Chủ Nhật, 30/06/2019 11:50

Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX

Các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố này đã đóng vai trò then chốt làm nên sự thay đổi văn học Việt Nam bởi một số lượng lớn các trí thức và văn nhân Việt Nam bấy giờ đã trưởng thành trong môi trường Tây học.

 Văn học Việt Nam trước thế kỉ XX nằm trong quỹ đạo văn học trung đại phương Đông thuộc hệ hình tiền hiện đại. Khi tiếp xúc với phương Tây, qua trường hợp nước Pháp, văn học Việt Nam bắt đầu quá trình hiện đại hoá theo quy luật phát triển của văn học thế giới lấy mẫu hình châu Âu.

Chiều 29/6 tại Hà Nội, GS.TS Trần Ngọc Vương đã có buổi nói chuyện chủ đề: “Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX trong sự tiếp biến với văn học nghệ thuật Pháp”.

Không gian buổi trò chuyện chủ đề: “Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX trong sự tiếp biến với văn học nghệ thuật Pháp”.

Theo đó, ba mươi năm đầu thế kỉ XX được coi là giai đoạn giao thời, mở màn cho một nền văn học Việt Nam hiện đại thông qua sự tiếp biến với văn học Pháp. Quá trình hiện đại hoá này cũng là quá trình dân tộc hoá của nền văn học Việt Nam. Từ đây, văn học Việt Nam bắt đầu chuyển đổi sang hệ hình hiện đại với quan niệm mới về văn học, nhà văn, và công chúng, với sự ra đời những thể loại mới của thơ, tiểu thuyết, kịch nói, phê bình.

GS.TS Trần Ngọc Vương cho rằng, với sự thay đổi này, văn học Việt Nam đã có một diện mạo mới, mĩ cảm mới. Sự đổi mới, hiện đại hóa văn học bắt đầu ở miền Nam rất sớm. Tuy nhiên, để hiểu biết về những tác phẩm, tác giả xuất hiện trong thời kì đầu tiên của quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam thì cần phải có những nghiên cứu nghiêm ngắn, thận trọng, khách quan. Trong nhiều năm qua, với những nghiên cứu mới cùng sự nhìn lại, đã có những kết luận “khác” so với những gì mà lâu nay chúng ta vẫn nghĩ về thời kì đầu của quá trình Pháp hóa nền văn học.

Theo đó, về văn xuôi, tác phẩm đầu tiên được viết theo lối hiện đại ở Việt Nam chính là Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản được xuất bản vào năm 1887. Truyện tuy ngắn nhưng có cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết Tây phương, và có chủ đề tâm lí nội tâm, là bước đột phá ra khỏi khuôn cấu trúc của truyện xưa.

Tiếp đến phải kể đến vai trò của văn học dịch. Văn học dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt đã nắm giữ vị trí quan trọng với giới trí thức, văn nhân Việt Nam. Chính từ sự ảnh hưởng ấy, các nhà văn Việt Nam đã thấm nhuần cái hay, cái đẹp của văn chương hiện đại phương Tây trước khi bắt tay vào viết các tác phẩm theo xu hướng ấy.

Về thơ, lâu nay vẫn có quan niệm, tác phẩm Tình già của Phan Khôi in trên Phụ nữ Tân văn năm 1932 là dấu mốc của Thơ mới. Tuy nhiên, vào năm 1927, tác giả Lê Khánh Đồng đã xuất bản tập thơ Buông, với lối viết độc đáo và ấn tượng. Ông cũng được đương thời biết đến bởi sự sôi nổi tham gia sáng tác theo hướng đổi mới và cũng được Hoài Thanh - Hoài Chân nhắc đến trong Thi nhân Việt Nam.

Về kịch, ở Việt Nam chỉ có kịch hát, cho đến năm 1921 tác phẩm Chén thuốc độc của Vũ Đình Long ra đời. Đây được coi là tác phẩm khai phá của nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam.

Bên cạnh những sáng tác mang nhiều đổi mới thì văn học Việt Nam đã xuất hiện những cây bút lí luận phê bình như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh... Nhưng tác phẩm đánh dấu sự xuất hiện của lí luận phê bình bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam là Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn năm 1933.

Bìa 1 của Nam Phong tạp chí số ra đầu tiên năm 1917

Báo chí đầu thế kỉ XX cũng đóng góp vai trò lớn cho quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Phải kể đến Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh trong những năm 1913-1917, Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh trong những năm 1917-1933. Đây là hai tạp chí đã in nhiều tác phẩm dịch thuật, quảng bá văn học Pháp sang Việt Nam.

Ảnh hưởng sâu rộng nhất đến nền văn học Việt Nam thời kì đầu thế kì XX phải kể đến nền văn chương được dạy trong nhà trường. Các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố này đã đóng vai trò then chốt làm nên sự thay đổi văn học Việt Nam bởi một số lượng lớn các trí thức và văn nhân Việt Nam bấy giờ đã trưởng thành trong môi trường Tây học.

Trên đây là những yếu tố được xem là tiền đề của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX trong sự tiếp biến với văn học nghệ thuật Pháp. GS.TS Trần Ngọc Vương cũng nhấn mạnh: Cần gạt bỏ những định kiến bắt nguồn từ thái độ chống thực dân Pháp trong thời kì đấu tranh giành độc lập cho dân tộc của giới trí thức, văn nghệ sĩ thời kì đó để có một cái nhìn mới giúp chúng ta hiểu cái gì đã tạo ra sự thay đổi; hiểu đúng để không ngộ nhận về mình, để bước tiếp trên con đường hội nhập với văn hóa toàn cầu.

HOÀI PHƯƠNG