Chủ Nhật, 19/03/2023 23:19

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1009 (cuối tháng 3/2023)

Cảm thức về đời sống chính là thế mạnh của phần thơ số này. Ngoài ra còn có những bài thơ, chùm thơ viết về đề tài người lính chiến tranh và cách mạng,

 “…Nhìn chung đề tài lịch sử trong văn học xoay quanh những vấn đề còn bỏ ngỏ trong lịch sử dân tộc, nhất là đời sống chính trị của tầng lớp trên. Lòng yêu nước, những tấm gương đạo đức, những phản kháng trước thế lực ngoại bang, những chuyện đấu đá nội cung, tranh giành vương vị… đã vẽ nên một bức tranh sống động, chân thật của thời đại xa xăm theo cách của riêng mình. Lịch sử luôn còn đó những dấu hỏi, những bí ẩn không có lời giải đáp, những sâu kín tâm hồn của nhân vật lịch sử mà chúng ta khó lòng tiếp cận được. Tôi quan niệm rằng lịch sử là giấc mơ của sự thật…” Đó là những chia sẻ của nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang. Nhân dịp anh vừa nhận Giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Bạc màu áo ngự, VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với anh. Bài trò chuyện mang tên Lịch sử là giấc mơ của sự thật sẽ mở đầu tạp chí số 1009.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Kỉ vật của người thầy của Trịnh Tuyên, Những cơn gió băng đồng của Nguyễn Thị Như Hiền, Cỏ ấm của Tạ Thị Thanh Hải, Mặt nạ của Phát Dương; ghi chép Trở lại Tà Lài của Duy Chuông, bài viết Con mèo hoang của Nguyễn Minh Cường.

Kỉ vật của người thầy để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc về số phận của một người lính. Cuộc đời thăng trầm, biến cố ngay từ thưở nhỏ của Ngoan đã khiến cho không ít người nghĩ đến một viễn cảnh u tối. Nhưng cuộc đời luôn có những khúc ngoặt và cũng không lấy đi của ai tất cả. Bởi dù rơi vào hoàn cảnh nào thì chúng ta vẫn còn lại niềm tin và sự tử tế…

Những cơn gió băng đồng là câu chuyện đầy cảm động về tình mẫu tử ruột thịt. Út lớn lên trong sự yêu thương che chở và đầy hi sinh của chị Hai. Suốt thời ấu thơ cho đến khi trưởng thành chị Hai luôn là chỗ dựa đầy vững chãi để Út vượt qua những sóng gió cuộc đời. Út đâu hay cơn sóng cuộc đời chị Hai đã đưa Út đến với đời…

Cỏ ấm khắc hoạ số phận của những người dân miền núi đói nghèo, đặc biệt là những người phụ nữ và những đứa trẻ. Xín đang ở độ tuổi cắp sách đến trường nhưng phải bỏ học để xuống phố làm thuê trả nợ cho cha. Trong quá trình ấy, Xín đã nhận ra được nhiều điều cũng như hiểu rằng đâu là nơi mình thuộc về…

Mặt nạ mang màu sắc huyền ảo nhưng bạn đọc không thấy sự xa lạ mà dường như đó có lúc như là câu chuyện của chính chúng ta. Trong thế giới mà vật chất lên ngôi, mối quan hệ giữa người với người ngày càng mang tính hình thức hơn là sự chân thật. Truyện ngắn gợi nhiều suy ngẫm và ít nhiều khiến chúng ta phải giật mình nhìn lại…

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: P.N.Thường Đoan, Nguyễn Đình Tâm, Nguyễn Thanh Hải, Vũ Thị Huyền Trang, Hoàng Hiền, Trần Xuân Trường, Lê Thuý Bắc, Hồ Minh Tâm, Lê Hoà, Vũ Quỳnh Hương, Lương Mỹ Hạnh.

Cảm thức về đời sống chính là thế mạnh của phần thơ số này. Ngoài ra còn có những bài thơ, chùm thơ viết về đề tài người lính chiến tranh và cách mạng, về quê hương đất nước với sự phong phú đa dạng về phong cách biểu đạt, giọng điệu, cá tính…

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Nhấp Ly một nghe gió hồ thổi mãi của tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu tập thơ Ly một của Đỗ Anh Vũ.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Tiền thưởng của Phạm Nhất Bình do Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản tiếng Trung.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Ngô Tự Lập, Kim Mai, Mai Anh, Huệ Ninh, Châu La Việt, Nguyễn Thị Kim Hoà.

Khác với những tác phẩm của các tác giả best-seller được o bế như Guillaume Musso, Marc Levy hay như Annie Ernaux, những tác phẩm của Françoise Bourdin gần như bị giới truyền thông cho “ra rìa” và hầu như vắng tên trên văn đàn nơi chuyên quảng bá cho các tác phẩm mới. Không chỉ bị giới truyền thông “phớt lờ” mà ngay cả giới văn chương “bác học” cũng lãnh đạm… Bài viết Văn học best-seller, từ “hiện tượng” của nữ tiểu thuyết gia Francoise Bourdin nhìn về đời sống văn học Việt Nam sẽ bàn kĩ về câu chuyện này.

“…Nhìn lại, tôi càng tin hơn vào khả năng tiên đoán của văn chương. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, một người bạn văn lớn tuổi từng khuyên tôi “Cháu viết đừng khổ đau quá. Lỡ khổ nó vận vào người...”, lời khuyên tôi từng cười phì ngày còn đương sức trẻ. Tôi tin trong vô thức, đôi lúc nhân vật trở thành nguyên mẫu, sáng tạo lại cuộc đời người viết…” Đó là những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hoà trong bài viết Nỗi đau thất lạc.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1009 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 22/3/2023. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Uông Triều

Lê Vũ Trường Giang: Lịch sử là giấc mơ của sự thật

Trịnh Tuyên

Kỉ vật của người thầy

Duy Chuông

Trở lại Tà Lài

Nguyễn Thị Như Hiền

Những cơn gió băng đồng

Tạ Thị Thanh Hải

Cỏ ấm

Phát Dương

Mặt nạ

Nguyễn Minh Cường

Con mèo hoang

 

Thơ

P.N.Thường Đoan

Khuya Vị Xuyên; Cổ tích chiến tranh; Nước mắt

Nguyễn Đình Tâm

Nỗi nhớ; Phác thảo biển

Nguyễn Thanh Hải

Viết ở phố nhà binh; Mùa xuân về khu vườn của má

Vũ Thị Huyền Trang

Có thể là…; Ghi chú cho độc giả

Hoàng Hiền

Hiên nhà nắng nhỏ; Bên kia sông vắng

Trần Xuân Trường

Chuyện đã qua; Sau cuộc tha hương

Lê Thúy Bắc

Ngoại; Vã gió

Hồ Minh Tâm

Chờ con chiền chiện bay qua; Cười thì không cần hộ chiếu

Lê Hòa

Đường lâm; Xanh như chưa từng Hà Nội

Vũ Quỳnh Hương

Có những điều xô mãi

Lương Mỹ Hạnh

Đêm cong

Nguyễn Thanh Tâm

Nhấp Ly một nghe gió hồ thổi mãi (Đọc Ly một của Đỗ Anh Vũ)

 

Văn học nước ngoài

Phàm Nhất Bình

Tiền thưởng (Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản tiếng Trung)

 

Bình luận văn nghệ

Ngô Tự Lập

Hồ Chí Minh và những đóng góp to lớn cho ngành nghiên cứu thuộc địa

Kim Mai

Văn học best-seller, từ “hiện tượng” của nữ tiểu thuyết gia Francoise Bourdin nhìn về đời sống văn học Việt Nam

Mai Anh

Sống thơ: bản sắc và thể nghiệm

Huệ Ninh

Vở diễn Ông không phải là bố tôi và vấn đề dựng lại kịch bản cũ

Châu La Việt

Dương Minh Đức - vẫn hát lời tình yêu

Nguyễn Thị Kim Hòa

Nỗi đau thất lạc