Thứ Bảy, 21/12/2019 00:02

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 932 (đầu tháng 1/2020)

Bài đối thoại với tên gọi “Xây dựng Bến Tre phát triển bền vững, là nơi đáng sống” sẽ mở đầu Tạp chí đầu tháng 1 năm 2020 này.

Bến Tre – một vùng đất xanh tươi được phù sa sông Cửu Long bồi tụ qua nhiều thế kỉ, là xứ sở phương Nam cây lành trái ngọt, có những con người nghĩa tình, có truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và bề dày văn hóa đáng khâm phục. Bến Tre còn là quê hương của phong trào Đồng khởi 1960, với “đội quân tóc dài” anh hùng và vị tướng nữ tài ba Nguyễn Thị Định. Nhân dịp kỉ niệm 60 năm Ngày Bến tre Đồng khởi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc gặp gỡ, chuyện trò với Bí thư tỉnh Ủy Bến Tre Phan Văn Mãi. Bài đối thoại với tên gọi “Xây dựng Bến Tre phát triển bền vững, là nơi đáng sống” sẽ mở đầu Tạp chí đầu tháng 1 năm 2010 này.

Đến thời điểm này, các bạn đọc của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội có lẽ đã chọn lựa được những cái tên tiêu biểu và các tác phẩm ấn tượng đối với mình. Phần Văn xuôi số 932 có sự “tiếp lửa” cho giai đoạn cuối cùng của cuộc thi Lửa mới bằng những truyện ngắn dự thi hấp dẫn như: Gương mặt thủy thần của Triều La Vỹ, Xóm Cũ của Phan Đức Nam và Bơi đêm của Hương Văn.

Có thể nói, cảm hứng giễu nhại, giải thiêng đã trở thành một khuynh hướng lớn trong văn học Việt Nam đương đại. Khác với truyền thống coi lịch sử là đại lịch sử, lí thuyết hiện đại, hậu hiện đại khẳng định lịch sử là quá trình chưa hoàn tất mà đang được cấu tạo lại với sự xuất hiện của các tiểu lịch sử. Ở truyện ngắn Gương mặt thủy thần, có một tiểu lịch sử như vậy về vị vua Lê Thái Tông, khác với lịch sử đã được thừa nhận. Những ẩn ức, góc khất trong đời của vị vua Lê. Mối quan hệ của ông với Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi cùng các quan trong triều… Những sự kiện, nhân vật lịch sử ấy chỉ như các chất liệu nghệ thuật để nhà văn bằng tưởng tượng hư cấu của mình, sáng tạo ra một câu chuyện mới. Ở đó, nhà văn vén lên tấm màn bí mật, nhìn ngắm nhân vật ở “góc khất” cá nhân, vạch trần những tham vọng, nhu cầu bản năng của con người “huyền thoại”, từ đó biểu lộ những quan điểm, cách nhìn của nhà văn về con người và cuộc sống…

Khác với hình ảnh Sài Gòn phồn hoa, hiện đại, sầm uất hiện nay, Phan Đức Nam đưa người đọc “du ngoạn” về với khu chợ Ông Tạ, quận Tân Bình trước thời giải phóng bằng truyện ngắn dự thi Xóm cũ. Những địa danh nơi khu chợ xưa kia như xóm Nghĩa Địa, xóm Bụi Tre, xóm Chùa, xóm Nhà Thờ, phi trường Tân Sơn Nhất, những cảnh đời của người dân, câu chuyện về chiến tranh, thời cuộc... được kể lại tỉ mỉ, cụ thể, sinh động, hào hứng như vẫn còn đâu đây mà ngoảnh lại đã xa rồi.

Bơi đêm lại là câu chuyện thân phận của người phụ nữ vùng biển. Một câu chuyện của hiện thực có phần éo le, khổ sở và tăm tối. Người phụ nữ ấy có cam chịu những éo le, nhục nhã của số phận, hay liều lĩnh phá bỏ định kiến, làm chủ cuộc đời mình, cho dẫu con đường ấy phía trước còn nhiều chông gai?

Phần Văn xuôi còn có ghi chép Biển của lòng người của Lữ Thị Mai, tản văn Các cụ Hà Nội bảo thế là được của Nguyễn Trương Quý.

"Truyện ngắn hay tác giả tự chọn" giới thiệu chùm tác phẩm Truyện cười làng Tam Tiếu của nhà văn Đoàn Ngọc Hà.

Phần Thơ trong số này là những suy tư, trải nghiệm của các tác giả với các không gian vùng miền, văn hóa, những cảm xúc riêng tư trước khung cảnh quê hương, trước những sự vật quen thuộc gợi lên tình cảm, trước nhiều mặt của đời sống và con người. Những bài thơ độc đáo, rung cảm đến từ các nhà thơ như Trần Thu Hà, Nguyễn Kiến Thọ, Pháp Hoan, Nguyễn Hải Yến, Vĩnh Thông…

Mục “VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Bùi Việt Phương, những suy nghĩ chiêm nghiệm về thơ và chùm thơ mới sáng tác của anh.

Tạp chí VNQĐ số 932 có trang danh sách tặng thưởng các tác giả đã có những tác phẩm cộng tác đều đặn, ấn tượng tại Tạp chí trong năm 2019.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Trần Thị Phương Phương, Lý Hoài Thu, Phùng Ngọc Kiên, Wilfies Eckstein, Lê Trà My và Nguyễn Bích Thu. Việc nghiên cứu ảnh hưởng trong văn học so sánh bắt nguồn từ đâu, vào thời điểm nào và có ý nghĩa gì?; bài giới thiệu công phu, lí thú về tập tiểu luận – phê bình Thi pháp tiểu thuyết hiện đại của Bùi Việt Thắng; khái lược về văn học lãng mạn Pháp; văn hóa người H’mông trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy được biểu hiện như thế nào; khuôn diện thơ Thanh Tùng trong không gian thơ Hải Phòng nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung mang màu sắc ra sao, có điều gì khiến bạn đọc yêu mến, nhung nhớ và các bài viết hấp dẫn khác sẽ có trong số này.

Tạp chí VNQĐ số 932 dày 120 trang, dự kiến sẽ phát hành ngày 05/01/2020. Thân mời độc giả đón đọc!

Văn

P.V

Xây dựng Bến Tre phát triển bền vững, là nơi đáng sống

Triều La Vỹ

Gương mặt thủy thần

Lữ Thị Mai

Biển của lòng người

Đoàn Ngọc Hà

Truyện cười làng Tam Tiếu

Nguyễn Trương Quý

Các cụ Hà Nội bảo thế là được

Phan Đức Nam

Xóm cũ

Hương Văn

Bơi đêm

 

Thơ

Trần Thu Hà

Biển cháy; Nơi mẹ sinh con

Nguyễn Kiến Thọ

Quy Nhơn; Ngõ nhà mình

Pháp Hoan

Giếng nước trong rừng; Bài ca

An Khê

Người bên sông; Mị

Nguyễn Hải Yến

Cây xương rồng; Đôi giầy

VNQĐ giới thiệu thơ Bùi Việt Phương

Đàn kiến; Gốm nghĩ…; Ngày lạ

Đình Thu

Ai thả vào khuya câu vọng cổ; Gửi cái nhìn theo núi

Đỗ Thượng Thế

Trong ngôi nhà ấy; Diều

Vĩnh Thông

Mỉa mai; Nhà xưa

 

Bình luận văn nghệ

Trần Thị Phương Phương

Nghiên cứu ảnh hưởng trong văn học so sánh

Lý Hoài Thu

Đồng hành với văn chương thời mình sống

Phùng Ngọc Kiên

Khái lược về văn học lãng mạn Pháp

Wilfried Eckstein

Một kiệt tác về khả năng hồi phục

(Nguyễn Thị Minh dịch từ bản tiếng Anh)

Lê Trà My

Văn hóa H’mông trong Lặng yên dưới vực sâu

Nguyễn Bích Thu

Thơ Thanh Tùng và kí ức sẫm màu thời gian

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Khi mùa xuân về Ảnh: Tưởng Hồng Dương

Tranh, ảnh, minh họa: Trương Đình Dung, Đỗ Dũng,

Bùi Trọng Dư, Phạm Hà Hải, Nguyễn Đăng Phú, PV