Thứ Hai, 26/07/2021 14:00

Sơn Tùng ơi, anh vẫn sống!

Điều thứ nhất, mỗi đứa cố gắng phải sống để trở về, và đã sống thì phải viết. Điều thứ hai, anh nói còn sống anh sẽ viết về Bác. Điều thứ ba, anh tiết lộ với tôi: Theo chị Bác cho biết, Bác có một người bạn gái ở Sài Gòn...

Nhà văn Sơn Tùng đã từ trần hồi 23 giờ ngày 22/7/2021 tại Hà Nội. Ông đã gần như dành cả cuộc đời để viết những trang văn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có tác phẩm Búp sen xanh được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến, như một cách nhìn khác bình dị về vị lãnh tụ kính yêu từ rất sớm. VNQĐ xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trình Quang Phú, một người đồng nghiệp đàn em cùng thời và có những kỉ niệm với Sơn Tùng.

Những năm 1960 - 1961, tôi là thông tấn viên của Báo Tiền Phong, viết nhiều và hay đến báo Tiền Phong. Ngày đó, trụ sở báo ở đường Phùng Hưng, tôi gặp và quen Sơn Tùng ở đó. Anh lớn hơn tôi một giáp - 12 năm, anh tuổi Mậu Thìn, còn tôi là Canh Thìn. Sơn Tùng nói: “Tớ với cậu là hai con rồng, số là phải bay nhảy đó nghe”. Quê anh ở Diễn Châu, Nghệ An. Tôi có nhiều bạn văn lớp lớn tuổi ở xứ Nghệ như Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Hồng Nhu, Quang Huy,… do đó chúng tôi đến với nhau rất chân tình và thân thiết.

Năm 1968, khi đó tôi công tác báo chí ở Ban miền Nam, được Ban cử vào Mặt trận Khe Sanh. Tôi lên trường T105 (Trường cho cán bộ chuẩn bị đi chiến trường miền Nam) ở Hòa Bình để tập dợt hành quân. Là người của Ban và đi B ngắn nên tôi không phải tập trung như các anh chị em khác. Ở đây tôi gặp lại Sơn Tùng. Báo Tiền Phong cử một đoàn vào Trung ương Cục để giúp ra đời Báo Thanh Niên giải phóng. Trong nhóm của Sơn Tùng có Khải Hoàn, Tâm Tâm, Mạnh Chẩn… của báo Tiền Phong. Ngày ấy được cử đi chiến trường chống Mĩ là một niềm vui, niềm vinh hạnh. Trong niềm vui đó, sự gặp nhau của những người cầm bút càng làm chúng tôi vui hơn.

Nhà văn Sơn Tùng (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trước khi đi B năm 1968. Cùng hàng, bìa phải là nhà văn Trình Quang Phú. Ảnh: NVCC

Đêm, giữa rừng núi Hòa Bình tĩnh mịch, sau cuộc tập hành quân vượt suối trong đêm, tôi và Sơn Tùng ngồi với nhau nhâm nhi bên chén trà. Những năm đó tôi bắt đầu sưu tập để viết bề Bác Hồ. Anh Sơn Tùng là người đã gặp anh và chị của Bác Hồ, nên tôi rất trân quý anh. Dù anh coi tôi là bạn, tôi vẫn luôn coi anh là người anh.

Những ngày đó giặc Mĩ vừa đánh phá quê anh, vợ con anh phải đi sơ tán và em ruột của anh vừa hi sinh ở chiến trường. Tôi thấy rõ sự nung nấu và thôi thúc mau ra chiến trường của anh. Đêm đầu tiên ở rừng, anh tâm sự với tôi những ý nghĩ đang đến trong anh, đó là viết về Bác. Anh nói: “Đời Bác, bên cạnh một con người giản dị chân chất là một Bác Hồ đầy huyền thoại và bí ẩn. Chúng ta không viết thì không ai biết được”. “Gia đình Bác, bố Bác, mẹ Bác, anh chị Bác đều là những nhân vật rất đáng kính và rất nên viết”. Sơn Tùng còn nói: “Không viết là có tội với lịch sử đấy”. Chính những ý nghĩ của anh đã thôi thúc thêm cho tôi viết về Bác.

Tôi còn nhớ đêm ở Binh Trạm 12 của Trường Sơn, cũng là nơi tôi chia tay anh để đi Khe Sanh, còn anh sẽ phải mất mấy tháng nữa vượt Trường Sơn để vào Trung ương Cục. Đêm đó cái võng dù của tôi buộc gần võng dù của anh. Chúng tôi nói chuyện với nhau, tôi nhớ có ba ý anh nói: Điều thứ nhất, mỗi đứa cố gắng phải sống để trở về, và đã sống thì phải viết. Điều thứ hai, anh nói còn sống anh sẽ viết về Bác. Điều thứ ba, anh tiết lộ với tôi: Theo chị Bác cho biết, Bác có một người bạn gái ở Sài Gòn, có thể là người yêu của Bác. Sơn Tùng ước mong đất nước mau giải phóng để anh vào Sài Gòn tìm người bạn gái đó của Bác. Tôi có hỏi anh về người con gái Sài Gòn đó, nhưng anh chỉ lắc đầu mỉm cười.

Năm 1971, tôi đi công tác ở Paris về, nghe cơ quan nói nhà báo Sơn Tùng được đưa ra Hà Nội, và bị thương rất nặng. Tôi liền đi thăm anh ở bệnh viện E (bệnh viện dành riêng cho anh chị em miền Nam). Đúng, Sơn Tùng bị thương rất nặng, liệt tay phải, 14 vết thương trên người, 3 mảnh bom còn găm trong sọ não. Tôi ôm chầm hai vai gầy của anh mà nước mắt lưng tròng: “Anh đã về”. Sơn Tùng cười: “Phú ơi, thế là ta vẫn sống”. Anh đã trở về, dù là thương tật anh vẫn về và kiên cường trở lại đội ngũ cầm bút. Sau khi được đưa đi Quảng Đông để chữa trị, với một thương binh hạng 1/4 anh vẫn đi và vẫn viết.

Sơn Tùng, anh đã sống những năm tháng đầy nghị lực, đầy ý chí của một nhà văn Cộng sản, hơn cả Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy. Chỉ với ba ngón tay còn lại, anh đã viết nên Búp Sen xanh, Búp sen vàng, Hoa Dâm bụt và hàng chục tác phẩm khác. Là một thương binh bị mất chức năng sống đến 81%, anh vẫn đi và anh đã tìm được bà Lê Thị Huệ, người bạn gái của Bác Hồ những năm đầu thế kỉ 20. Anh đã viết “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” và được dựng thành phim “Hẹn gặp ở Sài Gòn”, thể hiện một phần về mối tình và sự hi sinh cao cả của Bác. Hôm gặp anh, sau khi anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới, anh có nói với tôi, anh sẽ viết Bông Huệ trắng nói về mối tình đầu đời của Bác ở Sài Gòn.

Vậy nhưng, cơn bệnh ác nghiệt đã không cho anh viết tiếp. Anh ra đi rồi sao? Không, Sơn Tùng ơi, anh vẫn sống! Anh vẫn sống với thời đại cùng tác phẩm của anh, ý chí của anh và gương sống phi thường, vĩ đại của anh. Chúng tôi noi gương anh, tôi sẽ viết tiếp về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 21/8/1928 tại Nghệ An. Năm 1971, ông bị thương rất nặng tại chiến trường miền Nam, nửa người bên phải hầu như bị liệt, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, tay phải co quắp, tay trái đạn cắt mất chỉ còn hai ngón, thị lực còn 1/10. Sau chiến tranh, ông là thương binh hạng 1/4 và vẫn tiếp tục cầm bút, dù tay phải chỉ còn 3 ngón, trở thành cây bút chuyên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc. Từ 1974, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện... Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Cùng với Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng còn nhiều tác phẩm khác về Hồ Chủ tịch: Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác về, Bông sen vàng, Từ làng Sen. Riêng Búp sen xanh được tái bản, rồi nối bản tới 30 lần và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.


TRÌNH QUANG PHÚ