Thứ Sáu, 22/07/2022 11:27

Tấm ảnh thờ

Đã hơn hai chục năm nay, năm nào anh cũng cố thu xếp để về đây ít nhất một lần, có lần còn lên đây ở hẳn mấy ngày... (Truyện ngắn của NGUYỄN KHẮC NGUYỆT)

. NGUYỄN KHẮC NGUYỆT

 

Sau một chặng dài xe khách và cuốc xe ôm hơn chục cây số, gần trưa Tuyến mới đến nhà Quân. Đã hơn hai chục năm nay, năm nào anh cũng cố thu xếp để về đây ít nhất một lần, có lần còn lên đây ở hẳn mấy ngày. Cái xe 512 hồi ấy kể cũng hơi đặc biệt vì có đến ba “tên” người cùng cái huyện trung du hẻo lánh này, đó là trưởng xe Trường, pháo thủ Thư và pháo hai Quân, chỉ “nhõn” lái xe Tuyến là người thủ đô chính gốc lọt vào. Những ngày đầu về xe Tuyến cũng hơi khó chịu vì bọn hắn cứ bênh nhau chằm chặp, nói thì toàn một thứ thổ âm nặng chình chịch, đã thế lại không thể gọi được đúng tên anh, cứ “Tuến”, “Tuến” mà réo nghe sốt cả ruột. Nhưng rồi qua mấy trận thử lửa ở Đông Hà, Ái Tử lại quý nhau còn hơn cả anh em ruột. Bốn thằng đã gắn bó với nhau suốt ba năm trời và cứ tưởng sẽ cùng nhau đi đến đích cuối cùng thì đùng một cái pháo hai Quân hi sinh khi chỉ còn cách Sài Gòn gần bốn mươi cây số.

Minh họa: Hải Kiên

Hết chiến tranh Trường và Thư cùng phục viên một đợt, còn Tuyến trở lại Trường Đại học Tổng hợp học nốt chương trình và công tác ở đó đến tận bây giờ. Năm 1982, Trường và Thư đã đưa gia đình Quân vào đem hài cốt Quân về quê, những lần qua lại thăm hỏi đó Thư đã lọt vào mắt xanh của Quế - cô em út Quân và nay đã trở thành người nhà. Vì anh trai của Quân đã ra ở riêng nên hiện nay vợ chồng Thư đang ở với bố mẹ Quân tại ngôi nhà cũ.

Lên đây đã nhiều lần, có lần vào đúng ngày giỗ Quân, cũng có lần do những bức bối trong lòng không nói ra được, Tuyến lên ở lì hàng tuần, hết ở nhà Thư lại sang nhà Trường, lang thang chán ngoài bờ sông lại mò vào trong rừng cho đến khi thấy mình thư thái mới trở về Hà Nội. Cùng với thời gian những mất mát dần cũng nguôi ngoai, bố mẹ Quân sau mấy năm suy sụp giờ cũng đã vui lên với đàn cháu đông đúc, hai cụ quý nhất thằng cu Nam con nhà Thư - Quế vì nó giống bác Quân của nó ngày bé như lột. Tuy nhiên, lần nào lên đây anh cũng thấy có chút áy náy trong lòng vì bức hình Quân trên bàn thờ trông chẳng giống với nó chút nào. Thằng Quân vâm váp, da nâu, mặt vuông chữ điền, người chắc như cái cối đá lỗ, nạp một lúc ba mươi viên đạn pháo chưa biết mệt, được anh thợ vẽ phố huyện biến thành một chàng trai có vẻ gì đó rất thư sinh, ẻo lả, trông na ná một diễn viên điện ảnh ăn khách hồi cuối những năm 80. Nói nhỏ với anh trai Quân điều đó, anh chỉ biết phân trần: “Cả huyện ngày xưa có mỗi cái hiệu ảnh ở mãi ngoài phố huyện, những mấy đồng một “pô” ảnh, nhà lại nghèo lấy tiền đâu mà chụp. Thế cho nên Quân hi sinh mà chẳng để lại tấm ảnh nào, anh phải nhờ thằng bé hàng xóm hơi giống nó đưa lên tay thợ vẽ giỏi nhất phố huyện nhờ nó vẽ rồi sửa từng tí một, cũng mất mấy bức mới được bức này tàm tạm đấy”. Cả Trường và Thư cũng tặc lưỡi: “Trình độ trên này cũng chỉ đến thế mà thôi, mà có người thật đâu để cho người ta vẽ cơ chứ”. Tuy nhiên Tuyến biết rằng người buồn nhất chính là mẹ Quân, anh đã từng chứng kiến cảnh mẹ Quân ngồi lặng hàng giờ đăm đăm nhìn tấm ảnh thờ như muốn tìm lại hình hài đứa con của mình mà bất lực.

Chuyện rồi cũng đi vào quên lãng nếu không có cái ý định hơi ngông của con bé thứ hai nhà Tuyến. Nó học chuyên ngữ từ hồi lớp sáu và định hướng của cả nhà là sẽ thi vào Đại học Ngoại ngữ. Nó cũng đồng ý với chủ trương này song vẫn đòi cho thi thêm vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp vì nó rất thích vẽ và vẽ cũng tạm được. Vì thích thế nên gần một năm nay nó đã giấu anh đi học thêm. Chiều con, Tuyến cũng để tâm tìm hiểu việc thi cử ở trường này và anh thất kinh khi biết có nhiều sĩ tử đã ôm giá vẽ theo thầy ôn luyện hai, ba năm vẫn ngã chổng vó vì cái môn thi năng khiếu hiểm hóc ở đây. Về bảo con thì nó vẫn nằng nặc đòi thi và chính thức đề nghị xin tiền đi học vẽ. “Đất chẳng chịu trời thì trời phải chịu đất”, vợ chồng Tuyến đành phải chiều con và hứa sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của nó. Thông qua bạn bè nó còn vanh vách: “Luyện thi năng khiếu nổi tiếng ở trường này là thày Trí, thày đã nhận luyện cho đứa nào đứa đó nhất định đỗ. Nhưng thày khó tính lắm, mỗi lớp chỉ nhận vài đứa mà phải thầy trực tiếp kiểm tra trình độ rồi mới nhận. Bố xem có ai quen đến nói giúp cho con chứ nếu con bị kiểm tra chắc thầy không nhận”. Thôi thì “cá chuối đắm đuối vì con”, qua mấy ông bạn ở Trường Mỹ thuật Tuyến biết được địa chỉ nhà thày Trí và lò mò đến. Anh tin rằng với cương vị của mình, với sự quen biết của mình và với khả năng thuyết phục của một người đồng nghiệp anh sẽ xin cho con được vào học.

Ngôi nhà thày Trí ở sâu trong một con ngõ, khoảng sân rộng trước nhà chật ních xe đạp, xe máy chắc là của học sinh đến học thêm. Vừa bước vào phòng khách Tuyến đã thấy hoa cả mắt vì tranh: tranh treo trên tường, tranh xếp dưới đất, cái thì sơn dầu thô ráp, cái thì sơn mài quý phái… cứ ngồn ngộn đầy cả căn phòng. Vốn không hiểu gì nhiều về hội hoạ anh chỉ nhìn lướt qua và tự nhủ: “Tay này chắc cũng là một hoạ sĩ khá đây!” Hỏi cô bé giúp việc đang tỉ mẩn lau chùi mấy cái khung tranh anh được biết thày Trí có nhà và đang dạy vẽ ở tầng trên, Tuyến rảo bước lên cầu thang. Tầng hai và tầng ba ngôi nhà cũng làm Tuyến hoa mắt vì la liệt những bức tượng thạch cao làm mẫu vẽ, mỗi tầng có hơn chục cô cậu tuổi sàn sàn như con bé nhà anh đang cặm cụi bên giá vẽ làm bài tập. Hỏi thày Trí đâu chúng chỉ lặng lẽ chỉ tay lên trên rồi lại mải miết với công việc của mình.

Sợ ảnh hưởng đến công việc của tụi trẻ, Tuyến nhẹ nhàng bước lên tầng bốn. Vừa nhô đầu lên hết cầu thang anh chợt khựng lại. Đập vào mắt anh là một tấm võng dù giăng giữa hai thân cây khô khẳng trồi lên từ một đống lổn nhổn đất đỏ, đá cuội và lá khô, một chiếc ba lô cóc cành cành, cái cặp vẽ để gọn gàng dưới đầu võng, cái mũ tai bèo và cái xanh-tuya-rông lủng củng những bi đông, dao găm... treo toòng teng trên một chạc cây, đôi dép đúc đặt ngay ngắn dưới võng, tất cả đều nhuốm đỏ bụi đường. Có vẻ như chủ nhân của chúng vừa dừng chân nghỉ và đi loanh quanh đâu đó. Tuyến gai gai người như sống lại cái thuở hơn ba mươi năm trước giữa Trường Sơn. Anh thầm thán phục người hoạ sĩ: chỉ với một không gian nhỏ bé thế này mà đã tạo dựng được cả một khoảnh rừng và gợi lại cả một trời kí ức cho những ai đã từng sống những năm tháng đó.

Đứng lặng một hồi cho cảm xúc trong lòng lắng xuống Tuyến đẩy cửa ra sân thượng. Khoảnh sân hơn chục mét vuông được bày đầy những chậu cây cảnh không theo hàng lối gì cả. Nhưng có lẽ chúng không phải là những loại cây cảnh mà người ta thường bán ngoài chợ Bưởi, trong đó có rất nhiều cây anh chẳng biết tên, chúng cũng không mượt mà xanh như thường thấy mà có phần còi cọc và vàng vọt. Ở một góc sân, dưới bóng râm cây ngũ gia bì là một người có khuôn mặt khắc khổ bị che lấp bởi mái tóc dài và bộ râu rậm rì cực kì khó đoán tuổi đang ngồi trầm ngâm như đang suy tưởng về một cái gì cao siêu lắm. Trước mặt anh ta là một cái khay gỗ sứt sẹo, trên đó là một nậm rượu và độc nhất cái chén mắt trâu cóc cáy. Thấy động anh ta cũng chẳng thèm ngẩng mặt lên, chỉ buông một câu trống không:

- Gì đấy?

“Chắc hắn tưởng học trò lên hỏi bài”, Tuyến tự nhủ và mềm mỏng theo đúng phép tắc xã giao:

- Xin lỗi! Có phải anh là anh Trí giảng viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp không ạ?

- Phải! Cái gì đấy?- Vẫn cộc lốc và trống không nhưng đã hơi ngẩng mặt lên.

Biết là gặp phải một tay khó chịu, Tuyến sà xuống ngồi trước mặt anh ta và rất mềm mỏng trình bày nguyện vọng của mình. Sau khi im lặng lắng nghe lời giải trình của Tuyến anh ta buông một câu cộc lốc:

- Biết rồi! Nhưng tôi không nhận được!

Tuyến năn nỉ:

- Anh cố gắng giúp cho! Cháu nó thiết tha lắm mà tôi thấy nó cũng có năng khiếu về hội hoạ anh ạ.

Cầm chén rượu lên nhấp một hớp nhỏ anh ta sẵng giọng:

- Đã bảo không nhận là không nhận. Anh có nói nữa cũng thế thôi!

Không mấy khi bị từ chối một cách bất nhã như vậy, Tuyến khó chịu lắm. Anh đã định chửi vào mặt cái gã tự cao tự đại này mấy câu rồi gút-bai nhưng nghĩ đến vẻ mặt thất vọng của con gái và lời hứa chắc như đinh đóng cột trước lúc đi của mình nên đành nuốt cái “cục giận” xuống để tìm kế tiếp cận. Như không để ý đến thái độ bất hợp tác của chủ nhân, Tuyến thân thiện:

- Anh Trí có vườn cây cảnh đẹp quá nhỉ!

- Đẹp gì mà đẹp! Đây có phải cây cảnh đâu!- Anh ta lại sẵng giọng.

Thế là lại bế tắc rồi. Tuyến thử lại lần nữa:

- Không, ý tôi nói là độc đáo thì đúng hơn. Tôi vẫn thường la cà chợ Bưởi mà đâu có thấy những cây này. Hình như đây toàn cây dại trên rừng thì phải? Ít nhất tôi cũng biết đây là cây me dại, quả nó cũng ngon ra phết, còn đây là cây màng tang, lá đâu chả thấy chỉ thấy gai, còn cây này - Anh chỉ vào cái cây cạnh chỗ hắn ngồi - bọn tôi vẫn gọi nó là “ngủ li bì”.

Cái đầu rậm rì râu tóc ngẩng lên, đôi mắt nhìn lướt qua mặt Tuyến một thoáng rồi nói, giọng có vẻ dịu hơn:

- Ông có vẻ cũng hiểu biết về rừng gớm nhỉ! Lính về phải không?

“Có chiều hướng thuận lợi đây”, Tuyến nghĩ bụng và trả lời:

- Vâng! Tôi ở Tổng hợp đi tháng chín bảy mốt.

- À! Đồng ngũ đấy! “B” mấy?

Trúng “mánh” rồi, “tiếp cận” được rồi. Tuyến khẽ cười:

- Tôi quân của Bộ, lính xe tăng mà.

Lần này thì cái mặt rậm rì râu đã ngẩng hẳn lên, đôi mắt soi mói đảo qua đảo lại chiếu vào mặt Tuyến như cách nhìn của một hoạ sĩ nghiên cứu mẫu vẽ:

- 203 phải không?

- Phải! Nhưng sao ông biết?

- Có đánh Nước Trong không?

- Có, hôm hai bảy tháng Tư - Tuyến trả lời như cái máy.

- Xe 512 phải không?

Minh họa: Hải Kiên

Tuyến choáng người. Sao thằng cha này lại có thể đọc vị tường tận về anh như thế. Nhìn chằm chằm vào bộ mặt của người đối diện, Tuyến chẳng nhận ra được nét gì quen. Đôi mắt vừa nhìn anh soi mói như cũng nhoà đi, lạc thần. Nhớ đến cái ba lô có cái cặp vẽ cành cành đằng sau đặt ở góc nhà, bộ óc đã chai lì đi với những giáo trình khô không khốc ở trường của Tuyến loé lên như một tia chớp: chính hắn đã bám dai như đỉa đòi trèo lên xe anh sáng 27 tháng Tư năm 75. Anh chụp mạnh hai vai hắn, miệng lắp bắp:

- Ông... có phải ông là... từng là phóng viên báo Quân giải phóng phải không?

Đôi mắt vẫn như người mộng du, hắn không trả lời mà lẩm bẩm:

- Chết rồi mà! Chết tất rồi mà!

Những hồi ức hơn ba mươi năm trước vụt về trong đầu Tuyến. Hôm ấy, sau khi đánh chiếm xong Trường Thiết giáp Long Thành, đại đội anh nhận nhiệm vụ tiếp tục tiến công căn cứ Nước Trong. Bốn anh em đang tất bật mỗi người một việc chuẩn bị đi chiến đấu thì hắn mon men đến. Đặt cái ba lô to đoành xuống gốc cây, hắn ngó ngó nghiêng nghiêng, lui lui tiến tiến như đang nghiên cứu cái xe của các anh vậy. Đang chuẩn bị đi đánh nhau mà bị thằng cha trông rõ “hãm tài” đến ám thì ớn lắm nên trưởng xe Trường quát: “Đi chỗ khác mà ngó nghiêng để bọn tôi còn làm việc chứ!” Hắn chẳng tỏ vẻ gì phật ý mà lại toét miệng cười: “Tôi cũng đang làm việc đấy chứ. Đang chọn góc độ để bấm mấy kiểu ảnh chuẩn bị xuất kích. Tôi ở báo Quân giải phóng mà”. Quả thật, trong cái mớ lùng nhùng hắn đeo trên người có một cái máy ảnh treo lủng lẳng. Nghe nói đến chụp ảnh thằng Quân từ trong buồng chiến đấu nhảy vọt ra gạ gẫm: “Chụp đi! Chụp cho bọn tôi mỗi thằng một cái để làm kỉ niệm nhé!” Hắn gật đầu đồng ý một cách vô cùng dễ dãi.

- Ông có nhớ hôm ông bị đuổi khỏi cái xe tăng ở cổng Trường Thiết giáp Long Thành không?

- Nhớ chứ! Làm sao quên được. Có bị đuổi xuống thì tôi mới còn sống đến hôm nay được chứ. Nhưng sao ông biết?

- Thì chính tôi đã đuổi ông xuống bằng được đây mà.

Đến lượt anh ta trợn mắt lên sửng sốt:

- Đúng rồi! Đúng thằng cha lái xe cao kều rồi! Lúc đó tôi đã rủa ông mãi. Thế ông vẫn còn sống à ?

- Còn sống thì mới đứng ở đây được chứ! - Tuyến phì cười.

Họa sĩ Trí đứng vụt dậy lôi xềnh xệch Tuyến vào gian trong. Bây giờ anh mới để ý: đối diện với cái khoảnh rừng Trường Sơn thu nhỏ là một cái ban thờ nho nhỏ. Đến trước bàn thờ, Trí hổn hển:

- Thế mà tôi tưởng các ông đã chết tất rồi. Chính mắt tôi nhìn thấy cái xe 512 của ông bị trúng đạn bốc cháy như một bó đuốc cơ mà. Hôm 29 đi qua nhìn thấy xác xe đen như thui. Tôi chắc mẩm các ông đã “đi” cả nên đã đưa các ông lên bàn thờ đây này.

Tuyến nhìn theo tay Trí chỉ: ở một góc bàn thờ là tấm ảnh kíp xe 512 của anh lồng trong khung kính trang trọng. Trong ảnh, cả 4 anh em đang cười toe toét trước đầu xe, phía trước là một bát hương dày đặc những chân hương. Trí kể:

- Tôi đang học năm cuối Mỹ thuật thì nhập ngũ, do có chút tay nghề nên vào chiến trường được đưa về báo Quân giải phóng làm phóng viên, kiêm cả hoạ sĩ, viết bài, chụp ảnh. Hết chiến tranh mấy tháng thì tôi về học nốt năm cuối rồi ở lại trường luôn, lấy vợ, sinh con, làm nhà làm cửa. Cuộc sống đã ổn định nhưng chẳng lúc nào tôi quên được những ngày ở chiến trường, nhất là cái ngày 27 tháng Tư năm 75 ấy. Chắc chắn là nếu các ông không kiên quyết đuổi tôi xuống hôm ấy thì tôi tiêu rồi. Kể chuyện này với vợ con chính vợ tôi giục tôi lập bàn thờ các ông đấy. Nhưng làm sao ông còn sống, và ba ông kia cũng còn sống cả chứ ?

Tuyến bùi ngùi:

- Chỉ còn ba thôi ông ạ. Cái thằng Quân đậm đậm người mà ông bảo giống Pha-khát (1) ấy chết rồi. Lúc nó đang đội cửa lên bắn 12 li 7 thì một viên đạn trúng buồng truyền động, một mảnh đạn văng vào đầu làm nó chết ngay.

Hoạ sĩ Trí cúi đầu lẩm bẩm:

- Nếu hôm ấy các ông không đuổi thì tôi đã hứng trọn viên đạn đó phải không? Nhưng rõ ràng tôi thấy xe các ông cháy cơ mà, làm sao mà các ông vẫn sống được?

- Thì đạn trúng truyền động xe, chỉ Quân nhô người ra ngoài là hi sinh thôi. Trưởng xe Trường cũng bị sức ép một chút, còn tôi với thằng Thư pháo thủ thì không sao cả. Viên đạn làm hỏng động cơ và làm tổ dầu ngoài bốc cháy. Khi biết động cơ đã hỏng và lửa bắt đầu lan vào tổ dầu giữa chúng tôi phải đưa Trường và Quân ra bằng cửa an toàn dưới bụng xe rồi lui về phía sau. Ra khỏi xe thì lửa lan đến buồng chiến đấu và làm đạn trong xe nổ.

Tuyến vừa dứt câu, Trí bỗng sôi nổi hẳn lên:

- Thôi thế là may lắm rồi. Hôm nay ông phải ở lại đây với tôi uống một trận thật say để làm lễ hạ bàn thờ. Để tôi gọi bà xã nhà tôi về chuẩn bị và cũng để cho hắn biết ông. À! Nhưng mà không hạ được, chỉ thay ảnh bốn ông bằng ảnh ông Quân thôi.

Nghe đến đây trong đầu Tuyến lại hiện lên bức truyền thần của Quân, anh vội nói:

- Được thôi, hôm nay tôi sẽ ở lại. Nhưng ông phải cho tôi mượn tấm ảnh này để tôi làm cho Quân tấm ảnh thờ. Nó hi sinh chẳng để lại tấm ảnh nào, ở nhà nhờ thợ vẽ theo lời kể nên chẳng giống nó chút nào cả.

Trí hăng hái:

- Ông cứ yên tâm! Đó là việc của tôi. Bây giờ các phương tiện hiện đại lắm. Tôi sẽ làm cho ông Quân một tấm ảnh riêng và sẽ làm cho mỗi ông một tấm ảnh chung này để làm kỉ niệm. À! Nhưng sao hôm nay ông lại mò được đến đây?

Tuyến kể lại đầu đuôi câu chuyện. Trí cười:

- Thôi được, ông cứ cho cháu đến đây, tôi sẽ hướng dẫn cho nó. Dẫu nó không vào học trường này thì hội hoạ cũng sẽ làm cho tâm hồn nó thêm phong phú và nhạy cảm hơn.

Trưa hôm đó, ngay cạnh cái khoảnh rừng Trường Sơn thu nhỏ trên tầng bốn Tuyến và Trí ngồi như hai người tri kỉ đã lâu mới gặp lại nhau. Những câu chuyện không đầu không cuối về những ngày xa xưa làm vợ Trí ngồi nghe say sưa quên cả gắp thức ăn cho hai người bạn.

Một tuần sau, bốn tấm ảnh chung cả kíp xe và tấm ảnh riêng của Quân đã được Trí làm xong. Lòng nhiệt tình của Trí cộng với sự trợ giúp của kĩ thuật số đã làm cho những tấm ảnh như có hồn hơn.

Lại mất một buổi đi lùng Tuyến mới tìm thấy mấy cái khung ảnh ưng ý nhất. Anh cũng đã phải làm thêm mấy đêm cho hoàn thành công việc để có được một ngày về giỗ Quân. Mấy tấm ảnh đó làm Tuyến phải ôm khư khư cái ba lô lộn suốt chặng đường không dám rời một phút. Lẽ ra Trí cũng cùng về nhưng do bận tổ chức một cuộc triển lãm tranh về đề tài chiến tranh ở nước ngoài nên đành lỗi hẹn.

Chiếc xe ôm lao thẳng vào sân, mọi người ùa ra đón Tuyến. Hình như mọi người chờ anh đã lâu. Vẫn những gương mặt thân quen mà anh đã gặp ở đây mỗi lần có dịp về. Anh Hồng - anh trai của Quân ôm lấy hai vai Tuyến mà trách: “Chú đã ít về lại còn về muộn nữa. Hôm nay thế nào cũng phải phạt!” Tuyến cười ngượng nghịu chẳng biết thanh minh ra sao. Trưởng xe Trường vẫn giọng chỉ huy: “Mày vẫn chứng nào tật ấy, cứ nước đến chân mới nhảy”.

Trong nhà, mâm cỗ cúng đã làm xong bày trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Bố mẹ Quân vẫn ngồi lặng lẽ trên bộ tràng kỉ gian bên như đang nghĩ ngợi về một điều gì đó xa xôi lắm. Đến trước mặt hai cụ, Tuyến khẽ khàng: “Thưa bố bầm! Quân nó sống khôn chết thiêng đã dẫn con đến nhà người phóng viên năm xưa ở chiến trường. Thật may, anh ấy còn giữ được tấm ảnh chụp trước lúc chúng con đánh căn cứ Nước Trong. Hôm nay con xin phép bố bầm và anh Hồng cho thay tấm ảnh trên bàn thờ nó”. Cầm cái khung ảnh Tuyến đưa, đôi mắt đã bạc màu của bố Quân như sáng lên, ông bảo vợ: “Đây mới đích thị là thằng Quân nhà ta, bà ạ!” Mẹ Quân gật gù: “Ừ! Đúng nó rồi!” Từ trong đôi mắt mờ đục của mẹ Quân mấy giọt nước mắt ứa ra.

Đặt tấm ảnh Quân lên bàn thờ mấy anh em và thằng Nam thắp mỗi người một nén hương rồi xếp thành một hàng ngang như tập hợp trước xe. Sau làn khói hương run rẩy gương mặt và nhất là đôi mắt Quân lung linh, kì ảo như đang cười mãn nguyện.

N.K.N

___________

(1) Pha-khát: Tên nhân vật chính lái xe tăng trong bộ phim “Chiến công Pha-khát” của Liên Xô.