Thứ Ba, 04/08/2020 08:37

20 nhà văn cùng kể chuyện làm mẹ trong 'The Best Most Awful Job'

20 nhà văn kể lại chân thực về hành trình làm mẹ của mình với những cung bậc lên xuống không ngơi nghỉ, như phần chun của một chiếc quần jean loại co giãn.

Sự ra đời của tuyển tập The Best Most Awful Job: Twenty Writers Talk Honestly About Motherhood (tạm dịch: Công việc kinh khủng nhưng tuyệt vời nhất: 20 nhà văn kể lại chân thực về hành trình làm mẹ của mình) chứng tỏ một điều, phụ nữ cuối cùng cũng có thể giãi bày về những căng thẳng, mệt mỏi trong suốt hành trình làm mẹ của mình – những cung bậc lên xuống không ngơi nghỉ như phần chun của một chiếc quần jean loại co giãn.

Chúng ta vẫn thường được nghe, nhiệm vụ cũng như sức mạnh của văn chương nằm ở chỗ, nó không những đi vào thăm dò, tìm hiểu mà thậm chí định nghĩa chính những trải nghiệm sống của ta. Bởi vậy, người đọc thường mong mỏi có thể nghe được tiếng cọt kẹt nơi kệ sách bởi sức nặng của những tác phẩm kinh điển viết về đời sống những bà mẹ. Sau tất cả, còn có thứ cảm thức nào phức tạp và lạ kì hơn việc “ngắt” một sinh thể ra khỏi chính cơ thể của mình, nuôi lớn và biến nó từ một giọt nước vô tích sự trở thành một tạo vật biết cười, biết nói và giải phương trình bậc hai? Chắc chắn quá trình chuyển đổi một công dân đang tự do tự tại vui sống thành một bà cô luôn bận rộn, thấp thỏm, bất an ngay cả khi đi toilet sẽ đem lại nguồn chất chiệu văn chương dồi dào, phong phú hơn nhiều so với mấy kịch bản sướt mướt xoay quanh chuyện tình yêu và thù hận. Nhưng những tác phẩm như vậy ở đâu?

Và đây là câu trả lời: những tác phẩm ấy hầu như không hiện diện theo một lối truyền thống của văn chương trưởng giả, thường gạt những người phụ nữ sang bên lề và tầm thường hóa bất cứ điều gì thuộc về trải nghiệm của họ. Rachel Cusk - một trong những nhà văn hiếm hoi thuộc trường hợp ngoại lệ đã nhận định rằng: người ta luôn hoài nghi, ngờ vực rằng, một cuốn sách kể chuyện làm mẹ sẽ chẳng gây hứng thú với bất cứ ai, ngoại trừ chính những bà mẹ.

Cuốn sách về cuộc sống làm mẹ.

Vẫn là câu chuyện bất hủ: kinh nghiệm của nam giới xưa nay luôn được xem là phổ quát, còn của phụ nữ chỉ là những chuyện vặt vãnh, chuyện “đàn bà”. May mắn thay, mọi thứ đang dần thay đổi, bằng chứng là sự ra đời của tuyển tập The Best Most Awful Job: Twenty Writers Talk Honestly About Motherhood, được biên tập bởi Katherine May. Được phát hành đúng dịp “Ngày của Mẹ”, nó trở thành một phần của phong trào chất vấn lại tất cả sự phô trương và tính hình thức trong nghĩa cử mua hoa tặng mẹ vào những ngày này. Từ những bài chia sẻ rất thẳng thắn, thậm chí là hài hước trên Mumsnet (diễn đàn dành cho các ông bố bà mẹ) cho đến những cuốn nhật kí làm mẹ như And Now We Have Everything (Và giờ chúng ta có mọi thứ) của Meaghan O’Connell, phụ nữ cuối cùng cũng có thể giãi bày về những căng thẳng, mệt mỏi trong suốt hành trình làm mẹ của mình – những cung bậc lên xuống không ngơi nghỉ như phần chun của một chiếc quần jean loại co giãn.

Là một người luôn cảm thấy việc làm cha làm mẹ nên được ghi nhận là một ca bị lạm dụng nhân quyền, tôi thật sự hưởng ứng chiến dịch mới này (tôi chỉ mất hai đêm chuyển dạ, rồi một ca cấp cứu loại C, sau đó thay vì nghỉ ngơi thời kì hậu phẫu, tôi lại rơi vào trạng thái không thể ngủ liền 5 tiếng mỗi ngày trong vòng sáu tháng). Nếu lúc đọc cuốn sách này, tôi note lại mỗi câu khiến tôi hoặc bật cười, hoặc nhăn mặt, hoặc tái đi và chảy xịu xuống, thì rất có thể số ghi chú mà tôi dùng đã đủ để gấp thành một con nhím bằng giấy.

Trong cuốn sách, nhiều bài đã được viết với một sự giận dữ trên cả cấp độ chính trị lẫn cá nhân về một thế giới mà phụ nữ luôn bị đánh giá thấp. Như nhà văn Saima Mir đã chia sẻ trong tiểu luận của mình, Maternal Rage (Sự nổi giận của mẹ):

“Tôi gồng mình để làm cho xong mọi thứ, nhưng hết việc này lại đến việc kia kéo đến chồng chất, và rồi bàn chân trần của tôi dẫm lên một mảnh Lego trời đánh. Trò chơi kết thúc. Tôi hét lên. Tôi hét như một kẻ bị giam cầm gào thét, nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể làm lúc này. Tôi đã thử mọi cách để khiến lũ con quỷ sứ kia chịu lắng nghe mình, từ thương thuyết, đàm phán cho tới mất hết kiên nhẫn và tịch thu toàn bộ đồ chơi. Nhưng những đứa con yêu quý luôn muốn khám phá những ranh giới bằng cách đẩy xa hơn giới hạn của chúng”.

Người viết dường như đã đi đến giới hạn của cô ấy, nhưng ai có thể đổ lỗi cho cô được? Cô có ba đứa con nhỏ, ở nhà từ ngày này sang ngày khác và nói theo cách của cô thì “người ta luôn kì vọng chúng tôi sẽ tự ném mình vào một cơ chế được tạo ra để dành riêng cho những người đàn ông thập niên 1950”.

Những người đàn ông thập niên 1950. Tôi vẫn nuôi một giấc mộng hão huyền nho nhỏ vào thời điểm khi mới quay lại làm việc, tôi thường đóng gói một ngày của mình bằng việc phóng xe một cách điên rồ cho kịp giờ đón trẻ và phi về nhà để lao đầu vào một trận chiến mới trong nhà tắm với đứa con, trong khi một mắt vẫn không được phép lơ là kiểm tra hòm email công việc, (bất cứ ai còn mù mờ về việc làm mẹ đều nên biết một sự thật rằng: với cùng một đứa trẻ, một khi đã không chịu vào bồn tắm lần đầu thì chắc chắn sẽ từ chối bước vào đó một lần nữa, với sự quyết liệt như nhau trong mọi lần trong suốt 10 phút). Trong thế giới tưởng tượng của mình: tôi là một người đàn ông cửa những năm 1950 chung sống cùng với một người vợ nội trợ. Tôi sẽ trở về nhà khi tan làm trong một bầu không khí nhìn chung tươi vui và có một sự trịnh trọng nhất định bởi tôi đây chính là người có năng lực tạo ra thu nhập cho gia đình. Chiếc cặp trên tay tôi sẽ được nhấc ra đem đi cất và thay vào vị trí đó là một món đồ uống, những đứa con thơm mùi sữa tắm của tôi sẽ được tặng một nụ hôn trước khi được bế vào giường đi ngủ. Cảnh tượng tay quét bỏng ngô khỏi sàn bếp, đầu thì xử lí các deadline công việc sẽ không bao giờ được phép lọt vào cuộc sống của tôi. Buổi tối lí tưởng của tôi phải là thư thái nấu nướng và ăn uống tại nhà.

Trong một thời đại mà những điều lí tưởng như vậy cực kì viển vông và xa vời, ngày nay, khối lượng công việc mà một cặp vợ chồng điển hình phải đảm đương ngày một tăng lên khiến cho người phụ nữ phải tham gia vào vào lực lượng lao động, trong khi những chính sách hỗ trợ (như mạng lưới gia đình và bạn bè thân thiết, nhà mẫu giáo với giá cả phải chăng) thì xói mòn. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả chuyện này đã hằn lên những người mẹ một vệt rất sâu của bấp bênh, lo âu. Theo lời của nhà viết kịch Sharmila Chauhan, một trong những nhà văn có tên trong tuyển tập này thì: “Xã hội chúng ta đang sống không hề tạo ra những mô hình bền vững, chắc chắn cho một cuộc sống gia đình”.

Hệ quả là những sự méo mó hay đứt gãy, đặc biệt trong các mối quan hệ, đã xảy đến, và chúng được kể lại trên những trang viết đầy chân thực và sống động đến mức bạn thực sự nghe được rõ mồn một tiếng nghiến răng trong miệng của ai đó. Chauhan đã giận tím người khi chồng cô tắm quá lâu, điều này nghe có vẻ thật tủn mủn, tầm thường đối với bất cứ ai chưa làm cha làm mẹ và chưa ý thức được những tính toán sát sao, liên tục trong chuyện lượt-anh-lượt tôi để cả hai có thể rời khỏi nhà đúng giờ. Cô kể lại chuyện này và viết rằng, “một mối quan hệ dần sẽ trông giống một tấm gương rạn nứt khi bạn có con”. Đàn ông thời nay đã dành thời gian nhiều hơn để chăm lo cho con cái so với trước kia, và không phải bà mẹ nào, trong đó có tôi, đều cam chịu việc bị bóc lột hay ngược đãi - tôi sẽ ngay lập tức nổ tung nếu như không có một sự phân công rõ ràng, công bằng đối với những việc nhà. Nhưng một xã hội nơi phụ nữ nói chung vẫn luôn “được” cổ vũ để tự hi sinh nhiều hơn trong khi đàn ông có quyền cư xử ích kỉ, vì mình hơn, và những gia đình trung lưu phải chịu cảnh làm việc quá tải và không nhận được hỗ trợ, sẽ tạo ra một hỗn hợp chất độc khổng lồ và tiềm tàng nguy hại.

Đối với những ai chưa thực sự bước vào thời gian làm mẹ, những thách thức này sẽ còn khó khăn hơn nữa. Tôi nhận thấy giai đoạn đầu khi làm mẹ thật sự thử thách, đầy lúng túng, loay hoay, mặc dù tôi nhận thức rõ được tôi là người may mắn nhận được rất nhiều ưu tiên. Nỗi thất vọng, chán chường của một người mẹ đơn thân không thể xuống biển bơi cùng con trai vì phải ngồi trên bờ trông chừng đồ đạc, một phụ nữ nuôi lớn những đứa trẻ đa chủng tộc trong một đất nước khắc nghiệt và ngập đầy những tư tưởng, thái độ thù địch, một bà mẹ mắc chứng tự kỉ chỉ nhận ra có điều gì đó không ổn khi đứa con của cô có thể đọc ra những cảm xúc nhanh hơn mẹ của nó: đây là những góc nhìn cần được lắng nghe. Bài viết cảm động nhất là của Peggy Riley, người đã kể câu chuyện không thể có con của mình và chỉ ra một lí do khác giải thích tại sao những người phụ nữ lại rất khó để viết về những điều khó khăn khi làm mẹ: bởi vì chúng ta đều biết, chúng ta đã may mắn như thế nào.

Nhưng sự may mắn tương đối này không nên là điều ngăn chúng ta có những cuộc trò chuyện, đối thoại về cách một xã hội có thể thay đổi để hỗ trợ các gia đình, và văn học có thể làm gì trong khả năng của nó. Một món quà ý nghĩa hơn cả một bó hoa mềm rũ, đó là một cuốn sách nói lên được tất cả những nỗi niềm phức tạp này.

KIỀU CHINH dịch theo Ceri Radford từ The Independent.