Thứ Sáu, 20/11/2020 16:26

Tác giả "Quân khu Nam Đồng" tiếp tục ra mắt sách về "cuộc sống ngày xưa"

Đi trốn đánh dấu sự trở lại của tác giả Bình Ca sau 5 năm, kể từ khi anh ra mắt Quân khu Nam Đồng - cuốn sách lập kỉ lục với 15 lần tái bản trong 4 năm qua.

 Đi trốn đánh dấu sự trở lại của tác giả Bình Ca sau 5 năm, kể từ khi anh ra mắt Quân khu Nam Đồng - cuốn sách lập kỉ lục với 15 lần tái bản trong 4 năm qua cho thấy Bình Ca đã phần nào có được cái duyên với văn chương, cho dẫu chưa bao giờ anh nhận mình là nhà văn.

Tối 19/11/2020, tác giả Bình Ca đã ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Đi trốn. Lấy bối cảnh vào khoảng năm 1965-1966, khi Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cuốn sách kể về cuộc phiêu lưu của một nhóm năm bạn nhỏ là con em cán bộ, thậm chí là những cán bộ cấp cao, giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ hung hiểm. Năm cô cậu nhóc vừa dũng cảm vừa vụng về, vừa chân thành vừa nông nổi. Trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trưởng thành lên, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn, chúng cũng phải đi tìm lối ra cho cuộc đời mình, trong một thời đoạn vô cùng khó khăn của đất nước những năm chiến tranh.

Nhà văn Bình Ca (áo đen) giao lưu cùng các độc giả

Nhóm bạn con nhà lính từ thủ đô về nơi sơ tán gồm Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam được đưa ra Hà Nội học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kì. Lũ trẻ đang ở tuổi mười hai, mười ba, cái tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá nhất. Vì một sự cố bất ngờ, cả đám bị bỏ lại giữa rừng hoang, trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn. Lối về đã bị bịt kín, chúng đóng bè trôi lênh đênh trên dòng sông ngầm trong lòng núi, trôi qua những hang động huyền ảo kì bí, những thung lũng xanh rờn không dấu chân người, mà đường về vẫn vô tăm tích. Cuộc phiêu lưu li kì đến nghẹt thở, lũ trẻ liên tục phải chiến đấu với thú dữ, với những tình thế sinh tử ghê gớm để tồn tại. Và trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trở nên tự lập, thông minh, gan dạ, trách nhiệm, nhưng vẫn hồn nhiên, trong trẻo.

Tại buổi giao lưu ra mắt sách, tác giả Bình Ca chia sẻ, khi biết anh sắp in cuốn sách mới, có nhiều người nghĩ rằng đây sẽ là phần tiếp theo của Quân khu Nam Đồng. Tuy nhiên Bình Ca khẳng định anh không muốn lặp lại mình trong văn chương. “Tôi không coi mình là nhà văn, không xem văn chương là nghề nghiệp. Văn chương là niềm vui, là một cuộc chơi, đã là cuộc chơi thì phải chơi cho đẹp”.

Đi trốn được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, không vì tác giả của nó là tác giả của Quân khu Nam Đồng. Những câu chuyện thời thơ ấu, những tính cách và tâm hồn trẻ thơ trong cuốn sách đã thực sự cuốn hút bạn đọc. Bình Ca dẫn dắt câu chuyện một cách tự nhiên, ngôn ngữ hết sức giản dị và trong sáng, phù hợp với độ tuổi của các nhân vật cũng như phù hợp với thời kì câu chuyện diễn ra. Bên cạnh đó là yếu tố phiêu lưu, kì ảo góp phần làm nên sự sinh động, hấp dẫn cho cuốn sách.

Đi trốn từng bị đặt ra câu hỏi, rằng viết như vậy có hoang dã quá không, có bạo lực quá không khi mà trong truyện có những chi tiết xung đột giữa những đứa trẻ ở tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, các nhà văn và độc giả có mặt tại buổi giao lưu đều nhìn nhận những chi tiết ấy là cần thiết và làm dày dặn thêm tinh thần của cuốn sách. Ngay cả những độc giả nhỏ tuổi khi đọc những chi tiết đó cũng không nghĩ rằng đó là bạo lực mà nhìn nhận ở tính văn chương cao hơn.

Nhà báo Phạm Gia Hiền nhận xét, giọng văn của Bình Ca chân thực, lôi cuốn, những gì anh viết như thể đó là một câu chuyện hoàn toàn có thực từ địa danh cho đến những tình tiết. Tuy nhiên tác giả Bình Ca thì khẳng định cuốn sách hoàn toàn là sự hư cấu. Trong khi bạn bè cùng thời và đồng nghiệp của ông cũng cho rằng đây là một câu chuyện có thật lấy bối cảnh ở Ninh Bình, nơi nhà văn có nhiều năm công tác.

Nói về điều này, nhà văn Bảo Ninh nhận định: "Dù là hư cấu hay phi hư cấu, Đi trốn vẫn là câu chuyện sinh động và cảm động. Người viết đã thể hiện vốn sống dày dạn, phong phú qua cách kể chuyện giản dị, lối miêu tả phác họa nhanh và tự nhiên, chữ nghĩa không cầu kì nhưng diễn đạt được nội tâm, suy nghĩ và lời nói của các nhân vật. Tác giả Bình Ca dẫn dắt bạn đọc qua những chặng mạo hiểm một cách nhẹ nhàng, trữ tình, đan xen chút hóm hỉnh".

Tác giả Bình Ca nêu trong phần Vĩ thanh: “Theo tôi, cuộc đời mỗi người như một dòng sông, luôn chảy về phía trước. Trong cuốn sách này, tôi muốn giới hạn câu chuyện kể về những nhân vật của mình trong một khúc sông tuổi thơ.” Một khúc sông ngắn ngủi thời niên thiếu, một cuộc phiêu lưu trẻ thơ, non nớt, vụng dại. Dù thể loại là hư cấu, màu sắc hiện thực trong câu chuyện rất đậm nét. Cũng như Quân khu Nam Đồng, đây không chỉ là cuốn tiểu thuyết viết về trẻ con và cho trẻ con. Có nhiều câu chuyện, sự kiện mà người lớn có thể nhìn lại và thấy mình trong đó. Với vốn sống giàu trải nghiệm cùng lối văn tự nhiên, tiết chế, chắc chắn, Bình Ca đã dựng được cả một không khí riêng cho cuốn tiểu thuyết, với màu sắc lịch sử sắc nét, không gian địa lí chân thực, và một thế giới trẻ thơ sống động.

“Cha ông chúng ta sống tử tế và chân thành. Thời của chúng tôi, trẻ thơ cũng sống rất đẹp, nếu được lựa chọn tôi vẫn thích sống kiểu ngày xưa”. Có lẽ bởi những hồi ức tươi đẹp ấy mà Bình Ca đã lựa chọn thời kì ấy và những câu chuyện ấy để viết Đi trốn.

TÙNG PHƯƠNG