Thứ Bảy, 06/03/2021 00:30

RAP... điền vào chỗ trống của... THƠ

Từ quá khứ cho tới hiện tại tiếp diễn của mình, thơ luôn phải chật vật đương đầu với một câu hỏi về chính mình, rằng nó là ai, là thứ gì... (VŨ KIỀU CHINH)

. VŨ KIỀU CHINH

 

Từ quá khứ cho tới hiện tại tiếp diễn của mình, thơ luôn phải chật vật đương đầu với một câu hỏi về chính mình, rằng nó là ai, là thứ gì. Câu trả lời đã nhiều lần tìm đến nhưng rồi chính nó cũng không thể cảm thấy vừa vặn. Người ta đã từng nhận diện được thơ nhờ vần, nhưng rồi gạch đi hết vần, họ lại nhận ra, cái còn lại sau cùng phải là hình tượng, rồi đến khi thơ thách thức gạch đi hết mọi hình tượng, lúc đó ai cũng chỉ có thể cúi đầu: Ừ thì… thơ không nằm ở ngôn từ, mà ở những khoảng trống giữa ngôn từ. Trong nỗi bất lực thậm chí tuyệt vọng để nhận ra cái gì đó giữa mênh mông khoảng trống, may sao thơ đã gặp rap để được đổ nghĩa thêm cho mình. Ở chính những chỗ đang trống đó…

Rapper DSK.

Rhythm - and - poetry (nhịp điệu và thơ), ba chữ được viết tắt thành rap, tức là trong rap đã có thơ, nhưng là thơ cùng nhịp điệu. Như cách ca dao trở thành dân ca, rap là thứ thi ca cần-phải-được đọc lên. Không ai có thể viết lời cho một bài rap rồi cất nó lại trong ngăn kéo, đợi “ba trăm năm lẻ nữa” có người mở ra, đọc được và hiểu. Rap không thể chờ, nó là phần ca từ sinh ra để bật thành tiếng ngay trong khi người nghệ sĩ bắt đầu nghĩ về nó. Rap không thể in, xuất bản thành tuyển tập, gác nơi đầu giường, nâng niu, cất giữ. Rap, từ lần đầu được sinh ra ở những khu ổ chuột trong thành phố, nhiệm vụ của nó đã là bóc trần từng mảng hiện thực, là phơi bày những tối tăm bị che đậy dưới lớp màng xa hoa. Khoảng trống trong thơ là không gian để vùng vẫy tưởng tượng, nhưng với rap, những gì còn đang trống, những gì chưa được hiểu, thì nhất định phải được vọc vạch, được chỉ ra cho bằng hiểu - không ai được phép mù mờ về mảnh hiện thực này. Rap từ chối kiệm lời, bản năng của rap là bộc lộ. Rap từ chối im lặng, bởi im lặng đôi khi đồng nghĩa với thỏa hiệp. Đấy là một lí do trong rap đầy rặt những tiếng chửi thề, nhưng như Chí Phèo, chửi lên cũng là một cách để đòi được hiện diện. Trải qua thời gian, rap đã kịp trở thành một tấm mặt nạ để mang vào cho bất cứ ai muốn tìm một hình thức để biểu đạt, để kể một câu chuyện của mình: Một nơi khỉ ho cò gáy, con người thì đầy những ý tưởng không hay/ nuối tiếc gì, ném cái sự lạnh lẽo kia vào đống cháy (Ngày tàn - DSK(1)).

Bắt nguồn từ underground, rap khởi sinh bằng những mô tả về thế giới ngầm, về những góc khuất của thành phố, về những con người ít ai thấy mặt, về những tin tức, sự kiện bị “kiểm duyệt”. Người ta thấy thi ca đôi lần động chạm được vào thế giới của những người không ai để mắt tới, đôi lần kể được câu chuyện chẳng ai dám nói ra, như Nguyễn Du, như Hồ Xuân Hương, thì thấy thi ca sao mà đặc sắc, sao mà nhân văn, sao mà quan tâm đến được cả những phận người bị gạt ra lề (như chuyện người kĩ nữ), những ẩn ức sâu kín khó nói và tránh nói (như chuyện tình dục). Những góc nhìn có tính “đột phá” của thi ca như vậy, thực ra là một chủ đề lớn của rap: giang hồ, đại ca, gái bán hoa, tao, mày, những cuộc vui với khói, rượu, bia, nhậu, nợ, dao, kẻ thù… Rap trước tiên sinh ra là để chiếm lấy một ghế trong hội trường thi ca và phát biểu cho những nhân vật và câu chuyện như vậy. Từ một thể loại có tích bộc lộ trực diện, rap phủ rộng sự có mặt của mình đối với những chủ đề phong phú, đa dạng hơn. Rap trở thành một hình thức biểu đạt đã hoàn thiện về mặt kĩ thuật để người ta góp thêm những mảng sắc màu khác có thể tươi sáng hơn: những câu chuyện vặt vãnh đời thường, chuyện mất chìa khóa, chuyện không biết mặc gì khi ra đường, chuyện đi học, chuyện công sở, chuyện tình yêu, những nỗi buồn chán vu vơ, những chiêm nghiệm, những kết luận tạm về cuộc đời… Ở thời điểm này, rapper đã không còn chỉ là những gương mặt mang sơ yếu lí lịch của “những người khốn khổ” đến từ tầng đáy, họ có thể là anh A, chị B sáng sáng đi làm, tháng tháng nhận lương, đêm về rốt ráo viết lách, làm nhạc. Ở thời điểm này, nhạc rap không chỉ còn là đặc sản của underground mà đã bước ra khỏi khu trú ẩn để đàng hoàng lên vô tuyến, chiếm sóng. Ở thời điểm này, người ta đã có thể vừa nghe thấy những tiếng chửi, những ấm ức, khó chịu, giận dữ vừa nghe thấy những tiếng cười, niềm tươi vui sáng trong. Rap là một thứ văn chương-thi ca tổng hợp. Anh có thể chọn rap để kể đủ một câu chuyện tựa một lát cắt đời sống như trong truyện ngắn; anh cũng có thể đến với rap để tạo hình cho một tứ thơ, một xúc cảm bất chợt; anh lại càng có thể dùng rap để bày tỏ quan điểm, như một bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí hay một vấn đề xã hội (tất nhiên không theo format của đề thi văn vào cấp ba). Tất cả, rap đều có thể: Thôi thì cuộc đời cho gì mình lấy bấy/ hào quang nhiều lúc hắt ra từ bãi bầy nhầy (Ngày tàn - DSK).

Cách kể chuyện của rap dễ làm người ta liên tưởng đến ca dao - thứ thi ca của quần chúng - bởi sự sắp xếp lại những ngôn từ đời thường, được lấy ra từ đời sống thường nhật, phát ra từ lời ăn tiếng nói của những con người bình thường. Khác ở chỗ, tác giả của ca dao là khuyết danh, còn dưới mỗi bản rap là một cái tên của người nghệ sĩ. Người viết lời cho một bản rap cũng là người đầu tiên thể hiện tác phẩm đó, là người đầu tiên đọc, hát, rap lên. Không phải ai cũng có cơ hội được nghe nhà thơ đọc lên tác phẩm của mình, có khi ông ta hay bà ta không chủ ý viết ra để đọc lên thành tiếng thì sao (thực tế, có những bài thơ chỉ vỏn vẹn một hình ảnh, và chắc chắn không thể được dịch ra bất cứ ngôn ngữ của quốc gia nào). Nhưng rap, trước khi được cover, phải là một chỉnh thể mà người nghệ sĩ sáng tác đảm đương luôn trách nhiệm trình diễn. Nhấn nhá ở đâu, ngắt nghỉ ra sao, tốc độ thế nào… đầu tiên phải là chính cha đẻ của bài rap quy định. Bởi thế, đây có lẽ là một thể loại có năng lực mạnh mẽ trong việc khắc họa dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ lên trên tác phẩm của họ. Người nghệ sĩ khi rap lên chính những lời ca của mình, sự chịu trách nhiệm của họ rất lớn. Trong một thời đại ai cũng có thể là một kênh phát ngôn cho chính mình bằng cách làm anh hùng trên bàn phím, ai cũng có thể nói lí, chiêm nghiệm, tổng kết tạm, bày tỏ tôi sống thế này, anh sống thế kia, quan điểm của tôi là, của anh là… và phân loại phản ứng (reaction) để đo lường sự đồng tình hay phản đối - thì rap là một kênh trực diện để người ta thẳng thắn dùng giọng nói của mình, mặt đối mặt bày tỏ quan điểm của chính mình. Người ta gọi rapper là chiến binh, bởi không lúc nào như khi rap, chính người nghệ sĩ lại quả cảm đến thế, một thứ âm nhạc không mặt nạ, không cần ẩn dụ. Rap không giống thơ, đôi khi, phải mượn đến những ấn tượng trừu tượng, những biểu trưng kín đáo để lộ mình ở đâu đó. Rapper đứng trước người nghe như đứng trước một tấm gương, có thể trần trụi, xù xì nhưng chân thực. Một cái tôi, một cái tao luôn rõ ràng, chắc nịch: Tôi sống quen vô vọng rồi/ cơn mưa bão đã quét sạch trong tôi/ chỉ còn mỗi ngày tàn, là ngày bầu trời một màu xám như trong gạt tàn/ tro bụi bay bạt ngàn/ bên túp lều trên ngọn đồi u sầu/ nơi ưu tư đánh phủ đầu/ không có chỗ cho hưng phấn/ trên nguyên tắc, ở đây thì chẳng có gì thực sự cử động, mà chỉ nhích đi từng phân/ như cầm cự (Ngày tàn - DSK).

Điều kì diệu ở rap, cũng là điều làm cho rap dù nhọn hoắt, gai góc thế nào vẫn cứ mang chất thơ của riêng nó, đó là vần. Vần, có lẽ là tế bào cổ đại nhất của thơ, rap làm cho vần được sống với những vẻ đẹp hoàn toàn có thể trở nên hiện đại. Thơ đã nhiều phen đoạn tuyệt với vần để thử nghiệm trên hành trình đi tìm căn tính cho chính nó. Rap trung thành với vần hơn. Vần là nguyên tắc, là tiêu chí. Nhưng hơn cả một luật chơi, vần là cái cớ cho sáng tạo, là một điểm cho trước để vẽ muôn vàn mặt phẳng khác nhau trong không gian, là đòn bẩy cho liên tưởng: Ngày tàn/ có một anh nghệ sĩ nghèo/ ngồi gảy đàn/ lấy le/ với cô bé/ trèo cây me/ một hạnh phúc nhỏ bé/ chút may mắn nhỏ lẻ/ hôm đấy cô ấy thỏ thẻ/ “Vậy ngày tàn/ thì là tàn một ngày/ hay là ngày tàn của nhân thế?”/ tôi bảo là cả hai/ cứ mỗi lần ngày tàn/ một tận thế (Ngày tàn - DSK). Kẻ chơi vần có thể chỉ cần một vần “e” để gợi ra cả một khung cảnh, một kiếp người, một ngày tận thế. Một nghệ sĩ khéo tay là kẻ không bao giờ biến một luật chơi trở thành còng tay trói sự sáng tạo của y lại, không bao giờ vì muốn chơi đúng luật mà tùy tiện, dễ dãi. Một cô bé, một cây me, những niềm vui nhỏ lẻ, một tiếng lòng thỏ thẻ…, tất cả là cách gieo vần để thu nhỏ cả thế giới này lại chỉ vừa bằng khung cảnh buổi chiều tàn kia. Mỗi vần “e” là một lần khung cảnh đó, hai con người đó, cuộc trò chuyện đó tiến gần đến với người nghe, để thầm thì một lời vào phút giây cuối cùng trước khi ngày tàn. Những khả năng mà “vần” có thể tạo ra luôn là những điều gây ngạc nhiên. Một cây me bất ngờ xuất hiện giữa tay nghệ sĩ nghèo chơi đàn và cô bé trong chiều tàn được cấu tứ lại từ những câu hát của Trần Tiến: Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi/ Ngoài kia có chú bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe/ Đàn tôi hát câu gì mà sao cô bé cười ngộ ghê/ Đàn tôi hát câu gì mà sao chú bé ngồi mơ màng/ Hạnh phúc quá đơn sơ, đời tôi đâu có ngờ/ Từng đêm cô bé chờ như chờ từng giấc mơ (Mặt trời bé con). Thứ hạnh phúc đơn sơ phải chăng cũng chính là vần “e” được gieo ở hai tiếng “nhỏ lẻ” kia. Gieo vần “e”, chẳng có gì là dễ dàng.

Rap, chẳng bao giờ là dễ dàng. Thơ, chẳng bao giờ là dễ dàng. Rap hay thơ đều chung nhau ở một nỗ lực tìm kiếm và kiến giải bằng ngôn từ, nhịp điệu những dòng chảy suy tư vừa lắt léo vừa mịt mờ trong sương. Rap có thể được coi là thơ không, tôi cũng không chắc, chỉ biết rằng, nhờ có rap mà thơ có thêm một cơ hội, ngôn từ có thêm một cơ hội để chuyên chở giùm loài người những điệu sống ở tận sâu bên trong:

Thế giới đã quên đi bọn nó,

những kẻ phiến loạn, ngang tàng

Ngọn đồi u sầu

Nơi những linh hồn

không cam thường hay lảng vảng

vẫn lang thang

Đó là, đó là nơi bình minh không

có tiếng chim hót kêu líu lo

Gà không gáy

Biển sương dường như,

là không đáy…

(Ngày tàn - DSK)

V.K.C

-------

1. DSK là một rapper của Việt Nam. Anh được cộng đồng underground xem như huyền thoại, vị vua không ngai, không vương miện, anh cả của nền rap Việt.