Chủ Nhật, 27/09/2020 10:16

Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết:

Sân khấu đang thiếu kịch bản hay dành cho khán giả trẻ

Hiện nay, sân khấu đang rất thiếu các kịch bản hay dành cho khán giả trẻ - Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết chia sẻ.

Mới đây, Nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn vở nhạc kịch “Trại hoa vàng”, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh. Vở diễn đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả trẻ. Đáng nói, đây là vở diễn đầu tay của Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết - người mà trước đó vốn được khán giả biết đến nhiều hơn trong vai trò ca sĩ, cựu thành viên của nhóm nhạc “Con gái” nổi tiếng một thời. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với chị xung quanh vở diễn “Trại hoa vàng”.


Thưa chị, “Trại hoa vàng” vốn là một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm đã gắn bó với nhiều thế hệ thanh thiếu niên, được các bạn trẻ vô cùng yêu thích. Tất nhiên khi đưa một tác phẩm văn học nổi tiếng lên sân khấu thì rất được khán giả quan tâm, chờ đón, nhưng nếu đạo diễn làm không tốt, thì phản ứng có thể sẽ ngược lại. Khi quyết định đưa “Trại hoa vàng” lên sân khấu nhạc kịch, chị có áp lực đó không?

+ Tôi là fan của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những cô bé cậu bé cùng với những câu chuyện hóm hỉnh, dễ thương của nhà văn đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Tôi đã mơ được sống trong không gian ấy. Khi tìm đề tài cho vở diễn tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu, tôi đã quyết định thực hiện ước mơ của mình. Nguyễn Nhật Ánh là một cái tên hot đối với độc giả trẻ, đã có những tác phẩm của ông được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh và rất thành công. Khi chọn "Trại hoa vàng" chuyển thể sang sân khấu kịch, tôi cũng có chút áp lực bởi sự thành công trước đó của “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Nhưng tôi vẫn liều mình đưa “Trại hoa vàng” lên sân khấu. Bởi cái tôi thể hiện trên sân khấu rất khác với những thành công trước đó liên quan đến tác phẩm của nhà văn. Tôi mong sự khác lạ đó sẽ thu hút khán giả đến với sân khấu nhiều hơn.

Điều gì trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh khiến chị tâm đắc nhất và quyết định đưa lên sân khấu?

+ Không chỉ có trong " Trại hoa vàng" mà ở hầu hết các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là sự trong trẻo, hồn nhiên, là tình cảm chân thành và hóm hỉnh của những bạn trẻ mới lớn. Trong nhịp sống hiện đại, vội vàng hiện nay, dường như chúng ta đang dần đánh mất đi những tình cảm dung dị, trong sáng đó. Tôi muốn đưa khán giả quay về một miền thanh xuân mà ai cũng trải qua với những rung cảm đầu đời. Tôi luôn muốn giữ giá trị ấy.

Một tác phẩm văn học hay sẽ không dễ dàng trở thành một vở diễn sân khấu hay nếu không có một kịch bản tốt. Vậy công tác chuyển thể kịch bản được chị quan tâm như thế nào? Vì sao chị lại chọn Hoàng Trang - một tác giả viết kịch trẻ chưa nhiều kinh nghiệm đảm nhiệm công việc này?

+ Hoàng Trang là một diễn viên tài năng của Nhà hátTuổi trẻ. Nhưng gần đây, cô ấy bắt đầu viết kịch bản cho một số phim điện ảnh và sân khấu. Tôi chọn Hoàng Trang bởi vì cô ấy là một người trẻ tuổi năng động và hiểu tâm lí các bạn trẻ bây giờ. Chúng tôi có khoảng 3 tháng để làm về đường dây kịch bản. Tôi yêu cầu kịch bản phải giữ được tinh thần của truyện Nguyễn Nhật Ánh, nhưng hành động của nhân vật phải phù hợp với giới trẻ hiện nay, vẫn phải có "trend" hoặc tạo "trend" phù hợp với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Hơn nữa, cô ấy cùng là đồng nghiệp với tôi tại Nhà hát Tuổi trẻ nên chúng tôi cũng hiểu nhau hơn.

Một số cảnh trong vở nhạc kịch "Trại hoa vàng". Ảnh: FBNV

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có ý kiến như thế nào khi chị xin phép chuyển thể tác phẩm của ông sang vở diễn sân khấu, lại là sân khấu nhạc kịch?

+ Trước khi gọi điện cho nhà văn tôi cũng run lắm, bởi lúc đó tôi mới là sinh viên năm cuối lớp đạo diễn sân khấu. Nhưng mọi lo lắng của tôi đã tan ngay khi nghe ông nói đồng ý. Nhà văn cũng tỏ ý mong chờ khi "Trại hoa vàng" lần đầu tiên được chuyển thể sang nhạc kịch. Khi vở được công diễn, ông đã gọi điện chúc mừng ekip và nói rất vui khi thấy "Trại hoa vàng" được khán giả đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao. Tôi đã hẹn với nhà văn sẽ mang "Trại hoa vàng" vào Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể đầu năm tới chúng tôi sẽ gặp nhà văn và khán giả thành phố.

Tác phẩm “Trại hoa vàng” viết về câu chuyện xoay quanh một nhóm bạn trẻ, với những ước mơ về công việc, tình yêu, gia đình. Nhưng vở diễn của chị thì lại nhấn mạnh nhiều về yếu tố “lựa chọn nghề nghiệp” cho các bạn trẻ? Lí do vì sao vậy thưa chị?

+ Khi "Trại hoa vàng" đã hình thành trong đầu, tôi rất hứng khởi và mong chờ đứa con tinh thần đầu tiên ra đời. Nhưng với thực trạng sân khấu hiện nay đang vắng bóng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, tôi đã suy nghĩ nhiều để tìm phương án đưa vở đến với các bạn trẻ. Và tôi đã tìm đến Dự án "Tư vấn hướng nghiệp" của Thành đoàn Hà Nội. Khi nghe ý tưởng của tôi, họ đã đồng ý xây dựng Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp "Chọn nghề trong muôn nghề" để đến với học sinh các trường THPT, Cao đẳng, Đại học trên địa bàn Hà Nội. Trong năm 2021, chúng tôi hi vọng sẽ nhân rộng địa bàn ở các thành phố lớn trên cả nước. Bởi lí do đó, vở diễn của tôi cũng đưa ra thông điệp tới các bạn trẻ: "Sống có ước mơ và trọn vẹn với ước mơ của mình". Tôi muốn nói với các bạn trẻ, hãy chọn cho mình một hướng đi bằng chính khả năng, thực lực của mình. Tránh tình trạng học sai ngành sai nghề, hoặc tình trạng thừa thầy thiếu thợ, coi trọng bằng cấp đang xảy ra trong xã hội. Và thực tế thì nghề nào cũng quý.

Tại sao “Trại hoa vàng” lại là một vở nhạc kịch mà không phải là kịch nói vốn là thế mạnh bấy lâu của Nhà hát Tuổi trẻ, thưa chị?

+ Tôi là một ca sĩ, hoạt động trong ngành âm nhạc đã hơn 20 năm. Bởi thế nên khi làm kịch, việc đưa âm nhạc vào kịch có thể xem là thế mạnh của tôi. Nhưng đó chưa phải là lí do chính. Nhà hát Tuổi trẻ nơi tôi công tác đã xây dựng kế hoạch dựng nhạc kịch từ mấy năm nay. Tôi được cử sang Nhật học về nhạc kịch tại nhà hát Shiki, một nhà hát đứng đầu về nhạc kịch tại Nhật Bản và đứng thứ 5 trên thế giới. "Trại hoa vàng" chưa hẳn là một vở nhạc kịch đúng nghĩa, mà nó mang hơi hướng của Glee, Highschool musical, LaLa Land. Tôi đã cố gắng đưa ca nhạc vào kịch sao cho ngọt, không minh hoạ mà hỗ trợ nhau, ca khúc là cảm xúc của kịch và ngược lại. Tôi mong sự kết hợp mới mẻ này sẽ khiến khán giả thích thú.

Những ca khúc được sử dụng trong vở diễn “Trại hoa vàng” phần lớn là những ca khúc hit được giới trẻ yêu thích hiện nay, tiêu chí để chị lựa chọn sử dụng chúng là gì? Một vở diễn sử dụng khá nhiều ca khúc như vậy thì vấn đề bản quyền các ca khúc được xử lí ra sao?

+Tôi chọn các ca khúc hit trên thị trường đưa vào vở cũng là một lí do để kéo khán giả đến sân khấu. Tôi đã phải tìm những ca khúc có câu chữ phù hợp với hoàn cảnh và sự kiện kịch thay vì sáng tác mới. Tôi nghĩ, để một ca khúc mới được khán giả yêu thích thì họ phải được nghe nhiều lần, còn khi đi xem vở thì ca khúc trôi qua rất nhanh, khó có thể đọng lại trong lòng khán giả. Khi chọn các ca khúc “Hơn cả yêu” (Khắc Hưng), “Con đường tôi” (Trọng Hiếu), “Và thế là hết” (Chillies), “Giặt xong lại mặc” (Tiên Cooki), “Thời thanh xuân đã qua” (Phạm Hồng Phước), “Bohemian Rhapsody” (Queen)... Chúng tôi đã thực hiện nghĩa vụ tác quyền với Trung tâm bản quyền một cách đầy đủ. Đối với các khúc độc quyền, tôi đã liên hệ trực tiếp và được sự dồng ý của tác giả . Nhạc sĩ Vũ Huyền Trung đã giúp tôi làm mới các ca khúc này bằng những bản hoà âm phối khí “rất chill”. 

Sau những đêm công diễn đầu tiên, “Trại hoa vàng” đã để lại dư âm rất tốt trong khán giả. Từ khá lâu rồi chúng ta mới có một vở diễn hay dành riêng cho đối tượng khán giả tuổi mới lớn. Theo chị vì sao sân khấu lại ít vở diễn cho đối tượng khán giả này, phải chăng vì chúng ta không có kịch bản hay?

+ Sân khấu đang thiếu kịch bản hay dành cho khán giả trẻ. Tôi cũng đọc một vài kịch bản, nhưng tôi thấy chưa đủ để đến gần với giới trẻ bởi thiếu tính thực tế và chưa bắt nhịp với cuộc sống hiện nay. Tôi nghĩ mình cần phải tìm hiểu kĩ khán giả của mình là ai, họ đang sống thế nào, họ mong muốn điều gì trong cuộc sống... và tôi phải đặt mình vào vị trí của họ. Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi cũng đã từng có những vở diễn dành cho thanh thiếu niên và được đón nhận. Chúng tôi đang xây dựng những dự án tiếp theo dành cho những khán giả tuổi teen. Hi vọng sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ là sân chơi nghệ thuật và là điểm đến thường xuyên của các bạn trẻ.

Sân khấu đang thiếu kịch bản hay dành cho khán giả trẻ. Tôi cũng đọc một vài kịch bản, nhưng tôi thấy chưa đủ để đến gần với giới trẻ bởi thiếu tính thực tế và chưa bắt nhịp với cuộc sống hiện nay. Tôi nghĩ mình cần phải tìm hiểu kĩ khán giả của mình là ai, họ đang sống thế nào, họ mong muốn điều gì trong cuộc sống... và tôi phải đặt mình vào vị trí của họ.

Theo chị, để làm một vở diễn được gọi là “ăn khách” cho đối tượng khán giả tuổi mới lớn, thì điều quan trọng nhất là gì?

+ Đôi khi người lớn chúng ta dạy dỗ bọn trẻ theo cách áp đặt và đặt ước mơ của mình vào các em. Và sự răn dạy cứng nhắc ấy kéo dài thêm khoảng cách giữa các thế hệ. Trong "Trại hoa vàng", các nhân vật ở độ tuổi mới lớn, tôi muốn ai xem vở diễn cũng có thể cảm nhận, trong không gian của câu chuyện đó các bạn trẻ luôn được sống là chính mình, được nói lên ước mơ của mình và được sống với ước mơ đó. Cũng chưa biết tương lai các bạn ấy có trở thành "ông nọ bà kia" như cha mẹ mong muốn không, nhưng ít nhất thì các bạn ấy đã "không thể vì ước mơ của bố mẹ mà từ bỏ ước mơ của mình". Tôi nghĩ vở diễn được khán giả trẻ yêu thích là một vở diễn nói lên được tiếng lòng của các bạn ấy.

Khởi đầu là một ca sĩ, nhưng giờ đây chị lại rẽ sang con đường mới, đạo diễn sân khấu. Công việc của một đạo diễn có điều gì hấp dẫn với chị?

+ Là một ca sĩ, mỗi khi xuất hiện trước khán giả là một lần được trang điểm xinh đẹp, áo quần lộng lẫy, được khán giả dành cho những lời tán thưởng và những tràng pháo tay, nhưng khi trở thành đạo diễn, công việc của tôi là đứng sau cánh gà, không trang điểm, lo lắng từng lời thoại của diễn viên, bao quát tất cả những vấn đề quanh vở, quan sát nhịp cảm xúc của khán giả... Nhưng trong vai trò đạo diễn, tôi được kể câu chuyện của mình, được nói những điều mình muốn nói, được sống trong câu chuyện mà mình yêu thích. Chỉ đó thôi cũng đủ để tôi dấn thân vào công việc đầy khó khăn này, dù tôi hiểu đây là công việc rất khó, nhất là với phụ nữ.

Nằm trong dự án Nhạc kịch hướng nghiệp "Chọn nghề trong muôn nghề" phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tại các trường THPT, Cao đẳng và Đại học trên địa bàn thành phố, vở diễn sẽ được diễn tại rạp Nhà hát Tuổi trẻ mỗi tháng một lần để phục vụ nhu cầu tư vấn hướng nghiệp của các bạn trẻ. Chúng tôi đang lên kế hoạch mang vở diễn đến các trường học và lưu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cùng một số thành phố lớn trên cả nước. Ảnh: Kết thúc một đêm diễn của "Trại hoa vàng".

“Trại hoa vàng” sẽ được mang đến các trường học để biểu diễn miễn phí cho các bạn học sinh sinh viên và sau đó còn dự định sẽ Nam tiến nữa. Từ thành công ban đầu của vở diễn, chị có dự định sẽ tiếp tục dựng vở cho khán giả tuổi mới lớn và trở thành một đạo diễn “chuyên trị” các vở dành cho tuổi mới lớn hay không?

+ Chúng tôi đã lên kế hoạch biểu diễn "Trại hoa vàng" trong năm nay. Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tiếp tục bán vé các buổi diễn, buổi gần nhấnt là vào 20 giờ ngày 18/10/2020 tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Nằm trong dự án Nhạc kịch hướng nghiệp "Chọn nghề trong muôn nghề" phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tại các trường THPT, Cao đẳng và Đại học trên địa bàn thành phố, vở diễn sẽ được diễn tại rạp Nhà hát Tuổi trẻ mỗi tháng một lần để phục vụ nhu cầu tư vấn hướng nghiệp của các bạn trẻ. Chúng tôi đang lên kế hoạch mang vở diễn đến các trường học và lưu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cùng một số thành phố lớn trên cả nước. Riêng về việc trở thành một đạo diễn “chuyên trị” các vở diễn dành cho các bạn tuổi teen thì tôi chưa thể nói gì nhiều. Đây mới là vở diễn đầu tiên của tôi. Nhưng tôi sẽ vẫn luôn “để mắt” đến đề tài dành cho các khán giả tuổi mới lớn, bất kì khi nào gặp được kịch bản tốt, chắc tôi sẽ lại dào dạt cảm hứng để dàn dựng.

- Xin cảm ơn đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết.

VŨ QUỲNH thực hiện