Thứ Sáu, 05/07/2019 17:33

Ra mắt tiểu thuyết về nguyên mẫu tướng Nguyễn Huy Hiệu

Sáng ngày 5/7/2019, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt, giới thiệu cuốn tiểu thuyết lịch sử - tư liệu Vị tướng thành Nam của tác giả Dương Thiên Lý. (VĂN THƯ)

Sáng ngày 5/7/2019, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện ra mắt, giới thiệu cuốn tiểu thuyết lịch sử - tư liệu Vị tướng thành Nam của tác giả Dương Thiên Lý.

Sự kiện diễn ra tại trụ sở Hội liên hiệp VHNT Hà Nội (19 Hàng Buồm, Hà Nội)

Tính đến năm 2019, nhà văn Dương Thiên Lý đã sở hữu 16 tác phẩm (6 tập thơ, 3 tập truyện và kí, 7 tiểu thuyết). Trong số 7 tiểu thuyết thì có đến 5 cuốn khai thác đề tài chiến tranh và người lính: Đất mạ anh hùng, Điểu Ông - huyền thoại một anh hùng, Người trên đảo vắng, Người họ Dương Vị tướng thành Nam.

Với Vị tướng thành Nam (Nxb Hội Nhà văn, 2019), có thể nói, Dương Thiên Lý đã góp thêm vào bộ sưu tập “chuyện về người anh hùng” trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam một cuốn tiểu thuyết ấn tượng - tiểu thuyết về nguyên mẫu nhân vật thượng tướng, tiến sĩ, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.

Dương Thiên Lý đã dành hẳn 95 trang (chiếm một phần ba tổng số trang) để viết về thời niên thiếu của Nguyễn Huy Hiệu ở thôn quê. Hai phần ba số trang còn lại, tác giả đầu tư viết về cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Huy Hiệu trong vòng 10 năm (1965-1975) - từ ngày xếp bút nghiên lên đường tòng quân cứu nước đến thời khắc lịch sử “11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 lá cờ chiến thắng của quân đội ta được kéo lên ở dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều nơi khác trong thành phố Sài Gòn - Gia Định”. Trong khoảng 200 trang cuối này của cuốn tiểu thuyết, ngòi bút của tác giả tập trung vào một số “điểm nhấn” quan trọng của nghiệp binh đao Nguyễn Huy Hiệu: Vượt sông Bến Hải, Giáp mặt quân viễn chinh đến từ bên kia bán cầu, Từ tọa độ lửa Hồ Khê đến địa đạo Vnh Mốc, Trắng đêm nghĩ cứu phong trào, Vây ép căn cứ Cồn Tiên, Đập tan chiến thuật Trâu Rừng, Tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Cắt đường tiếp tế Khe Sanh, Cuộc hành quân thần tốc quyết thắng, Ngọn đèn dầu trong đêm 29 tháng 4 và tấm bản đồ chiến lược, Tiến đánh quận l Lái Thiêu, Đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, Tiến vào Gò Vấp. Để cho giãn nở không gian lịch sử mà không làm mất đi không gian riêng tư trữ tình, tác giả khéo léo đan cài những “thiên” rất cụ thể, sinh động về đời tư Nguyễn Huy Hiệu: Từ chiến trường Quảng Trị ra Hà Nội học để trở thành thầy giáo, Trái tim người anh hùng 26 tuổi rung động bởi một sinh viên y khoa.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng phát biểu: Tác giả Dương Thiên Lý không viết cuốn sách theo lối sử biên niên, ôm trùm tư liệu, vì nếu như thế thì tác phẩm có nguy cơ bị tư liệu hóa, trong khi nó chính danh là tiểu thuyết. Khoảng 200 trang cuối sách là những thước phim quay chậm tái hiện chặng đường 10 năm của Nguyễn Huy Hiệu từ ngày đầu nhập ngũ đến giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn và miền Nam. Những “thiên” đời tư có thể xem là những nốt trầm trong bản giao hưởng chiến tranh đầy âm hường sử thi và trữ tình, hiện thực và lãng mạn. Những nốt trầm này khiến cho cách viết của tác giả phối kết hợp được hai yếu tố hướng ngoại và hướng nội, sự kiện lịch sử và tâm lí, bề rộng và chiều sâu, vĩ mô và vi mô. Cuốn tiểu thuyết này cho thấy sự khéo léo của tác giả trong giải quyết mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật, cũng như sự công phu và nghiêm túc của nhà văn trong việc sưu tầm tài liệu, xử lí tài liệu theo cách của văn chương chứ không phải theo cách của sử học. Tác phẩm không chỉ viết về một cá nhân mà còn là viết về một tập thể sĩ quan, chiến sĩ tham gia chiến đấu, về dòng tộc, về người thân ruột thịt, về bè bạn của vị tướng. Tính chân thực và tính giản dị chính là đặc điểm phong cách văn chương Dương Thiên Lý. Hiện lên trung tâm tác phẩm là con người - người lính - vị tướng - nhà khoa học quân sự tài năng - người chồng lí tưởng - người đồng chí, người bạn đáng tin cậy...

Một số bạn văn của tác giả tại sự kiện

Nhà văn Dương Thiên Lý chia sẻ: Tôi không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng cầm bút viết về tướng Nguyễn Huy Hiệu. Thêm nữa, Vị tướng thành Nam cũng không phải là cuốn sách duy nhất tôi viết về nhân vật yêu mến của mình. Viết về nhân vật có thật đang ở cạnh chúng ta là một thách thức với nhà văn. Đã đành tiểu thuyết bản thân nó là “một câu chuyện bịa như thật”, nhưng “bịa” như thế nào để thuyết phục và dẫn dụ bạn đọc đi cùng người viết hết chiều dài tác phẩm lại là một khó khăn không dễ vượt qua. Tác phẩm này với tôi là cả một công trình lao động miệt mài, say mê, đầy cảm hứng sáng tạo. Trong tương lai, rất có thể nhân vật tướng Nguyễn Huy Hiệu còn hiện diện trong tác phẩm của tôi dưới những hình thức thể loại khác.

VĂN THƯ