Thứ Sáu, 30/10/2020 22:18

Sinh viên mĩ thuật "tiếp lửa" từ nghệ nhân tranh Hàng Trống

Một nhóm sinh viên Đại học Mĩ thuật Việt Nam đã được tham gia dự án với tên gọi “Từ truyền thống tới truyền thống” và trải nghiệm kĩ thuật làm tranh Hàng Trống từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Một nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc Khoa Hội hoạ, Đại học Mĩ thuật Việt Nam đã được tham gia dự án với tên gọi “Từ truyền thống tới truyền thống” và trải nghiệm kĩ thuật làm tranh truyền thống từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Buổi giới thiệu tác phẩm trưng bày của họ tại đình Nam Hương – Hàng Trống, Hà Nội đã diễn ra chiều 30/10/2020.

Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống từng xuất hiện và dần mai một ngay trên chính con phố Hàng Trống xưa kia, một nhóm sinh viên Đại học Mĩ thuật Việt Nam đã hoàn thành những tác phẩm sơn mài và lụa. Các tác phẩm sau đó được trưng bày tại chính không gian Hàng Trống, tại đình Nam Hương.

Các sinh viên mĩ thuật tham gia dự án đã được tiếp cận với kĩ thuật làm tranh truyền thống từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ảnh: TS

Đây là kết quả từ án "Từ truyền thống tới truyền thống" do giảng viên Nguyễn Thế Sơn khởi xướng với mong muốn để sinh viên mĩ thuật đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền hội hoạ Việt Nam, cụ thể ở các tác phẩm trong khuôn khổ dự án này là chất liệu sơn mài và lụa. Đặc biệt, các sinh viên mĩ thuật tham gia dự án đã được tiếp cận và học hỏi kĩ thuật làm tranh truyền thống nói chung, tranh Hàng Trống nói riêng, cũng như tình yêu nghề, yêu văn hoá bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Trong vòng 1 tháng các bạn sinh viên tham gia dự án đã có cơ hội tiếp thu khám phá trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên cũng như đề xuất những phương án sáng tạo tiếp các tác phẩm lấy cảm hứng từ chính dòng tranh Hàng Trống. Bên cạnh đó họ sẽ được trải nghiệm, thực hành sáng tạo, tương tác ngay với chính trong không gian ngôi Đình Nam Hương toạ lạc trên phố Hàng Trống.

Trước đó, các sinh viên tham gia dự án đã có phần trưng bày đợt 1 trong hai tuần với cuộc đối thoại đầy hứng khởi giữa các bức tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và những bài tập chép tranh dân gian do mình thực hiện. Cuộc trưng bày lần 2 này là một nỗ lực ứng tác và hoàn thành tác phẩm hoàn toàn mới trong 3 tuần làm việc tại hai xưởng sơn mài và lụa của họ dưới sự hướng dẫn của 2 giảng viên Triệu Khắc Tiến và Nguyễn Thế Sơn. Mỗi tác phẩm trưng bày lần này là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao, chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.
 

Các nghệ nhân truyền lửa nghề cho những nghệ sĩ hội hoạ hôm nay. Ảnh: TS

Cuộc trưng bày lần này kéo dài gần 2 tháng (từ 30/10 đến 20/12) tại đình Nam Hương. Giảng viên Nguyễn Thế Sơn mong muốn từ hoạt động trưng bày sẽ có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hoá nói chung, của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng. “Đây cũng là dịp để cổ vũ và tôn vinh những sáng tạo cá nhân của những sinh viên, những nghệ sĩ trẻ, với mong muốn, trên con đường sáng tác độc lập phía trước họ luôn quan tâm đến các giá trị di sản văn hoá truyền thống, văn hoá bản địa để đưa vào các thực hành nghệ thuật, viết tiếp nên những giá trị sáng tạo mới, cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản”, họa sĩ, giảng viên Nguyễn Thế Sơn nói.

Một số hình ảnh tác phẩm trưng bày của nhóm sinh viên Đại học Mĩ thuật



BẢO AN