Thứ Hai, 01/07/2019 09:11

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 920 (đầu tháng 7/2019)

Phần Văn xuôi ấn tượng với chùm truyện ngắn dự thi: Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch, Sóng trên sông của Lưu Thị Mười, Hỏa Xa Viên của Dương Đức Khánh

Về thăm Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long trong những ngày tháng 7, trên khắp các nẻo đường thao trường, đơn vị, nơi đâu cũng lộng lẫy cờ hoa và khí thế thi đua sôi nổi chào mừng 45 năm ngày truyền thống Binh đoàn Cửu Long anh hùng. Thanh âm rộn rã của khúc nhạc vang vọng lời ca hùng tráng như trận chiến thuở nào. “Như ngàn con suối chảy về dòng Cửu Long. Ta quên làm sao những tháng năm gian khổ sốt rét với mưa rừng, tình đồng chí bên nhau... Đôi bàn chân ta đi dưới quân kì hào hùng. Binh đoàn Cửu Long tô thắm thêm dòng Lạc Hồng...”.

Cuộc trò chuyện thân tình và cởi mở giữa phóng viên Tạp chí VNQĐ với Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn - Chính ủy Quân đoàn 4 - về lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long năm xưa và những người lính trẻ hôm nay đang vững bước dưới quân kì Quyết thắng sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 920.

Phần Văn xuôi ấn tượng với chùm truyện ngắn dự thi Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch, Sóng trên sông của Lưu Thị Mười, Hỏa Xa Viên của Dương Đức Khánh; ghi chép Nghĩa tình Lý Sơn của Vũ Thành Duy; tản văn Áo chàng xanh lam lũ của Nguyễn Trương Qúy.

Nhà Thánh gợi nhiều suy ngẫm về đời sống tâm linh với những quan niệm và ứng xử của con người trong xã hội hôm nay. Truyện được kể qua góc nhìn của Sắng, người “đèn nhang” cho phủ Vòm. Mọi chuyện diễn ra nơi phủ Vòm - chuyện của thánh thần và con người cậu đều hiểu rõ. Nhưng Sắng có thể làm được điều gì cho phủ Vòm trở nên thanh sạch để trả ơn Thánh khi chứng kiến những nhiễu nhương mà con người gây nên do đồng tiền và quyền lực? Hình ảnh những vị thần bản thổ và đoàn tùy tùng của Thánh Mẫu lầm lụi lên đường để lại nhiều ám ảnh, day dứt.

Sóng trên sông khai thác đời sống tâm lí của những người phụ nữ có số phận bất hạnh khi bước chân về làm dâu nhà quan lớn mà không có tình yêu và hạnh phúc. Chọn cam chịu, nhẫn nhục sống cho qua một đời hay chọn sự phản kháng, chống lại sự sắp đặt của số phận để đi theo tiếng gọi của tình yêu? Dù chọn cách nào thì người phụ nữ cũng không tránh khỏi những tổn thương và ràng buộc. Nhưng, có một cách khác để họ có thể bước qua nỗi đau, đó là sẻ chia và tha thứ.

Hỏa Xa Viên gây ấn tượng khi viết về đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ, nổi bật là nhân vật anh Năm Tàu Hỏa với những chi tiết thú vị, bất ngờ, dí dỏm. Từ dạo tham gia cách mạng ở miền Đông cho đến khi trở về miền Tây anh vẫn giữ trong mình tính cách hồn nhiên, thật thà, đáng yêu của người miệt vườn sông nước. Điều đó giúp anh và những người dân quê dễ dàng hơn trong đời sống kinh tế cũng như trong ứng xử, đối đãi với nhau.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Hai người đàn bà xóm Trại của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Phần Thơ là những nỗi nhớ, hoài niệm về quê hương, bản xứ; những day dứt, trăn trở về đời sống, con người; những kí ức về thời gian, lịch sử, quá vãng xa xôi. Các tác giả đã khẳng định nỗ lực sáng tạo qua các tác phẩm, góp phần vào dòng chảy văn học hôm nay. Mục “VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Đông Hà và chùm thơ của chị.

Phần Bình luận văn nghệ có sự tham gia của các nhà văn, nhà nghiên cứu: Đặng Thiếu Quân, Đoàn Minh Tâm, Thanh Tâm, Võ Văn Nhơn, Ma Văn Kháng. Tư tưởng của Hồ Chí Minh trong văn chương vốn không phải là nghiên cứu mới mẻ, tuy nhiên, trong văn học đương đại điều này được các nhà nghiên cứu cảm nghiệm như thế nào; văn học Việt Nam sau 1986 có còn là nền văn học “minh họa”; hình ảnh người lính Hàn Quốc đã xuất hiện trong văn học Việt Nam như thế nào; văn xuôi đương đại Nga có diện mạo ra sao... Những nghiên cứu, luận bàn về các vấn đề trên sẽ có trong các bài viết số này.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 920 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/7/2019. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

PV

Binh đoàn Cửu Long: Xây đắp truyền thống hào hùng

bằng những bước đi vững chắc

Vũ Thanh Lịch

Nhà Thánh

Vũ Thành Duy

Nghĩa tình Lý Sơn

Nguyễn Quang Thiều

Hai người đàn bà xóm Trại

Nguyễn Trương Quý

Áo chàng xanh lam lũ

Lưu Thị Mười

Sóng trên sông

Dương Đức Khánh

Hỏa xa viên

 

Thơ

Lê Thành Nghị

Lặng yên nghe sóng vỗ: Chiều xanh Ba Vì; Tiếng chim buổi sáng

Vũ Từ Trang

Trong ban mai Hải Phòng; Cánh đồng Chum

Đàm Chu Văn

Lời hẹn áo dài; Ghi nhanh trong chuyến đi thực tế di tích Chiến khu Đ

Bùi Sỹ Hoa

Nậm Pao; Quả dại

Phạm Văn Vũ

Trở về; Lắng; Mơ

Huỳnh Minh Tâm

Tháng sáu; Bông sen tím

VNQĐ giới thiệu thơ Đông Hà

Sơn Tây; Không còn bếp lửa nào tàn; Nếu trời không mưa

Kiều Maily

Người xứ làng thuốc; Đỉnh hạn; Trà Kiệu cảm hoài

Trương Thị Bách Mỵ

Dịu dàng; Mẹ ru tiếng êm đềm cho con

Nguyễn Trọng Hoàn

Mẹ ơi, con ước…; Thăm thẳm; Và mưa

Yên Mã Sơn

Trở về làng

 

Bình luận văn nghệ

Đặng Thiếu Quân

Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong văn học đương đại - chân lí và sự thật

Đoàn Minh Tâm

Văn học Việt Nam sau 1986 - ngẫm từ bài báo của Nguyễn Minh Châu

Thanh Tâm (Nga)

Văn xuôi Nga đương đại - một vài phác thảo

Võ Văn Nhơn

Hình ảnh người lính Hàn Quốc trong văn học Việt Nam

Ma Văn Kháng

Tôi viết Mãi mãi một thời thiếu sinh quân

 

Mĩ thuật, ảnh

Bìa 1: Đơn côi Ảnh: Trần Duy Vỹ

Tranh, ảnh, minh họa: Lê Trí Dũng, Bùi Quang Đức,

Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Văn Minh, Đặng Tiến,

Lê Anh Vân, PV.