Thứ Bảy, 23/04/2022 00:45

Sông Cầu tuổi thơ tôi

Với tuổi thơ tôi, khúc sông ấy là cả một thế giới huyền bí vừa yêu, vừa sợ... (KIM NGÂN)

. KIM NGÂN
 

Khi tôi lớn lên đã thấy dòng sông Cầu, đoạn chảy qua xóm tôi ở đó. Với tuổi thơ tôi, khúc sông ấy là cả một thế giới huyền bí vừa yêu, vừa sợ.

Bên kia sông, trong trí tưởng tượng của tụi nhóc chúng tôi, là một thế giới hoàn toàn khác biệt với những gì xóm thuần nông tôi đang ở. Thuở ấy, xóm tôi mất điện triền miên. Khi mất điện, bọn trẻ lại nghển sang phía bên kia sông, nơi có hàng bóng điện thẳng tắp, phát ra những tia sáng lung linh mà thèm thuồng, tưởng tượng và ao ước.

Minh họa: Hà Anh

Cứ vào ngày mùng 2 tháng chín, tôi cùng em gái út đều được bố cho “vượt sông” sang thành phố chiêm ngưỡng xác máy bay trưng bày tại bảo tàng và ngắm nhìn phố xá.

Chiếc gác ba ga xe đạp Phượng Hoàng không đủ chỗ cho 2 chị em tôi ngồi nên bố phải vót thêm 2 thanh tre để nối dài nó, rồi đặt một chiếc gối cũ lên. Tôi coi đó là ngai vàng của mình. Chuyến đi mỗi năm một lần thế này luôn là sự kiện trọng đại đối với chị em tôi.

Những đêm trăng sáng, bố tôi thường kê hai chiếc tràng kỉ ra ngoài sân cho chúng tôi chơi. Rồi bố kể cho nghe truyện Thánh Gióng bằng thơ. Bài thơ không biết là bao nhiêu câu, chỉ nhớ rằng nó rất dài. Nhưng, chị em tôi đứa nào cũng có thể thuộc nằm lòng: “…Suốt 3 năm thật dài đằng đẵng/ Phải đâu rằng chín tháng như ai/ Bà sinh được đứa con trai/ Trán cao, mắt sáng, mày ngài…”.

Từ sân nhà tôi, nhìn qua cánh đồng Soi được bồi đắp phù sa, quanh năm bời bời màu xanh của rau, lúa là có thể thấy ánh đèn điện phía bên kia sông hắt lại. Trong đầu tôi luôn tưởng tượng xem dưới ánh điện sáng kia đang có những gì, rồi ao ước một lần, buổi tối được đi dưới những ánh đèn ấy.

Hồi đó người ta chưa xây kè chắn lũ như bây giờ, bờ sông vẫn bên lở, bên bồi theo quy luật. Mỗi năm 2 lần, xóm tôi phải oằn mình chịu lũ. Thường lũ sẽ đến vào mùa tháng 3 và tháng 7 âm lịch.

Tôi nhớ theo lịch âm vì nhiều lần lũ lên đúng những ngày tôi cùng mẹ đi xay nhờ bột để về làm bánh trôi, bánh chay cho ngày Tết tháng ba. Có khi, lúc đi nước còn mấp mé dưới ruộng rau muống, thế mà khi xay bột xong ra về, nước đã tràn qua đê, khiến tôi và mẹ phải bì bõm lội, lắm khi bố tôi phải đi đón rồi cồng kênh tôi trên vai.

Đấy là lũ tháng ba. Còn lũ tháng bảy, có ngày giỗ của bà nội nên tôi không thể quên. Nhiều lần mẹ tôi đã phải vượt lũ sang bên kia sông, đến chợ Thái để sắm đồ về làm lễ thắp hương bà.

Mỗi lần lũ về, bữa cơm gia đình tôi thường chỉ có cơm trắng và muối vừng. Giờ ăn cũng không theo quy luật thông thường mà sẽ nương theo con nước. Bố tôi sau khi đi một vòng “thị sát” tình hình sẽ về thông báo cho mẹ. Nếu bố thấy nước lên nhanh, mẹ sẽ hối chúng tôi nấu và ăn cơm thật nhanh để chuẩn bị tinh thần chạy lũ. Con trâu sẽ luôn là “nhân vật” được ưu tiên chạy lũ đầu tiên. Theo lời bố, tôi dắt trâu lên quả đồi sau nhà ông Khanh cùng xóm để gửi vì chỗ đó cao nhất. Bố mẹ và các chị lớn của tôi sẽ giong thuyền đi chạy ngô, khoai lang và các rau màu khác. Bởi, chỉ cần nước đi qua, toàn bộ ngô, khoai, rau các loại sẽ hỏng hoàn toàn nên dù chưa đến ngày được thu hoạch cũng phải thu về.

Ám ảnh nhất của tôi là mỗi lần phải ngồi tẽ áo từng bắp ngô do bố hối hả chở về, hạt còn chưa kịp mẩy là kiến. Kiến nhiều vô số kể, chỉ cần ngồi một lúc là kiến bám đầy chân, tay, kiến leo cả lên mặt, lên cổ. Sau này mới thấm thía những bực bội với kiến của tôi khi ấy chưa là gì so việc bố mẹ và các chị tôi phải dầm mình dưới nước “tranh cướp” với lũ từng bắp ngô. Vì khi đó, kiến sẽ chuyển nơi lánh nạn từ ngọn cây ngô sang người bẻ ngô mà cắn, mà đốt.

Lớn hơn, tôi đã có thể giúp mẹ đi chợ bán rau buổi sớm. Còn nhớ hôm ấy, vườn bắp cải nhà tôi đã đến kì thu hoạch, trời thì mưa liên miên. Nếu không kịp thu, cây bắp cải đẫy quá sẽ bị “nổ”, gặp mưa là thối không thể bán được. Mẹ vừa gánh rau đi trước, tôi chặt thêm được hơn chục cây rau cho vào quang gánh để gánh sang chợ thêm. Hồi ấy chưa có cầu treo Bến Oánh như bây giờ, chỉ có cầu phao mà mặt cầu làm bằng các ống tre ghép lại, bên dưới là các thùng phi rỗng vốn dùng để đựng nhựa đường. Khi nước dâng cao quá thì phải cắt cầu làm đôi để dạt vào 2 phía bờ nếu không muốn nước lũ cuốn trôi mất. Lúc như thế, muốn sang sông dân bờ bên này phải đi bằng đò. Khó khăn lắm tôi mới tha được gánh rau lên đò, vì dù đã được túm cao lên nhưng với thân hình lũn cũn, gánh quang bước lên đò chẳng phải chuyện dễ dàng gì. Chiếc đò chòng chành, lúc nghiêng bên này, lúc nghiêng bên kia, rồi chả mấy mà chật ních. Hầu hết đều là người đi chợ như tôi. Đò không có áo phao, cũng không có máy nổ mà hoàn toàn được chèo bằng tay. Ra đến giữa dòng nước xiết, dù người chèo đò đã cố gắng hết sức song con đò vẫn quay vòng vòng, chấp chới. Càng lúc nó càng bị trôi theo dòng nước, không tiến được về phía bờ bên kia. Một cảm giác sợ hãi hiện trên nét mặt của tất cả những người trên đò. Nguy cơ bị lật hiện hữu ngay trước mắt. Thực sự khi ấy tôi đã nghĩ mình có thể sẽ chết. Thế rồi một người, hai người rồi tất cả những ai có đòn gánh trong tay đều nhanh chóng thả xuống nước, dùng nó làm mái chèo, khua nước đẩy con thuyền về phía trước. Cuối cùng, sau một hồi vật lộn, con thuyền cũng yếu ớt vượt qua được dòng nước siết. Nhưng cũng từ đó, trong tôi luôn mơ hồ một nỗi sợ về khúc sông này trong ngày nước lớn.

Về sau, lần nào cũng vậy, dù không nói ra nhưng tôi thường mang theo một cảm giác lo lắng khi mẹ phải đi chợ qua đò. Những ngày ấy, áng chừng giờ mẹ có thể về, tôi thường leo lên trước cột trước hiên nhà để nhìn cho rõ con đường làng nối từ bến sông đến nhà tôi mà tìm bóng mẹ. Những hôm ế chợ, rau khó bán, mẹ tôi thường phải về muộn. Vắt vẻo ôm chiếc cột trước hiên một hồi mỏi tay không thấy, tôi sốt ruột chạy ra phía gần bến đò để ngóng. Nhìn thấy mẹ đợi đò ở bờ bên kia, lại nhìn dòng nước chảy xiết tim tôi như thắt lại, rồi vỡ òa sung sướng khi nhìn đò cập bờ bên này.

Tôi biết ơn con đò, biết ơn người chèo đò và biết ơn cả khúc sông ấy đã luôn đưa mẹ trở về nhà với chúng tôi.

K.N