Thứ Sáu, 23/10/2020 16:35

Sự phản bội

Trong khoảng khắc, Shastri quên mất cuộc phỏng vấn. “Anh có thể cho tôi biết tại sao anh đặt khung ảnh này trên bàn làm việc của anh không?”, ông lắp bắp hỏi.

. Truyện ngắn của Sujatha Balasubramaniam

“Xin mời ông vào trong để chờ, ông Shastri. Ngài giám đốc sẽ đến sau vài phút nữa”. Giọng nói ngọt ngào, lịch lãm của cô tiếp tân làm cho ông thấy yên tâm. Shastri lặng lẽ kéo ống tay áo của chiếc áo khoác đen đã sờn rách xuống để cố che ống tay áo cũng đã sờn của chiếc áo sơmi bên trong. Ông bước vào và chậm rãi khép cửa phòng lại.

Văn phòng được bài trí trang nhã và đơn giản. Chiếc bàn rộng làm bằng gỗ hồng mộc kiêu hãnh nằm giữa phòng. Có một chiếc ghế xoay nằm sau chiếc bàn và có vài chiếc ghế bọc da dành cho khách. Một tủ sách đầy sách và một cái tủ hồ sơ đứng cạnh cửa sổ.

Chân Shastri lún trong thảm trải phòng khi ông bước vào và đến ngồi ở một trong các chiếc ghế dành cho khách. Ông rút chiếc khăn tay ra lau trán và lấy bàn tay gầy guộc, da nhăn nheo vuốt chòm tóc bạc thưa thớt trên đầu.

“Cầu xin Thượng đế cho tôi thành công lần này”, ông tha thiết cầu nguyện. Ông đã bao lần đến các văn phòng được trang bị xa hoa như thế này và đã bao lần bị tiễn ra khỏi cửa một cách lịch sự...

“Xin lỗi ông Shastri, hiện tại chúng tôi không thể tuyển dụng ông...”.

Cái bóng ma lặng lẽ của sự thất vọng đang chờ ông ở nhà... Làm sao ông có thể đối diện với nó một lần nữa? Vì ngầm hiểu ông nên vợ con ông không bao giờ hỏi ông điều gì. Họ đợi chờ trong những hi vọng đang dần tàn theo ngày tháng. Họ sợ cả tiếng leng keng của vòng đeo chân, tiếng lách cách của các tấm kính cửa sổ, thậm chí là cả tiếng sột soạt của áo sari. Sự im lặng như một thứ hơi độc lan ngấm vào cuộc sống của họ và dễ làm cho họ trở nên tê dại, lờ đờ.

Lần này chắc khác, Shastri nghĩ. Lần này sẽ có nhiều tiếng cười và niềm vui vì họ chờ đợi đã lâu. Với vẻ tự tin khác lạ, ông ngả người ra ghế và nhìn quanh căn phòng.

Ánh nắng mặt trời chiếu vào phòng qua bức rèm được để hở một nửa, làm hỏng mất màu tùng lam của một bức tranh vẽ cảnh nông thôn treo trên bức tường đối diện. Chúng cũng chiếu vào chiếc điện thoại bàn màu đỏ, biến nó thành một khối lửa rực sáng. Một cây bút nhỏ màu tối được cắm vào hũ mực, trông như một chiếc dao găm nhỏ quái gở. Bên trái của hũ mực có một khung ảnh bằng nhựa màu xanh nhạt, loại rẻ tiền.

Cái khung ảnh rẻ tiền hoàn toàn không hài hòa với căn phòng thanh nhã thu hút sự chú ý của Shastri. Ông nhổm dậy và đi đến cầm nó lên. Các mép của khung ảnh đã bị hoen màu và ở các góc có các vết nứt. Khung ảnh không có hình.

Shastri vân vê cái khung ảnh mỏng trong tay. Nó trông khá quen thuộc. Ông đã trông thấy nó trước đây ở đâu? Hai mươi năm trước hay ba mươi năm trước? Ở Koilpatti? Ở Manur? Không phải. Hay ở Devikulam? Đúng, ở Devikulam.

Sundari tinh khôi, đáng yêu như hoa nhài mới nở, mảnh mai và vô nhiễm. Kí ức ập về với Shastri trong đau đớn. “Ô, trời ơi! Tôi không muốn đánh đổi cho thời êm ái xa xưa!”, ông rên rỉ. Ông nhắm mắt lại, như muốn ngăn cản các kí ức nhưng những đường nét rõ mồn một của chúng vẫn quay về ám ảnh ông.

------

“Em đã chuẩn bị nước nóng cho anh tắm rồi đó!”. Chandran ngẩng đầu lắng nghe lời nói chậm rãi và ngọt ngào. Nàng đứng đó, như một con hươu đang trong tư thế bỏ chạy. Nàng chưa tới 18 tuổi và chiếc áo sari dày may bằng vải cotton khó có thể che giấu được thân hình nõn nà của nàng. Ngược lại, nó còn làm nổi bật các đường cong ở eo. Đôi mắt nâu to trên gương mặt trái xoan khẽ nhìn chàng trong phút chốc rồi quay đi. Chandran thì thào gì đó với chính mình khi chàng đưa tay lấy khăn tắm.

Ngày đầu tiên của chàng ở Devikulam thật đầy hứa hẹn. Đó cũng là ngày chàng bắt đầu nghề nghiệp của mình. Khi chàng được nhận vào làm thư kí cho bưu điện địa phương, chàng hân hoan đến ngay mà không nghĩ đến việc phải tìm một nơi nào để ở.

Thật may mắn cho chàng là có một người đã khuyên chàng nên đến nhà một người phụ nữ đứng tuổi, nơi còn một căn phòng cho thuê. Người phụ nữ đồng ý nấu ăn cho chàng với giá rẻ và Chandran vui mừng vì đã có giải pháp cho các vấn đề của mình. Có cả một cô gái xinh đẹp ở cùng nhà với chàng! Chandran bước nhanh ra khỏi phòng.

Cô gái ấy tên là Sundari. Cô là cháu gái mồ côi cha của người phụ nữ. Vài ngày sau đó, Chandran chỉ có thể trộm nhìn nàng khi nàng đi lại trong nhà. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ làm cho chàng rạo rực. Đôi tay nàng có làn da màu nâu vàng nhạt mịn màng, dáng đi của nàng tự nhiên và thanh thoát, mùi hương hoa nhài trên mái tóc nàng phơn phớt, dịu êm. Chandran luôn nghĩ về nàng. Chàng muốn nói chuyện với nàng, muốn đắm say ngắm nàng nhưng mỗi khi chàng tiến đến, nàng đều biến mất vào bóng tối của nhà bếp.

Hôm ấy, Chandran về sớm hơn mọi ngày. Cửa phòng để mở và chàng bước vào căn phòng nhỏ bên ngoài phòng của chàng. Sundari đang ngồi trên một tấm thảm, trước mặt nàng là một rổ hoa. Những ngón tay lanh lợi của nàng đang kết một tràng hoa. Nàng nhổm dậy khi thấy chàng và định chạy vào nhà bếp.

“Xin em dừng lại”, chàng nói. “Cô của em đang ở đâu?”.

“Cô em đã đi tới đền. Hôm nay là thứ sáu ạ”, Sundari dịu dàng đáp. Nàng đứng tựa vào cửa, các ngón tay bồi hồi vân vê đuôi tóc dài, đen và cong của mình.

“Em”, Chandran táo bạo bước tới. “Sao em lại bỏ chạy mỗi khi em thấy anh? Anh không phải là con sư tử hay con cọp muốn ăn em. Nói cho anh biết, anh có phải là yêu quái làm em phải sợ không?”.

Sundari nhìn ngắm gương mặt đẹp trai, có mũi thẳng, miệng rộng và cái cằm nhìn cương nghị của chàng. Nàng cúi đầu che giấu nụ cười. Ngón chân cái của bên chân trái của nàng bắt đầu vẽ gì đó nguệch ngoạc trên nền nhà.

“Dạ, không phải ạ...”, nàng rụt rè nói.

“Nếu em không thích anh, xin em nói ra và anh sẽ dọn đi ngay”, Chandran nói và thấy mình như bị tổn thương.

“Ồ, không, xin anh đừng nghĩ vậy”, Sundari bối rối nói. Nàng tình tứ nhìn chàng và nhanh chóng thay đổi chủ đề. “Em sẽ pha cà phê cho anh”. Nàng biến mất vào trong. Nhưng lần này Chandran bước vào phòng mình với sự mãn nguyện.

Sau đó, Sundari trở nên dễ chịu hơn một chút. Nàng không bỏ chạy khi thấy chàng, thậm chí còn đứng lại chuyện trò với chàng vài ba phút trước khi chàng đi làm mỗi sáng. Vào bữa tối, nàng tự tay nấu cho chàng những món chàng thích. Dần dà, họ yêu mến nhau hơn. Cô của Sundari cũng quý Chandran và xử sự với chàng như với một thành viên trong gia đình. Tình yêu của Chandran ngày càng lớn lên. Ban đêm, chàng nằm và nhớ tới đôi má hồng cùng những tua tóc thanh mảnh xõa trên trán nàng.

Buổi sáng, trời nóng bức. Sundari đang kéo nước ở cái giếng sau nhà. Sau khi kéo gầu nước thứ tư lên, nàng đặt nó trên thành giếng và xối nước lên hai tay. Sợi dây thừng xơ dừa dày và sần sùi làm hai tay nàng xây xát, đỏ màu.

“Em có biết, nhìn đôi tay em anh liên tưởng đến cái gì không?”, Chandran đi từ phía sau nàng tới và hỏi. “Những cánh hoa sen hồng dễ thương”. Sundari ngẩng mặt lên và cười. “Anh lấy đâu ra mà ăn nói mĩ miều vậy?”.

“Nhìn em ai cũng có thể làm thơ!”, Chandran nói. “Anh không thể chịu được khi thấy đôi tay mềm mại, mảnh mai của em bị xây xát. Để anh kéo nước cho em”. Chàng vụng về cầm sợi dây thừng lúc này đã bị trượt ra khỏi ròng rọc và từ từ hạ gầu xuống. Sundari cười và đưa tay cầm dây thừng đặt vào lại cái ròng rọc. Trong giây phút, tay họ chạm vào nhau. Chandran thấy cơ thể mình nóng rực.

“Sundari!”, chàng nắm tay nàng thì thào. “Em có biết là anh yêu em biết chừng nào không?”.

“Sundari, nhìn anh đi. Em sợ gì anh? Em có biết là anh thà chết chứ không được làm tổn hại một sợi tóc của em không?”, Chandran nói dịu dàng. Hoàng hôn đã đến và họ đang ngồi trên chiếc ghế đá trong khu vườn nhỏ phía sau ngôi đền.

“Anh muốn cưới em ngay lúc này! Nhưng ba má anh rất bảo thủ. Anh sẽ từ từ thuyết phục họ và làm cho họ đồng ý. Nhưng ngày ngày thấy em đây..., thật độc ác làm sao!”.

“Anh nghĩ em dễ bị lừa sao?”, Sundari thì thào. “Trong trái tim em, chỉ có anh và không ai có thể thay thế anh”.

Chandran bỗng nắm cánh tay nàng. “Sundari, tại sao chúng ta không thể lấy nhau? Tại sao chúng ta phải đợi một đám cưới với sự ồn ào, hoa và khách mời? Sau cùng, lời thề thiêng liêng của sự kết hôn là gì?”. Chàng lấy tay cầm cằm của nàng và kéo khuôn mặt nàng về phía mình.

“Ngày mai, em nhớ mang theo một củ nghệ và chỉ vàng. Anh sẽ cưới em trong không khí trang nghiêm của khu vườn này. Chúng ta sẽ là vợ chồng và không cần ai biết về điều đó. Em thấy sao?”, chàng nói nồng nàn. Sundari gật đầu, đôi mắt bừng sáng.

Mặt trời dịu dàng khuất sau các ngọn đồi. Buổi tối mùa hè yên tĩnh và hầm hập nóng, như người đang nín thở trông đợi. Cây bụi đang âm thầm chờ bóng đêm mềm mại. Nàng cúi đầu và ngập ngừng bước tới. Chàng hăm hở đưa tay ra và lấy sợi chỉ vàng cột vào củ nghệ rồi đeo chúng vào cổ nàng bằng bàn tay run run.

“Sundari, anh yêu em”, chàng vui sướng thì thào. Chàng dìu nàng đến bãi cỏ ven sông của khu vườn mát dịu và ôm nàng trong cánh tay.

Sundari tung tăng trong nhà như một con bướm, thi thoảng nàng còn ậm ừ hát ca. Hạnh phúc như một ngọn đèn bừng sáng trên gương mặt nàng. Nàng mang cà phê vào phòng Chandran.

“Anh nói thật nhiều nhưng anh chưa bao giờ tặng em một món quà nào”, nàng trách móc.

Minh họa của Hải Kiên.

“Anh sẽ làm tất cả chỉ vì em”, Chandran nói tha thiết. “Em có muốn anh đi mang mặt trăng hoặc hái sao trên trời cho em không?”, chàng hỏi và ôm choàng nàng. Sundari cười và vùng vẫy khỏi tay chàng.

“Không, không cần đâu. Anh không cần phải dối em như vậy. Em chỉ cần một điều nhỏ bé thôi. Anh có dám hứa không?”.

“Anh hứa”, Chandran hăm hở nói.

“Anh tặng em hôm nay một tấm hình của anh”.

Chàng thở phào nhẹ nhõm. “Có bấy nhiêu thôi mà em làm ồn ào lên sao?”.

Tối ấy, chàng đi chụp hình và lục lọi khắp các cửa hiệu để mua một khung ảnh. Chàng chọn một khung ảnh nhỏ, màu xanh, bằng nhựa, có viền hoa văn màu vàng. Chàng mang về để tặng Sundari.

------

Trời đã sang thu và mưa đã về. Mọi thứ đang âm thầm thay đổi. Chandran phải làm việc nhiều hơn và trở về nhà muộn hơn. Những ngày rỗi việc, chàng đi chơi với bạn bè và cố tình về muộn. Sundari không còn ríu rít như xưa. Khi nàng cố nấu những món ngon cho anh ta, anh ta vờ chê chúng không ngon. Lấy cớ đang chuẩn bị cho một kì thi, anh ta đóng cửa, tránh mặt nàng.

Tối ấy, anh ta trở về với cái đầu nhức thông thống và nằm phịch xuống giường. Tất cả viễn cảnh có vẻ mù mờ và anh ta thấy bực dọc. Sundari lặng lẽ đến và đặt tay lên trán anh ta. Chandran ngồi dựng dậy và hất tay nàng ra, như thể nàng đang làm anh ta khó chịu.

“Tại sao cô không để tôi được một mình? Vui lòng đi ra, đừng quấy rầy tôi!”, anh ta giận dữ nói. “Lại trơ tráo”, Chandran ngẫm ngợi khi anh ta trằn trọc trên giường.

Vài ngày sau, Sundari lặng lẽ đến đứng ở cửa phòng của anh ta. Anh ta đang đọc sách và cau mày nhìn lên.

“Giờ cô muốn gì?”, anh ta cộc cằn hỏi.

“Dạ, không có gì...”, Sundari run run giọng nói. Nàng vân vê tà áo sari. “Em chỉ muốn nói... Sao anh không viết thư về cho gia đình để lo cưới hỏi em?”, nàng nói nhanh.

Chandran sửng mặt lên và á khẩu. “Anh thấy đó, sớm muộn gì thì anh cũng nên... Em đang có...”, nàng cúi đầu và nhỏ nhẹ nói.

Anh ta nhảy chồm lên và đưa cặp mắt long sòng sọc nhìn nàng. “Cưới hỏi gì?”, anh ta thét. “Cô nghĩ là do tôi đã quấn chỉ quanh cổ cô nên cô đòi cưới sao? Nói cho tôi biết, có ai thấy chuyện đó không? Không có ai! Nếu cô cứ khăng khăng đòi cưới, tôi thậm chí sẽ không thèm sờ vào cô. Cô chắc đã đi ăn nằm với thằng nào đó rồi bắt tôi phải gánh trách nhiệm. Các người đều như vậy cả, cố bẫy đàn ông chỉ vì anh ta là kẻ tốt. Biến đi khuất mắt tôi ngay!”, anh ta giận dữ xua tay.

Sundari sửng sờ nhìn anh ta. Thẳm sâu trong đáy mắt nàng, có điều gì đó ngỡ ngàng như khi nàng lần đầu gặp anh ta. Anh ta mất bình tĩnh trước sự lặng im kì lạ của nàng, do vậy, muốn khóc và chửi rủa nhưng lại thôi.

“Đi đi!”, anh ta lại thét. Như trong một cơn mê, Sundari lặng lẽ bước đi.

Chandran lôi vali ra và nhanh chóng dọn đồ. Anh ta bừa bãi quẳng quần áo vào và đóng nắp lại. Anh ta đến tìm bà cô của Sundari và nói rằng anh ta bị buộc phải chuyển đến một thị trấn khác rồi trả cho bà tiền nhà cùng tiền ăn. Nửa giờ nữa anh ta sẽ đi.

Sundari đứng bên cửa sổ nhìn anh ta xách vali ra đi. Nàng đưa một bàn tay nắm chặt sợi chỉ trên cổ, đôi mắt thẫn thờ. Chandran dấn bước. Anh ta xin thôi việc và mua vé tàu lửa rời Devikulam. Khi tàu chuyển bánh, anh ta thở phào. Giờ anh ta đang ngồi ngả lưng vào ghế tàu và nghĩ về các kế hoạch cho tương lai.

-----

Cửa mở và một người đàn ông trẻ bước vào. “Bác là Shastri phải không ạ? Tôi xin lỗi vì đã để bác phải đợi lâu”.

Ramachandran Shastri đứng dậy chào. Vị giám đốc trẻ tuổi đi tới ghế của mình.

“Thưa bác Shastri, tôi đã đọc kĩ hồ sơ xin việc của bác và rất hài lòng với kinh nghiệm dày dặn của bác nhưng...”.

“Nhưng sao ạ?”, Shastri nhổm lên hỏi.

Vị giám đốc trẻ thấy ông ta đang cầm khung ảnh trên tay. “À, tôi thấy bác thích thú với cái khung ảnh này. Nó luôn làm mọi người tò mò vì nó không có ảnh”, anh mỉm cười.

Trong khoảng khắc, Shastri quên mất cuộc phỏng vấn. “Anh có thể cho tôi biết tại sao anh đặt khung ảnh này trên bàn làm việc của anh không?”, ông lắp bắp hỏi.

“Bác biết đó, đây là di vật duy nhất của bố tôi. Nó được ông ấy trao cho mẹ tôi ngay trước khi ông ấy qua đời. Khi đó, tôi chưa được sinh ra. Mẹ tôi nói, bà và ông ấy yêu nhau dù ngắn ngủi nhưng đầy mê say. Mẹ tôi nói, bố tôi là một trong những người đàn ông cao thượng và đàng hoàng nhất trên đời. Nhưng như bác biết đó, những người như thế là những người thường đoản mệnh”, người trẻ thở dài. “Ông ấy chết trong một vụ tai nạn đường sắt gần Devikulam”.

“Nhưng...”, Ramachandra Shastri lắp bắp. Giờ ông ta đã hiểu. Sau khi ông rời Devikulam gần một tuần, có một vụ tai nạn đường sắt gần đó xảy ra. Sundari đoán chắc biết là ông không bị tử vong trong vụ tai nạn đó. Nhưng bà cố tình nói rằng, chồng bà đã chết.

“Thế còn mẹ anh?”, ông vặn hỏi người trẻ.

“Mẹ tôi chết đã mười năm rồi. Bà lúc nào cũng gìn giữ khung ảnh này và trao lại cho tôi trước khi qua đời, nói rằng đó là vật đem lại may mắn cho tôi, rằng ba tôi sẽ phù hộ cho tôi khi tôi giữ nó”, người đàn ông trẻ tự tin nói.

Sundari chắc đã xé nát tấm hình để giữ danh dự cho kẻ phản bội, ông Shastri nghĩ.

“Về việc tuyển dụng..., thưa bác Shastri..., tôi lấy làm tiếc không thể tuyển bác vì lí do tuổi tác. Chúng tôi không thể tuyển người trên 50 tuổi”, vị giám đốc xin lỗi.

Gọi chàng trai trẻ bằng “con trai tôi” là không khó, ông Shastri nghĩ. Điều này sẽ giúp kết thúc cuộc tìm kiếm, kết thúc sự khát khao và thiếu thốn. Nó sẽ là sự bắt đầu của một cuộc đời và đem đến tiếng cười cho kẻ đã mong chờ. Nhưng nó cũng sẽ làm chết đi một thần tượng cao quý đồng thời sản sinh ra một thần tượng đầy ghê tởm làm bằng đất sét. “Tôi đã từng phản bội cô ấy”, ông nghĩ, “đừng để tôi lại phản bội các kí ức mà cô ấy đã trao cho con trai cô”.

“Tôi hiểu, thưa anh...”, ông Ramachandra Shastri nói rồi lặng lẽ bước ra và khép cánh cửa lại sau lưng mình.

Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ Contemporary Indian Short Stories in English, Shahitya Akademi, New Delhi, 1991.