nào không chỉ là tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, các cơ quan quản lí ở cả tầm quốc gia và Hà Nội, nhưng chắc chắn một điều, chúng ta sẽ không thể bỏ qua các yếu tố văn hóa truyền thống trong việc xử lí các không gian văn hóa nghệ thuật, quy hoạch, kiến trúc của một “Hà Nội mới”.

VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Mĩ thuật Việt Nam, người từng tham gia nhiều dự án cải tạo đô thị, về chủ đề ứng xử với các không gian công cộng của Hà Nội và tìm về bản sắc trong quá trình kiến tạo Thủ đô với hi vọng về một thành phố nghệ thuật, thành phố sáng tạo của tương lai.

Bài trò chuyện mang tên Về một Hà Nội, thành phố nghệ thuật, thành phố sáng tạo của tương lai sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 951.

Truyện ngắn in trên VNQĐ luôn đem đến cho bạn đọc sự mong chờ đón đợi qua từng số ra tạp chí. Trong số này sẽ là chùm truyện ngắn của các tác giả Trần Hồng Giang với Trăng khuya, Lê Minh Hà với Kính Tâm, Huy Phạm với Cơn mưa buổi chiều.

Trăng khuya mang đến sự đồng điệu, chia sẻ với số phận người phụ nữ nông thôn gặp nhiều bất hạnh cũng như bất vông trong cuộc sống. Ngần lấy chồng khống xuất phát từ tình yêu mà do sự mai mối, sắp đặt. Về nhà chồng cô không có được hạnh phúc, chồng cô là một tay ăn chơi nổi tiếng ngoài thị trấn, mẹ chồng lại có tính soi mói cổ hủ, một mình Ngần làm lụng vất vả và chịu đựng. Khi chồng bị tai nạn sống đời thực vật, Ngần vẫn một lòng chăm sóc chồng nhưng thời gian trôi đi, tiếng nói của tự do, của bản năng trong cô không thôi quẫy đạp, thôi thúc. Truyện gây ấn tượng bởi những tình tiết bất ngờ, cao trào.

Kính Tâm mang đến một thể nghiệm mới của nhà văn Lê Minh Hà. Tích xưa Quan Âm Thị Kính đã đi vào đời sống tinh thần của người Việt từ rất lâu, nhưng qua Kính Tâm chúng ta lại có thêm những liên tưởng khác, cảm xúc khác từ những nhân vật xưa như Thị Kính, Thị Màu. Màu đã vu oan cho Kính, góp phần làm nên bi kịch cuộc đời Thị Kính, nhưng trong lòng Thị Kính, cái lúng liếng đong đưa của Màu vẫn có một vẻ đẹp và sức sống riêng, nơi mà Kính đã đánh mất. Và, không ai biết, ở phút cuối đời, tiểu Kính đã mong một bàn tay cởi giùm dải vải diềm bâu dùng bó ngực bấy lâu cho đôi vú nàng được một lần căng nở phì nhiêu lại.

Cơn mưa buổi chiều là kí ức không nguôi về nơi mình đã sống với những con người, những số phận để lại nhiều day dứt. Bằng giọng kể tự nhiên tác giả đã mang đến không gian, đời sống của những người dân nghèo vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Cuộc sống luôn là những lựa chọn, và có những lựa chọn mà con người ta chẳng kịp đắn đo, suy xét. Có những sự dự báo mà ở thời điểm hiện tại con người không thể nhận ra, như những cơn gió hoang vu lạnh lẽo trên đầu báo hiệu cuộc cô đơn kéo dài và tàn nhẫn với ông Hai về sau.

Phần Văn xuôi còn có bút kí Người Ái Nghĩa của Thái Chí Thanh, đó là câu chuyện, là kí ức nhiều cảm xúc của một người lính trong những ngày giải phóng Đà Nẵng.

Phần Thơ với sự góp mặt của nhiều tác giả: Nguyễn Thụy Anh, Hồ Minh Tâm, Bùi Kim Anh, Nguyễn Công Bình, Lê Quang Trạng, Ngọc Bái, Nguyễn Văn Song, Nam Thanh, Lê Đình Tiến, Trần Kế Hoàn, Phạm Quỳnh Loan, Nguyễn Tiến Nên, Tịnh Bình, Võ Mạnh Hảo, Hoàng Dương, Hà Sương Thu, Đinh Hạ, Chung Tiến Lực. Trang thơ số này là những khoảng không gian đương đại, tươi mới của ngày hôm nay. Đồng thời, trong cái mới đó vẫn ẩn giấu, kế thừa những gì tươi đẹp, tinh tuyết nhất của ngày hôm qua.Không giới hạn đề tài, thể loại, mỗi tác giả mang đến một gương mặt khác, góp phần làm nên sự phong phú, sinh động của dòng chảy thơ ca.

“Thơ trong những tập thơ” số này giới thiệu thi tập Em là nơi anh tị nạn của nhà thơ Trương Đăng Dung do nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa chọn và giới thiệu.

Phần Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Lên tới mặt trăng và trở về của nhà văn Etgar Keret do Võ Hoàng Minh dịch.

Phần Bình luận văn nghệ có sự tham gia của các tác giả: Phan Việt Hùng, Nguyễn Minh Huệ, Thái Hạo, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Vũ Kim Khoa, Đỗ Hải Ninh.

Từ nhiều năm nay, ở Nga đã có phong trào chống lại sự xuyên tạc lịch sử, nhất là lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai. Người Nga rất bức xúc trước việc các nước phương Tây đưa ra quan điểm phủ nhận vai trò quyết định của Liên Xô trong việc kết liễu phát xít Đức, kết thúc Thế chiến II.

Chống lại xuyên tạc lịch sử, vậy mà trong sách giáo khoa Nga, sự xuyên tạc lịch sử lại xảy ra… Bài viết Khi lịch sử bị xuyên tạc với những dẫn chứng cụ thể, lí luận xác đáng sẽ đưa đến câu chuyện lịch sử bị méo mó đi như thế nào.

Làm sao để một tác phẩm nhiếp ảnh có thể là “thấu kính biến hình vũ trụ”, quán chiếu được bản chất đa diện sống động muôn trạng của đời sống? Câu trả lời khả dĩ là phải có nhãn quan trung thực của chủ thể nhiếp ảnh gia. Trung thực phải trở thành bổn phận nghệ thuật, thành trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ. Nhiếp ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung chắc chắn sẽ hữu dụng, “vị nhân sinh” khi nội hàm chứa được cả những thông điệp để phản biện, phản tỉnh, dự phần làm cho cuộc sống này ngày một trở nên đáng sống hơn.

Ảnh nghệ thuật: Bao giờ đến độ “nông nổi giếng khơi”? là bài viết luận bàn về nhiếp ảnh đặt ra những câu hỏi cần thiết cho nền nhiếp ảnh Việt Nam.

Còn nhiều bài viết hấp dẫn với những câu chuyện, vấn đề đáng quan tâm trong phần này đón chờ bạn đọc.

Tạp chí VNQĐ số 951 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 20/10/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Nguyễn Xuân Thủy

Giám tuyển, Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Về một Hà Nội, thành phố nghệ thuật, thành phố sáng tạo của tương lai

Trần Hồng Giang

Trăng khuya

Thái Chí Thanh

Người Ái Nghĩa

Lê Minh Hà

Kính Tâm

Huy Phạm

Cơn mưa buổi chiều

 

Thơ

Nguyễn Thụy Anh

Nghĩ bên con mèo; Hội An

Hồ Minh Tâm

Lẻ những hoàng hôn; Mùa Tam Đảo

Bùi Kim Anh

Lời tháng mười có tới giấc con mơ; Đêm trung du

Nguyễn Công Bình

Trên chiến hạm Rạng Đông; Bức phù điêu bạn tặng

Lê Quang Trạng

Hoang thai; Mơ kinh chiều

Ngọc Bái

Mù Cang Chải ngang mây

Nguyễn Văn Song

Người quản trang

Nam Thanh

Anh luôn mơ về em

Lê Đình Tiến

Về thôi

Trần Kế Hoàn

Cơn hờn của em

Phạm Quỳnh Loan

Ga cuối

Nguyễn Tiến Nên

Bến K15

Tịnh Bình

Hoài khúc

Võ Mạnh Hảo

Lời con sông cạn; Ngày thật

Hoàng Dương

Viết về cha; Dòng sông trong anh

Hà Sương Thu

Anh ơi đừng đến; Lời đàn

Đinh Hạ

Vọng khúc biển; Giỗ bà

Chung Tiến Lực

Má Mười

Người Biên Tập

Sự vượt thoát của thơ

Hoàng Đăng Khoa

Ánh sáng của tự do (Đọc Em là nơi anh tị nạn của Trương Đăng Dung)

 

Văn học nước ngoài

Etgar Keret

Lên tới mặt trăng và trở về (Võ Hoàng Minh dịch)

 

Bình luận văn nghệ

Phan Việt Hùng

Khi lịch sử bị xuyên tạc

Nguyễn Minh Huệ

Kí trên Phụ nữ tân văn (1929-1935) - một cái nhìn khác của giới nữ về phụ nữ

Thái Hạo

Đọc sách và giáo dục hay là câu chuyện về khai phóng con người

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

Biên tập viên - một chỗ đứng trong đời

Vũ Kim Khoa

Ảnh nghệ thuật: Bao giờ đến độ “nông nổi giếng khơi”?

Đỗ Hải Ninh

Một cách tiếp cận truyện ngắn Việt Nam đương đại

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Mẹ và con Tranh của họa sĩ: Nguyễn Thanh Bình

Minh họa: Nguyễn Vân Chung, Bùi Quang Đức, Công Quốc Hà, Phạm Hà Hải, Phạm Minh Hải, Nguyễn Văn Minh, Bùi Tiến Tuấn, PV...